Tảo nâu trong bể thủy sinh, nguyên nhân và cách trị

Thật ra là BOUaqua cũng không định viết bài này nhưng đáng ngạc nhiên là cho đến bây giờ vẫn còn khá nhiều người chơi đang phải vật vã với loài tảo nâu yếu ớt. Xin nhắc lại: đây là loại rêu hại yếu ớt nhất trong bể thủy sinh.

Nhận dạng và đặc điểm

Tảo nâu (hay rêu nâu) có tên khoa học là Diatoms, thường được gọi là Brown algae. Tảo nâu có dạng mảng bám, màu nâu loang lổ trên đá, lũa, nền, cát… nói chung là khắp bể. Chúng phát triển rất nhanh và dễ làm nản chí những người chơi mới vì vẻ kinh hoàng mà chúng mang lại sau một thời gian ngắn. Tảo nâu cũng có một dạng khác là sợi mềm ngắn, xù lên như bông, rất dễ loại trừ bằng tay hoặc bàn chải nhưng cũng nhanh chóng xuất hiện lại sau đó.

Tảo nâu thường đến vào thời điểm sau khi người chơi hoàn thành quá trình setup bể và đang chờ đợi để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Đôi khi nó cũng bất chợt viếng thăm những bể đã ổn định. Sau khi trải qua quá trình bất ổn của bể (1 hoặc 2 tuần đầu) thì tảo nâu có thể tự biến mất, nhưng cũng có khi hệ sinh thái của bạn gục ngã trước vấn nạn này.

Vị trí mà tảo nâu xuất hiện trước tiên là trên đá, sỏi (đặc biệt là đá sáng màu), cát trang trí, vách kính, lá cây mục, lá của các loài mọc chậm và cả trên các phụ kiện trong hồ nữa. Đó sẽ là một nơi đồng thời nhận được nhiều ánh sáng và dinh dưỡng.

Nguyên nhân xuất hiện

Ánh sáng mạnh quá hoặc yếu quá. Đây là yếu tố đầu tiên kích thích tảo nâu xuất hiện và bùng phát. Ánh sáng yếu quá hoặc chất lượng ánh sáng thấp cũng giúp tảo nâu phát triển, tuy có chậm hơn, nguyên nhân là cây trồng không nhận được đủ lượng ánh sáng thích hợp để phát triển lấn át tảo nâu.

Dinh dưỡng trong nước. Chính là yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm, trong nước bể thủy sinh luôn có một lượng dinh dưỡng nhất định. Nó đến từ nền, từ phân nước, từ xác động vật chết hay lá cây mục. Lượng dinh dưỡng này được lá cây thủy sinh hấp thụ, nếu không thể hấp thụ hết (tức là dư thừa), tảo nâu sẽ bùng phát.

Silicat. Được cho là nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện tảo nâu, tuy nhiên nguyên nhân này hơi khó xác định, nhất là đối với những người chơi chưa nhiều kinh nghiệm, do đó nguyên nhân này chúng ta có thể tạm bỏ qua. Silicat thường đến từ các tạp chất có trong cát trải nền và đôi khi là từ đá trang trí.

Cách khắc phục

Chúng ta đã biết 2 nguyên nhân chính, vậy có lẽ các bạn cũng mường tượng được cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nhiều người hay mắc lỗi khi cố tìm cách xử lý vấn đề ánh sáng như trùm chăn hay bọc giấy báo kín bể, thậm chí là bê bể vào đặt chỗ tối. Đồng ý là khi không có ánh sáng tảo nâu sẽ chết nhưng cây trồng chắc chắn sẽ không vui và nỗi kinh hoàng sẽ trở lại khi có ánh sáng, đơn giản là dinh dưỡng thừa trong nước vẫn còn.

Cắt nguồn dinh dưỡng thừa sẽ là cách giải quyết hợp lý và triệt để hơn. Chúng ta có thể trồng thêm cây (các bạn để ý bể của ADA hay các cao thủ không-bao-giờ có vùng phân nền trống) để chúng hấp thụ hết dinh dưỡng trong nước, đặc biệt là các loài hút dinh dưỡng qua lá như rêu, ráy, dương xỉ… BOUaqua hay sử dụng vài dây trầu bà nhúng thân vào nước, chúng hút dinh dưỡng trong nước rất mạnh và rễ trắng nhanh chóng đâm ra tua tủa.

