KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ CÁC HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT VÀ QUY

1. Bão và áp thấp nhiệt đới:

Bão và áp thấp nhiệt đới được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới. Xoáy thuận nhiệt đới là một vùng gió xoáy, có đường kính rộng tới hàng trăm km, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở Bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tùy theo tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần tâm mà xoáy thuận nhiệt đới được phân chia thành áp thấp nhiệt đới hay là bão. Bão là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, gây ra gió rất mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền, làm đổ nhà cửa; mưa rất lớn, gây lũ lụt nghiêm trọng, có khi trở thành thảm họa.

– Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt từ cấp 6 đến cấp 7 (tức là từ 39 – 61 km/giờ);

– Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt từ cấp 8 trở lên (tức là từ 62 km/giờ trở lên).

Một số khái niệm khác:

– Bão mạnh là bão đạt từ cấp 10 đến cấp 11.

– Bão rất mạnh là bão đạt từ cấp 12 trở lên.

– Bão đổ bộ là khi tâm bão đã vào đất liền.

– Bão tan là bão đã suy yếu thành vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.

– Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.

– Bão xa: khi bão hoạt động ở phía đông kinh tuyến 120o Đông, phía nam vĩ tuyến 05o Bắc và phía bắc vĩ tuyến 22o Bắc nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 24 giờ tới.

– Bão trên Biển Đông: khi tâm bão vượt qua kinh tuyến 120o Đông, vĩ tuyến 05o Bắc và vĩ tuyến 22o Bắc vào Biển Đông hoặc bão phát sinh trên Biển Đông, có vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 1.000 km, hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1.000 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới.

– Bão gần bờ: khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới, hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới.

– Bão khẩn cấp: khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300 km;

Hoặc khi bão đã đổ bộ vào đất liền nước ta và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên, hoặc khi bão đã đổ bộ vào nước khác nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới.

– Tin cuối cùng về cơn bão: khi bão đã tan hoặc bão di chuyển ra ngoài Biển Đông nhưng không có khả năng quay trở lại Biển Đông trong 24 giờ tới, hoặc bão đã đổ bộ vào nước khác và không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

2. Lũ: là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống.

– Lũ lớn là lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

– Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;

– Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được;

3. Triều cường: là hiện tượng nước biển, nước sông… lên xuống trong ngày. Sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt trăng (phần chủ yếu) và từ các thiên thể khác như mặt trời (phần nhỏ) tại một điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất, trong khi trái đất quay đã tạo nên hiện tượng nước lên (triều cường) và nước rút (triều xuống) vào những khoảng thời gian nhất định trong một ngày.

Ở thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều (là thủy triều lên xuống 02 lần trong một ngày), mỗi tháng có hai đợt thủy triều dâng cao (triều cường) vào giữa tháng và cuối tháng (âm lịch), nhất là các tháng cuối năm.

Mực nước (m) cấp báo động lũ, triều cường:

– Báo động cấp I: 1,30

– Báo động cấp II: 1,40

– Báo động cấp III: 1,50

4. Động đất: Là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động… Độ lớn của động đất ký hiệu là M, gọi là độ Richter.

Những trận động đất có M>7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.

5. Sóng thần: là sóng biển có chu kỳ dài, lan truyền với tốc độ lớn (có khi lên đến 800km/h). Khi tới gần bờ tùy độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền gây thảm họa lớn.

6. Gió: Dưới tác động của mặt trời, nhiệt độ mặt đất nóng dần lên, tuy nhiên không phải nhiệt độ nơi nào cũng như nhau do khoảng cách với mặt trời, địa hình hay loại đất đá cũng ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng không khí ở một số khu vực nóng lên. Khi nóng lên không khí trở nên nhẹ đi và bắt đầu bay lên cao kéo theo hiện tượng áp suất khu vực đó trở nên thấp, không khí ở các khu vực xung quanh bị đẩy đến khu vực đó do sự chênh lệch áp suất. Sự di chuyển của không khí đó gọi là gió. Lượng không khí này tiếp tục bị làm nóng nên lại bay lên cao rồi dần nguội đi. Ở độ cao này không khí lại di chuyển đến những nơi có áp suất thấp do lượng không khí di chuyển dưới mặt đất để lại tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín.

