Cách điệu hoa lá

Cách điệu hoa lá

1. Hoa lá:

Qua nghiên cứu vốn cổ dân tộc, ta nhận thấy: tất cả những hình trang trí khi được đưa vào ứng dụng trong thực tế, từ hình người cho đến hoa lá, chim muông đều được cách điệu cao. Muốn có một hình tượng trang trí cụ thể, đẹp mắt, trước tiên người vẽ phải biết tinh giản, gạn lọc những nét điển hình nhất của vật mẫu.

Đơn giản hoa lá là lược bỏ đi những chi tiết không cần thiết, rườm rà để giữ lại những nét đẹp điển hình của loại hoa lá đó, giúp cho chúng đẹp thêm, có giá trị hơn. Đơn giản là phần nào biết nâng những hình vẽ hoa lá từ tự nhiên lên một bước, tiến dần đến trang trí cách điệu.

Ví dụ:

hoa la 1

hoa la 2

hoa la 3

Nhận xét các hình trên ta dễ dàng nhận thấy hoa lá đơn giản còn gần với bản chất thật, chưa thực sự được biến thành những hình trang trí cụ thể. Nếu đem sử dụng vào hình trang trí cơ bản hoặc những chỗ cần đến tính cách điệu cao sẽ làm cho tính trang trí chưa cao. Thường những hình hoa lá đơn giản được sử dụng ở những dạng trang trí có tính giản đơn như trong vẽ gốm (bát, đĩa, ấm, chén, lọ…), trang trí những vật phẩm thông thường (khăn, thảm, vải hoa, văn hóa phẩm, quảng cáo hàng hóa…) loại trang trí này chưa cần nhiều đến tính cách điệu. Đơn giản không phải là sự dễ dãi mà phải biế gạn lọc để có những hình ảnh đẹp, tiến gần đến họa tiết cách điệu; bước đầu đưa hình mẫu vào thế cân đối, hoàn chỉnh, khắc họa được đặc tính riêng của mẫu. Có thể thêm vào một vài chi tiết cho gần với yếu tố trang trí hơn. Đơn giản chính là bước khởi đầu của cách điệu và trang trí hoa lá.

2. Cách điệu hoa lá:

Cách điệu là sự chắt lọc từ những đường nét, hình thể đặc trưng nhất của một vật thể có thật. Thông qua sự sáng tạo của nghệ sỹ, vật thể đã được sắp xếp lại, thêm bớt chi tiết, màu sắc… để có thể đạt đến mức tượng trưng trong hình vẽ. Đây chính là giai đoạn để người vẽ bày tỏ quan niệm và tư duy sáng tạo của mình. Sáng tạo khác với bịa đặt và bóp méo hiện thực, sáng tạo dựa trên thực tế, dựa vào quy luật chung. Giữa tìm hiểu hiện thực với khai thác và sáng tạo phải luôn gắn bó mật thiết với nhau đó là nguyên tắc chung của nghệ thuật trang trí. Để có thể sáng tạo được một mẫu trang trí cần phải trải qua các bước tiến hành:

a. Chọn và lọc ra những hoa lá đẹp trong bài tập ghi chép hoa lá bằng chì và màu. Những hình hoa lá có những nét điển hình riêng với những chi tiết mình cảm thấy có khả năng nâng cao lên được, cần chọn lựa nhiều hình khác nhau để khi thực hiện bài không bị lặp lại. Không nên chỉ chọn mẫu hình đơn hay toàn hình mang tính phức tạp mà cần chủ động trong lựa chọn mẫu vẽ gắn với sự tưởng tượng hình dung ra chúng khi thực hành. Những hình có nhiều chi tiết ghi chép cụ thể, rõ nét để có cơ sở cho việc cách điệu.

b. Trên cơ sở mẫu đã được chọn, quy chúng vào hình kỷ hà, lược bỏ những chi tiết, những bộ phận không cần thiết, thêm những nét điển hình và làm cho họa tiết được đều đặn, cân đối. Sắp xếp cho bố cục chung của họa tiết trở nên hoàn hảo và có nhiều yếu tố điển hình hóa.

