Cây Bắp (Cây Ngô) – Những thông tin cần biết | Canh Điền

I. Thông tin tổng quan về cây Ngô (bắp)

  • Tên thường gọi: Cây ngô
  • Tên gọi khác: Cây bắp
  • Tên tiếng anh: Maize, Corn
  • Tên khoa học: Zea mays L. ssp. mays
  • Họ thực vật: Cây thuộc họ Lúa hay Hòa Thảo (Poaceae)
  • Nguồn gốc, xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ (Trung Mỹ)
  • Tuổi thọ: Là cây ngắn ngày, chu kỳ sinh trưởng khoảng 3- 4 tháng
  • Phân bố: Cây ngô được phân bố rộng rãi trên khắp thế giới. Trung Mỹ là khu vực thuần canh cây ngô lớn nhất thế giới. Ở nước ta, cây ngô được canh tác rải rác trên khắp đất nước, chủ yếu là vùng đồng bằng và miền núi.
  • Bao gồm các loại cây: Gồm cây ngô nếp (hạt màu trắng sữa) và cây ngô tẻ (hạt ngô màu vàng, đỏ, tím, đen)

II. Đặc điểm của cây Ngô

1. Đặc điểm hình thái

  • Hình dáng bên ngoài: Cây ngô là cây thân thẳng cứng, trên thân có nhiều gióng (lóng) giống như cây mía, mỗi gióng các nhau 30 – 40cm và được nối bởi các khớp nối còn gọi là mấu hoặc mắt.
  • Kích thước: Cây ngô trưởng thành cao từ 2 – 3m tùy từng loại giống.
  • Lá: Lá cây ngô thường mọc sole có hình mũi mác nhọn, to bản 5 – 10 cm, dài 0,8 – 1m màu xanh đậm, trên hai mặt lá đều có lớp lông tơ nhặm và ngứa khi va chạm vào. Các bẹ của lá ôm sát vào mỗi đốt (mấu) thân.
  • Hoa: Hoa ngô thường ra trên ngọn cây, cụm hoa đuôi sóc hình chùy chứa các hoa đực, được gọi là cờ ngô. Hoa cái là bẹ sau khi thụ phấn tạo thành quả ngô.
  • Râu ngô: Mỗi râu ngô đều có thể được thụ phấn để tạo ra một hạt ngô trên bắp, các bắp ngô non có thể dùng làm rau ăn với toàn bộ lõi.
  • Quả: Quả ngô là dạng quả thóc với vỏ quả hợp nhất với lớp áo hạt, là kiểu quả thông thường ở họ Hòa thảo (Poaceae). Nó gần giống như một loại quả phức về cấu trúc, ngoại trừ một điều là các quả riêng biệt (hạt ngô) không bao giờ hợp nhất thành một khối duy nhất.
  • Hạt ngô : Các hạt ngô có kích thước cỡ hạt đậu Hà Lan, và bám chặt thành các hàng tương đối đều xung quanh một lõi trắng để tạo ra bắp ngô. Mỗi bắp ngô dài khoảng 10 – 25 cm, chứa khoảng 100 – 200 hạt. Các hạt có màu như ánh đen, xám, đỏ, trắng và vàng.

2. Đặc điểm sinh trưởng của cây ngô

Thời gian sinh trưởng của cây ngô dài, ngắn khác nhau phụ thuộc vào giống và điều kiện ngoại cảnh. Trung bình từ khi gieo đến khi thu hoạch là 90 – 160 ngày.

Sự phát triển của cây ngô chia ra làm 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng: Từ khi gieo đến khi xuất hiện nhị cái

+ Giai đoạn sinh trưởng sinh thực: Bắt đầu với việc thụ tinh của hoa cái cho đến khi hạt chín hoàn toàn.

Có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian sinh trưởng phát triển của cây ngô, song có thể chia ra các thời kỳ sau: Thời kỳ nảy mầm, thời kỳ 3 – 6 lá, thời kỳ 8 – 10 lá, thời kỳ xoáy nõn, thời kỳ nở hoa và thời kỳ chín.