Gió giật là tốc độ gió tăng lên tức thời được xác định trong khoảng 2 giây.

Cấp gió (tính bằng cấp gió Bô-Pho):

– Gió êm đềm: cấp 0 có vận tốc gió nhỏ hơn 1 km/h, mặt biển phẳng lặng, mặt đất êm đềm. – Gió rất nhẹ: cấp 1 có vận tốc gió từ 1-6 km/h, sóng lăn tăn, không có ngọn. Chuyển động của gió thấy được trong khói.

– Gió thổi nhẹ vừa phải: cấp 2 có vận tốc gió từ 7-11 km/h, sóng lăn tăn. Cảm thấy gió trên da trần, tiếng lá xào xạc.

– Gió nhẹ nhàng: cấp 3 có vận tốc gió từ 12-19 km/h, sóng lăn tăn lớn, lá và cọng nhỏ chuyển động theo gió.

– Gió vừa phải: cấp 4 có vận tốc gió từ 20-29 km/h, sóng nhỏ, bụi và giấy rời bay lên, những cành cây nhỏ chuyển động.

– Gió mạnh vừa phải: cấp 5 có vận tốc gió từ 30-39 km/h, sóng dài vừa phải (1,2m). Có một chúc bọt và bụi nước, cây nhỏ đu đưa.

– Gió mạnh: cấp 6-7 có vận tốc 40-62 km/h, biển cuồn cuộn sóng và bọt bắc đầu có vệt, cây to chuyển động, phải có sự gắng sức khi đi ngược gió.

– Gió mạnh hơn: cấp 8 có vận tốc gió 63 -75 km/h, sóng cao vừa phải với ngọn sóng gẫy tạo ra nhiều bụi, các vệt bọt nước, cành nhỏ gẫy khỏi cây.

– Gió rất mạnh: cấp 9 có vận tốc gió 76-87 km/h sóng cao (2,75 m) với nhiều bọt nước. Ngọn sóng bắt đầu cuộn lại, nhiều bụi nước. Một số công trình xây dựng bị hư hại nhỏ.

– Gió bão: cấp 10 có vận tốc gió 88-102 km/h, sóng rất cao. Mặt biển trắng xóa và xô mạnh vào bờ. Tầm nhìn bị giảm, cây bật gốc, một số công trình xây dựng hư hỏng.

– Gió bão dữ dội: cấp 11 có vận tốc gió 103-117 km/h, sóng cực cao, nhiều công trình xây dựng hư hỏng.

– Gió bão cực mạnh: cấp 12 có vận tốc gió 118/132 km/h và cao hơn, các cơn sóng khổng lồ, không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước, biển hoàn toàn trắng với các bụi nước. Nhìn gần cũng không rõ, nhiều công trình hư hỏng nặng.

7. Dông: Là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, hình thành khi có đối lưu mạnh, bao gồm sự phóng điện trong đám mây, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm, thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Dông mạnh là dông gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

8. Sương mù: Là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Nó giống như mây thấp nhưng khác ở chỗ sương mù tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đất, còn mây thấp không tiếp súc với bề mặt đất mà cách mặt đất một khoảng cách được gọi là độ cao chân mây. Chính vì thế người ta xếp sương mù vào họ mây thấp.

9. Sương muối: là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây, khi mà bức xạ là nguyên nhân chủ yếu của quá trình lạnh đi của không khí và các vật thể. Nên nhớ rằng nó không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.

10. Sóng lớn: là những con sóng trên biển có độ cao lơn hơn 2m. Sóng lớn thường đi kèm với gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam và gió mạnh do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão.

11. Không khí lạnh: là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa Châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió đông bắc mạnh trời trở rét và thời tiết xấu, thời gian đặc trưng là vào thời kỳ gió mùa mùa đông nên còn gọi là “gió mùa đông bắc”. Ở ta không khí lạnh thường từ tháng 9 -10 đến tháng 5 – 6 năm sau, nhưng mạnh nhất vào các tháng chính đông.