c. Phân chia đậm nhạt bằng các mảng đen trắng cụ thể theo gợi ý về các độ chuyển tiếp của màu trong thực tế, xử lý các nét to nhỏ khác nhau, kết hợp với những mảng đen trắng để tạo sự hòa hợp chung của hình. Không nên bịa đặt thái quá hoặc cố tạo cho chúng uốn éo với những đường cong thừa gây rối mắt; ngược lại, không nên quá lạm dụng những đường kỷ hà, dích dắc, với những hình hoa lá nhọn, gai góc như răng cưa khiến họa tiết mất hết sự lôi cuốn và hấp dẫn. Cái đẹp, chính là do sự hài hòa cân đối của bố cục giữa các mảng, nét, hình, đậm nhạt cộng với những chi tiết cần thiết bổ sung tạo nên. Chúng ta hãy xem các hình sau:

– Hình a: Một họa tiết trang trí do quá tham những đường cong uốn lượn, khiến cho chúng trở nên rối rắm, mất tính cân đối, vững vàng.

– Hình b: Tất cả các đầu của lá đều xử lý bằng những nét sắc nhọn làm họa tiết mất đi tính đặc trưng riêng, hơn nữa chúng còn xấu hơn khi đang ở dạng thực.

hoa la 4

hoa la 5

hoa la 6

3. Họa tiết trang trí:

a. Định nghĩa: Là một hình vẽ đã được cách điệu hóa từ thực tế để biến thành một hình trang trí.

hoa la 7

Hoa đã chuyển thể sang trang trí cách điệu

hoa la 8

Tất cả các họa tiết trang trí đều được con người lấy cảm hứng sáng tạo từ thiên nhiên và trong lao động: cỏ, cây, hoa, lá, chim muông … Trong thực tế, bản thân mỗi vật đều có sẵn những nét đẹp tiềm ẩn tạo cảm xúc cho các nghệ sỹ tìm tòi, khai thác và chuyển thể thành những hình cụ thể mang tính sáng tạo. Dù khai thác vẻ đẹp thiên nhiên ở góc độ nào thì nó vẫn phải mang sắc thái và vẻ đẹp riêng của nó, không thể thay đổi, nhầm lẫn với những thứ khác. Những bông hoa cúc cách điệu, dù được thể hiện theo cách này hay cách khác vẫn khiến người xem dễ dàng nhận biết và phân biệt được với hoa sen hay hoa hồng.

hoa la 9

Hoa cúc cách điệu với nhiều thế dáng khác nhau

Những đề tài được chọn lựa để cách điệu thành họa tiết trang trí thường là những vật rất gần gũi với cuộc sống và nếp nghĩ của con người, đôi khi cũng có những họa tiết được sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng về thần thánh, tiên, rồng, phượng… nhưng những hình tượng ấy cũng không tránh khỏi sự na ná hình thù của con người hay con vật trong thực tế.

– Hình tượng tiên: giống các cô gái mảnh mai, mềm mại.

– Rồng, nghê: được khai thác từ sư tử, hổ, trăn, rắn…

– Hình tượng Phật, ông Thiện ông Ác, tăng ni phật tử… đều được sử dụng từ những hình mẫu có trong đời sống thực tế của con người mà nâng lên thành những biểu tượng riêng nhằm phục vụ nhu cầu về tâm linh, tôn giáo.

Nghệ thuật trang trí rất đa dạng; nó biến các vật dụng và các địa điểm cần trang trí trở nên đẹp hơn, có giá trị hơn về mọi mặt. Họa tiết trang trí biến các vật dụng sản phẩm thường ngày từ ấm chén, bàn, ghế, bình, lọ, khăn quàng… cho đến những tấm thiệp mừng, hộp bánh kẹo, gói quà… trở nên hấp dẫn. Trang trí luôn làm đẹp cho các nơi công cộng, nơi hội họp, sinh hoạt xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước nói chung, của các đơn vị, tập thể, gia đình và mỗi cá nhân nói riêng. Đâu đâu, ở lĩnh vực nào, họa tiết trang trí cũng có mặt và đóng góp một cách tích cực trong sự phát triển chung của thời đại. Đất nước ta từ Nam tới Bắc, do nhiều dân tộc anh em khác nhau hợp thành, mỗi dân tộc có cách biểu hiện họa tiết trang trí riêng của mình, được hình thành từ các tập tục với nhiều phong cách đa dạng, phong phú… tất cả quy tụ, hợp thành nền nghệ thuật dân gian Việt Nam.

