Giỗ tổ Hùng Vương cúng gì: Những lễ vật ý nghĩa, không thể thiếu

Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Thượng

Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn hàng năm của người Việt. Trong ngày này, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà các hoạt động văn hóa, tâm linh còn được tổ chức ở khắp mọi nơi trên cả nước. Nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cúng vô cúng tươm tất để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng. Do vậy, câu hỏi “Giỗ tổ Hùng Vương cúng gì?” luôn được nhiều người quan tâm.

Tương truyền vào thời nhà Nguyễn, lễ vật trong nghi thức tế lễ Hùng Vương gồm có heo, bò và dê. Trên tấm bia đá tại đền Thượng (Khu di tích lịch sử đền Hùng) cũng đề cập đến những lễ vật tương tự. Về sau, việc dâng lễ được cải biên một phần nhưng cơ bản vẫn giữ được ý nghĩa chung của lễ vật dâng cúng trong mùng 10/3 Âm lịch.

Theo hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương cần phải có:

– 18 cái bánh dày

– 18 cái bánh chưng

– Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả

Ảnh: Tạp chí Sông Hương

Trong đó, con số 18 đại diện cho 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước. Theo quan niệm dân gian, hai loại bánh trên tuy đơn giản nhưng ẩn chứa ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Cụ thể, bánh dày có hình tròn, thuộc hệ dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, có thể giãn nở mọi phía, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân. Trong khi đó, bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, có góc cạnh, hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất đai, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh đãi vỏ. Sự đối lập giữa âm và dương, trời và đất, vuông và tròn nói lên biết bao điều tốt đẹp của dân tộc, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa vợ chồng son sắc, đó là công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn lao của cha mẹ.

Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý “Nõ – Nường – Chày – Cối – Chưng – Dày”, hai hình ảnh trên còn biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Theo đó, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên. Cha Rồng mẹ Tiên chính là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Ảnh: Báo Phú Thọ

Ngoài những lễ vật nêu trên, mâm cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương ở các địa phương còn có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà trống thiến luộc, thịt bò, thịt dê và thịt heo đen.

Lễ vật cúng Giỗ tổ Hùng Vương tại nhà

Tại các gia đình, nghi thức cúng Giỗ tổ Hùng Vương cũng phải đảm bảo có đầy đủ các lễ vật cơ bản. Nếu là mâm cỗ chay thì cần có hai lễ vật quan trọng là bánh chưng và bánh dày. Còn đối với cỗ mặn, gia chủ cần chuẩn bị các món từ thịt heo, thịt bò và thịt dê, hay có thể thay thế bằng thịt gà luộc và một số món ăn khác. Ngoài ra, hương, hoa, trầu cau, muối, gạo và nước cũng là những lễ vật không thể thiếu trên mâm lễ cả chay lẫn mặn.

Ảnh: tinnhanh247

Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà việc chuẩn bị mâm cúng Giỗ tổ Hùng Vương có thể khác nhau. Tuy nhiên, dù lễ vật nhiều hay ít thì quan trọng nhất vẫn là sự chân thành, thật tâm của gia chủ.