III. Tác dụng của cây Ngô

1. Giá trị dinh dưỡng trong hạt ngô

Ngô là loại hạt ngũ cốc giàu chất xơ, nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bắp ngô thường có màu vàng, một số loại có màu khác như đỏ, cam, tím, xanh, trắng và màu đen.

Giống như tất cả các loại hạt ngũ cốc, ngô chủ yếu bao gồm các tinh bột và đường:

+ Tinh bột: Là thành phần chính tìm thấy trong bắp, chiếm 28-80% trọng lượng khô.

+ Đường: Ngô cũng chứa một lượng đường nhỏ(1-3%)

+ Ngô đường chứa tinh bột đặc biệt thấp (28%) có hàm lượng đường cao (18%), hầu hết trong số đó là sucrose.

+ Protein: Ngô là một nguồn cung cấp phong phú protein cho cơ thể. Tùy thuộc vào giống ngô, nhưng hầu hết các hàm lượng protein trong ngô khoảng 10-15%. Các protein có nhiều nhất trong ngô được biết đến như zeins, chiếm 44-79% tổng lượng protein. Nhìn chung, chất lượng protein của zeins là nghèo vì nó thiếu một số axit amin thiết yếu, chủ yếu là lysine và tryptophan.

+ Chất xơ: Hàm lượng chất xơ của các loại ngô khác nhau, nhưng nhìn chung chất xơ chiếm khoảng 9-15%. Chất xơ chủ yếu trong ngô là chất xơ không hòa tan, như hemicellulose, cellulose và lignin.

+ Vitamin và khoáng chất: Mangan, Photpho, Magie, Kẽm, Đồng… Axit pantothenic, Folate, Vitamin B6, Niacin, Kali…

+ Dầu ngô: Hàm lượng chất béo trong ngô rất ít. Tuy nhiên, ngô non một nguyên liệu dồi dào, rất giàu chất béo và được sử dụng để làm cho dầu ngô, thường được sử dụng để nấu ăn. Dầu ngô cũng chứa một lượng đáng kể vitamin E, ubiquinone (Q10) và phytosterol, hiệu quả cho việc giảm mức cholesterol.

+ Các hợp chất thực vật khác: Axit ferulic, Anthocyanins, Zeaxanthin, Lutein, Axit phytic…

2. Tác dụng của cây bắp ngô

Hạt ngô non (ngô bao tử ) được sử dụng trong chế biến thực phẩm như: canh ngô, cháo ngô, dùng làm phụ gia cho món Lẩu…

Bắp ngô thường được sử dụng để luộc, nướng ăn tươi, hạt ngô phơi hoặc sấy khô nghiền làm nguyên liệu làm bánh ngọt, bánh mì, bánh đúc ngô, bỏng ngô, bánh bông ngô…, …

Cây ngô non được dùng để ủ lên men làm thực phẩm cho gia súc họ nhai lại: trâu, bò, dê, cừu. Lá ngô dùng làm thức ăn cho cá…

Sử dụng trong công nghiệp: chuyển hóa thành chất dẻo hay vải sợi, xăng sinh học, rượu, cồn…

Lõi ngô phơi khô, khoan lỗ và được dùng như một loại tẩu hút thuốc rẻ tiền được chế tạo ra từ rất lâu đời.

Râu ngô cũng là một loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu.

Cùi ngô và vỏ bắp ngô khô dùng để đun thay củi.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây bắp Ngô

1. Cách trồng cây

  • Chọn giống

Chọn các giống ngô lai F1 được khuyến cáo phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, có năng suất cao, chống chịu sâu, bệnh hại tốt.

Trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường hay bị hạn giữa vụ, vụ Thu Đông mưa thường kết thúc sớm gây hạn cuối vụ. Do vậy nên lựa chọn nhóm giống ngô lai F1 có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 98 ngày) và chống chịu hạn tốt.

  • Đất trồng.

Cây ngô có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên ngô thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ màu mỡ cao, dề thoát nước, tầng canh tác dày, độ pH = 6-7.

Cày, bừa đất nhỏ, dọn sạch cỏ dại, có thể lên luống đối với đất hay bị ngập úng, khó thoát nước.

+ Luống rộng 1,5m, trồng hai hàng khoảng cách là 75cm.

+ Luống rộng 3m trồng với 4 hàng cây ngô.

