1. Đền Nghè (Quận Lê Chân)
Đền Nghè tức An Biên cổ miếu toạ lạc ở phố Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng. Đền Nghè hiện nay được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, là di tích lịch sử cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1975.
Theo vietnamtourism.com, đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ 1 (40 – 43) – người đã đến vùng đất ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, tiền thân của TP. Hải Phòng ngày nay.
Ảnh: vietnamtourism.com
Đến thăm đền Nghè, ngoài việc tham quan quần thể kiến trúc độc đáo của đền, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm điêu khắc đá có giá trị, điển hình là khánh đá và sập đá. Khánh được làm từ một tấm đá nguyên khối dày 5cm, cao 1m, rộng 1,6m. Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và mây bay xung quanh; mặt sau khắc hình mây bay và sóng nước. Khi gõ, tiếng khánh đá ngân vang, trong trẻo, hướng ta tới cõi tâm linh huyền ảo, linh thiêng. Sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu thể hiện kỹ thuật chạm khắc vô cùng tinh xảo của các nghệ nhân xưa. Ngoài ra, ở đền còn lưu giữ tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của nữ tướng Lê Chân.
Ảnh: vietnamtourism.com
Cách đền Nghè khoảng hơn 100m về phía Tây Bắc là tượng đài nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, đặt tại vườn hoa trung tâm thành phố. Tượng được khởi công xây dựng vào tháng 11/1999 và khánh thành vào ngày 31/12/2000. Năm 1975, đền Nghè được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Ảnh: vietnamtourism.com
2. Chùa Dư Hàng (Quận Lê Chân)
Theo vietnamtourism.com, chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự) được xây dựng từ thời Tiền Lê (980-1009) theo kiến trúc cổ với tam quan, Phật điện, nhà Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà phương trượng, tăng xá. Cuối thời Vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khai sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225-1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập cũng đã có mối quan hệ với chùa. Vào các đời Vua Lê Gia Tông (năm 1672) và Vua Thành Thái nhà Nguyễn (năm 1899), chùa được trùng tu lại, bổ sung thêm gác chuông. Năm 1917, chùa được xây thêm thư các, vườn tượng, sửa sang vườn tháp và kiến trúc chùa được duy trì cho tới ngày nay.
Ảnh: vietnamtourism.com
Chùa Dư Hàng có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp. Qua tam quan chùa sẽ tới tòa Phật điện 7 gian với những hàng cột lim lớn đã ngả màu. Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thếp vàng rực rỡ. Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây, hộp hình khắc gỗ mô tả cảnh thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị với tạo hình chuẩn xác và kỹ thuật tinh xảo như: bộ Tam thế, tòa Cửu Long – Thích Ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ…
Ảnh: vietnamtourism.com
Chùa có một gác chuông 5 gian 3 tầng, mái đao cong vút, bên trong treo một quả chuông đồng cỡ lớn có đề chữ “Phúc Lâm tự chung” (chuông chùa Phúc Lâm). Từ gác chuông qua 1 cái sân rộng, bên phải là 5 gian nhà Tổ, nhà thọ trai, nhà ngang và bên trái là 5 gian nhà hậu sẽ tới tiền đường 7 gian dựng theo kiểu vì kèo giá chiêng. Ở sân trước tiền đường có đặt một đỉnh lớn bằng đồng hun. Năm gian thượng điện cũng được dựng bằng gỗ, có những vì kèo chạm trổ tinh tế.
Nằm phía bên phải tam quan, vườn tượng của chùa chính là một tuyệt tác nghệ thuật với 12 pho tượng được chạm khắc tinh xảo, bố trí đẹp mắt quanh một hồ nước rộng. Nổi bật nhất là tượng Phật Tổ màu vàng ngồi trên tòa sen dưới cây bồ đề cao lớn tỏa bóng mát và tượng Phật Di Lặc trong tư thế đang đứng được đặt đối diện nhau ở hai bên hồ. Cả hai pho tượng đều được đúc bằng đồng. Xung quanh hồ đặt tượng của 10 vị Tôn giả được tạc bằng đá trắng trong các tư thế và hình dáng khác nhau.
Ảnh: vietnamtourism.com
Khu vườn tháp của chùa bao gồm 11 tháp được xây bằng đá và gạch, là nơi đặt di thể của các vị sư tổ đã viên tịch tại chùa, các vị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nhiều vị hòa thượng đã từng trụ trì tại chùa. Hiện nay, chùa Dư Hàng còn lưu giữ nhiều di vật quí giá như: chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ thuật bằng gốm sứ, đá xanh và đặc biệt là bộ sách kinh Tràng A Hàm là tài liệu cổ về giáo lý đạo Phật được lưu truyền từ nhiều đời sư trụ trì.
3. Chùa Tháp Tường Long (Quận Đồ Sơn)
Chùa Tháp Tường Long là một ngôi chùa có từ thời nhà Lý (1010 – 1225), nằm trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, trên đỉnh núi Ngọc, thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ảnh: dulichvietnam.com.vn
Sau nhiều lần trung tu, sửa chữa, cụm chùa Tháp tọa lạc trên mặt bằng gần 2000 m2 ở đỉnh núi Ngọc, với 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà Tam bảo.
Đặc biệt, ở chùa có chuông nặng 1000 kg mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc. Phần móng của tháp Tường Long với kiến trúc 9 tầng cũng được hoàn thiện. Bên cạnh đó là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô cùng giá trị với các chi tiết, nguyên liệu, hoa văn làm từ gỗ, đá, ngói, gạch từ thời Lý.
Ảnh: dulichvietnam.com.vn
4. Chùa Đỏ (Quận Ngô Quyền)
Chùa Đỏ nằm ở ngõ 286 Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ngôi chùa cổ Linh Độ tự – tên thường gọi là chùa Đỏ đã được sửa chữa nhiều lần với quy mô ngày một mở mang. Theo bia ký của chùa hiện còn ghi việc sửa chữa lớn vào năm Đinh Dậu – Quý Mão (1717-1723) đời vua Lê Dụ Tông và trùng tu năm Tự Đức 32.
Ảnh: denchuanoitieng.com
Chùa Đỏ có kiến trúc độc đáo chưa từng có trong lịch sử kiến trúc chùa chiền Việt Nam: Kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái, mối liên hệ giữa Tiền đường – trung đường và hậu cung đã xử lý hai mái giao nhau, tạo ra sự hòa quyện giữa các khu, liên kết khéo léo các khu lại tạo ra hình khối liên kết nguy nga, hoành tráng.
5. Chùa Cao Linh (Huyện An Dương)
Chùa Cao Linh nằm ở phía Tây thành phố Hải Phòng, thuộc địa phận thôn Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Theo lịch sử ghi lại, chùa Cao Linh được dòng họ Lê Văn trong làng Hà Liên xây dựng vào năm nào không rõ, nhưng chỉ biết trong bia đá của chùa có ghi lại niên hiệu trùng tu vào đời Hậu Lê, cách chúng ta hiện nay khoảng chừng hơn 300 năm.
Ảnh: vietnamtourism.com
Khuôn viên Chùa Cao Linh hiện nay có diện tích 49.000m2. Trải qua nhiều năm tu sửa và xây dựng, chùa Cao Linh hiện là một trong những ngôi chùa đẹp bậc nhất tại Hải Phòng.
Ảnh: vietnamtourism.com
Với đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo, chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật trong khắp nội, ngoại thành phố, là điểm tham quan du lịch của các du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi .
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!