hoa la 10

Một số mẫu thổ cẩm của các dân tộc thiểu số

Điểm qua một số hình minh họa, chúng ta thấy họa tiết có tính cách điệu hóa rất cao trong cách thể hiện. Họa tiết ở các hình trang trí của các dân tộc thiểu số thường được quy vào các dạng hình cơ bản: vuông, tròn, ô van, hình trám, hình biến thể… bằng sự phối màu tươi sáng, rực rỡ với sự tương phản cao đặt cạnh nhau khá mạnh bạo. Sự khái quát cao về hình nhằm đạt được ước nguyện biểu hiện cuộc sống thực với những sự vật, hiện tượng thường ngày là: cỏ cây, hoa lá, chim muông, mây, nước, lửa hay con người. Giống như họa tiết trang trí cổ, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, họa tiết trang trí cũng đóng một vai trò quan trọng là tô điểm cho cuộc sống con người thêm sinh động, phong phú, hấp dẫn. Nghệ thuật dân tộc truyền thống đã để lại một khối họa tiết rất phong phú như hình rồng, phượng, hoa, lá, chim muông, tiên, Phật. Họa tiết dân tộc có đặc điểm chung là đường nét dứt khoát, khỏe khoắn nhưng lại rất mềm mại, trau chuốt với tính cách điệu cao mà vẫn gần gúi gắn bó với con người qua mọi thời đại. Nó vừa tạo cảm xúc cho người xem vừa làm cho ta thêm gắn bó với quê hương bản quán, yêu từ cỏ hoa đến bến nước, cây đa, mái đình…

Họa tiết trang trí dân tộc Việt nam tuy có phần nào chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ trong cách diễn đạt nhưng vẫn bộc lộ một cách rõ nét trong cách thể hiện tình cảm, văn hóa, cách nhìn của con người Việt Nam với cách tạo hình mộc mạc, dễ hiểu và đậm chất dân gian.

b. Vai trò của họa tiết trang trí trong nghệ thuật:

Nghệ thuật trang trí chính là sự ứng dụng của nghệ thuật tạo hình vào đời sống nhằm tạo ra những vật phẩm, những công trình làm cho chúng thêm đẹp và hoàn thiện. Họa tiết trang trí là điểm quan trọng hàng đầu của nghệ thuật làm đẹp với sự chọn lọc và phối hợp hài hòa các yếu tố về hình, ents, mảng, màu sắc trong một tổng thể chung và được sử dụng một cách rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau. Vai trò của nghệ thuật trang trí cũng có một tác động lớn lao, góp phần dẫn dắt và xây dựng lối sống, nhân cách con người.

Cùng với sự phát triển chung của thời đại, nghệ thuật trang trí là loại hình không thể thiếu đối với những người học vẽ, việc nắm vững những kiến thức cơ bản chung để sáng tạo ra những họa tiết trang trí mới để ứng dụng vào các môn học cụ thể là rất cần thiết. Nghệ thuật trang trí dù ở thể loại nào thì ngôn ngữ tạo hình nói chung vẫn là sự vận dụng những hiểu biế qua sự sắp đặt các mảng, khối, hình, nét, màu sắc. Thông qua các phương pháp sáng tạo các họa tiết trang trí, người học vẽ sẽ được trang bị về kỹ năng thực hành cũng như những kiến thức và sự hiểu biết cần thiết để dần nâng cao ý thức thẩm mỹ cũng như tư duy sáng tạo. Để hiểu sâu và rõ thêm cách tạo mảng – nét trong trang trí, chúng ta tham khảo một số họa tiết trang trí cổ có tính kinh điển khá rõ nét:

hoa la 27

Bức chạm Tiên nữ dâng hoa (Chùa Thái Lạc, Hưng Yên, thế kỷ XVI) là một bức chạm đẹp nổi tiếng qua cách phân bố các mảng hình. Tất cả được bố cục bằng các họa tiết hoa văn hình người thân chim, kết hợp với các mảng hoa, lá, mây một cách nhuần nhuyễn, với những nét khắc chỗ thanh, chỗ đậm và mảng lớn, mảng nhỏ tạo thành một sự hài hòa, hợp lý, có tính biểu cảm cao.

hoa la 28

Tượng Tháp Bình Sơn (chùa Vĩnh Khánh, Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

hoa la 29

Tượng Nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh)

Tất cả đều được thể hiện và xây dựng bằng một tập hợp các họa tiết trang trí với sự phối hợp, liên kết giữa khối, hình, mảng, nét… là phương tiện và ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình.

