Tổng hợp Top uet là trường gì hot nhất hiện nay 2023

Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) được thành lập ngày 25/5/2004 trên cơ sở phát triển khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN. Ngày 18/10/1999 (thành lập Khoa Công nghệ) được chọn là ngày Truyền thống của Trường ĐHCN. Trải qua chặng đường gần 20 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã khẳng định vị thế là một trong những trường đào tạo, nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật hàng đầu cả nước và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

NHỮNG MỐC SON PHÁT TRIỂN

Thực hiện lộ trình hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, đặc biệt là phát triển các ngành định hướng công nghệ chuẩn bị cho sự ra đời của Trường ĐHCN, ngày 18/10/1999, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định số 1348/TCCB thành lập Khoa Công nghệ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa CNTT và Khoa CN ĐT-VT thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành hai ngành thuộc Khoa Công nghệ. Ngay sau khi thành lập Khoa Công nghệ, ngày 19/10/2000, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định số 536/TCCB thành lập Ban soạn thảo Đề án thành lập Trường Đại học Công nghệ.

Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHCN trên cơ sở khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN với hai nhiệm vụ chính được ghi trong quyết định thành lập là:”Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.

Từ năm 2004 đến nay, Trường ĐHCN ngày càng phát triển và giữ vững thương hiệu để đạt mục tiêu “Trở thành một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á; một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” với khẩu hiệu hành động “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng cao”. Qua từng năm, Trường ĐHCN dần từng bước củng cố và phát triển để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học-công nghệ, hợp tác quốc tế, phát triển đội ngũ cán bộ,… xây dựng Nhà trường khang trang hơn. Ngày 18/10/1999 được chọn là ngày truyền thống của Trường ĐHCN.

BAN GIÁM HIỆU CÁC THỜI KỲ

Giai đoạn Hiệu trưởng Các phó Hiệu trưởng Năm 2004-2005 GS. VS Nguyễn Văn Hiệu GS.TS Nguyễn Hữu Đức

PGS.TS Hà Quang Thụy

PGS. TS Trần Quang Vinh

Năm 2005-2009 GS.TS Nguyễn Hữu Đức PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức (từ 11/2008)

PGS.TS Hà Quang Thụy

PGS. TS Trần Quang Vinh

Năm 2009-2014 PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (đến 10/2012)

PGS.TS Nguyễn Việt Hà

TS Nguyễn Anh Thái (từ 4/2013)

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (từ 6/2011)

Năm 2014-nay PGS.TS Nguyễn Việt Hà PGS.TS Phạm Bảo Sơn (đến 5/2019)

TS Nguyễn Anh Thái

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (đến 6/ 2016)

GS.TS Chử Đức Trình (từ 6/2017)

THÀNH TÍCH TRONG NHỮNG NĂM QUA

Về đào tạo, trong giai đoạn năm 2004 đến nay, Nhà trường phát triển không ngừng các yếu tố đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống chương trình thường xuyên được cập nhật, bổ sung, nâng cấp tham chiếu tới các chương trình tiên tiến trên thế giới, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được hoàn chỉnh. Từ năm 2009 đến nay, Trường triển khai áp dụng toàn diện phương thức đào tạo tín chỉ thay thế đào tạo niên chế. Trường ĐHCN tiếp tục giữ vững và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo, đến nay Nhà trường tổ chức đào tạo 35 chương trình đào tạo (CTĐT), trong đó có 17 CTĐT đại học, 10 CTĐT thạc sỹ và 08 CTĐT tiến sỹ. Từ năm 2015 đến nay, Trường đã đề xuất và triển khai 6 chương trình đào tạo mới (5 bậc ĐH, 1 bậc thạc sĩ), trong đó có 02 chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23 có tiền đề từ chương trình Nhiệm vụ chiến lược đạt trình độ quốc tế của ĐHQGHN. Chất lượng đào tạo được nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 96%, trong đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đạt trung bình 70%. Công tác tuyển sinh đầu vào bậc ĐH, SĐH được quan tâm, điểm chuẩn tuyển sinh ĐH của Trường ĐHCN luôn giữ ở mức cao và ổn định nằm trong nhóm các trường dẫn đầu của cả nước, quy mô tuyển sinh đại học tăng hợp lý, năm 2004: 470 chỉ tiêu; năm 2014: 700 chỉ tiêu; năm 2017: 1.120 chỉ tiêu; năm 2020: 1.450 chỉ tiêu. Trường ĐHCN cũng là địa chỉ tin cậy được Bộ GD&ĐT giao thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh Việt Nam dự Thi Olympic tin học quốc tế từ năm 2011. Sinh viên Trường ĐHCN nhiều năm liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi ACM, PROCON, Imagine cup, Olympic Tin học, Toán học, Vật lý,…, đạt được nhiều giải trưởng như Honda Yes,… Đặc biệt, năm 2018, Đội tuyển Unsigned – là đội tuyển đại diện của Việt Nam tham gia Vòng chung kết toàn cầu kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ACM/ICPC đã đạt thứ hạng 15 (là thứ hạng cao nhất của các đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay). Đồng thời, Trường ĐHCN là trường đầu tiên của Việt Nam đạt thành tích năm năm liên tục (2015-2019) có đội tuyển thi tại vòng chung kết toàn cầu kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC.