Gió mùa đông bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, vì khi nó tràn về ngoài khơi vịnh Bắc bộ gió có thể mạnh đến cấp 6 – 7, có thể đánh đắm tầu thuyền, đất liền gió cấp 4 – 5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao… đặc biệt những đợt mạnh còn gây ra mưa to, gió lớn, thậm chí dông, tố lốc, có khi cả mưa đá. Vào những tháng chính đông (tháng 12, tháng 1), đêm về trời quang mây, gây ra sương muối, băng giá, thậm chí có năm cả tuyết rơi trên vùng núi cao; nếu kéo dài còn gây rét đậm, rét hại không những đối với cây trồng, gia súc mà cả con người.

12. Mây: Mây hình thành khi không khí nóng chứa đầy chất ẩm bốc lên không khí, khi đến một độ ẩm cao nhất định, khí trở nên lạnh dần. Ở nhiệt độ lạnh, không khí không còn giữ chất ẩm dưới trạng thái hơi nước. Vì vậy chất ẩm thừa biến thành hạt nước nhỏ xíu và hình thành những đám mây.

Hai đám mây không thể giống hệt nhau mà luôn luôn thay đổi hình dạng. Sỡ dĩ chúng ta có nhiều loại mây vì sự hình thành xảy ra ở cao độ và nhiệt độ khác nhau. Và chính các đám mây cũng được cấu tạo bởi những thành phần khác nhau, tùy thuộc vào độ cao và nhiệt độ.

– Trời quang: lượng mây bao phủ trên 6 giờ liên tục 0/10 bầu trời, trước và sau đó có thể tới 5/10 bầu trời.

– Ít mây: lượng mây bao phủ không quá 5/10 bầu trời.

– Mây thay đổi: lượng mây bao phủ từ 4-8/10 bầu trời.

– Nhiều mây: lượng mây bao phủ thường xuyên >5/10 bầu trời, có thể từ 0-3/10 tăng lên 8-10/10 bầu trời.

– Đầy mây: lượng mây bao phủ thường xuyên >8-10/10 bầu trời.

– Trời âm u: lượng mây bao phủ 10/10 bầu trời, có thể xuống 7/10 bầu trời.

13. Vòi rồng: Một cơn lốc chứa không khí và hơi nước hóa lỏng có hình 1 cái phễu lớn, cao đến tận những đám mây. Nó xoáy với tốc độ rất cao (400km/h) và gây ra sự chênh lệch áp suất khổng lồ bên trong nó. Nếu nó chạm mặt đất, nó sẽ phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó, để lại dấu vết tàn phá rộng vài trăm mét, kéo dài 10 đến 20km.

14. Lốc xoáy: là những xoáy nhỏ cuốn lên, có trục thẳng đứng, thường xảy ra khi khí quyển có sự nhiễu loạn và về cơ bản là không thể dự báo được. Nguyên nhân sinh gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Trong những ngày hè nóng nực, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra vùng khí áp giảm và tạo ra dòng thăng. Không khí lạnh hơn ở chung quanh tràn đến tạo hiện tượng gió xoáy, tương tự như trong cơn bão. Tốc độ gió của lốc xoáy tăng mạnh đột ngột trong một thời gian rõ rệt.

15. Mưa: là hiện tượng các hạt nước trong các đám mây không đứng yên, chúng thường xuyên rơi xuống rất chậm, nhưng phần lớn chưa đến mặt đất đã bị nhiệt độ cao làm cho bốc hơi hoặc lại bị các luồng không khí đẩy lên cao. Chỉ khi các hạt nước kết hợp với nhau hoặc được hơi nước ngưng tụ thêm nên có kích thước lớn, các luồng không khí thẳng đứng không đủ sức đẩy lên và nhiệt độ cao cũng không làm bốc hơi hết hơi nước thì các hạt nước này rơi xuống mặt đất.

Mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dãi hội tụ nhiệt đới, front lạnh, đường đứt…nhất là khi có sự kết hợp của chúng sẽ gây nên mưa, mưa vừa đến mưa to trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.

Mưa lớn chia làm 3 cấp:

+ Mưa vừa: lượng mưa đo được từ 16-50 mm/24 giờ;

+ Mưa to: lượng mưa đo được từ 51-100 mm/24 giờ;

+ Mưa rất to: lượng mưa đo được từ >100 mm/24 giờ.