Thay nước liên tục cũng là cách hiệu quả đối với nhiều người, bản chất của việc này là hạn chế triệt để dinh dưỡng trong nước. Tuy nhiên, phần dinh dưỡng đó chúng ta nên để cây trồng sử dụng sẽ hay hơn là múc đổ đi.

Hầu hết các loài sinh vật diệt rêu đều thích tảo nâu, tuy nhiên các bạn nên cân nhắc kỹ xem thả loài gì để phù hợp với định hướng phát triển của bể sau này. BOUaqua thì tin dùng combo cá Bút Chì, tép Yamato và ốc Nerita sau khi hoàn thiện bể, các bạn tham khảo nhé.

Biện pháp phòng tránh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phương châm này luôn đúng, BOUaqua đã có 2 bài viết về vấn đề phòng trừ rêu tảo hại, các bạn có thể tham khảo tại link bên dưới:

  • http://bouaqua.net/ky-nang-so-dang-phong-chong-reu-hai-trong-be-thuy-sinh/
  • http://bouaqua.net/cach-phong-chong-reu-hai-be-thuy-sinh/

Riêng đối với tảo nâu, phương pháp phòng tránh đơn giản và hữu hiệu nhất là hãy trồng nhiều cây vào bể, cố gắng hạn chế các khoảng phân nền trống phơi dưới ánh sáng. Trường hợp trong bể chỉ trồng thảm nền thì hãy chăm thay nước và kết hợp với mẹo sử dụng dây trầu bà như BOUaqua đã chia sẻ ở trên nhé.

Một vài điều thú vị

Tảo nâu là tín hiệu đáng tin cậy cảnh báo về mức độ dinh dưỡng trong nước. Khi tảo nâu xuất hiện trong một bể ổn định thì chắc chắn các bạn phải nghi ngờ về một yếu tố nào đó của bể vừa bị thay đổi như vừa bắt đầu châm phân nước, co2 hết, yếu hoặc đèn đã xuống cấp, cháy bóng…

Tảo nâu xuất hiện và thách thức người chơi mới, đây chỉ là một cửa ải nhỏ các bạn cần vượt qua. Nếu không thể thì bạn nên xem lại mình có thực sự phù hợp với thú chơi này không? Nếu bạn phải sử dụng đến hóa chất để diệt tảo nâu thì bạn cũng đã có một khởi đầu tồi tệ rồi đấy!

Vì đặc điểm xuất hiện của mình mà tảo nâu cũng dễ dàng được “nuôi trồng” một cách chủ động để lấy thức ăn tự nhiên cho các loài cá, tép…

Có thể làm một thí nghiệm nhỏ để hiểu được nguyên nhân xuất hiện của tảo nâu: Bạn lấy một chiếc lá khô đặt xuống nền bể, vài hôm sau, khi tảo nâu xuất hiện, bạn nhấc chiếc lá lên và nhận ra dưới bóng râm mà chiếc lá tạo ra không hề có một chút tảo nâu nào.

Tảo nâu thường xuất hiện dưới nền của những bể trồng các loại cây lá kim, lá nhỏ (như ngưu mao chiên, trân châu Nhật, trân châu ngọc trai, trân châu Cu Ba…) đơn giản vì chúng không thể sớm tạo tán rậm rạp để che kín được những khoảng phân nền dưới gốc. Ánh sáng đã gặp được dinh dưỡng trong nước và thế là tảo nâu sẽ xuất hiện.

Các bạn thấy đó, nếu đã nắm được nguyên nhân xuất hiện của tảo nâu thì BOUaqua tin chắc việc phòng ngừa và đẩy lùi loài rêu hại này thực sự không hề khó đúng không? Chúc các bạn có một khởi đầu thuận lợi và không phải đối mặt với tảo nâu.

-bouaqua-