Lăn kim là gì? Có tác dụng như thế nào đối với làn da?

Lăn kim (Dermaroller) đang được sử dụng phổ biến để chống lại các dấu hiệu lão hóa như: da mất độ săn chắc, xuất hiện nếp nhăn, giảm kích thước lỗ chân lông, giảm sản xuất dầu (bã nhờn), cải thiện các vết rạn da, mụn, sẹo thâm… Phương pháp lăn kim được các bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da sử dụng giúp tăng cường sản xuất collagen để điều trị sẹo trên mặt, trẻ hóa da cho người bệnh.

Nếu da được điều trị bằng 4 lần lăn kim, cách nhau 1 tháng, có thể tăng 400% collagen cho cơ thể giúp tái tạo da. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cụ thể hơn về lăn kim là gì? Có tác dụng như thế nào đối với làn da?

lăn kim

Lăn kim là gì?

Lăn kim là thủ thuật xâm lấn tối thiểu cho làn da được các bác sĩ da liễu sử dụng kim mỏng để tạo ra những lỗ nhỏ li ti trên lớp da ngoài cùng của người bệnh. Việc lăn kim gây ra những tổn thương nhỏ, giúp cơ thể kích hoạt quá trình liền da, kích thích tạo ra nhiều collagen và elastin cho quá trình liền thương. Đây là những protein được tạo ra giúp da săn chắc, mịn màng, có tính đàn hồi để chữa lành da. (1)

Lăn kim thường được áp dụng trên mặt nhưng cũng có thể lăn kim trên chân, lưng, cổ hoặc những vùng da khác lão hóa hoặc bị tổn thương.

Lăn kim có tác dụng gì đối với làn da?

Lăn kim là phương pháp tái tạo da được nhiều người sử dụng hiện nay, dưới đây là một số tác dụng của lăn kim: (2)

1. Trị sẹo rỗ

Sẹo mụn có thể hình thành từ mụn nang hoặc từ việc nặn mụn trứng cá có thể tồn tại trong vài tháng hoặc nhiều năm. Lăn kim siêu nhỏ sử dụng những chiếc kim nhỏ đâm vào da để: giúp phá vỡ mô sẹo mụn, cắt đứt các sẹo xơ, dây sẹo xơ co kéo dưới da, giúp da tạo ra nhiều collagen hơn để cố gắng chữa lành vết thương nhỏ từ kim.

Collagen mới được hình thành giúp làm mịn bề mặt da, làm đầy các vết chân chim, nếp nhăn, sẹo. Học viện Da liễu Hoa Kỳ chỉ ra việc lăn kim có tác dụng tốt đối với sẹo lõm, tốt hơn khi dùng phương pháp điều trị kết hợp với vitamin C hoặc PRP (huyết tương giàu tiểu cầu).

Lăn kim vi điểm an toàn đối với những làn da sẫm màu, không làm hỏng hoặc loại bỏ lớp da bên ngoài, an toàn cho da mỏng và nhạy cảm.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi lăn kim trị sẹo mụn bao gồm: mẩn đỏ, bầm tím, viêm. Tuy nhiên, những điều này sẽ khỏi trong vài ngày.

Trong vài ngày đầu tiên sau khi lăn kim, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tập thể dục. Không dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết, sản phẩm chăm sóc da chứa cồn vì ảnh hưởng đến da.

Ưu điểm

  • Lăn kim điều trị sẹo rỗ nhẹ hiệu quả.
  • Chi phí tương đối thấp.
  • An toàn, không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
  • Cải thiện tình trạng da như: thâm, làm sáng da, làm đều màu da, giảm vết nhăn, trẻ hóa da.

2. Điều trị lỗ chân lông to

Lăn kim trị lỗ chân lông to là liệu trình thu nhỏ lỗ chân lông sử dụng các cây lăn có gắn nhiều đầu kim cực nhỏ tạo ra các tổn thương trên bề mặt da, giúp kích thích quá trình tái tạo, sản sinh collagen cho da.

Ưu điểm

  • Lỗ chân lông được thu nhỏ hơn sau mỗi lần điều trị.
  • Phương pháp này còn có tác dụng cải thiện các vấn đề về da như: điều trị tàn nhang, làm giảm vết thâm, tái tạo da…

3. Trị nám

Phương pháp lăn kim trị nám sử dụng 1 cây lăn chuyên dụng siêu nhỏ, kích thước từ 0.25-0.5mm để tạo ra những vết thương nhỏ trên bề mặt da nhằm kích thích tế bào sản sinh ra collagen kèm theo đưa các thuốc, tế bào gốc, huyết tương giàu tiểu cầu vào da. Các chất này sẽ thấm sâu trong da, tái tạo lại cấu trúc da, phá vỡ và đào thải các hắc sắc tố melanin, hình thành da mới, phục hồi màu da.