– Mưa rải rác vài nơi tức là 2-5% diện tích có mưa trên địa phương đang xét.

16. Mưa đá: Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 – 30 phút. Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra.

17. Nhiệt độ tối cao – tối thấp là gì:

Nhiệt độ không khí cao hoặc thấp có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, gia súc và cây trồng. Tổ chức Khí tượng Thế giới có định ra ngưỡng nhiệt độ gây khó chịu đối với con người đó là khi nhiệt độ không khí lớn hơn hoặc bằng 33 độ C, nếu nhiệt độ càng tăng thì càng gây nguy hiểm đến sức khoẻ, và có thể dẫn đến chết người. Nhiệt độ không khí trung bình ngày cao liên quan đến hiện tượng thời tiết nắng nóng.

Mức độ nắng nóng được căn cứ theo nhiệt độ cao nhất. Khi nhiệt độ tối cao trong ngày lớn hơn hoặc bằng 35 độ C thì ngày đó được coi là nắng nóng; khi nhiệt độ tối cao trong ngày lớn hơn hoặc bằng 38 độ C thì ngày đó được coi là nắng nóng gay gắt.

Khi nhiệt độ không khí xuống thấp cũng gây thiệt hại cho đời sống con người, gia súc và cây trồng. Các đợt rét đậm, rét hại liên quan đến các đợt không khí lạnh, được đặc trưng bởi nhiệt độ tối thấp trong ngày. Đối với vùng đồng bằng rét đậm xảy ra khi nhiệt độ trung bình ngày nhỏ hơn hoặc bằng 13 độ C; rét hại xảy ra khi nhiệt độ trung bình ngày nhỏ hơn 11 độ C. Đối với vùng miền núi các giá trị trên còn thấp hơn.

18. Độ ẩm không khí:

a) Độ ẩm tuyệt đối:

Độ ẩm tuyệt đối là lượng hơi nước được tính bằng gam trong 1m3 không khí, ở một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, không khí chỉ có thể chứa được một lượng hơi nước nhất định; lượng hơi nước tối đa mà 1m3 không khí có thể chứa được gọi là độ ẩm bão hoà. Độ ẩm bão hoà thay đổi theo nhiệt độ của không khí; nhiệt độ càng cao thì không khí càng chứa được nhiều hơi nước.

b) Độ ẩm tương đối:

Độ ẩm tương đối là tỷ lệ phần trăm giữa độ ẩm tuyệt đối của không khí với độ ẩm bão hoà ở cùng nhiệt độ.

Độ ẩm tương đối giúp ta biết được không khí là khô hay ẩm và còn chứa thêm được bao nhiêu hơi nước. Khi độ ẩm tương đối là 100% nghĩa là không khí đã bão hoà hơi nước.

19. Giải thích từ ngữ:

– Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy, đường kính có thể tới hàng trăm km, hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

– Tâm xoáy thuận nhiệt đới là nơi có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các luồng gió xoáy từ xung quanh thổi vào.

– Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian 2 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô – pho).

– Nước dâng là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của bão.

(Nguồn: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn)

PHỤ LỤC:

BẢNG CẤP GIÓ VÀ SÓNG (Việt Nam)

Cấp gió

Tốc độ gió

Độ cao sóng trung bình

Mức độ nguy hại

Bô-pho

m/s

km/h

m

0

1

2

3

0-0.2

0,3-1,5

1,6-3,3

3,4-5,4

<1

1-5

6-11

12-19

0,1

0,2

0,6

Gió nhẹ.

Không gây nguy hại.

4

5

5,5-7,9

8,0-10,7

20-28

29-38

1,0

2,0

– Cây nhỏ có lá bắt đầu lay động. ảnh hưởng đến lúa đang phơi màu

– Biển hơi động. Thuyền đánh cá bị chao nghiêng, phải cuốn bớt buồm.

6

7

10,8-13,8

13,9-17,1

39-49

50-61

3,0

4,0

– Cây cối rung chuyển. Khó đi ngược gió.

– Biển động. Nguy hiểm đối với tàu, thuyền.

8

9

17,2-20,7

20,8-24,4

62-74

75-88

5,5

7,0

– Gió làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa. Không thể đi ngược gió.

– Biển động rất mạnh. Rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền.

