Bánh nội địa Trung Quốc

Trước đây, nếu muốn mua các loại bánh “gắn mác” nội địa Đài Loan, Hồng Kông… khách phải đặt hàng online từ hai – ba ngày nhưng hiện loại bánh này đã tràn ngập các chợ truyền thống. Cùng một loại bánh nhưng tại mỗi chợ, người bán lại giới thiệu một nguồn gốc khác nhau….

Đa dạng, độc lạ, ngon, rẻ

Chợ Vườn Chuối (Q.3, TPHCM) có đến ba điểm bán bánh nội địa Đài Loan. Ghé một sạp, chúng tôi đếm sơ đã thấy hơn hai chục thùng bánh được xếp dọc ở vị trí dễ nhìn, dễ lấy nhất. Mỗi thùng là một loại bánh tươi có tên khá hấp dẫn như: bánh cuộn chuối, bánh mì phô mai, bánh cuộn dứa, bánh cuộn chocolate, bánh ngàn lớp… Khách có thể mua lẻ với giá 6.000 đồng/cái (loại nhỏ), 9.000 đồng/cái (loại lớn) hoặc mua theo số lượng mix (trộn) nhiều loại bánh với giá 120.000 -140.000 đồng/kg.

{keywords} Bánh nội địa Trung Quốc được gắn mác Đài Loan tràn ngập các chợ truyền thống

Đa số khách đến mua hàng đều chọn các loại bánh này vì cho rằng ngon, rẻ, tiện lợi. “Trước kia, tôi hay bán bánh của Việt Nam nhưng sức mua chậm do ít loại, khó trộn với nhau, phần lớn đều là các loại bánh quy, giá lại cao hơn đến 20.000 – 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, bánh nội địa Đài Loan khá rẻ, nhiều vị, là dòng bánh tươi nên ăn rất ngon khi giữ trong tủ lạnh” – một tiểu thương tại chợ này nói. Dù quảng cáo là bánh tươi nhưng hạn sử dụng từ 2-3 tháng, không cần bảo quản ở điều kiện đặc biệt như bánh tươi của Việt Nam, chưa kể bánh được phơi trần tại các sạp chợ trong điều kiện nắng nóng.

Tại các sạp bánh trong chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), chợ Tân Định (Q.1, TPHCM), số lượng các loại bánh nội địa Đài Loan còn phong phú hơn với khoảng 40 loại. Cùng một loại bánh giống tại chợ Vườn Chuối nhưng có tiểu thương giới thiệu đây là bánh nội địa Đài Loan, có tiểu thương lại giới thiệu đây là bánh nội địa Hồng Kông.

Tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6, TPHCM), một chủ sạp cho biết, bánh nội địa Đài Loan được sạp nhập về có đến 70 vị. Nếu mix đủ 70 vị, giá là 190.000 đồng/kg. “Trước đây, khách chuộng bánh Thái Lan nhưng bánh Đài Loan tràn về đã “đánh dạt” bánh Thái. Khách của chúng tôi chủ yếu từ các tỉnh miền Tây” – tiểu thương này nói.

Nếu như các chợ truyền thống chỉ bán các loại bánh phổ thông thì trên “chợ mạng” tràn ngập các món ăn vặt độc, lạ chế biến sẵn – cũng được cho là hàng nội địa Đài Loan. Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada… hiện đang bán rất nhiều loại: gà xé muối ớt xanh, chân gà xốt cay yuyu, cổ vịt ngâm, bào ngư đóng hộp, lẩu hải sản tự sôi, bún ốc liễu châu… với giá dao động từ 30.000 – 90.000 đồng/hộp mười gói, hạn sử dụng đến 200 ngày. Nhiều điểm bán còn tạo ra các combo (phần) có nhiều loại. Đặc biệt, có cả các loại trà sữa trân châu đóng ly, giá 20.000 đồng/ly, bên trong sẽ có một gói trà túi lọc đủ vị (đào, matcha, dứa…) kèm kẹo trà sữa trân châu, chỉ cần chế nước sôi thì viên trân châu này sẽ nở ra; kem cây 10 vị giá 120.000 đồng/thùng 40 que kem (3.000 đồng/que), hạn sử dụng đến năm tháng.

Điểm chung của các sản phẩm kể trên, kể cả sản phẩm bán tại các chợ truyền thống: chỉ có bao bì tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm nước ngoài được lưu hành tại Việt Nam. Do không có nhãn phụ nên ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng mập mờ, toàn tiếng nước ngoài nên người mua chỉ biết nghe theo người bán.

“Mềm hóa” nguồn gốc cho dễ bán

Một tiểu thương tại chợ Bình Tây chia sẻ với chúng tôi, nói các loại bánh, món ăn vặt trên có nguồn gốc nội địa Đài Loan nhằm mục đích làm “mềm hóa” nguồn gốc, để người mua có tâm lý an tâm chứ tất cả đều là sản phẩm Trung Quốc.

