Hoạt động học Khám phá khoa học: Một số hiện tượng tự nhiên | MN Phú Quang

I. Mục đích yêu cầu

1. Kiến thức

– Trẻ biết về một số hiện tượng tự nhiên như : mưa, nắng, gió, bão…

– Trẻ biết lợi ích, tác hại của hiện tượng tự nhiên đối với đời sống của con người.

2. Kỹ năng

– Trẻ nhận biết nhanh những đặc điểm, dấu hiệu nổi bật của thiên nhiên.

– Trẻ nói rõ ràng, mạch lạc.

– Phát triển ở trẻ kỹ năng quan sát, tư duy, ghi nhớ có chủ định.

3. Thái độ

– Giáo dục trẻ biết giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi để tự bảo vệ mình khi đi ngoài trời.

II. Chuẩn bị

– Máy tính, máy chiếu.

– Một số bài hát có nội dung về một số hiện tượng tự nhiên.

– Hình ảnh các hiện tượng tự nhiên: nắng, mưa, bão lụt, cầu vồng…

– NDTH: ÂN, Tạo hình, PTVĐ.

III. Tiến hành

Hoạt động 1: Gây hứng thú

– Cho trẻ hát bài hát “Nắng sớm”

– Trò chuyện về nội dung bài hát:

+ Các con vừa hát bài hát gì?

+ Bài hát nói đến hiện tượng tự nhiên gì?

+ Ngoài nắng ra thì còn các hiện tượng tự nhiên nào mà các con biết?

– Để hiểu rõ về các hiện tượng tự nhiên, hôm nay cô sẽ cho các con tìm hiểu về một số hiện tượng tự nhiên nhé!

Hoạt động 2: Quan sát và đàm thoại

* Tranh trời nắng

– Cho trẻ chơi “trốn cô”.

– Các con xem cô có hình ảnh gì đây?

– Con có nhận xét gì về hình ảnh này?

– Con thấy nắng trong ngày ntn?

– Nắng buổi sáng có ích lợi gì?

– Nắng buổi trưa các con có được ra ngoài chơi k, nếu có việc ra ngoài chúng ta phải làm gì?

– Trời nắng có ích lợi gì? (Trời nắng sẽ làm cho không khí khô thoáng hơn, ánh nắng còn làm khô quần áo, thực phẩm, nhà cửa khô thoáng.

– Nếu nắng nóng kéo dài sẽ dân đến điều gì? (Cho trẻ xem tranh hạn hán, cây chết khô vì thiếu nước, đất đai nứt nẻ, nắng lâu dẫn đến cháy rừng)

– Khi trời nắng nếu muốn ra ngoài chúng mình phải như thế nào? Vì sao?

=> Nắng là một hiện tượng thiên nhiên có nhiều lợi ích như: đem lại cho con người sự thoải mái, dễ chịu, nắng làm khô quần áo, chăn, màn, làm khô thực phẩm để bảo quản được laua như: lạc, vừng, ngô, gạo…Nhưng ngược lại nếu như trời quá nắng và kéo dài sẽ gây ra cho con người sự nóng bức khó chịu và dẫn đến thiếu nước cho cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, gây hạn hán, cháy rừng…khi ra ngoài trời nắng chúng mình phải đội mũ, nón không sẽ bị ốm nhé!

* Tranh trời mưa

– Các con xem cô có hình ảnh gì nữa đây nhỉ?

-Khi trời sắp mưa con thấy như thế nào?

– Mưa có tác dụng như thế nào với cuộc sống của chúng ta? (Mưa là một hiện tượng tự nhiên rất quan trọng, làm cho cây cối tươi tốt, thời tiết mát mẻ, mưa đem nước sinh hoạt đến cho con người, cho ao hồ sông ngòi, rau cỏ.)

– Nếu mưa quá nhiều thì đất sẽ như thế nào?(Mưa to kéo dài sẽ gây ra hiện tượng lũ lụt, ngập nhà cửa, hoa màu, giao thông đi lại khó khăn.)

– Khi gặp mưa con phải làm gì?

=> Mưa là 1 hiện tượng thiên nhiên cũng đem lại lợi ích cho cuộc sống con người: Cung cấp nước cho ăn, uống, sinh hoạt, lao động sản xuất…làm cho cây cối xanh tươi, đâm chồi nảy lộc. Nhưng nếu mưa nhiều sẽ cũng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng: lũ lụt gây chết người, vật, phá hỏng nhiều công trình…

– Giáo dục: Khi trời mưa thường có sấm sét rất nguy hiểm nên trời mưa các con không được ra tắm hoặc đùa nghịch dưới mưa không rất dễ bị ốm. Nếu đi học dưới trời mưa nhỏ các con phải mặc áo mưa cho nước đỡ vào người. Còn nếu mưa to thì hiện tượng gì xảy ra?