10

11

24,5-28,4

28,5-32,6

89-102

103-117

9,0

11,5

– Làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Gây thiệt hại rất nặng.

– Biển động dữ dội. Làm đắm tàu biển.

12

13

14

15

16

17

32,7-36,9

37,0-41,4

41,5-46,1

46,2-50,9

51,0-56,0

56,1-61,2

118-133

134-149

150-166

167-183

184-201

202-220

14,0

– Sức phá hoại cực kỳ lớn.

– Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn.

Thang mức độ gió bão Beaufort (đọc là bô-pho) mở rộng:

Cấp độ

Tên cấp bão

Sức gió (km/h)

Hiện tượng hậu quả gây ra

0

<1

Gió nhẹ

1

> 1 – 5

Gió bắt đầu phảng phất.

2

6 – 11

Gió thoảng qua trên người.

3

12 – 19

Cây cỏ lay động, lá xào xạc trên cây.

4

20 – 28

Bụi bắt đầu có dấu hiệu phát tán.

5

Xoáy thấp

29 – 38

Cây cỏ có dấu hiệu xào xạc, biển dậy sóng.

6

Áp thấp nhiệt đới

39 – 49

Các cửa sổ trên nhà cao tầng có dấu hiệu va đập, biển nổi cồn trắng.

7

50 – 61

Cần angten, các biển hiệu, biển báo động đậy, sóng nhấp nhô.

8

Bão nhiệt đới

62 – 74

Các cây to bắt đầu nghiêng ngả. Biển động, nguy hiểm với tàu thuyền.

9

75 – 88

Gió làm gãy cành nhỏ, tốc mái nhà, gây thiệt hại nhà cửa. Biển động rất mạnh.

10

Bão

89 – 102

Làm đổ cây cối, cột điện gây thiệt hại nặng. Biển động dữ dội làm đắm tàu thuyền.

11

103 – 117

Mưa rất to, gây ngập úng, sạt lở đất có lũ quét và lũ ống ở vùng cao, vùng trũng.

12

118 – 133

Gây nguy cơ vỡ đê không kiên cố. Sóng biển cao từ 7 – 9m (Không tính triều cường)

13

134 – 149

Sức tàn phá ghê gớm, các nhà mái tôn bị bay nóc, làm sập nhà gỗ tường bao. Lúc này mắt bão đã hiện rõ ràng

14

150 – 166

Đẩy lùi các xe ô tô con, cây cổ thụ rễ sâu 3 – 5m bật gốc. Bão biển hãi hùng.

15

Siêu bão

167 – 183

Nhà cửa hư hại nặng nề. Thời điểm này mắt bão đã quá sắc nét, đường kính gió mạnh trải rộng trên 200 km.

16

184 – 201

Sóng biển ngợp trời, sức phá hoại cực kỳ lớn. Làm chìm tàu có trọng tải lớn.

17

202 – 220

Bão lên cơn cuồng phong thịnh nộ, nhiều công trình xây dựng hư hại nặng nề. Mưa vũ bão, tầm nhìn hạn chế mức tối đa.

18

Siêu cuồng phong

221 – 240

Phá nát các toa xe Picnic và xe Container… giật tàu hỏa ra khỏi đường ray, hay thổi bay các căn nhà cấp 4 dạng vừa.

19

241 – 261

Các tòa nhà hàng vài chục tầng nguy cơ “nghiêng ngả” và “chao đảo”. Sóng biển kinh hoàng cao trên 20m.

20

262 – 283

Thảm họa khủng khiếp với sức gió ghê gớm, nhấc hết hệ thống ngầm dưới đất lên mặt đất.

21

284 – 306

Các ngôi nhà không chắc chắn chỉ còn lại móng, cảnh báo nguy hiểm đến mức “Rất Tối Đa”

22

307 – 330

Đánh sập các cầu treo, dây văng quăng xuống sông xuống biển. Gây ra trận bão tồi tệ chưa từng có.

23

331 – 355

Xé nát các ngôi nhà kiên cố và chơi trò tung hứng xe đạp xe máy, hay quăng ném ô tô.