{keywords}

Tiểu thương này còn giới thiệu chúng tôi tham gia các nhóm kín chuyên bán hàng nội địa Trung Quốc. Ở đó tràn ngập các loại bánh này. Hiện có gần chục fanpage có các tên như “Ăn vặt nội địa Trung”, “Đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc”, “Nhóm đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc”, “Chuyên sỉ đồ ăn vặt nội địa Trung tận gốc”… Tất cả đều khẳng định đó là hàng nội địa Trung Quốc. Người bán cho rằng, dù là hàng nội địa Trung Quốc nhưng chất lượng cũng như hàng nội địa Đài Loan.

Theo tìm hiểu, một sản phẩm (trong đó có bánh kẹo) lưu hành tại Trung Quốc đòi hỏi tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, phải có đầy đủ thông tin và địa chỉ nơi sản xuất, có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm in trên bao bì, có mã QR code. Chỉ cần dùng điện thoại quét mã này sẽ hiện lên đầy đủ thông tin về sản phẩm, công ty sản xuất, hệ thống cửa hàng đang bán… thông qua ứng dụng Wechat (một ứng dụng nổi tiếng tại Trung Quốc). Wechat được xem là kênh truyền thông hiệu quả trong việc nhận diện thương hiệu và giúp doanh nghiệp tăng doanh số. Hầu hết các doanh nghiệp tại Trung Quốc đều tạo tài khoản Wechat để giúp gia tăng sự thích thú của người mua và độ tin cậy của nhãn hàng.

Trong khi đó, những sản phẩm được cho là hàng nội địa Trung Quốc trên đều không hề có mã QR code trên bao bì, thông tin sản phẩm mập mờ. Khi một giám đốc doanh nghiệp người Hoa sinh sống tại Q.6, TPHCM dịch giúp chúng tôi những thông tin in trên bao bì một số loại bánh tươi nội địa Trung Quốc thì thấy chỉ ghi chung chung là được sản xuất bởi Công ty mậu dịch Minh Thành (tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), không có địa chỉ nơi sản xuất. Vị giám đốc này cho biết thêm, Nam Ninh là thành phố giáp ranh Việt Nam, dễ dàng giao thương qua lại nên các doanh nghiệp ở đây chuyên sản xuất những sản phẩm dành cho thị trường Việt Nam hoặc dùng bánh cũ hết hạn hay sản xuất bánh mới nhưng làm nhái vỏ hộp các thương hiệu nổi tiếng rồi xuất sang Việt Nam.

Luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – cho rằng hàng lậu, hàng gian, hàng giả nói chung, các loại bánh nội địa Trung Quốc không rõ nguồn gốc nói riêng đang tràn ngập thị trường một phần do thói quen tiêu dùng dễ dãi của nhiều người. Chính họ đã tự làm mất quyền lựa chọn, xem xét nguồn gốc, có đảm bảo về nhãn hàng hóa… trước khi mua hàng chỉ vì ham hàng ngoại giá rẻ. Nếu người tiêu dùng không ưa chuộng và chọn giải pháp tẩy chay, những sản phẩm này sẽ không có “đất sống”.

Các loại bánh tươi nội địa Trung Quốc cũng na ná bánh bông lan tươi, bông lan trứng muối, bánh mì sandwich, bánh kem của Việt Nam. Như bánh kem nếu bảo quản ở nhiệt độ thường (từ 20 – 40 độ C) thì để được 2-5 tiếng đồng hồ, nếu để trong ngăn mát tủ lạnh thì cũng chỉ khoảng ba ngày. Bánh sandwich, bông lan trứng muối… có hạn sử dụng từ 3-5 ngày ở nhiệt độ thường. Không rõ các loại bánh nội địa Trung Quốc bảo quản ra sao mà có hạn sử dụng cao (2-3 tháng). Có thể thấy rằng các bánh nội địa Trung Quốc bày bán tại các chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn thực phẩm. Không chỉ chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong các loại sản phẩm ăn vặt này có thể vượt ngưỡng cho phép, mà dễ thấy nhất là hạn sử dụng quá lâu, lại bảo quản sơ sài. Không phải bánh bị đổi màu mới có nấm mốc, mà nấm mốc lan tới đâu mắt thường rất khó nhận biết. “Có loại nấm không gây ngộ độc nhưng có loại gây ngộ độc, làm hại gan, thần kinh, thậm chí gây ung thư”.

Theo các hướng dẫn về an toàn thực phẩm, những thực phẩm đã qua chế biến nhiệt không thể để ở nhiệt độ thường mà phải bảo quản ở ngăn mát không quá 4 độ C hoặc phải luôn trong tình trạng hâm nóng. Trong đó các loại bánh chưng, bánh trung thu không cho phép để ở nhiệt độ thường quá 24 tiếng, nếu sử dụng chất bảo quản cũng chỉ được tối đa một tuần.

Ngoài ra, thực phẩm dù còn hạn sử dụng nhưng nếu bảo quản không đúng chưa chắc an toàn. Ví dụ, bánh có hạn sử dụng một tháng, yêu cầu phải bảo quản trong ngăn mát từ 3-4 độ C nhưng nếu bày bán ở nhiệt độ thường thì có thể vài ngày bánh đã hư, không an toàn. Hoặc như nước sữa chua, nhãn yêu cầu phải bảo quản nhiệt độ từ 0-2 độ C mà chai sữa này bày bán ở nhiệt độ thường thì dù vẫn còn hạn sử dụng cũng không nên mua.

Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành

(Theo Báo Phụ Nữ)