Mùng 3 Tết nên làm gì và kiêng gì để may mắn cả năm? – TravelMag

Người Việt chúng ta thường có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” để nhắc nhở về truyền thống tôn sự trọng đạo. Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ, thế nhưng công lao dạy dỗ thành người lại thuộc về người thầy.

Mùng 3 Tết là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may. Ngoài việc thăm hỏi thầy cô thì mùng 3 Tết nên làm gì và kiêng gì để có 3 ngày trong năm gặp nhiều may mắn?

I. Mùng 3 nên làm gì?

1. Làm lễ hoá vàng

Thông thường ngày mùng 3 là ngày các gia đình thực hiện lễ hoá vàng, lễ tại gia tiên và chư vị thần phật. Tuỳ theo từng vùng miền với mỗi tục lệ khác nhau thế nhưng thông thường nhất sẽ là ngày mùng 3. Theo phong tục, ngày 30 Tết, mùng 1 và mùng 2 con cháu sẽ làm cơm cúng gia tiên, đến mùng 3 thì sẽ làm lễ tiễn các cụ.

mung 3

Mâm lễ cúng theo lệ thường sẽ bao gồm: hương, vàng mã, hoa, trầu cau, rượu, đèn hoặc nến, lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn đặc trưng ngày Tết như thịt gà, bánh chưng, dưa hành, miến, giò lụa… Sắp lễ đặt lên ban thờ xong xuôi thì kính cẩn đứng trước ban thờ đọc bài văn khấn lễ tạ năm mới, sau đó thắp hương.

Sau khi hương cháy hết thì hạ lễ, và mang các đồ vàng mã ra hóa (đốt). Tiền vàng hóa trước, sau đó đến các đồ dùng như quần áo, mũ mão. Vì vậy mới gọi là lễ hóa vàng.

2. Mặc quần áo có màu sắc hợp tuổi

Những ngày đầu năm mới, người ta thường kiêng kị những bộ trang phục không hợp tuổi, hợp mệnh. Hầu hết mọi người đều lựa chọn màu sắc tươi tắn, hợp tuổi của mình để mấy may trong dịp Tết.

mung 3-1

Vì vậy, lựa chọn trang phục có màu sắc rực rỡ và hợp tuổi là một trong những việc nên làm trong ngày mùng 3 Tết. Tuy nhiên, ngoài những màu sắc hợp tuổi mà chúng tôi khuyến khích bạn nên mặc thì bạn có thể chọn màu đỏ, hồng, vàng, cam, những màu sắc tươi tắn sặc sỡ, đặc biệt là màu đỏ vì trong quan niệm của người Việt thì màu đỏ được xem là màu tuyệt nhất vì nó đại diện cho sự may mắn, sung túc.

3. Đi lễ chùa

Một trong những phong tục đầu xuân năm mới của người Việt chính là đi lễ chùa cầu may. Với nhiều gia đình, sau ngày mùng 1 và mùng 2 đi chúc Tết hai bên nội ngoại, họ sẽ dành ngày mùng 3 để đi lễ chùa cầu may với mong muốn một năm mới hạnh phúc, vui vẻ và tươi sắc hơn.

mung 3-2

Lưu ý mùng 3 Tết đi lễ Phật để mong cầu nhận được sự chở che, bảo vệ và phù hộ của chư vị Bồ Tát, xin cho một năm may mắn, bình an, chứ không xin tài lộc tình duyên. Việc cầu cúng xin tài lộc, tình duyên, làm ăn buôn bán thì nên cầu cúng tại đình, đền, miếu, phủ… nơi thờ các vị Thánh Thần độ cho dân chúng an cư lạc nghiệp.

II. Nên kiêng kị gì?

1. Không nên quét rác, đổ rác

Rất nhiều người Việt đều biết đến tục lệ này. Với nhiều người trong 3 ngày Tết (mùng 1, mùng 2, mùng 3) họ đều không đụng tới chổi, lau nhà và đổ rác. Nếu có rác thì dồn vào một chỗ và không được hất ra bên ngoài.

mung3

Người xưa quan niệm đây là hành động tự đem tiền tài trong nhà đổ ra ngoài đường, vì thế mà một năm mới sẽ sống trong thiếu thốn, chẳng thể làm ăn tấn tới. Chính vì vậy mà trước khi thời khắc giao thừa đến, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, lau chùi vật dụng, đồ đạc tươm tấc, sạch sẽ để 3 ngày Tết không quét dọn gì thêm. Nhiều gia đình còn kỹ lưỡng đến nỗi mang chổi, dẻ lau nhà giấu kín, trừ trường hợp ai không biết mà dùng đến.

2. Không nên ăn những món ăn không may mắn

Ngày đầu năm, theo quan niệm dân gian người Việt không nên ăn những món như: Thịt vịt, cá mè, thịt chó, vịt lộn, mực, chuối tiêu vì đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm.

Lời khuyên cho mọi người đó là mấy ngày đầu năm nên chọn những món ăn thanh đạm, ăn nhiều thực phẩm chay và ít ăn thịt động vật để cầu cho cả năm may mắn và an lành!