“Công chúa tóc xù”: Hi vọng của Pixar sau thất bại “Vương quốc xe

“Công chúa tóc xù” là hướng đi mới của Pixar

Sự “tiến hóa” của nàng công chúa cá tính

Lấy ý tưởng về lòng can đảm và sự thay đổi số phận, Công chúa tóc xù theo chân Merida – nàng công chúa tóc đỏ sống tại vùng cao nguyên Scotland vào khoảng thế kỷ thứ 10. Từ nhỏ, cô đã tỏ ra là người ngang bướng không thích những nề nếp chốn cung điện. Cô cá tính, nghịch ngợm, chỉ yêu thích cưỡi ngựa và bắn cung.

Lo lắng cho con gái nên đến tuổi cập kê, Hoàng hậu Elinor – ép gả cô cho một trong ba hoàng tử cầu hôn, đến từ các vương quốc lân cận. Hai mẹ con đã tranh cãi căng thẳng về quyền tự do trong hôn nhân. Hoàng hậu cho trằng công chúa phải có trách nhiệm lấy chồng. Trong một giây phút thiếu kiềm chế, hoàng hậu đã ném cây cung, một món quà sinh nhật của cha mà nàng vô cùng quý, vào lò lửa đang rừng rực cháy.

Bị dồn vào đường cùng, phẫn nộ và đau đớn, Merida nói rằng cô không muốn giống mẹ và chạy trốn vào rừng hoang, để tìm cách thay đổi số phận.

Merida xung đột với mẹ – Hoàng hậu Elinor

Tại đây, cô khám phá ra tàn tích của một bãi đá cổ kiểu Stonehenge và chạm trán với những sinh vật huyền bí, trong đó có một bà phù thủy già thực hiện cho cô một điều ước đầy rủi ro. Merinda trở về nhà và sửng sốt vì hậu quả do điều ước gây ra, và nàng phải nỗ lực, nhằm cứu vãn những quyết định sai lầm của mình.

Công chúa tóc xù là phim hoạt hình đầu tiên của Pixar mà nhân vật chính là nữ, lại là công chúa. Tạo hình của Merida khá ấn tượng với điểm nhấn là mái tóc đỏ xoăn tít. Mái tóc này trở nên rực rỡ và nổi bật hơn bao giờ hết khi xuất hiện giữa rừng cây.

Merida gây ấn tượng với hình tượng công chúa mạnh mẽ

Nhân vật nữ chính đầu tiên của Pixar đại diện cho những cô bé tuổi teen ngang tàng, luôn muốn thể hiện bản thân và không thích đi theo những khuôn mẫu. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở Merida là cô bé thuộc dòng dõi hoàng gia và gặp nhiều khó khăn trong việc tự định đoạt số phận của mình. Câu chuyện về Merida cũng giống như bài học đầu đời của rất nhiều cô bé trước khi trưởng thành.

Là bộ phim đầu tiên do nữ đạo diễn sản xuất, Công chúa tóc xù đã rất thành công khi đem đến cho khán giả hình ảnh nàng công chúa cực cá tính và mạnh mẽ.

Sự thay đổi về phong cách của Pixar

Khi cho ra đời hai tuyệt phẩm Câu chuyện thế giới đồ chơi (Toy Story 1, 2) vào cuối thập niên 90, hãng Pixar (nay thuộc Walt Disney) đã làm một cuộc cách mạng thực sự ở thể loại phim hoạt hình 3D.

Từ đó cho đến trước năm 2011, Pixar luôn là kẻ bất khả chiến bại trên cả hai phương diện: chất lượng nội dung và thương mại.

Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2011, sau khi Vương quốc xe hơi 2 (Cars 2) ra mắt thất bại. Chính vì vậy, một năm sau đó, Pixar đặt rất nhiều kì vọng vào tác phẩm thứ 13 – Công chúa tóc xù (Brave).

“Công chúa tóc xù” là hi vọng của Pixar sau “Vương quốc xe hơi 2”

Trong Công chúa tóc xù, Pixar đã có sự thay đổi rất nhiều, từ mặt hình ảnh, âm thanh đến cách thể hiện. Đây là bộ phim đầu tiên có cốt truyện cổ tích theo kiểu cổ tích Anderson hay anh em nhà Grimm, và không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng từ nhà Walt Disney.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất chính là sự thay đổi về phong cách. Vẫn còn đó tính giáo dục nhẹ nhàng nhưng Công chúa tóc xù không còn đậm chất Mỹ, ít tính hài hước, thay vào đó, đen tối và có phần già dặn hơn. Điều này vô tính mang lại hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một bên hết lời khen ngợi, một bên chê Công chúa tóc xù đã mất đi “tinh thần Pixar”.

So với các bộ phim trước như: Gia đình siêu nhân (The Incredibles), Người máy Wall-E (Wall-E), Câu chuyện ở thể giới đồ chơi (Toy Story 3), Công chúa tóc xù đơn giản hơn rất nhiều. Tình tiết ít biến hóa, sự phát triển lẫn mối quan hệ giữa các nhân vật không đa dạng, bối cảnh quanh đi quẩn lại không ngoài lâu đài và khu rừng rộng lớn trên cao nguyên Scotland.

“Công chúa tóc xù” có nội dung đơn giản hơn các bộ phim trước

Thế nhưng, Công chúa tóc xù lại tạo được bước ngoặt cực lớn khi nhân vật Merida hối lỗi, tìm mọi cách để cứu hoàng hậu. Ở trường đoạn cuối, lúc cô nằm trong lòng mẹ thổn thức, rất nhiều khán giả trưởng thành đã khóc sụt sùi.

Kĩ thuật hình ảnh tiến bộ vượt bậc

Một điểm đáng khen nữa ở Công chúa tóc xù chính là mặt hình ảnh. Hai đạo diễn Andrews, Chapman và đội ngũ ê-kíp đã tạo nên một bộ phim tuyệt vời ngoài sự mong đợi của khán giả. Hình ảnh sống động, sắc nét.

Khi đặc tả vào từng chi tiết, thậm chí Pixar còn gây kinh ngạc hơn. Nổi bật nhất là cảnh Merida giương cung lên nhắm bắn, mũi tên rời dây trong hiệu ứng slow-motion vô cùng kỳ ảo. Ngoài ra, phần âm nhạc mang đậm âm hưởng Celtic (cao nguyên) phần nào tạo nên nét độc đáo riêng cho bộ phim.

Hiệu ứng kĩ xảo sắc nét của “Công chúa tóc xù”

Cách tạo hình các nhân vật và thời kỳ lịch sử gần giống với Bí kíp luyện rồng, trong khi khu rừng và những con ma trơi lại mang nhiều nét của hành tinh Pandora huyền ảo. Các nhân vật đều có những khoảnh khắc rất đáng yêu, dễ thương. Đồ họa của Công chúa tóc xù khá đẹp mắt, hiệu ứng 3D có chiều sâu và tông màu mang phong cách đặc trưng mà chỉ cần nhìn qua biết ngay là của Pixar.

Tên phim là “Brave” – mang ý nghĩa về lòng can đảm qua câu chuyện của công chúa Merida, nhưng những chi tiết đi đến sự “quả cảm” lại quá nhẹ nhàng. Thay vào đó, bộ phim lại thiên về đề cao tình cảm gia đình, sự trưởng thành của các cô bé và lòng cảm thông, chia sẻ giữa các thế hệ.

Đón xem bộ phim “Công chúa tóc xù” (Brave) phát sóng lúc 16g10 ngày 17/1 trên Fox Movies thuộc hệ thống HTVC.