Quả cọ gai – món ăn, bài thuốc và những lưu ý khi sử dụng

“Dù ai đi ngược về xuôi

Cơm nắm lá cọ là người sông Thao“

Ở cái đoạn sông Hồng chảy qua Phú Thọ ấy, cây cọ đã tỏa bóng và che mát cho bao thế hệ con người. Nhắc đến cọ, người ta nhớ ngay sông Thao (Phú Thọ) mặc dù cây này cũng mọc ở Ninh Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Thái Nguyên…

Từ cây cọ “xòe ô che nắng” cho đến lá cọ lợp nhà, làm nón ba tầm và gói thành nắm cơm lá cọ trứ danh, tất cả đều cho thấy món quà chân tình mà thiên nhiên đã dành cho miền sơn nước.

Nhớ lại tuổi thơ, mỗi buổi có chiếu bóng, đi xem trốn vé được 5 xu mua ngay một bát cọ ỏm cả bọn ngồi ăn vừa ngon vừa béo vừa bùi, rồi những ngày đi học về, mùa cọ chín, thì nhau ném cho cọ rơi, nhặt ăn, vừa bùi vừa chát, miệng đứa nào cũng tìm ngắt màu cọ tươi… thế mà bây giờ có muốn tìm một quả tươi cũng khó.

Cây cọ cũng có nhiều loại. Có loại cọ dầu, có loại cọ gai, có loại cọ ta làm cảnh… Trong đó, quả cọ mà người miền núi hay dùng làm thức ăn là quả cọ gai, khi già chín có màu xanh tím sẫm, đen bóng. Đặc biệt, lớp thịt của quả cọ gai có màu vàng và có thể ăn được (với mùi vị béo béo, bùi bùi, ngầy ngậy và có chút chát của vỏ).

Thế nhưng, không phải quả cọ nào cũng có thể ăn ngon mà phải là loại cọ nếp, cọ mỡ với lớp cùi thịt dày, có màu vàng mật, béo và bùi thì nấu làm thức ăn mới ngon (loại cọ ngon, khi nhấm nháp thì lớp thịt dẻo, hơi dính răng).

Một số món ăn từ cây và quả cọ

Cọ ỏm (cọ luộc): Để luộc cọ, trước tiên phải rửa sạch quả rồi cạo bỏ vỏ cho đỡ chát (cho vào rổ cà cho vỏ tróc ra hoặc lấy dao cạo bỏ, tuy nhiên, nếu cạo bỏ vỏ thì mùi vị cọ sau khi nấu sẽ kém ngon). Ngoài ra, cần chú ý nước đun cũng không được quá sôi mà chỉ nên để lửa khoảng 70 độ rồi chần như thế trong vòng 10 phút, khi cọ chín thì vớt ra ăn.

Từ thịt trái cọ đã ỏm (luộc chín), người ta có thể chế biến thành các món ăn như xôi cọ, bánh dầy xứ cọ, cọ kho cá, cọ nhồi thịt, dưa cọ và cơm nắm lá cọ…

Cơm nắm lá cọ: Món ăn truyền thống này rất dễ làm. Bạn chỉ cần hái lá cọ (loại lá bánh tẻ), rửa sạch, hơ qua lửa cho mềm rồi lau cho sạch, sau đó gói nắm cơm lại (cơm để gói là loại được nấu bằng gạo mới, vừa dẻo vừa thơm). Khi mở cơm nắm ra ăn, nắm cơm còn in lằn lá cọ, nóng hổi, dẻo thơm, đem chấm muối mè nữa thì ngon tuyệt!

Cọ non xào: Lấy thân cây cọ non, bóc lấy lõi bên trong (chọn lớp lõi non, trắng và mềm) rồi xắt thành các miếng mỏng, sau đó đem xào với rau mùi tàu như cách xào thông thường (món này vừa thơm mát vừa bổ dưỡng).

Công dụng làm thuốc của quả cọ

Theo Bác sĩ Trần Khánh Hoành (Phó chủ tịch hội Đông y tỉnh Nghệ An) thì trong thịt quả cọ có nhiều muối khoáng và dinh dưỡng (như chất đạm, chất sắt, chất béo, đường bột). Vì vậy, có thể nghiên cứu dùng trái cọ điều trị các bệnh về đường tiết niệu và tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, quả cọ có vị chát và nếu ăn nhiều sẽ dễ gây táo bón, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn… (3).

Theo Thạc sĩ Lê Thị Hải (Giám đốc trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia) thì vỏ quả cọ có vị chát và có chứa tanin, do đó có thể giã và ép lấy nước để điều trị tiêu chảy cấp tính. Tuy nhiên, bài thuốc này chỉ dùng cho người trưởng thành (tránh dùng cho trẻ em).

Theo y học cổ truyền: Quả cọ có vị ngọt, chát, hơi béo. Ở Trung Quốc, loại quả này được dùng làm thức ăn hàng ngày cho người bị ung thư mũi, ung thư họng và ung thư thực quản (kết quả chẩn đoán lâm sàng cho thấy mỗi ngày dùng 40 g cùi trái cọ nấu với 40 g thịt nạc để ăn sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh).

Vài nét về cây cọ gai

Cây cọ gai thuộc loại thân cột, có thể cao đến 20 m, rất dễ trồng và phát triển tốt sau cơn mưa. Dân gian có câu: “Mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Cây có tên khoa học là Livistona saribus (các tên cũ là Livistona cochinchinensis, Saribus cochinchinensis).

Trong tiếng Hoa, cây cọ gai được gọi là “đại diệp bồ quỳ” vì lá của nó tạo thành vòm tán hình cầu và to hơn lá cọ Tàu. Hơn nữa, so với lá cọ Tàu thì phiến lá cọ gai xẻ thùy và các thùy này vươn thẳng.

Cây cọ gai ra hoa vào mùa xuân và mùa đông thì quả chín. Trái cọ gai dài khoảng 1, 5 – 2 cm (loại quả ngon, to thì dài chừng 2 lóng tay).

Lưu ý

  • Khi luộc trái cọ, không nên luộc với lửa quá lớn vì sẽ làm hỏng quả cọ (thịt quả không mềm mà sần cứng lại, không ngon).
  • Với những quả cọ sau khi luộc xong mà thịt có những đường chân chim màu nâu hay màu đỏ là đã bị sâu, không nên ăn.
  • Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều các món ăn từ trái cọ. Ngoài ra, những người bị khó tiêu, đầy bụng cũng không nên ăn cọ.