Tìm hiểu thu nhập chịu thuế tính trước là gì?

Thu nhập chịu thuế tính trước là gì? Thu nhập chịu thuế tính trước là một khái niệm được rất nhiều nhà đầu tư xây dựng, chủ thầu quan tâm vì nó có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà họ làm việc. Để giải đáp các thắc mắc liên quan đến thu nhập chịu thuế tính trước, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Hùng Sơn.

Thu nhập chịu thuế tính trước là gì?

Thu nhập chịu thuế tính trước

Thu nhập chịu thuế tính trước được hiểu đơn giản là phần giá trị chênh lệch giữa giá trị hàng hóa, sản phẩm bán ra với giá trị tạo ra hàng hóa đó. Trong đó: Giá trị hàng hóa là phần chi phí để tạo ra hàng hóa, sản phẩm đó. Bất kỳ một sản phẩm hay công trình xây dựng khi thực hiện xây dựng, sản xuất thì phải chi ra một khoản chi phí để có nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển, các khoản thuế,…; Giá trị hàng hóa bán ra là giá trị mà đơn vị sản xuất, nhà thầu ước tính bán ra thị trường, giá trị hàng hóa bán ra đã bao gồm cả giá trị tạo ra hàng hóa.

Thu nhập chịu thuế tính trước trong xây dựng

Thu nhập chịu thuế tính trước thường xuất hiện trong lĩnh vực xây dựng. Theo quy định hiện hành thì khi lập dự toán chi phí xây dựng cho một công trình xây dựng thì phải tính thu nhập chịu thuế tính trước bằng cách nhân định mức tỷ lệ (quy định tùy theo từng loại công trình xây dựng) với chi phí (gồm chi phí trực tiếp + chi phí chung). Trong trường hợp có vật tư do chủ đầu tư cung cấp thì giá trị vật tư đó vẫn được tính vào chi phí vật liệu trong khoản chi phí trực tiếp. Dự toán xây lắp này của mỗi nhà thầu sẽ được chủ đầu tư tổng hợp và phê duyệt để làm cơ sở định giá trần cho gói thầu, phục vụ cho chỉ định thầu hoặc đấu thầu.

Cách tính thu nhập chịu thuế tính trước

Thu nhập chịu thuế tính trước = 5,5% tổng giá trị chi phí trực tiếp đã xây dựng trong quyết toán (hay còn gọi là lãi định mức)

Tại sao phải tính thu nhập chịu thuế tính trước

Theo nguyên tắc định giá sản phẩm trong xây dựng thì khi nhà thầu tranh giành xây dựng một công trình hoặc để giành quyền cung cấp sản phẩm của mình thì nhà thầu phải định trước giá sẽ tranh bán. Giá này là giá nhà thầu mong đợi bán ra và cũng chính là giá trị hợp đồng của chủ đầu tư với nhà thầu. Giá này được gọi là giá tham gia dự thầu và được tính bằng tổng chi phí trực tiếp và chi phí chung + phần lợi nhuận tính trước của nhà thầu + VAT. Khi tham gia đấu thầu thì nhà thầu sẽ không tính thu nhập chịu thuế tính trước bằng tỷ lệ định mức do nhà nước quy định mà thường tính thấp hơn định mức và có thể bằng 0, tùy theo tình hình và khả năng cạnh tranh trong đấu thầu.

Như vậy, nhà thầu phải tính thu nhập chịu thuế tính trước để ước tính giá bán của sản phẩm khi bán ra. Đồng thời thu nhập chịu thuế tính trước còn thể hiện được tính cạnh tranh trong kinh doanh của nhà thầu. Như vậy thì mỗi doanh nghiệp đều phải tính thu nhập chịu thuế tính trước trong kinh doanh để đảm bảo được tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau đồng thời duy trì được sự ổn định và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp nhằm duy trì lợi nhuận mà doanh nghiệp mong muốn.