Ưu điểm

  • Không để lại sẹo, không làm tổn thương da.
  • Tăng sản xuất collagen cho da, tái tạo sâu từ bên trong (tác động bằng mũi kim nhỏ, mảnh có độ dài vừa phải nên tác động nhanh, tiếp cận đúng tầng da cần điều trị).
  • Da phục hồi nhanh, hiệu quả sau từng giai đoạn điều trị.

Lăn kim hoạt động như thế nào?

Khi lăn kim trên da, những chiếc kim nhỏ, mảnh trên con lăn sẽ đâm vào da, tạo ra nhiều lỗ rất nhỏ trên bề mặt da (không gây hại cho lớp ngoài của da), giúp phá vỡ các mô sẹo. (3)

Các vết thương có kiểm soát trên da dẫn đến chảy máu bề mặt làm kích hoạt phản ứng chữa lành vết thương của cơ thể, giúp da giải phóng các chất kích thích tăng trưởng các mạch máu mới hình thành, tạo ra nhiều collagen hơn.

Sau 5 ngày, collagen do cơ thể sản xuất sẽ lắng đọng ở vùng da được điều trị, giúp da săn chắc hơn, làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn nhỏ trên da.

Lăn kim có an toàn không? Ưu và nhược điểm

  • Lăn kim là phương pháp an toàn, hiệu quả để trẻ hóa làn da, điều trị sẹo, nếp nhăn nhưng việc xác định lăn kim có phải là lựa chọn điều trị tốt trong mọi trường hợp hay không cần nghiên cứu thêm.
  • Lăn kim là quy trình xâm lấn tối thiểu, nếu sử dụng đúng kỹ thuật kết hợp với loại huyết thanh phù hợp sẽ không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận có khả năng gây sẹo vĩnh viễn, làm sạm da. (4)
  • Nếu người bệnh đang sử dụng retinol, dùng accutane hoặc bị bỏng nắng nên ngừng sử dụng retinol/accutane 5 ngày trước khi lăn kim để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Lăn kim là một quy trình an toàn, hiệu quả trong việc cải thiện da, giúp làm giảm nếp nhăn, giảm sẹo, làm săn chắc hoặc trẻ hóa làn da lỏng lẻo, lão hóa.
  • Tuy nhiên, tự lăn kim tại nhà sẽ không mang lại kết quả tốt, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Nếu người bệnh muốn lăn kim cần đến bác sĩ da liễu để thực hiện quy trình này an toàn, được tư vấn sức khỏe tốt hơn trước và sau khi lăn kim.

Rủi ro nguy cơ lăn kim có thể gặp?

Lăn kim không phải là một sửa chữa nhanh chóng, phải tốn thời gian để cơ thể tự chữa lành vết thương mới nhận thấy kết quả. Thời gian da phục hồi có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để vết thương lành lại, tùy thuộc vào độ sâu của kim đâm vào da. Một số rủi ro nguy cơ lăn kim có thể gặp bao gồm:

  • Người bệnh có thể bị đau nhẹ sau thủ thuật, da đỏ trong vài ngày.
  • Da cảm thấy căng, bong tróc một chút trong khi quá trình lành lại.
  • Thường không có chảy máu trong quá trình lăn kim nhưng nếu điều trị lăn kim sâu sẽ khiến da bị chảy máu hoặc bầm tím.
  • Có thể để lại sẹo với những người có cơ địa bị sẹo lồi.
  • Lăn kim tạo ra những lỗ nhỏ trên da, nếu không vệ sinh da sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Nếu da khỏe mạnh, khả năng nhiễm trùng sẽ khó xảy ra.

Đối tượng nào không nên lựa chọn lăn kim?