hoa la 11

Họa tiết trang trí đứng đơn sẽ chỉ là một hình thức tô điểm, trang trí cho đẹp một vật dụng hay một địa điểm cụ thể. Kết hợp một nhóm họa tiết hoặc nhiều họa tiết sẽ hình thành một bố cục trang trí cụ thể (trong hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình biến dạng, đường diềm…) nó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị như ở diềm bia, lăng tẩm, đình, chùa, chạm khắc, rèm, thảm… Tất cả các tác phẩm đều có sự kết hợp của các họa tiết hay nói cách khác là họa tiết tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.

hoa la 12

hoa la 13

Họa tiết các dạng trang trí

c. Phương pháp ghi chép hoa lá thật:

Hoa, lá, chim muông là đề tài muôn thuở cho sáng tạo và làm nảy sinh các họa tiết trang trí. Từ rất xa xưa, ông cha ta đã biết khai thác và tìm ra những nét đẹp của hoa lá trong thiên nhiên để đưa vào áp dụng trong các thể loại trang trí phục vụ cho xã hội và con người, đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu chung của xã hội. Bản chất của sự vật trong thiên nhiên luôn ẩn chứa những nét đẹp trời phú. Nhiệm vụ của người học vẽ là phải biết khai thác, tìm ra những nét đẹp đó để phát triển, nâng lên thành mức điển hình nhất. Bước khởi đầu cho việc sáng tạo là phải biết ghi chép hoa lá thật. Có ghi chép thật mới tránh được sự bịa đặt nghèo nàn hoặc lặp lại những suy nghĩ, sáng tạo của người khác. Khi ghi chép hoa lá thật để hiểu rõ cách cấu tạo, cách sắp xếp nét, hình cũng như đặc điểm của loại hoa lá đó, bởi mỗi loại hoa lá đều có tính đặc thù riêng với kiểu dáng, cấu trúc, nét đẹp, tính hấp dẫn riêng biệt. Sau đó phải nghiên cứu, tìm tòi mới có thể phát hiện ra được diện mạo cũng như nét đẹp tiềm ẩn bên trong của mỗi thể loại hoa lá. Chỉ trên cơ sở ghi chép mới có thể biến đổi một hình cụ thể thành một họa tiết trang trí mới với tính thẩm mỹ cao, có tính thuyết phục đối với công chúng.

* Ghi chép hoa lá bằng nét và mảng đen trắng:

hoa la 14

Lựa chọn mẫu và nghiên cứu đặc điểm: Trước khi vẽ, phải quan sát và lựa chọn những loại hoa lá có hình dáng đẹp với những đường nét hấp dẫn, có khả năng cách điệu thành họa tiết trang trí. Khi quan sát cần chú ý đến đặc điểm và cấu tạo của mẫu. Với các loại mẫu khác nhau về hình cần quan tâm đến tổng thể chung, dáng, hướng, thế của chúng cùng với những chi tiết riêng, mang tính đặc thù. Ở những dạng hoa lá có hình dáng tương đối giống nhau cần phải tìm ra được những nét riêng. Thí dụ ở dạng lá ba chẽ: Khi nhìn tổng thể tuy ta thấy cùng một dạng về hình nhưng có sự khác nhau ở chi tiết, nên người xem vẫn dễ dàng nhận biết được đó là loại lá gì. Bước quan sát và lựa chọn rất cần thiết cho công việc nghiên cứu và ghi chép mẫu. Trước khi vẽ cần chú ý đến những điểm sau: Hình toàn thể của một nguyên mẫu hoa lá; Đặc điểm riêng về cấu trúc và chi tiết của hoa lá đó; Dáng thế thay đổi về hình và hướng của mẫu.

