Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên xã hội.
– Hòa Bình là tỉnh miền núi, phía Tây Bắc của Tổ quốc giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc; là cửa ngõ thông sang Thượng Lào (điểm gần nhất cách biên giới Việt – Lào 30km), nằm trong giới hạn 20°19’ – 21°08’ độ vĩ bắc và 104°48’ – 105°40’ độ kinh đông, phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Tỉnh Hòa Bình có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600 – 700 m, địa hình hiểm trở, chiếm 44,8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông Nam, chiếm 55,2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20 – 25 độ, độ cao trung bình từ 100 – 200 m so với mực nước biển.
– Hòa Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa động lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23°C. Tháng 6 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 – 29°C, ngược lại tháng 01 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 – 16,5°C
– Hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh phân bố tương đối đồng đều với các sông lớn như: Sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi…
Giao thông
Tỉnh Hòa Bình có mạng lưới giao thông đường bộ khá tốt, rất thuận tiện cho việc phát triển KT-XH, trở thành cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển vùng Đông Bắc: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Trung bộ. Quốc lộ 6 xuyên suốt chiều dài của tỉnh từ Hà Nội qua Lương Sơn – Thành phố Hòa Bình – Cao Phong – Tân Lạc – Mai Châu lên Tây Bắc. Quốc lộ 12B kết nối Hòa Bình với Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ. Quốc lộ 21A nối Hòa Bình với các tỉnh đồng bằng Hà Nam – Nam Định, điểm cuối là biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quốc lộ 15 là con đường chiến lược nối Hòa Bình (qua địa phận huyện Mai Châu) với vùng núi tỉnh Thanh Hóa sang đất thượng Lào. Đường Hồ Chí Minh chạy suốt sườn núi phía Đông của tỉnh qua các huyện Lương Sơn – Kim Bôi – Lạc Thủy – Yên Thủy.
Tháng 10 năm 2018 đường nối Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian đi từ Thành phố Hòa Bình đến trung tâm Thành phố Hà Nội chỉ còn 40 phút xe chạy.
Hòa Bình cũng có mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, giao thương trên Sông Bôi, Sông Bùi, Sông Bưởi và trên lòng hồ Thủy điện Sông Đà với 8.900 ha mặt nước.
Lịch sử hình thành
Hòa Bình là vùng đất cổ với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ thống động, thực vật phong phú nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này với một nền văn hóa nổi tiếng “Văn hóa Hòa Bình” được hình thành và phát triển thuộc thời đại đồ đá cũ, tồn tại trong khoảng thời gian từ 18.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay.
Dưới thời thuộc Pháp, tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, bao gồm phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Năm 1896, tỉnh lỵ di chuyển từ thị trấn Chợ bờ (thuộc Châu Đà Bắc) về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái Sông Đà, đối diện Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hòa Bình, với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và Mai Đà. Huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn, đến năm 1908 chuyển về tỉnh Hà Nam. Từ đó địa giới hành chính cơ bản ổn định. Đến tháng 5/1953, Huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chuyển về tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 1950, các châu được đổi thành huyện và các đơn vị hành chính huyện của tỉnh Hòa Bình có sự thay đổi: Ngày 21/9/1956, huyện Mai Đà tách thành 2 huyện: Đà Bắc ở phía bắc sông Đà và Mai Châu ở phía nam sông Đà. Ngày 15/10/1957 huyện Lạc Sơn tách thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Ngày 17/4/1959 huyện Lương Sơn tách thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Ngày 17/8/1964 huyện Lạc Thủy tách thành 2 huyện: Lạc Thủy và Yên Thủy.
Từ năm 1976, căn cứ vào Hiến Pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, theo đề nghị của Chính phủ và sau khi nghiên cứu ý kiến Hội đồng Nhân dân hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 (ngày 27/12/1975) ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình và Hà Tây thành một tỉnh mới đặt tên là tỉnh Hà Sơn Bình.
Năm 1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Khi đó tỉnh Hòa Bình có diện tích là 4.662 km², với dân số 686.920 người, gồm 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy và Thị xã Hòa Bình
Tháng 12/2001, Chính phủ ra Nghị định số 95/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Kỳ Sơn thành 2 huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Tổng số đơn vị hành bao gồm, 10 huyện, 1 thị xã, với tổng cộng 214 xã, phường, thị trấn
Ngày 27/10/2006, thị xã Hòa Bình trở thành đô thị loại III, với tên gọi là Thành phố Hòa Bình
Tháng 8 năm 2008, 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, đều nằm ở phía Bắc của huyện Lương Sơn, được tách ra và sáp nhập vào Thành phố Hà Nội. Sau khi điều chỉnh lại lại địa giới hành chính tới thời điểm này, tỉnh Hòa Bình có 11 huyện, thành phố, với 210 xã, phường, thị trấn.
Năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Sau sáp nhập, tỉnh Hòa Bình giảm còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị do huyện Kỳ Sơn sáp nhập về Thành phố Hòa Bình), 151 đơn vị chính chính cấp xã (131 xã, 10 phường, 10 thị trấn).
Thành phố Hòa Bình: có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Dân Chủ, Đồng Tiến, Hữu Nghị, Kỳ Sơn, Phương Lâm, Tân Hòa, Tân Thịnh, Thái Bình, Thịnh Lang, Thống Nhất; 09 xã: Độc Lập, Hòa Bình, Hợp Thành, Mông Hóa, Quang Tiến, Sủ Ngòi, Thịnh Minh, Trung Minh, Yên Mông.
Huyện Cao Phong: có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Cao Phong và 09 xã: Hợp Phong, Thu Phong, Dũng Phong, Bình Thanh, Nam Phong, Tây Phong, Thung Nai, Bắc Phong, Thạch Yên.
Huyện Đà Bắc: có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Đà Bắc và 16 xã: Mường Chiềng, Đoàn Kết, Nánh Nghê, Vầy Nưa, Trung Thành, Tân Minh, Tú Lý, Hiền Lương, Tiền Phong, Cao Sơn, Tân Pheo, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Giáp Đắt, Đồng Chum, Toàn Sơn.
Huyện Kim Bôi: có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Bo và 16 xã: Kim Bôi, Kim Lập, Mỵ Hòa, Xuân Thủy, Hợp Tiến, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, Hùng Sơn, Nam Thượng, Cuối Hạ, Đông Bắc, Bình Sơn, Tú Sơn, Sào Báy, Đú Sáng, Nuông Dăm.
Huyện Lạc Sơn: có 24 đơn vị hành chính cấp xã: Thị trấn Vụ Bản và 23 xã: Miền Đồi, Quý Hòa, Tuân Đạo, Tân Lập, Mỹ Thành, Văn Nghĩa, Nhân nghĩa, Văn Sơn, Quyết Thắng, Chí Đạo, Thượng Cốc, Xuất Hóa, Yên Phú, Bình Hẻm, Định Cư, Hương Nhượng, Vũ Bình, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Yên Nghiệp, Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do.
Huyện Lạc Thủy: có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Chi Nê, Thị trấn Ba Hàng Đồi; 08 xã: Thống Nhất, Phú Nghĩa, Yên Bồng, Đồng Tâm, Phú Thành, Khoan Dụ, Hưng Thi, An Bình.
Huyện Lương Sơn: có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Lương Sơn và 10 xã: Cao Sơn, Tân Vinh, Liên Sơn, Thanh Cao, Hòa Sơn, Thanh Sơn, Cao Dương, Lâm Sơn, Cư Yên, Nhuận Trạch.
Huyện Mai Châu: có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Mai Châu và 15 xã: Tân Thành, Tòng Đậu, Thành Sơn, Hang Kia, Vạn Mai, Bao La, Mai Hạ, Chiềng Châu, Xăm Khòe, Đồng Tân, Pà Cò, Mai Hịch, Sơn Thủy, Cun Pheo, Nà Phòn.
Huyện Lân Lạc: có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Mãn Đức và 15 xã: Gia Mô, Vân Sơn, Ngổ Luông, Phú Vinh, Phú Cường, Suối Hoa, Quyết Chiến, Nhân Mỹ, Lỗ Sơn, Mỹ Hòa, Tử Nê, Thanh Hối, Đông Lai, Ngọc Mỹ, Phong Phú.
Huyện Yên Thủy: có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thị trấn Hàng Trạm và 10 xã: Phú Lai, Đoàn Kết, Hữu Lợi, Đa Phúc, Lạc Sỹ, Ngọc Lương, Yên Trị, Lạc Thịnh, Lạc Lương, Bảo Hiệu.