24

356 – 381

Bão kinh hoàng, tàn phá mọi vật thể. Làm vô hiệu hóa vệ tinh, cắt đứt liên lạc tín hiệu ra đa, vô tuyến …

25

382 – 408

Nhấc bổng các tòa nhà cũng như ô tô hạng nặng lên không khí, và phá hủy chúng một cách “chóng vánh”.

26

409 – 436

Cả khu bị bão “chiếm đóng” như 1 cảnh hoang tàn, các công trình kiên cố hoàn toàn bị san phẳng.

27

437 – 465

Nguy cơ sập núi, xê dịch “đảo nhân tạo” nhỏ không bám trụ. Biển động “Sóng thần” với những con sóng trên 40m.

28

Siêu bão hủy diệt

466 – 495

Hút các vật ở dưới mặt đất có trọng tải hàng tấn quẳng ra xa hàng vài trăm mét. Sóng biển mịt mù.

29

496 – 526

Bão có sức công phá lớn, “vứt” máy bay và các vật nặng xa hàng vài km, cuốn bay mọi thứ xung quanh.

30 – Max

> 527

Sức gió hủy diệt, xóa sổ san bằng toàn bộ khu vực… và không thể “miêu tả” được.

  • Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cấp độ rủi ro thiên tai

1. Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội.

2. Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, làm cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai.

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp độ rủi ro thiên tai

1. Rủi ro thiên tai được phân cấp đối với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

2. Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:

a) Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ;

b) Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;

c) Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;

d) Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;

đ) Cấp 5 màu tím là thảm họa.

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

Điều 3. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão

Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão có 3 cấp, thấp nhất là cấp 3 và cao nhất là cấp 5:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ;

b) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

c) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

c) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:

a) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

4. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh;

b) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.

Điều 4. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá

Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá có 2 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1: Lốc, sét, mưa đá mức độ trung bình, trên phạm vi nhỏ.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2: Lốc, sét, mưa đá mức độ mạnh, trên phạm vi rộng.

Điều 5. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Lượng mưa trong 24 giờ từ 100 mm đến 200 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở vùng trung du, miền núi;

b) Lượng mưa trong 24 giờ từ trên 200 mm đến 500 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở khu vực đồng bằng.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Lượng mưa trong 24 giờ từ 100 mm đến 200 mm, kéo dài từ trên 2 ngày đến 4 ngày ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi;

b) Lượng mưa trong 24 giờ từ trên 200 mm đến 500 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở khu vực trung du, miền núi;

c) Lượng mưa trong 24 giờ trên 500 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở khu vực đồng bằng.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Lượng mưa trong 24 giờ từ trên 200 mm đến 500 mm, kéo dài từ trên 2 ngày đến 4 ngày ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi;

b) Lượng mưa trong 24 giờ trên 500 mm, kéo dài từ 1 ngày đến 2 ngày ở khu vực trung du, miền núi.

Điều 6. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng

Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 39°C, 40°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày;

b) Đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt qua 40°C, kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 39°C, 40°C, kéo dài trên 10 ngày;

b) Đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt qua 40°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi xảy ra đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt qua 40°C, kéo dài trên 10 ngày.

Điều 7. Cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán

Cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán có 4 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng trên 50%, kéo dài từ 2 tháng đến 3 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt từ trên 50% đến 70% so với trung bình nhiều năm;

b) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng trên 50%, kéo dài từ trên 3 tháng đến 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt từ 20% đến 50% so với trung bình nhiều năm.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài từ 2 tháng đến 3 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt tới trên 70% so với trung bình nhiều năm;

b) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài từ trên 3 tháng đến 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt từ trên 50% đến 70% so với trung bình nhiều năm;

c) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài trên 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt từ 20% đến 50% so với trung bình nhiều năm.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài từ trên 3 tháng đến 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt tới trên 70% so với trung bình nhiều năm;

b) Tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài trên 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt từ trên 50% đến 70% so với trung bình nhiều năm.

4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi xảy ra tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng tới trên 50%, kéo dài trên 6 tháng và nguồn nước trong khu vực hạn hán thiếu hụt tới trên 70% so với trung bình nhiều năm.

