Grab và taxi, đi gì rẻ hơn?

Giá cước mới được Grab áp dụng từ 11h ngày 5/12, ngay sau khi Nghị định 126 về cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ có hiệu lực. Sau Grab, Gojek cũng tăng 8-10% giá cước dịch vụ xe ôm công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 12/12. Chỉ có Be chưa có động thái tăng giá cước.

Sau khi các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá cước để bù thuế VAT theo Nghị định 126, nhiều người dùng “ngả ngữa” vì mức giá tăng chóng mặt, cộng với đó là các khoản phụ phí “trên trời”.

Cước xe công nghệ đặt hơn taxi

Chị T.Uyên (quận 5, TP.HCM) kể, chiều 13/12, chị đặt xe từ nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh đến Công viên văn hóa Đầm Sen (Lạc Long Quân, quận 11) đưa các con đi chơi. Với đoạn đường dài khoảng 3,5km, giá GrabCar 4 chỗ hiển thị trên ứng dụng là 67.000 đồng, cộng thêm khoản phụ phí là hơn 70.000 đồng. Cùng lúc đó, giá của dịch vụ BeCar 4 chỗ và VATO Car 4 chỗ với quãng đường như trên lần lượt là 50.000 đồng và 55.000 đồng.

Thấy giá hiển trị trên các ứng dụng xe công nghệ quá cao, chị chuyển sang gọi taxi truyền thống . Khi đến nơi, giá hiển thị trên đồng hồ là 45.000 đồng.

Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ Grab và Gojek đều tăng giá cước để bù thuế VAT. Ảnh: Trương Kính Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ Grab và Gojek đều tăng giá cước để bù thuế VAT. Ảnh: Trương Kính

Chị Uyên thắc mắc, lâu nay xe công nghệ cạnh tranh được với taxi truyền thống một phần là nhờ vào giá cước rẻ, nhưng hiện tại lại có sự chênh lệch giá cao đến vậy, đặc biệt là ở Grab. Nếu tính theo mức cước phí mới mà Grab vừa thông báo thì giá dịch vụ cũng không đến nỗi “chém” như vậy.

Cụ thể, theo thông báo mà Grab đưa ra vào ngày 5/12, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ khu vực TP.HCM tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km. Giá cước cho 2km đầu với GrabCar 4 chỗ cũng tăng từ 25.000 lên 27.000 đồng. Theo cách tính này, với quãng đường khoảng 3,5km, mức giá chưa tới 42.000 đồng. Thậm chí, nếu cộng thêm thuế, phí dịch vụ thì cũng chưa tới 50.000 đồng.

So sánh với bảng giá taxi của hãng xe Mai Linh, giá taxi 4 chỗ là 5.000 đồng cho 0,3km đầu tiên. Kilomet thứ hai tính giá 18.600 đồng/km, từ 3-10km có giá 14.200 đồng, từ kilomet thứ 26 thì giá còn 12.400 đồng. Như vậy, với quãng đường khoảng 3,5km, giá taxi Mai Linh dao động từ 42.000-47.000 đồng. Trong khi đó, giá taxi 4 chỗ FUTA Car của Phương Trang cũng dao động từ 45.000-60.000 đồng.

Phụ phí “trên trời”

Ghi nhận từ một nhóm những người thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ, gần đây nhiều người dùng phản ánh có các khoản phụ phí “trên trời” do hãng tự đặt ra, làm giá cước tăng mạnh, đặc biệt là vào giờ cao điểm và ban đêm.

Chị T.Thanh (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ, cùng một quãng đường từ nhà đến công ty, một tháng chị sẽ đi xe công nghệ vài lần. Tuy nhiên, so với 1-2 năm trước, giá xe công nghệ càng ngày càng tăng, và mức tăng của mỗi lần cũng rất nhiều. Mọi người thường mặc định xe công nghệ rẻ và tiện lợi nhưng giờ đã không còn.

Vào giờ cao điểm hoặc thời tiết không thuận lợi, giá các dịch vụ xe công nghệ tăng vọt gấp 2-3 lần. Ảnh: Nhật Sang Vào giờ cao điểm hoặc thời tiết không thuận lợi, giá các dịch vụ xe công nghệ tăng vọt gấp 2-3 lần. Ảnh: Nhật Sang

Chị Thanh dùng cùng lúc 3 ứng dụng Grab, Be và Futa để linh hoạt so giá cước giữa các hãng. Tuy nhiên, gần đây, sự xuất hiện của các khoản phí như phí sử dụng nền tảng, phí trễ hẹn 5 phút, phí giờ cao điểm, phí cộng thêm vào ban đêm, phí bảo hiểm,… đã đẩy giá cước của mỗi cuốc xe Grab lên “trên trời”.

Mặt khác, các hãng xe đều nhập nhằng trong việc cộng thêm các khoản phí, và không thông báo cho người dùng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

“Nhiều lúc không hiểu tại sao ví điện tử lại bị trừ 10.000 đồng, theo quy định của Grab thì trễ 5 phút sẽ bị trừ nhưng rõ ràng đứng đúng điểm đón vẫn bị trừ. Hơn nữa, các khoản phụ phí kèm theo đều bị các hãng cộng dồn vào giá cước đặt xe mà không hề hiển thị trên màn hình”, chị Thanh giải bày.

Lý giải cho điều này, đại diện Grab cho biết, giá hiển thị cho mỗi cuốc xe trên ứng dụng được quy định bởi thuật toán do hãng tính toán. Tùy vào nhu cầu của người dùng và số lượng tài xế sẵn có tại thời điểm khách hàng đặt xe mà sẽ có giá cước khác nhau.

Cụ thể, khi nhu cầu đi lại tăng, đặc biệt là vào giờ cao điểm, trời mưa,… nhưng số lượng tài xế không đáp ứng đủ thì giá cước sẽ tăng cao hơn so với bình thường.

Tưởng rẻ hóa ra không

Một tài xế chạy xe công nghệ lâu năm tại TP.HCM nhận xét, lúc mới vào thị trường Việt Nam, giá cước xe công nghệ rất rẻ để thu hút người dùng, nhưng giờ các hãng đã có một lượng khách hàng nhất định nên không còn các chính sách ưu đãi như trước và giá cước cũng tăng cao.

Với những khách hàng đi từ 3km trở lên, Grab áp dụng mức giá 9.500 đồng/km. Nhìn thì có vẻ thấp vì mọi người thường bỏ qua khoản phí thời gian di chuyển là 350 đồng/phút sau 2km đầu tiên. Trên thực tế, nó có thể chiếm đến 30% tổng cước phí của chuyến đi, do đó đẩy giá cước lên cao hơn.

Đặc biệt, vào giờ cao điểm hoặc thời tiết không tốt, giá xe công nghệ tăng gấp 3-4 lần, bất chấp đơn giá mà hãng đặt ra.