Tiềm năng phát triển kinh tế:
+ Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản:
Sản xuất nông, lâm nghiệp: Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn là điều kiện để phát triển đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng, cây công nghiệp, dược liệu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Nuôi trồng thủy sản: Do có mạng lưới sông, suối, hồ đầm phân bổ rộng khắp trên tất cả các huyện, thành phố, đặc biệt là sông Đà chảy qua các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Thành phố Hòa Bình, hồ Hòa Bình với diện tích mặt nước 8.900 ha là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
+ Phát triển công nghiệp: Đến thời điểm năm 2020 tỉnh Hòa Bình được quy hoạch 08 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp.
Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Hòa Bình có nhiều loại khoáng sản như: đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, vàng, đá ốp lát, nước khoáng – nóng. Ngoài ra còn có than đá, pyrit, phosphorit, dolomit, talc, sắt, đồng, chì, kẽm…là điều kiện để phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng.
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản: Theo số liệu thống kê đất đai năm 2018, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh Hòa Bình là 296.130 ha, chiếm hơn 62% diện tích tự nhiên; trong đó, đất rừng sản xuất có 153.256 ha, rừng phòng hộ có 114.338 ha, rừng đặc dụng có 28.535 ha, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn. Diện tích đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đặc biệt là cam, chanh, bưởi ngày càng được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng cao, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Công nghiệp cơ khí, điện tử, may mặc, da giày: Tiếp giáp với trung tâm công nghiệp lớn là Hà Nội và tiềm năng lao động dồi dào. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, năm 2019, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 553.427 người, chiếm hơn 67% dân số do đó thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: cơ khí, may mặc – da giày và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
+ Phát triển du lịch:
Du lịch văn hóa, tâm linh: Hòa Bình có nhiều điểm đến hấp dẫn phù hợp với nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, khám phá, nghiên cứu khảo nghiệm. Thiên nhiên đã ban tặng cho Hòa Bình nhiều thắng cảnh hang động tự nhiên kỳ vĩ, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với những truyền thuyết ly kỳ, những huyền tích gắn với nhân vật huyền bí trong lịch sử các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này (đến thời điểm năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 101 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp, bao gồm: 41 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia và 60 di tích xếp hạng cấp tỉnh).
Hồ Hòa Bình mênh mang, phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình”, thơ mộng là không gian thiên nhiên tươi đẹp, có sức lôi cuốn bất cứ ai muốn khám phá, thưởng ngoạn. Bến nước Hiền Lương, Tiền Phong, Nánh Nghê, Đồng Chum (Đà Bắc), Thung Nai (Cao Phong), Bãi Sang – Sơn Thủy (Mai Châu) bình dị, yên ả trong màu xanh nước hồ. Thung lũng Mai Châu, phố Vãng nên thơ, bản Văn, bản Lác, bản Pom Coọng – nơi cư ngụ và sinh sống của người Thái hấp dẫn du khách. Bản Lác (Mai Châu) là một trong 10 điểm được bình chọn đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách…
Du lịch khám phá tự nhiên: Tỉnh Hòa Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú, đa dạng, bao gồm các sông, hồ, suối nước khoáng, hang động tự nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Đặc biệt hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích khoảng 8.900 ha, dung tích trên 9,5 tỷ m3 nước và trên 40 đảo nổi trong hồ, có điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, du lịch sinh thái. Các khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu), Thượng Tiến, rừng Phu Canh (Đà Bắc), Suối Ngọc – Vua Bà (Lương Sơn), Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Tân Lạc – Lạc Sơn); Vườn quốc gia Cúc Phương, có giá trị lợi thế cho phát triển du lịch.
Các khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn lưu giữ sắc thái đại ngàn nguyên sinh, phong phú về hệ sinh thái với nhiều loại động – thực vật quý hiếm. Đồi Thung, thác Mu (Lạc Sơn) là sự kết hợp hài hòa của kiệt thác thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Đến nay, đã có nhiều điểm du lịch đang là sự lựa chọn của du khách xa, gần như: Quần thể di tích Chùa Tiên, di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng ở huyện Lạc Thủy; di tích khảo cổ hang xóm Trại (Lạc Sơn); suối nước khoáng Kim Bôi; khu nghỉ dưỡng cao cấp Serena Kim Bôi; khu du lịch An Lạc, xã Vĩnh Đồng; điểm du lịch Mai Châu Ecolodge (Nà Phòn), Mai Châu Villas; sân golf thuộc huyện Lương Sơn và Thành phố Hòa Bình; Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tàng di sản văn hóa dân tộc Mường; làng văn hóa Việt – Mường, huyện Lương Sơn; bản Giang Mỗ, Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam tại Cao Phong…
Ban Biên tập
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!