Điều 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do rét hại, sương muối

Cấp độ rủi ro thiên tai do rét hại, sương muối có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ trên 8°C đến 13°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở vùng đồng bằng; hoặc kéo dài trên 10 ngày ở miền núi;

b) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ trên 4°C đến 8°C, kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày ở vùng đồng bằng; hoặc kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối;

c) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ 0°C đến 4°C, kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối, băng tuyết.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ trên 8°C đến 13°C, kéo dài trên 10 ngày ở vùng đồng bằng;

b) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ trên 4°C đến 8°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở đồng bằng; hoặc kéo dài trên 10 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối;

c) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ 0°C đến 4°C, kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày ở vùng đồng bằng; hoặc kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối, băng tuyết;

d) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 0°C, kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối, băng tuyết.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ trên 4°C đến 8°C, kéo dài trên 10 ngày ở vùng đồng bằng;

b) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày từ 0°C đến 4°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở vùng đồng bằng; hoặc kéo dài trên 10 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối, băng tuyết;

c) Đợt rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 0°C, kéo dài từ trên 5 ngày đến 10 ngày ở miền núi, trong đó có ngày xuất hiện sương muối, băng tuyết.

Điều 9. Cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù

Cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Sương mù dầy, tầm nhìn xa trên 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển;

b) Sương mù dầy đặc, tầm nhìn xa giảm xuống dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đất liền.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Sương mù dầy, tầm nhìn xa trên 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện hàng không khu vực sân bay;

b) Sương mù dày đặc, tầm nhìn xa giảm xuống dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi sương mù dày đặc, tầm nhìn xa giảm xuống dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện hàng không khu vực sân bay.

Điều 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt có 5 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Mực nước lũ cao từ báo động 2 lên đến báo động 3 ở hạ lưu nhiều sông vừa; thượng lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; các nhánh lớn sông Hồng – Thái Bình; đồng bằng sông Cửu Long;

b) Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01 m, ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Mực nước lũ cao từ báo động 2 lên đến báo động 3 ở hạ lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; hạ lưu sông Hông – Thái Bình;

b) Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01m, ở hạ lưu nhiều sông vừa; thượng lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; các nhánh lớn sông Hồng – Thái Bình;

c) Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01 m, ở hạ lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; hạ lưu sông Hồng – Thái Bình;

b) Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 0,5 m ở đồng bằng sông Cửu Long;

c) Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở hạ lưu nhiều sông vừa; sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; các nhánh lớn sông Hồng – Thái Bình;

d) Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

a) Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng – Thái Bình;

b) Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 0,5 m đến trên mức lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long;

c) Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử ở hạ lưu nhiều sông vừa; sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba; các nhánh lớn sông Hồng – Thái Bình.

5. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi xảy ra lũ với mực nước cao trên mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng – Thái Bình.

6. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt khi có tác động tổ hợp với các thiên tai khác

a) Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét xác định tăng lên một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt;

b) Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét xác định tăng lên hai cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và sự cố vỡ đập hồ chứa nước ở thượng nguồn;

c) Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai bằng hoặc lớn hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt, được xem xét xác định theo cấp độ rủi ro thiên tai của bão, áp thấp nhiệt đới.

7. Ở những nơi có công trình phòng, chống lũ, mức lũ lịch sử quy định tại các Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều này được thay bằng mức lũ thiết kế.

Điều 11. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Lũ quét xảy ra do mưa với lượng mưa từ 100 mm đến 200 mm trong 24 giờ, trên phạm vi nhiều tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên;

b) Lũ quét xảy ra do mưa với lượng mưa từ trên 200 mm đến 500 mm trong 24 giờ, trên phạm vi một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Lũ quét do mưa với lượng mưa từ trên 200 mm đến 500 mm trong 24 giờ, trên phạm vi nhiều tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên;

b) Lũ quét do mưa với lượng mưa trên 500 mm trong 24 giờ, trên phạm vi một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi lũ quét do mưa lớn trên 500 mm trong 24 giờ, trên phạm vi nhiều tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên.

4. Rủi ro thiên tai do lũ quét được xem xét xác định ở mức độ rủi ro cao hơn một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 4, trong trường hợp tổ hợp tác động của nhiều thiên tai nguy hiểm khác như mưa rất to kéo dài, sạt lở đất trên diện rộng ở khu vực xảy ra lũ quét.