– Đó là hiện tượng mưa bão thường có gió to làm cho cây cối có thể đổ, rau quả bị chết vì quá nhiều nước gây ảnh hưởng lớn cho con người và môi trường.

* Hình ảnh gió

-Cô đọc câu đố về gió:

“Không tay không chân

Mà hay mở cửa?”

– Cô vừa đọc câu đố về hiện tượng gì?

– Cô cho trẻ xem hình ảnh về gió và hỏi trẻ: cô có hình ảnh gì?

– Con có nhận xét gì về hình ảnh này?

– Trời nắng mà có gió con sẽ cảm nhận như thế nào?

– Trời rét mà có gió con sẽ cảm nhận như thế nào?

– Gió có tác dụng gì?

– Ngoài gió tự nhiên còn có gió nhân tạo nhờ có quạt điện, quạt tay mà chúng ta cũng có thể tạo ra gió để mát mẻ hơn khi thời tiết nóng.

– Nếu gió to quá thì chúng ta gọi là gì nhỉ ?

– Gió to dấn đến bão có lợi cho chúng ta không? (Gió to sẽ dẫn đến bão gây đổ cây cối, nhà cửa)

=> Gió có rất nhiều lợi ích (làm mát, thông thoáng nhà cửa, gió giúp kéo buồm ra khơi đánh cá, cho chúng mình tham gia chơi lướt ván, thả diều…Nhưng khi có gió lớn (hay còn gọi là bão) thì cũng rất nguy hiểm vì bão có thể làm đổ nhà cửa, cây cối…gây tai nạn. Cho nên các con thấy khi gió to không được đi ra ngoài nhé !

* Mở rộng

– Ngoài nắng, mưa, gió ra con còn biết nhưng hiện tượng thiên nhiên nào khác ?

Ngoài ra còn có hiện tượng tuyết rơi, sấm sét, lốc xoáy, núi lửa, cũng gây ra cho con người nhiều thiệt hại như: Người chết, bị thương, sập nhà cửa, hoa màu ngập úng, khô héo, bệnh tật hoành hành rất đỗi thương tâm.

=> Tất cả các hiện tượng trên đều được gọi là hiện tượng thiên nhiên, chúng có tác dụng rất lớn đối với đời sống con người. Do ý thức bảo vệ môi trường không tốt của con người đã góp phần làm ảnh hưởng đến sự thay đổi bất thường của thiên nhiên, gây nên lũ lụt, cháy rừng…(chặt phá rừng nhiều khi mưa đất không giữ được nước dẫn đến lũ lụt).

– Để phòng tránh thiên tai chúng ta phải chồng rừng và bảo vệ rừng để đất không bị sói mòn, không khí mát mẻ, không vứt rác bừa bãi.

Hoạt động 3: Luyện tập

* Trò chơi 1: Trời nắng, trời mưa

-Cách chơi : khi cô nói trời nắng các con lấy tay che nắng, cô nói gió thổi nhẹ các con giả vờ nghiêng ngả, gió thổi mạnh các con nói ào ào nghiêng mạnh hơn, cô nói trời mưa các con nói che mưa, mưa nhỏ các con nói tí tách, mưa to các con nói lộp bộp,lộp bộp, sấm chớp đùng đùng.

* Trò chơi 2:Thi xem đội nào nhanh.

– Cách chơi: cô sẽ mời 2 đội là đội trời nắng và đội trời mưa lên các bạn sẽ phải bật liên tục qua vòng lên chọn hình ảnh theo yêu cầu của cô gắn lên bảng, đội trời nắng sẽ lên chọn các hình ảnh về hiện tượng tự nhiên, đội trời mưa sẽ chọn các hình ảnh đúng của con người trước các hiện tượng thiên nhiên, mỗi bạn chỉ được chọn 1 hình ảnh, gắn xong chúng mình về cuối hàng đứng và bạn khác sẽ bật liên tục qua vòng lên chọn hình ảnh, thời gian sẽ là một bản nhạc, khi bản nhac kết thúc, đội nào tìm được nhiều hình ảnh theo yêu cầu hơn đội đấy sẽ được cô và các bạn khen.

– Trẻ chơi xong cô kiểm tra kết quả chơi của trẻ.

Hoạt động 4: Kết thúc

– Cho trẻ hát bài hát “Cho tôi đi làm mưa với”