* Phác hình: Không nên chỉ quan sát một hướng mà phải chọn góc nhìn với các góc độ khác nhau: nhìn thẳng, nhìn nghiêng, từ trên xuống, từ dưới lên để phát hiện được sự thay đổi của hình qua nhiều góc hướng nhìn khác nhau với những nét đẹp riêng để lựa chọn hình vẽ. Cùng một mẫu, có thể ghi chép 3 – 4 chiều hướng khác nhau, qua đó sẽ chọn ra được một hình ưng ý nhất. Thí dụ, trong hình dưới, một bông hoa có thể được vẽ với nhiều cách khác nhau do quan sát từ nhiều góc độ.

hoa la 15

Một bông hoa được vẽ với nhiều cách khác nhau

Trên cơ sở đã phác họa khá chính xác cũng như phân chia hình mảng và tỷ lệ mẫu một cách chuẩn xác, ta bắt đầu tìm cái chung và cái riêng của từng bộ phận cũng như các chiều hướng thay đổi của cành hoa và lá. Cần chú ý quan sát đặc điểm của gân lá chạy theo quy luật nào. Khi ghi chép những dạng hoa lá có nhiều chi tiết phức tạp với nhiều bộ phận khác nhau (hoa – lá – cành), phải luôn dựa vào hình đại thể khái quát được phác lúc ban đầu, sau đó tách dần ra từng khóm, từng bộ phận nhỏ để đi sâu nghiên cứu bằng hình thức cụ thể hóa từng bông hoa, từng khóm lá trong một tổng thể chung thống nhất.

hoa la 16

Cách vẽ một bông hoa

Khi ghi chép, phải cố gắng giữ đúng tinh thần và dáng hình toàn bộ. Nếu chép hoa lá bằng bút chì thì nên khai thác chủ yếu vẻ đẹp của chúng bằng hệ thống nét, không cần phải đánh bóng, tạo khối như vẽ hình hoa. Tính biểu hiện của thể loại trang trí là mảng và nét. Nét tạo nên hình và gợi khối. Vì vậy, khi ghi chép đường nét phải linh hoạt, chính xác, mềm mại, chuyển độ đậm nhạt trong nét một cách tinh tế.

hoa la 17

Cách vẽ một cành hoa

* Các bước tiến hành:

hoa la 18

Quy hình dáng chung của vật mẫu theo các chiều hướng lớn bằng các đường thẳng. Chú ý về tỷ lệ giữa chiều ngang với chiều dài của hoa lá đó và tỷ lệ to nhỏ về mảng hình giữa hoa và lá, giữa các khóm lá với nhau.

Phác hình đại thể của các mảng bằng hình kỷ hà, so sánh về độ lớn bé cũng như chiều hướng của chúng. Thí dụ, muốn vẽ một bông hoa ta phải so sánh giữa cánh hoa với đài hoa, cuống hoa…

Khi vẽ một cành hoặc nhiều cành, phải so sánh giữa khóm hoa và khóm lá, các mảng lớn, nhỏ khác nhau, hình dáng và chiều hướng chung của khóm hoa lá đó. Tất cả phải được quy vào hình kỷ hà một cách khá chính xác.

hoa la 19

Cách vẽ một khóm hoa

Cụ thể hóa dáng hình của họa tiết cho sát với màu, nhấn đậm chi tiết và các đặc điểm hình để tạo sự thay đổi về đậm nhạt bằng nét vẽ. Có những chỗ không cần thiết phải vẽ kỹ chi tiết (ví dụ như răng cưa quá nhiều, gân lá quá nhỏ) vì chúng sẽ khiến cho vật mẫu trở nên rườm rà, vụn vặt, mất đi sự cân đối chung. Ngược lại có những chỗ cần phải đi sâu, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhấn đậm trọng tâm như cánh hoa, nhị hoa, cách chuyển độ đậm nhạt của màu sắc cũng như sự phân bố mảng giữa bông hoa và nhị hoa đó. Chú ý quan sát cách phân chia các nhánh của hoa hay các kẽ lá, chỗ bắt đầu của cuống và đài hoa… Đó chính là cơ sở để có thể phát triển, nâng cao ở bước tiếp theo là bước trang trí, cách điệu.