Điều 12. Cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

Cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy có 2 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Mưa lớn với lượng mưa từ 200 mm đến 300 mm trong 24 giờ, mưa đã xảy ra trước đó trên 2 ngày, trên các sườn dốc có độ dốc cao hơn 25 độ, với các nền đất yếu, đất bở rời; hoặc đất sườn tàn tích;

b) Mưa rất lớn với lượng mưa trên 300 mm trong 24 giờ, mưa đã xảy ra trước đó từ 1 ngày đến 2 ngày, trên sườn dốc có độ dốc nhỏ hơn 25 độ, với các nên đất yêu, đất bở rời;

c) Mưa rất lớn với lượng mưa trên 300 mm trong 24 giờ, mưa đã xảy ra trước đó trên 2 ngày, trên các sườn dốc có độ dốc cao hơn 25 độ, với các nền đá phiến và sét bột kết gắn kết yếu.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi có khả năng xảy ra mưa với lượng mưa trên 300 mm trong 24 giờ, mưa đã xảy ra trước đó trên 2 ngày, trên các sườn dốc có độ dốc cao hơn 25 độ, với các nền đất yếu, đất bở rời; hoặc đất sườn tàn tích.

Điều 13. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn

Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn có 2 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi xảy ra trường hợp nhiều cửa sông vùng ven biển bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu từ 25 km đến 50 km tính từ cửa sông, trong thời kỳ dài và nguồn nước ngọt trong sông bị thiếu hụt không quá 40% so với trung bình nhiều năm.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi xảy ra trường hợp nhiều cửa sông vùng ven biển bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu tới hơn 50 km tính từ cửa sông, trong thời kỳ dài và nắng nóng, khô hạn thiếu nước kéo dài nhiều tháng, nguồn nước ngọt trong sông bị thiếu hụt trên 40% so với trung bình nhiều năm.

Điều 14. Cấp độ rủi ro thiên tai do nước dâng

Cấp độ rủi ro thiên tai do nước dâng có 5 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:

a) Độ cao nước dâng từ 1 m đến 2 m ở dải ven biển Nam Bộ;

b) Độ cao nước dâng từ trên 2 m đến 4 m ở dải ven biển Bắc Bộ.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Độ cao nước dâng từ trên 2 m đến 4 m ở dải ven biển Trung Bộ, Nam Bộ;

b) Độ cao nước dâng từ trên 4 m đến 6 m ở dải ven biển Bắc Bộ.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi độ cao nước dâng từ trên 4 m đến 6 m ở dải ven biển Trung Bộ, Nam Bộ.

4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi độ cao nước dâng từ trên 6 m đến 8 m ở dải ven biển Bắc Bộ, Trung Bộ.

5. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi độ cao nước dâng tới trên 8 m ở dải ven biển Trung Bộ.

Điều 15. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển có 3 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi có gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 9, xảy ra trên vùng biển ngoài khơi (bao gồm cả các đảo, quần đảo).

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 gồm các trường hợp sau:

a) Gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 9, xảy ra trên vùng biển ven bờ;

b) Gió mạnh từ cấp 9 trở lên, xảy ra trên vùng biển ngoài khơi (bao gồm cả các đảo, quần đảo).

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi có gió mạnh từ cấp 9 trở lên, xảy ra trên vùng biển ven bờ.

4. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 4, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Gió mạnh trên biển xảy ra đồng thời với hoạt động của áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông hoặc vùng biển ven bờ;

b) Gió mạnh trên biển xảy ra vào đầu mùa hoặc cuối mùa bão và duy trì trong nhiều ngày liên tục.

Điều 16. Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất

Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất có 5 cấp:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp V đến cấp VI, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được, từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện; hoặc cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII xảy ra ở khu vực nông thôn.

4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII, xảy ra ở khu vực nông thôn; hoặc khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện.

5. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp VIII, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Điều 17. Cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần

Cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần có 2 cấp là cấp 3 và cấp 5:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi phát hiện sóng thần không có sức hủy diệt, nhưng có thể gây ra sóng lớn, bất ngờ ở các dải ven biển.

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi phát hiện sóng thần có sức hủy diệt, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố, hướng dẫn việc thực hiện Quyết định; theo dõi, tổng hợp, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.