Mẹo hay những hủ tục lạc hậu ở việt nam [Đầy Đủ Nhất 2023]

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), còn tồn tại một số hủ tục cần phải loại bỏ, như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, mê tín dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm; trong đám tang còn giết mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày…

Đồng bào Lô Lô ở Hà Giang cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới. Ảnh: Báo Dân tộc

Nguyên nhân tồn tại những hủ tục trên là phong tục, tập quán của đồng bào DTTS đã hình thành từ lâu đời; công tác vận động, tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiểm tra, đôn đốc; tư tưởng một số người dân không muốn thay đổi phong tục, tập quán, nhất là các nghi lễ trong việc hiếu, hỷ…

Trước thực trạng đó, ngày 10-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, giai đoạn 2021-2025; ngày 1-5-2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu 75% trở lên các gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán của gia đình, dòng họ.

Đến năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh. Cụ thể trong tiệc cưới hỏi, không còn tình trạng kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những lễ nghi, thách cưới rườm rà, tổ chức nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Trong việc tang, vận động nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức việc hiếu quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc. Về tổ chức lễ hội, các địa phương rà soát loại bỏ những nghi lễ rườm rà, phản cảm, mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội.

Trong đời sống sinh hoạt, tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, canh tác gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn người dân cải tạo vườn, đồi rừng, trang trại, phát triển kinh tế hộ gia đình bằng trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau trái vụ để tăng thu nhập. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: “Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán hay, ý nghĩa, tốt đẹp thì duy trì, phát huy và ngược lại những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ. Đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong LLVT, đặc biệt là người đứng đầu. Coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, xếp loại thi đua đối với cán bộ, đảng viên hằng năm. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm đối với những cán bộ và gia đình còn duy trì các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Phấn đấu để người dân Hà Giang có đời sống vật chất no đủ, có nếp sống văn minh”.

ĐÀO DUY TUẤN