Nghề ngoại giao là gì? Làm thế nào để trở thành cán bộ ngoại giao? – TopCV Blog

Nhắc đến “ngoại giao” có lẽ không ít người hình dung về hình ảnh những con người ăn mặc đẹp đẽ, lên xuống ô tô, bước vào tòa nhà tráng lệ và gặp gỡ các nhân vật tầm cỡ. Nhưng điều đó liệu có đúng? Để hiểu rõ hơn về ngành này, hãy cùng đến với những chia sẻ của Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân trong cuốn sách“Người Trong Muôn Nghề: Ngành Xã Hội & Nhân Văn có gì?” để khám phá nghề nghiệp của một cán bộ ngoại giao nhé!

Ngoại Giao là gì?

Theo nghĩa hẹp, ngoại giao là đàm phán. Còn theo nghĩa rộng, ngoại giao là hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, là một trong các công cụ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính sách đối ngoại của quốc gia dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc và luật pháp quốc tế.

Cụ thể, ngoại giao mang tính giai cấp và dân tộc sâu sắc, ra đời cùng Nhà nước:

– Ngoại giao là hoạt động chính thức của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, các cơ quan đối ngoại ở Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đoàn đại biểu tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế, khu vực, nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính sách đối ngoại của quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, pháp nhân và công dân mình ở nước ngoài.

– Lĩnh vực này cũng là nghề nghiệp của các cán bộ ngoại giao.

– Đồng thời, ngoại giao là khoa học và nghệ thuật, trước hết là nghệ thuật đàm phán.

Làm thế nào để trở thành một nhà ngoại giao?

Hiện nay, muốn trở thành cán bộ ngoại giao, bạn phải tham gia thi tuyển công chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

– Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

– Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

– Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;

– Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Thi tuyển để trở thành một nhà ngoại giao chia ra 2 vòng và 3 chuyên ngành: Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế và Kinh tế quốc tế. Ngoại ngữ thường là các ngoại ngữ phổ thông như Anh, Pháp, Trung Quốc,…

– Vòng 1: Thi trắc nghiệm Kiến thức chung, Tin học văn phòng, Ngoại ngữ (điều kiện).

– Vòng 2 gồm 2 phần:

+ Phần 1 – Thi viết: 1 bài thi viết 180 phút về kiến thức chuyên ngành và 1 bài thi 180 phút ngoại ngữ chuyên ngành đối ngoại

+ Phần 2 – Phỏng vấn: Bốc thăm chuẩn bị phỏng vấn 15 phút, có 2 câu hỏi chính về chuyên ngành, 1 câu bằng tiếng Việt và 1 câu bằng tiếng dự thi. Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn, giám khảo hỏi thêm liên quan đến các câu hỏi bốc thăm hoặc những câu hỏi khác về xử lý tình huống trong công việc,… Trung bình mỗi thí sinh trả lời trong vòng 30 phút.

Kết quả của cuộc thi tuyển là tổng điểm của 2 phần trong vòng này và lấy tổng điểm từ cao xuống thấp.

Khác với thế trước, các bạn trẻ hiện nay có nhiều cơ hội và đa dạng lựa chọn việc làm hơn khi ở trong ngành ngoại giao. Hiện tại, không chỉ có Bộ Ngoại giao làm ngoại giao mà các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp,… cũng làm ngoại giao. Do đó, cơ hội việc làm cũng rộng mở. Ngoài Bộ Ngoại giao, sinh viên tốt nghiệp Học viện Ngoại giao có thể xin việc tại Ban Đối Ngoại Trung ương, Vụ đối ngoại Văn phòng Quốc hội, các cơ quan đối ngoại của các ban, bộ, ngành, các cơ quan ngoại vụ địa phương.

Mức lương trong ngành ngoại giao

Ngành ngoại giao có mức thu nhập áp dụng công thức: “Mức lương hiện hưởng = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng.” Mức lương cơ sở theo Nhà nước quy định trong năm 2020 – 2021 là 1.490.000 đồng.

Sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào nghề ngoại giao ở trong nước là chuyên viên bậc 1/9, hệ số lương (HSL) 2,34. Mỗi bậc là 3 năm thì bình thường trải qua 24 năm mới đạt chuyên viên 9, HSL 4,98.

Cán bộ ngoại giao Việt Nam chưa có lương ở nước ngoài, chỉ hưởng sinh hoạt phí. Khi cử đi công tác tại các cơ quan đại diện, cán bộ ngoại giao được để lại 40% lương chính ở trong nước và hưởng sinh hoạt phí ở nước ngoài. Hiện nay theo quy định của Bộ Tài chính: Mức sinh hoạt phí cơ bản là 650 USD = 100%. Chỉ số sinh hoạt phí hoàn toàn phụ thuộc hệ số lương.

Ngoài sinh hoạt phí, cán bộ ngoại giao có bảo hiểm y tế, được vé đi về do Nhà nước đài thọ một lần. (một lần sang nhận công tác và một lần sau khi kết thúc nhiệm công tác về nước)

Trên đây là những thông tin cơ về ngành Ngoại Giao và những yếu tố cần thiết để trở thành một cán bộ ngoại giao Việt Nam. Nếu muốn tìm hiểu kỹ càng hơn về ngành nghề này cũng như các công việc khác trong khối ngành Xã Hội Nhân Văn, các bạn có thể khám phá cuốn sách Người Trong Muôn Nghề: Ngành Xã Hội & Nhân Văn có gì? TẠI ĐÂY.