Hoa nhãn có các loại

Nhiều người biết thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên, loại quả được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được công nhận chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”.

Nhưng chưa nhiều người biết, cây nhãn ở Hưng Yên không chỉ cho quả thơm ngon nức tiếng, mà hoa nhãn còn góp phần làm nên thương hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ “Mật ong hoa nhãn”.

Cây nhãn có mặt hầu như khắp trong cả nước, là loại cây quen thuộc, hầu như tỉnh nào cũng có cây nhãn, thế nhưng không ở đâu nhãn thơm ngon như ở xứ nhãn lồng.

Tháng ba hàng năm là dịp những cây nhãn bung nở các chùm hoa vàng như nắng sớm, mong manh, dịu dàng khoe sắc. Trong tiết trời vẫn se lạnh, bầu trời chưa trong xanh, không gian hơi ẩm ướt, những chùm hoa nhãn rung rinh như nắng đậu đầu cành, những vườn nhãn như bừng lên từ đất hơi ấm và ánh sáng, như thảm vàng nổi bật trên nền lá xanh và trời xám, sáng rỡ cả một vùng. Lúc ấy, quê hương thân thương như tỏa ra vẻ đẹp diệu kì khiến tâm hồn như lạc vào miền cổ tích lạ lẫm mà quen thuộc, dù tháng ba nào cũng gọi về những mùa hoa nhãn.

Tháng ba, hoa nhãn mọc thành chùm, cánh hoa nhỏ li ti, mỏng manh, chi chít trên cây, mỗi chùm giống như ngọn tháp nhỏ kiêu hãnh vươn lên và tỏa hương thơm cho đến lúc trở thành quả mọng ngọt ngào thì thầm lặng trĩu xuống, làm người ta không khỏi liên tưởng đến triết lý “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”… Hương hoa nhãn không ngạt ngào như hoa bưởi, hoa chanh, không thanh nhẹ như hoa cau, hay nồng nàn như hoa ngâu trước ngõ, hoa nhãn tỏa hương thơm dịu ngọt hiếm có. Bởi vậy, những giọt mật từ hoa nhãn mới có vị hấp dẫn, độc đáo và quyến rũ như thế chăng? Mùa hoa nhãn cũng là mùa vui rộn ràng đón những giọt mật ngọt lành, làm nên thương hiệu mật ong hoa nhãn.

Dạo bước dưới rặng nhãn cổ bên triền đê tháng ba cỏ xanh non ngọt ngào, tôi chợt nghĩ hẳn ngót trăm năm trước, khi cây nhãn trồng ở đây mới bén rễ, xanh cành, khi rặng nhãn trổ lứa hoa đầu tiên, cư dân Phố Hiến ngày đó hồi hộp chờ cây bói quả có lẽ không đoan chắc nó sẽ thơm danh là nhãn tiến vua. Trong cuộc đời, những điều tốt đẹp đôi khi đến có vẻ như ngẫu nhiên và sẽ càng trở nên tốt lành hơn, lan tỏa hơn khi tiếp tục được bồi đắp, gieo thêm những hạt giống thiện lành. Trên triền đê, tiếng ong bay rù rì vui vẻ lan trong không gian thoáng đãng. Dưới tán cây, hoa nhãn rụng vàng mặt cỏ là san sát những ngôi nhà xinh xinh của bầy ong mật được làm bằng gỗ, nơi những chú ong bé nhỏ cần mẫn đi gom mật từ hoa nhãn mang về.

Nhãn năm nay bắt đầu trổ hoa vào lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Giữa nỗi lo dịch bệnh có niềm hi vọng bội thu. Nhãn sai hoa hiếm có, giống như bùi ngùi, cố gắng bù đắp cho người xứ nhãn một vụ nhãn ấm no. Hứa hẹn là như thế!

Mùa nhãn chín về với Hưng Yên, sải bước trên hè phố và với tay lên tán nhãn rủ xuống như mời gọi là chạm tới chùm nhãn sai bện quả. Còn giờ đương tháng ba, lạc bước nơi đâu ở xứ nhãn cũng thấy hoa nhãn như trải thảm vàng, ngút ngàn những vườn hoa nhãn, đường hoa nhãn. Hoa nhãn có ở khắp các ngả đường, trải thảm vàng trong những khu vươn, rắc đầy trên lối đi, bình dị, thân thương. Có bao người con xa nhà chỉ nhìn thấy hoa nhãn thôi là đã rưng rưng nỗi nhớ? Như ngày xưa ai đó từng mơ, cùng người trong lòng sớm, chiều tản bộ dưới rặng nhãn, cùng hít thở hương thơm ngọt dịu, cùng mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, cùng tự hào về hương vị riêng có của quê nhà yêu thương… Sao lại không có lễ hội hoa nhãn nhỉ? Khách đường xa tiếc nuối nói với người quê nhãn khi ánh mắt mơ màng, say sưa, hào hứng nhìn ngắm trảm vàng hoa nhãn…

PV