Quận 4 hiền hay dữ?

Những trái ngược lạ lùng

Hồi học phổ thông ở một trong những ngôi trường trung tâm của TP.HCM, tôi quen nhiều bạn sống ở Q.4. Đặc điểm chung của những người bạn này là học giỏi, cá tính, cư xử có văn hóa, giáo dục.

Dẫu sống ở nơi thường xuyên phải nghe những tiếng chửi thề, cãi vã, nói năng tục tĩu nhưng ngày đó tôi chưa từng nghe thấy bạn bè mình, những người sinh ra, lớn lên ở Q.4, nói năng hay hành xử thiếu văn hóa. Đến chơi nhà các bạn, tôi mới hiểu thêm nếp nhà, sự giáo dục, kỷ cương của gia đình là yếu tố quan trọng để dạy dỗ con cái. Bước vào nhà, khi cánh cổng khép lại sau lưng, xem như đã để lại cái thế giới xô bồ ở bên ngoài. Tôi đã từng ngồi hàng giờ để nghe ba của người bạn thân dạy chúng tôi cách hành xử ở đời, nghe kể những câu chuyện tốt đẹp từ ngày xưa… dẫu bên ngoài nhà bạn ì xèo tiếng chửi thề, cãi lộn của mấy người hàng xóm. Và rồi sau đó, khi bước ra cánh cửa nhà bạn, tôi lại phải vất vả lách xe trong con hẻm nhỏ với chợ nằm xen lẫn để đôi khi bị một ai đó mắng vì đụng vào họ, lại có khi được người khác giúp đỡ nếu tôi lỡ té ngã hay đụng vào mấy thúng nia bày bán bên đường.

Tôi đã từng biết nhiều bác sĩ, kỹ sư, giảng viên, giáo viên, doanh nhân… thành đạt, thậm chí nổi tiếng, đã lớn lên từ những khu lao động nghèo của Q.4 như thế.

Và một điều cũng khá thú vị, ở vùng đất vốn mang tiếng dữ này lại là một trong những quận có nhiều chùa ở TP.HCM. Hầu như trên con đường nào của quận này cũng có chùa, thậm chí có những ngôi chùa nằm trong hai, ba cái xuyệt, sát bên nhà dân đông đúc, ồn ào trong xóm lao động nghèo.

Cũng trong sự trái ngược đáng ngạc nhiên như vậy, những ai đã từng biết đến đường 20 thước (một con hẻm từ đường Hoàng Diệu, P.9) đáng sợ như thế nào giờ sẽ ngạc nhiên khi ngày nay đây được xem là con đường ăn vặt nổi tiếng của Sài Gòn.

Hẻm sâu, tình người cũng sâu

Nhớ ngày nào còn dè dặt, ngập ngừng chuyển đến Q.4 mà giờ cảm thấy thân thương với nơi này. Đến nay chưa thấy bị ảnh hưởng cái xấu mà chỉ thấy mình biết và học được nhiều về cái tình nghĩa, cái nghĩa khí, lòng tốt vô vụ lợi… của những người lao động bình thường nơi đây nói riêng và người Sài Gòn nói chung. Mà ở đó sự màu mè, khách khí, trau chuốt trong đối đãi nhau đôi khi rất lạc lõng.

Lúc tôi có thai. Một sáng dắt xe đi làm khi ông xã đi công tác, xui sao xe hết xăng. Thấy tôi loay hoay, một bác hàng xóm nói: “Cô để đó, để tui chạy đi mua xăng”. Nói rồi bác chạy xe đạp tìm mua xăng đổ vào xe cho tôi. Tôi cảm ơn, gửi trả tiền xăng đồng thời gửi dư một ít gọi là công bác giúp chạy mua xăng. Bác hàng xóm từ chối, nói một câu làm tôi ngượng ngùng, xấu hổ cho sự sòng phẳng của mình. Bác nói: “Thôi cô ơi, tôi lấy tiền mua xăng thôi. Thấy cô bầu bì thì tôi giúp. Hàng xóm với nhau mà, tiền bạc làm gì!”.

Khi tôi sinh đứa thứ hai, đứa lớn không chịu xa mẹ nên tôi không ở nhà mẹ ruột để được chăm sóc. Sinh con xong là về thẳng nhà riêng. Vài ba hôm cha mẹ chạy qua đưa thức ăn và coi sóc. Cô hàng xóm nhà đối diện thấy vậy gõ cửa khi thì cho nồi cá kho tiêu nóng hổi, lúc thịt kho nghệ thơm lừng, hôm trái cây, rau củ. Từ chối không được vì cô ép bằng mọi cách phải lấy rồi nói: “Tui coi cô như con gái, thấy sinh đẻ mà đơn chiếc nên sẵn đi chợ, nấu cơm thì kho luôn vậy mà”.

Có bác hàng xóm 70 tuổi vẫn đẩy xe trái cây đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Có hôm đi rạc cả chân mà không bán được, chiều tối đẩy xe về, hàng xóm xúm lại mỗi người một ít mua hết hàng ế.

Tôi sống giữa những người hàng xóm mà họ có thể vừa chửi lộn tay đôi với chủ nợ của họ nhưng lại sẵn sàng một dạ, hai thưa với những người họ quý trọng. Họ có thể đanh đá, dữ dằn ở chốn giang hồ nào không biết nhưng đối đãi nghĩa tình với láng giềng, một mực cung kính với những người họ yêu quý.

Vậy đó, đôi khi sự phân biệt giữa hiền – dữ không thể rạch ròi và cũng rất mong manh, nhất là ở những vùng đô thị mà cái cũ và mới luôn đan xen nhau, đổi thay từng ngày…