Quan sát cấu tạo của một nhóm hoa lá, trước tiên ta cần phải nắm vững và hiểu rõ sự cấu tạo của cánh hoa, đài hoa, nụ hoa, sự sắp xếp phân bố giữa các nhành lá, những lá non được mọc ra giữa chẽ lá và cành. Với cấu tạo toàn bộ gồm những lá to nhỏ khác nhau, hướng của khóm hoa chia ra từng đôi một với tỷ lệ khác biệt và chênh nhau về độ lớn bé khiến cành hoa nhìn chung tạo được sự chuyển động về nhịp trông rất mềm mại và đẹp mắt. Với hình vẽ được ghi chép trên thực tế, ta đã có một cấu trúc rất đẹp về hình dáng cũng như sự phân bố mảng hình. Trong khi ghi chép hoa lá thật, người vẽ đã biết lược bỏ những chi tiết không cần thiết và gạn lọc những nét đẹp điển hình của vật mẫu nhằm tạo ra một hình vẽ có tính nghệ thuật. Hội họa khác với máy ảnh ở chỗ nó biết lược bỏ những điểm yếu và khai thác triệt để mặt mạnh nhằm chắt lọc và rút ra những yếu tố điển hình của đối tượng. Hội họa đưa thực tế vào trang giấy bằng những hình nét cụ thể và sinh động, trong đó có sự biến hóa thông qua nhận thức thẩm mỹ của người vẽ.

hoa la 20

Một khóm hoa bìm bìm đã được ghi chép hoàn thành

* Các loại hoa lá dễ sử dụng trong trang trí:

– Hoa: bèo, sen, cúc, bìm bìm, rau muống, râm bụt, mướp, giấy, trúc đào, phù dung, lan, cỏ dại…

– Lá: đu đủ, mướp, thài lài, cúc, đậu, bìm bìm, bèo, khoai nước, rau muống, lan, cỏ dại…

Có thể sử dụng vẽ hoa, lá đơn hoặc kết hợp cả cụm hoa lá, nụ hoa, cành hoa v.v… Tuy vậy cũng không nên ôm đồm ghi chép quá nhiều thứ phức tạp cùng một lúc vì như vậy sẽ khó nhận biết được những nét đẹp riêng biệt của bản thân hoa lá đó, đồng thời lại gây rối mắt khó phân biệt trong quá trình ghi chép hình.

– Ghi chép hoa lá thật nên sử dụng bằng bút chì để dễ dàng sửa chữa hay tẩy xóa, tiện lợi cho người vẽ khi lên hình, đồng thời công việc này mang tính phổ thông, dễ làm, dễ thể hiện trong lúc vẽ. Tuy nhiên cũng có thể ghi chép hoa lá bằng mực nho hay bút kim, bút dạ đối với những người có khả năng nhìn hình tốt và có thể xử lý chất liệu một cách thuần thục, linh hoạt. Vẽ hoa lá bằng mực nho phải kể đến thể loại tranh quốc hoa (Trung Quốc). Vẽ theo thể loại này phải thực hiện trên loại giấy thấm nước như giấy dó, giấy xuyến chỉ. Với phong cách vẽ mềm mại bởi sự chuyển biến độ đậm nhạt của mẫu tạo nên sự khoáng đạt trong lối vẽ, bên cạnh đó là cách xử lý nét thanh, nét đậm, nét dài, nét ngắn, lối vẽ này làm người xem cảm nhận được sự mềm mại, thanh nhã của bông hoa, khóm lá. Vẽ hoa lá bằng mực nho có thể tạo được khối, hình và diễn tả ánh sáng, song sử dụng mực nho để vẽ là tương đối khó đối với người mới học. Do đó, tốt nhất là nên thực hiện bài ghi chép hoa lá bằng bút chì màu đen.

b. Ghi chép hoa lá bằng màu:

– Sử dụng màu nước để vẽ hoa lá cũng tương tự như cách vẽ mực nho. Tuy nhiên công đoạn đầu tiên trước khi vẽ vẫn phải trải qua các bước tiến hành như khi ghi chép hoa lá bằng bút chì, tức là vẫn phải trải qua các giai đoạn quan sát mẫu, chọn hướng, khái quát về hình, phác những đường hướng lớn, phân chia khoảng cách và những diện lớn rồi lên dần chi tiết. Phải phác hình tương đối chuẩn xác rồi mới vẽ màu. Có thể phác hình bằng 2 cách: một là phác nhẹ hình khái quát bằng bút chì trước khi vẽ màu từ nhạt đến đậm; hai là dùng bút lông phác hình bằng màu nhạt. Sau đó lên màu đậm dần.