+ Trồng theo băng thì rạch hàng cách hàng 70- 75cm rồi gieo hạt theo khoảng cách cây cách cây 25cm áp dụng trên đất bãi, soi màu dễ thoát nước. Đối với giống ngô lai cây cao phải trồng với mật độ thưa hơn.

Nếu trồng ngô trên đất ruộng lúa 2 vụ nên ươm giống ngô trong bầu trước để kịp cho vụ đông.

Cách làm bầu: trộn đất với phân chuồng hoai mục , tỷ lệ 3 đất 1 phân để làm 01 sào 360m2 cần có: 0,3m3 đất và 1 tạ phân chuồng hoai mục + 2kg lân super trộn đều đóng vào bầu.

Bầu có thể dùng nilon, bìa cứng, lá bàng cuộn thành. Mỗi sào (360m2 ) trồng cần có 2.700- 2.800 bầu.

Sau khi đóng bầu xong, tra ngô vào mỗi bầu 01 hạt ở chính giữa với độ sâu 2cm; bỏ đất bột lấp hạt xong xếp thành từng ô để chăm sóc và bảo quản, phòng chống chim, chuột và tưới nước đủ ẩm cho bầu cây.

2. Cách chăm sóc cây bắp ngô

  • Tưới nước

Ngô là cây trồng cạn, không cần nhiều nước, nhu cầu về nước của ngô thay đổi theo giai đoạn phát triển. Ở thời kỳ đầu cây phát triển chậm, tích lũy ít chất xanh và cũng không cần nhiều nước.

Khi tưới nước cần dựa vào nhu cầu nước trong từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây, vào ẩm độ của đất, đồng thời theo dõi thời tiết tránh hiện tượng sau khi tưới trời lại mưa.

Đất khô hạn nên tưới cho ngô ngay sau khi bón phân và vun xới, tốt nhất là tưới theo rãnh, theo băng để ngâm qua đêm rồi rút cạn nước.

Nếu trời mưa to làm cho đất ướt thì cần tháo cạn ngay và xới xáo để ngô không bị úng, nhất là thời kỳ cây con.

  • Tỉa và trồng dặm.

Khi cây ngô 2- 3 lá, kiểm tra nếu bị mất cây, thì kịp thời cấy dặm để đảm bảo mật độ

Khi ngô 4- 5 lá, bón thúc lần 1, nhổ sạch cỏ dại và xới xáo để đất khô ráo, thông thoáng, giúp ngô phát triển tốt.

Khi ngô 8- 10 lá, làm cỏ lần cuối kết hợp bón thúc lần 2 và vun cao gốc để cây không bị đổ, ngã.

Bẻ nhánh và bắp phụ để tập trung dinh dưỡng cho bắp chính.

  • Phân bón: chủ yếu là bón đạm, lân và kali

+ Đạm: Cây ngô hút đạm tăng dần từ khi cây có 3- 4 lá tới trước trổ cờ. Thời kỳ hút đạm mạnh nhất là 6- 12 lá và trước khi trổ cờ.

+ Lân: Khả năng hút lân ở giai đoạn non rất yếu, thời kỳ 3- 4 lá ngô hút không được nhiều phân lân, nếu thiếu lân trong giai đoạn này sẽ làm giảm năng suất nghiêm trọng. Ngô hút nhiều phân lân nhất (khoảng 62% tổng lân yêu cầu) ở thời kỳ 6- 12 lá, sau đó giảm đi ở các thời kỳ sau.

+ Kali: Ngô hút kali mạnh ngay từ giai đoạn sinh trưởng ban đầu, từ khi cây mọc đến trỗ cờ ngô hút khoảng 70% lượng kali. Thiếu kali là nguyên nhân rễ ngang phát triển mạnh, rễ ăn sâu kém, do đó cây dễ đổ, ngã.

Lượng phân bón cho 1ha:

+ Urê 300kg; DAP 160- 200kg; kali 100- 150kg; vôi bột 400- 500kg.

+ Đối với vùng có làm đất thì có thể thay thế phân DAP bằng lân supe với liều lượng 450kg/ha.