Chi phí thu nhập chịu thuế tính trước là gì

Chi phí thu nhập chịu thuế tính trước là giá trị chênh lệch giữa giá trị của hàng hóa được bán ra so với giá trị hàng hóa mà nhà thầu tạo ra. Về bản chất thì thu nhập chịu thuế tính trước là những lợi nhuận mà doanh nghiệp xây dựng có được trước khi hoàn thành xong dự án, theo dự tính trong dự toán công trình xây dựng. Trong đó:

– Giá trị hàng hóa được bán ra là giá trị mà nhà thầu mong muốn sau khi đã cộng thêm giá trị tạo ra hàng hóa, sản phẩm đó.

– Giá trị tạo ra hàng hóa là các chi phí cần phải thanh toán để tạo ra hàng hóa, sản phẩm. Các hàng hóa, sản phẩm này có thể là từ chính nhà thầu sản xuất hoặc mua từ những đơn vị khác để bán hoặc sử dụng làm nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình thi công xây dựng các công trình. Ngoài ra còn bao gồm các chi phí khác để đưa sản phẩm đó vào dự án.

Quy định về thu nhập chịu thuế tính trước

Căn cứ theo Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/02/2021 quy định về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì:

Cụ thể tại khoản 1, 2 Điều 5 của Nghị định thì Tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ các chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm các chi phí sau: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; các chi phí khác; chi phí dự phòng.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Thông tư số 09/2018 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 26/12/2019 quy định về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Cụ thể tại Điều 8 thì Chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng. Quy định về thu nhập chịu thuế tính trước như sau:

– Thu nhập chịu thuế tính trước hiểu là khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp xây dựng đã dự tính được trong dự toán xây dựng (điểm c khoản 2 Điều 8).

– Thu nhập chịu thuế tính trước được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên các chi phí trực tiếp và các chi phí gián tiếp theo quy định (điểm a khoản 2 Điều 9).

– Trong trường hợp công trình xây dựng đó có nhiều hạng mục công trình khác nhau thì thu nhập chịu thuế tính trước sẽ được tính dựa trên tỷ lệ theo từng loại công trình phù hợp.

Định mức thu nhập chịu thuế tính trước

Định mức thu nhập chịu thuế tính trước là vấn đề phải nắm bắt và xác định chính xác, tránh những sai sót khi lập dự toán hay vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Hiện nay định mức thu nhập chịu thuế tính trước được quy định khá chi tiết tại Bảng 3.11 Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 09/2019/TT-BXD.

+ Đối với công trình xây dựng dân dụng, định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 5,5 %

+ Đối với công trình công nghiệp, định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 6 %

+ Đối với công trình giao thông, định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 6 %

+ Đối với công trình xây dựng nông nghiệp, phát triển nông thôn thì định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 5,5 %

+ Đối với công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 5,5 %

+ Với công tác xây lắp đường dây, công tác lắp đặt những thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng để thí nghiệm hiệu chỉnh các trạm biến áp điện và đường dây điện, cấu kiện, kết cấu xây dựng và thí nghiệm vật liệu có quy định định mức thu nhập chịu thuế tính trước là 6 %

Một số lưu lý khi tính thu nhập chịu thuế tính trước

– Nếu nhà thầu phải tự tiến hành việc khai thác, sản xuất các loại vật liệu xây dựng như đá, sỏi, cát phục vụ thi công thì thu nhập chịu thuế tính trước tính xác định trong dự toán giá vật liệu bằng tỷ lệ là 3% /chi phí gián tiếp và trực tiếp.

– Một số trường hợp khác phải lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật thì định mức tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trước sẽ xác định theo tỷ lệ hướng dẫn tại các Bảng khác trong Phụ lục Thông tư 09/2019/TT-BXD.

– Riêng các công trình quốc phòng an ninh, căn cứ vào loại hình công trình để áp dụng định mức thu nhập chịu thuế tính trước cho phù hợp theo quy định pháp luật.

Như vậy, định mức thu nhập chịu thuế tính trước muốn xác định đúng cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác nhau như loại hình công trình xây dựng, cách thức tiến hành thi công xây dựng, dự toán xây dựng…

Hy vọng qua bài viết này sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thu nhập chịu thuế tính trước và nắm được các thông tin khi làm các công việc liên quan đến đấu thầu và kế toán nhé.