Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán Chay, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số. Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc. Cùng điểm qua những nét đặc sắc của một số trang phục dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trang phục của người dân tộc Tày có màu trầm và giản dị. Nhìn chung, người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm nên trang phục của họ màu chủ đạo là màu chàm, phụ nữ thường chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc.
Dân tộc Dao có nhiều nhóm, mỗi nhóm có một kiểu trang phục khác nhau, thậm chí cùng một nhóm trong cùng một tỉnh nhưng giữa các huyện, các xã cũng có trang phục truyền thống khác nhau, hoặc họa tiết hoa văn giống nhau nhưng lại khác về màu vải, màu chỉ. Trang phục truyền thống và trang phục nghi lễ của dân tộc Dao rất đa dạng, bao gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ đội đầu được làm ra từ bàn tay chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ. Nguyên liệu chính để dệt vải của trang phục dân tộc Dao là từ cây bông, nhuộm bằng cây chàm cắt khâu may thành trang phục với sự thêu thùa, trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo mang sắc thái của vẻ đẹp tự nhiên như: Hoa rừng, thế núi, hình sông. Trang phục dân tộc Dao trở nên độc đáo hơn bởi có sự điểm tô của trang sức như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, nhẫn, xà tích… được làm từ nguyên liệu bạc rất cầu kỳ góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Để sáng tạo nên những hoa văn đẹp mắt, họ dùng dụng cụ vẽ để tạo hoa văn, tỉa tót hoa lá hoặc vẽ hình các con vật, hình tròn, hình vuông…
Trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông luôn sặc sỡ hơn. Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay, váy, yếm được thêu bằng tay. Bộ trang phục được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Chính bởi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn may, thêu từng chi tiết của trang phục nên hiện nay, dù có một số công đoạn được may (thay vì khâu tay như trước) thì để làm một bộ trang phục nữ của người Mông cũng mất khá nhiều thời gian. Riêng may phần thô thì một bộ quần áo đã mất 2 – 3 ngày, còn phần thêu thì 2 tuần. Bộ nào cầu kỳ cũng phải mất đến hàng tháng mới hoàn thành.
Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác. Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành bản giao hưởng hoàn chỉnh cho nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.
Còn đối với trang phục của người Sán Chỉ, không có những đường nét thêu thùa sặc sỡ, người phụ nữ Sán Chỉ luôn mặc váy chàm dài ngang cổ chân, áo đi theo cặp: Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc nhưng thường là áo sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ, chiều dài áo ngang cùng với váy. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, người phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các phụ kiện như: Đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Vào những ngày lễ, tết mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 – 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình.
Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng; Quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.
Có thể thấy, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán riêng đi cùng với đó là những trang phục mang dấu ấn, hơi thở và là linh hồn của dân tộc. Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2019tổ chức tại Khu du lịch Ba Bể tới đây, du khách gần xa sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những trang phục truyền thống nguyên bản do các địa phương mang đến chương trình. Trong đó, huyện Pác Nặm sẽ mang đến phần trình diễn trang phục dân tộc Mông, Sán Chỉ; Huyện Ngân Sơn trình diễn trang phục dân tộc Dao tiền; Huyện Bạch Thông trình diễn trang phục dân tộc Tày, huyện Chợ Đồn trình diễn trang phục dân tộc Dao đỏ… Tất cả hứa hẹn tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển./.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!