Những dạng câu hỏi thường có trong phần đọc hiểu thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Phần đọc hiểu chiếm 30% số điểm của toàn bài và có tính chất quyết định khả năng đỗ hay trượt của thí sinh vì vậy thí sinh cần có kỹ năng ôn tập thật hiệu quả để có thể “ăn điểm” tuyệt đối ở phần đọc hiểu.

Để có thể đảm bảo được như vậy trước hết thí sinh cần nắm chắc các dạng câu hỏi có thể xuất hiện trong phần đọc hiểu. Lý giải về điều này nhiều Thầy cô dầy dặn kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi đại học môn Ngữ văn cho biết, dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong phần đọc hiểu bao gồm:

  • Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản chiếm 0,25 điểm
  • Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản chiếm 0,25 điểm
  • Xác định thao tác lập luận văn bản chiếm 0,25 điểm
  • Xác định thể thơ và cách gieo vần chiếm 0,25 điểm
  • Xác định biện pháp tu từ và nêu hiệu quả biểu đạt của nó chiếm 0,5 điểm
  • Xác định câu chủ đề hoặc khái quát chủ đề, hoặc nêu nội dung chính của văn bản chiếm 0,25 điểm
  • Viết khoảng 5-8 dòng thể hiện suy nghĩ của bản thân về một vấn đề được đặt ra từ văn bản chiếm 0,25 điểm

Vì vậy trong quá trình ôn tập phần đọc hiểu, các em cần tập trung vào một số khía cạnh như:

  • Các thông tin quan trọng của văn bản: Nhan đề văn bản; phong cách ngôn ngữ văn bản, phương thức biểu đạt của văn bản, thao tác lập luận trong văn bản.
  • Nội dung chính của văn bản (tư tưởng tác giả gửi gắm trong văn bản/thông điệp rút ra từ văn bản) hoặc ý nghĩa của văn bản.
  • Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản;
  • Một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.

Chia sẻ về bí quyết được trọn điểm hay chí ít cũng phải “ẵm” được 2 điểm phần đọc hiểu trong bài thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm An – Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn của tỉnh Đồng Tháp – Tổ phó tổ Ngữ văn trường THPT Tháp Mười chia sẻ:

Thứ nhất: Thí sinh cần hệ thống lại một cách cơ bản kiến thức thường gặp như: Biện pháp tu từ về từ, biện pháp tu từ về câu, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt…

Thứ hai: Tạo cho mình thói quen đọc trước yêu cầu đề và gạch chân những từ ngữ, những câu quan trọng.

Thứ ba: Xác định nội dung chính yêu cầu của đề bài để trả lời đúng trọng tâm.

Thứ tư: Khi trả lời cần trình bày thật rõ ràng các câu, các ý; gọn gàng bằng những gạch đầu dòng cho mỗi ý.

Thứ năm: Với loại câu hỏi nêu nội dung, ý nghĩa câu thơ thí sinh không nên chủ quan vì như vậy sẽ khiến thí sinh rất dễ bị mất điểm. Vì vậy thí sinh nên chú ý đọc thật kĩ câu thơ tìm hình ảnh quan trọng rồi sau đó đặt câu thơ vào toàn văn bản để hiểu khái quát nhất. Khi tìm nội dung bạn nên chú ý tìm hai nội dung như thế sẽ không lo bị sót ý.

(Tổng hợp)