Ý nghĩa dược lý trầu cau – VnExpress Sức khỏe

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, tục ăn trầu cau từ xa xưa là một nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt, trở thành một nếp sống đẹp. Tết đến xuân về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng.

Miếng trầu chỉ là một món nhai chơi nhưng lại nhiều ý nghĩa.

Cây trầu, quả cau

Cây trầu họ Hồ tiêu, lá có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm, tác dụng hoạt khí, tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm và sát trùng. Trong cuốn “Món ăn bài thuốc” của bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, người ta dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi. Cách dùng như sau: hơ nóng lá trầu rồi đắp lên rốn hoặc vào các huyệt khí rồi dùng nhang hơ nóng phía trên. Việc hơ nóng có mục đích làm thuốc chất ngấm qua da vào phần trong để hành khí hoạt huyết.

Có người dùng lá trầu để đánh gió, trị cảm mạo. Cách dùng như sau: vò nát lá trầu, bọc vào trong miếng vải, nhúng nước sôi, đánh gió ở hai bên sống lưng (bàng quang kinh) với mục đích thông khí, đuổi tà khí. Cách này áp dụng cho trẻ em rất tốt vì da trẻ còn mỏng, không nên cạo gió.

Người ta còn dùng lá vò nát đắp quanh mụn nhọt, hoặc nấu nước tắm trị rôm sảy, ghẻ ngứa. Ngậm nước lá trầu trong miệng để trị bệnh viêm nha chu. Lá có các chất polyphenol kháng khuẩn, diệt được các khuẩn tụ cầu, trực trùng coli…

Trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ảnh: Flickr

Trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ảnh: Flickr

Đi liền với lá trầu không thể thiếu quả cau. Quả cau còn được gọi là bình lang, vị chát, hơi cay, tính ấm, đi vào các kinh tỳ vị, đại và tiểu trường. Quả cau có tính hạ khí, hành thủy, tác dụng sát trùng. Vỏ lợi tiểu. Hạt trị giun sán, bụng đầy chướng, tả lỵ. Trong quả cau còn có nhiều tanin và một alcaloit là arecolin. Hạt cau làm liệt thần kinh giun sán, giun sán không còn bám víu vào thành ruột được và dễ bị đẩy ra ngoài, dùng phối hợp với các thuốc khác.

Vôi ăn trầu

Vôi ăn trầu là vôi tôi để lâu. Calci hydronxyd hút CO2 để thành CaCO3 – vôi ăn trầu là hỗn hợp Ca(OH)2 và CaCO3, cho nên người rành ăn trầu không ăn vôi mới. Khi ăn trầu, dùng nhiều vôi có thể bị phỏng niêm mạc.

Phối hợp ba loại “trầu, cau, vôi” tạo thành một bài thuốc nhiều tính chất trị liệu, cũng như tạo ra nhiều hiện tượng hóa học và dược lý. Nhai nát lá trầu với cau rồi cho thêm một chút vôi tôi khiến miếng trầu có màu đỏ máu. Arecolin của hạt cau có tính kích thích tuyến nước bọt. Vì thế khi ăn trầu, phải luôn có ống nhổ kề bên để nhổ nước trầu, nếu khạc nhổ bừa bãi sẽ gây mất vệ sinh.

Arecolin của hạt có tác dụng làm chậm nhịp tim, tuy nhiên tính chất này bị triệt tiêu khi có muối vôi (Calci), do đó ăn trầu không sợ bị xáo trộn về nhịp tim. Đây cũng là một điều đáng ngạc nhiên khi ngày xưa, chưa ai biết làm thí nghiệm dược lý, chưa ai biết chất vôi ức chế tác dụng Arecolin thế nào.

Miếng trầu từ lâu được biết đến công dụng bảo vệ hàm răng bởi lá trầu có tính chất sát trùng. Chất chát làm cho nướu răng co lại, ôm sát chân răng giúp hàm răng cứng, không bị lung lay. Tính sát trùng của lá trầu làm cho chân răng không bị sưng. Nhai trầu cũng là một tác động luyện tập hàm răng, cũng như người châu Âu nhai kẹo cao su. Đây là một phương pháp vật lý trị liệu rất hay.

Ăn trầu có thể ngừa nhiều bệnh, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề. Bã trầu và miếng trầu dính kẽ răng làm mất thẩm mỹ. Nước trầu nồng và chát, làm cho vị giác hết tinh vi, không nhận biết được các vị khác, môi khô. Vì vậy, sau khi ăn trầu nên đánh răng súc miệng.

Thúy Quỳnh