Phương pháp lăn kim không phải đối tượng nào cũng thực hiện được. Việc lăn kim sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến một số người bệnh, tăng tiến triển bệnh. Một số người không nên lựa chọn điều trị bằng phương pháp lăn kim, bao gồm:

  • Người đang bị nhiễm trùng da.
  • Người mắc bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc tiền sử cục máu đông.
  • Những người có tình trạng da dễ lây lan sang các bộ phận khác như: mụn trứng cá hoặc mụn cóc đang hoạt động, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Người bệnh đang bị mụn trứng cá, bệnh hồng ban, chàm, vì quy trình lăn kim có thể làm bệnh nặng hơn. Nếu người bệnh dễ bị sẹo, cần hỏi ý kiến bác sĩ vì lăn kim có khả năng tạo ra nhiều vết sẹo hơn những vết sẹo do mụn trứng cá gây ra.
  • Nếu người bệnh đang mang thai hoặc gần đây đã điều trị bằng bức xạ da thì không nên lăn kim.
  • Lăn kim có thể gây chảy máu nên không phù hợp với những người bị rối loạn đông máu hoặc chảy máu, những người dùng thuốc làm loãng máu.
  • Người bệnh tiểu đường hoặc có hệ thống miễn dịch yếu cũng không nên lăn kim.

Những lưu ý cần biết khi lựa chọn lăn kim

Khi lựa chọn phương pháp lăn kim để tái tạo da, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

1. Trước khi lăn kim

Lăn kim không phù hợp với tất cả mọi người, vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Thuốc gây tê thường được bôi lên da trước khi làm thủ thuật giúp giảm đau trong quá trình lăn kim. Nếu người bệnh có dị ứng hoặc nhạy cảm với thuốc gây tê, cần thông báo ngay với bác sĩ.

Hỏi bác sĩ về cách làm sạch thiết bị lăn kim giữa các bệnh nhân. Các thiết bị lăn kim có các bộ phận có thể tái sử dụng phải được làm sạch, khử trùng theo quy định. Không tái sử dụng hộp mực lăn kim vì có thể gây lây bệnh, nhiễm trùng.

Cần tìm hiểu cách chăm sóc da sau khi thủ thuật, vì da có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời (gây kích ứng da, làm tình trạng viêm nặng hơn), các sản phẩm chăm sóc da (kem chống nắng, trang điểm, kem dưỡng ẩm), các sản phẩm có chứa retinol, axit glycolic, tinh dầu bạc hà, capsaicin, rượu.

Uống nhiều nước vào ngày trước và trong vài giờ trước khi lăn kim cũng làm giảm khả năng bầm tím, viêm nhiễm.

2. Sau khi lăn kim

Sau khi lăn kim, có thể thoa loại serum phù hợp, thoa kem chống nắng hoặc chọn sản phẩm dưỡng ẩm, chống lão hóa khác nhưng thành phần không chứa retinol hoặc vitamin C vì lúc này da nhạy cảm hơn. Cần tránh trang điểm, tắm nước nóng hoặc tập thể dục trong 24 giờ sau khi lăn kim.

Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm, chữa lành, tăng sản xuất collagen để hỗ trợ quá trình phục hồi da hiệu quả hơn.

Người bệnh có thể sử dụng mặt nạ tấm được đóng gói với các thành phần giúp tạo collagen, hỗ trợ chống lão hóa, làm đều màu da. Các sản phẩm mặt nạ không nên chứa: vitamin C (axit ascorbic hoặc natri ascorbyl phospate), niacinamide, yếu tố tăng trưởng biểu bì, axit hyaluronic (HA).

Sau khi lăn, da có thể xuất hiện các tình trạng như: chảy máu, có màu đỏ trong vài giờ (đôi khi ít hơn), cảm thấy như cháy nắng, sưng lên (rất nhỏ), cảm giác khuôn mặt đang bị đập, máu đang lưu thông. Một số triệu chứng ít phổ biến hơn sau khi lăn kim bao gồm: đốm đen hoặc sáng trên da, các nếp nhăn trên mặt, cảm lạnh, sưng hạch bạch huyết, nhiễm trùng, nổi ban đỏ nhỏ (trong khoảng 2 hoặc 3 ngày, da có thể bắt đầu bong tróc).

Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có dịch vụ lăn kim chăm sóc da, điều trị sẹo và các bệnh về da khác. Với trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, khoa Da liễu BVĐK Tâm Anh luôn mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tâm, chất lượng, hiệu quả cho người bệnh.

Phương pháp lăn kim giúp tái tạo da, cải thiện các vết rạn da, mụn, sẹo, thâm… Tuy nhiên, người bệnh cần đến bác sĩ da liễu để được tư vấn về tình trạng da và cách điều trị thích hợp để phát huy hiệu quả, công dụng của lăn kim. Người bệnh không tự ý lăn kim tại nhà để tránh xảy ra tác dụng phụ, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.