Ngoài lượng phân vô cơ trên, cần bón phân chuồng với lượng từ 8- 10 tấn/ha, hoặc phân hữu cơ vi sinh với lượng 2 tấn/ha.

+ Bón thúc lần một khi ngô đạt 4- 5 lá đối với ngô trồng bầu, 3- 4 lá đối với ngô gieo hạt.

+ Bón thúc lần 2 khi ngô đạt 8- 10 lá.

3. Phòng trừ sâu bệnh cho cây ngô

Ngô thường bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại, trong đó cần phòng trừ các loại chính sau:

Sâu Xám: sâu non mới nở có màu xám, lớn hơn có màu đất bóng, phần bụng nhạt hơn trên mỗi đốt phía lưng có 4 u nhỏ, phía dưới có 4 u lớn. Chúng sinh trưởng nhanh và phát thành dịch lây lan rất nhanh gây thiệt hại lớn cho mùa màng.

Cách phòng trừ:

+ Biện pháp thủ công: Vào sáng sớm, dùng tay bới bắt sâu lẩn trốn ở những cây ngô non có 1- 3 lá thật

+ Biện pháp hóa học: Dùng thuốc đơn có nhiều tác dụng (tiếp xúc, nội hấp, xông hơi): TP- Pentin 18EC; Basudin 50EC; Shecpain 36EC… hoặc phối hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptere 80Wp + Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC; Ganoi 95SP + Abamectin 36EC; Regent 800WG + Sokupi 0,36AS,…

Dùng một trong các loại thuốc sâu dạng hạt, bột như: Basudin 10H, Vibasu 10G, Furadan 3G, Regen 3G,… trộn một phần thuốc với mười phần đất bột khô rắc vào hạt giống khi gieo hoặc quanh gốc cây khi trồng.

Rệp hại ngô:

Rệp thường xuyên xuất hiện và gây hại trên cây ngô, nhất là vào thời điểm có độ ẩm cao; chúng còn gây hại nhiều loại cây trồng khác. Chúng còn là môi giới truyền bệnh virus gây một số bệnh cho cây ngô như bệnh vàng lùn, khảm lá, đỏ lá…

Rệp thường sống tập trung thành từng đám ở các bộ phận mềm non như nõn lá, bẹ lá non, hoa cờ, lá bao… để chích hút dinh dưỡng làm cho cây thiếu hụt chất trở nên còi cọc, gầy yếu, bắp nhỏ, chất lượng hạt kém. Đặc biệt nếu bị rệp tấn công khi cây còn non sẽ làm cho ngô không ra bắp. Trong một vụ, rệp thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất khi cây có 8- 9 lá trở đi.

Cách phòng trừ:

+ Trước khi làm đất, gieo hạt cần dọn sạch cỏ dại trong ruộng và xung quanh để tiêu diệt rệp, hạn chế nguồn rệp tích lũy ban đầu. Nếu ruộng thường bị rệp gây hại nên trồng xen với những cây thuộc họ Đậu để tăng cường hoạt động của thiên địch, đặc biệt là nhóm bắt mồi như: Ruồi ăn rệp, một số loài bọ rùa như bọ rùa chữ nhân, bọ rùa bốn vạch, bọ rùa 6 vạch, bọ rùa 2 đốm đỏ, bọ rùa 8 vệt…

+ Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu sau để phun xịt trực tiếp lên chỗ có rệp gây hại: Ofunack 40EC, Elsan 50EC, Netoxin 95WP, Catodan 90WP…

Ngoài ra, cây bắp ngô còn có bệnh đốm lá, bệnh khô vằn và một số bệnh khác làm tổn thương mô cây từ đó làm giảm năng suất cây trồng.

4. Thu hoạch bắp ngô

Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi ngô chín già, râu khô đen, bẹ chuyển từ màu xanh sang màu vàng rơm. Gặp ngày khô, nắng cần nhanh chóng thu ngô đã chín về phơi khô.

Nếu ngô chín gặp đợt mưa dài ngày, cần vặt râu, bẻ gập bắp ngô chúi xuống để nước mưa không thấm vào bên trong làm thối hỏng hạt, đến khi nắng ráo sẽ thu về phơi. Ngô thu về không nên đổ đống vì ngô tươi có độ ẩm cao dễ bị thối mốc.