Xác định màu chung toàn bộ của vật mẫu (đỏ, xanh, vàng, nâu…). Nên vẽ từ màu nhạt đến đậm dần, nếu ta sử dụng màu đậm ngay thì sẽ khó xử lý các độ đậm nhạt khác của hoa lá. Ví dụ, cách vẽ một bông hoa bìm bìm: Vẽ toàn bộ bông hoa bằng màu tím nhạt, sử dụng màu tím đậm trong phần giữa của hoa khi màu chưa khô toàn bộ, màu tím đậm sẽ lan tỏa nhẹ sang màu tím nhạt và chúng sẽ tạo nên được một cảm giác êm, mềm cho bông hoa. Tiếp đó ta xử lý màu đậm dần từ các cạnh của cánh hoa và lướt nhẹ vào phía bên trong.

hoa la 21

Phương pháp vẽ một bông hoa bằng màu nước

Vẽ dần độ chuyển tiếp về đậm nhạt của phần nhụy hoa, các cánh hoa, xử lý nét để bông hoa trông được sâu, kỹ và hoàn chỉnh. Nếu vẽ cả cành, lá và hoa cũng phải lên màu toàn bộ của màu hoa, màu lá đó, tiếp theo mới đẩy sâu, vẽ kỹ như khi ta vẽ một bông hoa vậy. Trong suốt quá trình vẽ, luôn luôn phải quan sát, so sánh tương quan chung của toàn bộ hoa lá đó để hoàn chỉnh về hình cũng như chuyển sắc độ của màu. Chú ý trong từng khóm hoa, cành lá, màu luôn thay đổi do ảnh hưởng lẫn nhau về sắc cũng như do tác động của ánh sáng.

hoa la 22

Một cành trúc đào được ghi chép bằng màu nước

Chú ý: Cần tạo được sự đậm nhạt của màu trong từng bông hoa hoặc từng chiếc lá.

hoa la 23

Hướng dẫn cách vẽ một cành hoa loa kèn đỏ

Màu sắc không tồn tại độc lập mà ảnh hưởng lẫn nhau khiến cho chúng không giữ nguyên sắc màu như ta tưởng. Thí dụ khi màu đỏ được đặt cạnh màu vàng, màu đỏ đó sẽ có sắc vàng cũng như vàng sẽ có sắc đỏ. Nếu ta vẽ hoa đỏ trên nền xanh thì hai màu xanh và đỏ cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Còn nếu như ta vẽ hoa với màu đỏ nguyên chất, lá với màu xanh nguyên chất sẽ không tạo được sự hài hòa cho mẫu, gây cảm giác khó chịu vì hai màu đối lập không nằm trong một không gian chung của sự tác động ánh sáng. Vì vậy bông hoa đó phải có sự chuyển độ về sắc màu cho hợp lý, cũng như cành lá phải chịu ảnh hưởng của sắc đỏ và những màu xung quanh nó để có được sự hài hòa chung. Không nên chỉ chú ý riêng từng khu vực hay vẽ xong chỗ này mới để ý đến chỗ khác, mà luôn phải có cái nhìn bao quát toàn bộ để điều chỉnh đậm nhạt, cho phù hợp.

Đơn giản không phải là làm sơ lược và làm xấu đi giá trị thực của hoa lá mà là lược bỏ sự rườm rà và đưa dần hình mẫu tới sự cô đọng gần với hình thức trang trí cách điệu. Từ một bông hoa có 5 – 6 cánh và nhị hoa hình tròn bên trong, có thể biến đổi ra nhiều hình thức đơn giản khác nhau. Nhìn những hình đơn giản trên, ta thấy chúng có một điểm chung là không làm mất đi “thần thái” của bông hoa đó. Tất cả đều được tạo bởi những cánh hoa xòe rộng, ôm lấy nhị hoa. Cách vẽ nhị hoa sẽ tạo nên sự chặt chẽ về hình của bông hoa đơn giản.

Đối với một cành hoa, cành lá hay một khóm hoa lá cũng vậy, người vẽ phải biết gạn lọc lấy những đặc điểm chính, gạt bỏ tối đa những chi tiết có thể bỏ qua khiến cho người xem dễ dàng nhận ra đó là loại hoa gì, cây gì. Ví như một khóm hoa hồng có thể đơn giản bằng nhiều cách mà vẫn không làm mất đi tính đặc trưng của bông hoa, nụ hoa hay cấu tạo riêng của lá hoa hồng.

hoa la 25

Hoa cúc đơn giản

hoa la 26

Hoa hồng đơn giản

>>> Bài giản cách điệu thầy Doãn Sơn

>>> Cách điệu hòa sắc cá biển

>>> Cách điệu hoa lá – Ứng dụng trong trang trí (Phần 1)