Hoạt động kiểm định chất lượng (KĐCL) được coi là thước đo cho mọi hoạt động của Nhà trường. Nhà trường đã thực hiện KĐCL trường đại học, lần 1 năm 2008, lần 2 năm 2012, lần 3 năm 2016 và được cấp chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đến nay, Trường ĐHCN đã có 04 chương trình đào tạo (CNTT, ĐTVT, KHMT, CNKT-CĐT) được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp đạt kết quả cao là 96%.

Để hướng tới mục tiêu đề ra, tính chất hoạt động nghiên cứu của Nhà trường cũng chuyển mạnh từ các nội dung nghiên cứu cơ bản sang các đề tài trong các chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển giải pháp công nghệ, cả về số lượng đề tài lẫn về kinh phí thực hiện. Công tác nghiên cứu khoa học được kết hợp chặt chẽ với với công tác giảng dạy, học tập và công tác biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy. Trường tiếp tục phát triển “môi trường nghiên cứu tích cực”, làm cho hoạt động nghiên cứu trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi cán bộ, giảng viên. Từ năm 2005, công bố khoa học ở tạp chí trong và ngoài nước cùng hội thảo quốc tế đạt tỷ lệ 0.44 bài/GV/năm, đến nay đạt 2 bài/GV/năm. Kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học cũng tăng lên, tính bình quân theo giảng viên năm 2004 là 18 triệu đồng/giảng viên, từ năm 2009 đến nay đạt trung bình trên 90 triệu đồng/giảng viên. Ngoài ra, các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng, được chuyển giao cũng ngày càng nhiều (giai đoạn năm 2006-2010: 9 sản phẩm; từ năm 2010-2014: 14 sản phẩm). Hằng năm, Nhà trường chủ trì/phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị Khoa học Quốc gia, Quốc tế. Trường ĐHCN hiện đang được giao chủ trì chuyên san CNTT-TT của ĐHQGHN, Khoa ĐTVT là đơn vị thường trực của Tạp chí JEC của Hội Vô Tuyến Điện tử Việt Nam. Năm 2016, Nhà trường có 02 Phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở PTN mục tiêu Hệ thống tích hợp thông minh và PTN mục tiêu Công nghệ Micro và Nano.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng phát triển. Nhà trường có khoảng 60 đối tác nước ngoài đang duy trì các hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, trong đó có những đối tác chiến lược. Từ các hoạt động hợp tác quốc tế, hằng năm Nhà trường đã cử hơn 80 lượt cán bộ đi tham quan, học tập, giao lưu…ở nước ngoài, trong đó hơn 50% lượt chuyến đi do phía đối tác tài trợ. Đặc biệt, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trường-viện trong đào tạo, nghiên cứu với các viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện Cơ học, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Vật lý, Viện Công nghệ Vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Tập đoàn IMI thuộc Bộ Công thương để xây dựng và phát triển các khoa mới, các ngành/chuyên ngành đào tạo mới và hợp tác cùng thực hiện đề tài KHCN. Nhà trường đã ký mới thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Cơ khí. Năm 2007, Trường ĐHCN hợp tác với Tập đoàn Toshiba thành lập phòng thí nghiệm phối thuộc Toshiba-UET đặt tại Trường ĐHCN. Năm 2011, Trường đã hợp tác với IBM ra mắt Trung tâm Xuất sắc IBM đặt tại trường ĐHCN và là CoE đầu tiên của IBM ở khu vực ASEAN. Đồng thời, Trường ĐHCN là thành viên sáng lập của Mạng lưới đào tạo chuyên nghiệp châu Á (APEN) và mở rộng hợp tác với các đối tác Nga, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2017, Trường hợp tác với Đại học Công nghệ Sydney (Úc) thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC) đặt trụ sở tại tầng 7 Nhà E3 của Trường ĐHCN; hợp tác với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xúc tiến Thành lập Viện Công nghệ hàng không vũ trụ và mở chương trình đào tạo đại học về hàng không vũ trụ.

Từ năm 2004 đến nay, nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường chú trọng vào yếu tố đội ngũ cán bộ. Thể hiện qua việc chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ phát triển qua từng năm (năm 2004: 115 cán bộ; năm 2013: 232 cán bộ). Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có học vị tiến sĩ trở lên trong 5 năm trở lại đây luôn đạt 70%, tỷ lệ GS, PGS hiện nay đạt 19%. Tỷ lệ sinh viên/GV quy đổi theo quy định của Bộ GD&ĐT 12,4 SV/GV.

Khi thành lập cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, tỷ lệ diện tích phòng học trên sinh viên chỉ đạt 1,42m2/1SV, một số giảng đường còn phải đi thuê, đến nay hệ thống giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động, đã đạt: 2,73m2/1SV. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu đầy đủ hơn, khang trang hơn. Năm học 2015-2016, Trường đầu tư, nâng cấp 100% phòng học đạt chuẩn theo đó các phòng được trang bị điều hòa, hệ thống máy chiếu và bản tương tác, bàn ghế mới. Nhà trường cũng dành một phần kinh phí đáng kể đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các chương trình chất lượng cao.