- Những chuyên án đi cùng năm tháng
- Phúc “bồ” giang hồ gẫy cánh
- Đại tá CSHS tiết lộ bí mật “vũ khí” hạ gục trùm giang hồ Khánh “trắng”
Ông trùm Năm Cam từng có câu nói khá “nổi tiếng”: “Những cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Thế nhưng, cuối cùng, rất nhiều tiền của ông trùm này cũng không thể mua được công lý…
Người tham gia bắt Năm Cam lần đầu
Đó là Thượng tá Lê Minh Giám, hiện là Phó Trưởng Phòng 4, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS). Năm 1995, anh Giám, lúc đó là trinh sát điều tra trọng án của Cục Cảnh sát hình sự cùng một đồng nghiệp được cử vào TP Hồ Chí Minh để bí mật thu thập các tài liệu về hành vi phạm tội của băng nhóm Năm Cam.
Lúc này, băng nhóm của Năm Cam đang hoạt động khá rầm rộ ở các sòng bạc và trụ sở chính của bọn chúng là nhà hàng Cam. Bao nhiêu người dân đã bị hút vào các sòng bạc của bọn chúng và bị trắng tay, vướng vào con đường nợ nần chồng chất. Không ít con bạc đã cùng quẫn phải thắt cổ tử tự. Uy thế của Năm Cam và đồng bọn thời điểm đó rất ghê, bởi không chỉ có đám đàn em đâm thuê chém mướn, ông trùm còn có những mối quan hệ rất thân mật với nhiều quan chức.…
Dẫn giải trùm giang hồ Năm Cam ra xét xử tại phiên tòa.
Hai trinh sát của Cục CSHS được bí mật đưa vào TP Hồ Chí Minh với một chiếc xe máy Win của cơ quan đã thay biển số cá nhân. Họ được lãnh đạo Cục sắp xếp cho ở tại một căn biệt thự để không của một bác sỹ. Mệnh lệnh đối với hai trinh sát, đó là hoạt động tuyệt đối bí mật, không tiếp xúc với cả bạn bè đồng nghiệp, không vào trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam…
Hàng ngày, các trinh sát âm thầm tiếp cận với các tài liệu về hoạt động của băng nhóm Năm Cam, lật lại cả quá khứ “bất hảo” của gã trước năm 1975 và những vụ việc do băng nhóm này gây ra từ các sòng bạc. Năm 1962, khi còn ở tuổi vị thành niên, Năm Cam đã dính líu tới một vụ đâm chết người tại khu sòng bạc Da Heo ở Sài Gòn, bị Tòa án Sài Gòn xử phạt 3 năm tù giam. Tới tuổi “quân dịch”, Năm Cam nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm lính kiểng giữa Sài Gòn. Năm 1971, Năm Cam lại bị xử phạt về tội đánh bạc.
Sau năm 1975, tay “giang hồ vặt” Năm Cam tạm bỏ “nghề”, chuyển qua buôn bán đồ cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Một thời gian sau, Năm Cam nhận thấy cơ hội làm “bá chủ giang hồ” đã tới khi mà các tay “cộm cán” trong giới giang hồ ở Sài Gòn đều không còn. Năm Cam bắt đầu tham gia những hoạt động phạm pháp, ngày càng nguy hiểm hơn. Gã còn tổ chức “hội nghị giang hồ” ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác…
Sau khi củng cố các tài liệu, chứng cứ về các hành vi phạm pháp của Năm Cam, các trinh sát đã chuyển báo cáo về lãnh đạo Cục CSHS, lãnh đạo Bộ Công an. Theo tình hình lúc ấy, lãnh đạo Bộ Công an quyết định bắt Năm Cam đi tập trung cải tạo 3 năm. Sau khi có chủ trương này, một đồng chí Phó Phòng điều tra trọng án của Cục được cử vào chỉ đạo việc bắt Năm Cam.
Biết gã trùm có rất nhiều tay chân ngay tại “bản doanh” là nhà hàng Cam, nhà hàng này lại có nhiều phòng, trong đó có phòng VIP gắn camera theo dõi nhất cử nhất động từ bên ngoài vào nên các trinh sát đã lên phương án “điệu hổ ly sơn”. Sau khi “đoàn cán bộ của Thanh tra Bộ Công an” kiểm tra nhà hàng Cam khi Năm Cam không có mặt, họ yêu cầu hôm sau đích danh Trương Văn Cam, đứng tên kinh doanh nhà hàng vào trụ sở của Tổng cục Cảnh sát ký biên bản kiểm tra.
Sáng hôm sau, Năm Cam cùng với đám đàn em cưỡi trên 3 chiếc xe ôtô sang trọng đến trước cửa trụ sở Tổng cục Cảnh sát phía Nam. Tưởng lên ký biên bản là xong, theo yêu cầu của đồng chí trực ban, Năm Cam một mình lên căn phòng làm việc trên gác. Tại đây, các cán bộ của Cục CSHS đã đợi gã. Họ đã đưa ra các chứng cứ về hành vi phạm tội của Năm Cam.
Gã trùm lúc đầu một mực: “Tôi nói thật là tôi oan lắm. Dân tình ghen ăn, tức ở nên tìm cách hãm hại tôi”. Biết Năm Cam chỉ mưu mẹo nhưng dát, anh Giám nhấn giọng: “Chúng tôi có tài liệu về hành vi phạm tội của anh. Có lệnh bắt anh, anh có đưa tay để còng không?”. “Có”- Năm Cam đưa tay ra. Chiếc còng trên tay anh Giám bập ngay vào tay ông trùm.
Lúc này, Năm Cam biết là không thoát được, gã sợ hãi, tè cả ra quần. Một chiếc ôtô được điều vào tận bên trong, Năm Cam được đưa lên xe và chiếc xe chạy thẳng đến trại tạm giam của Tổng cục Cảnh sát khi đám đàn em của gã trùm bên ngoài chẳng biết gì. Đến khi vào trại tạm giam, mọi người mới đưa tạm cho Năm Cam chiếc quần để thay…
6 năm sau
Sau khi được đưa đi tập trung cải tạo, Năm Cam đã chỉ đạo gia đình và đàn em bên ngoài chạy đến các mối quan hệ để tìm cách đưa gã ra sớm trước thời hạn. Bởi gã hiểu rằng, chỉ cần ra trước thời hạn, dù là 3 hay 6 tháng thì sẽ lấy le được với giang hồ về khả năng “quan hệ” của mình. Sau này, theo kết luận của cơ quan điều tra, Năm Cam và gia đình đã dùng số tiền rất lớn tại thời điểm đó (1,3 tỷ đồng) để hối lộ và đã được tha trước thời hạn.
Sau khi được tha, Trương Văn Cam tiếp tục các hoạt động phạm tội cờ bạc với mức độ nguy hiểm hơn. Gã đã sử dụng số tiền bảo kê thu được của các sòng bạc xóc đĩa (2 triệu đồng/ngày) để ăn nhậu, ngoại giao, lo lót cho một số cán bộ làm nhiệm vụ chống tệ nạn xã hội bị tha hóa biến chất. Đồng bọn của gã là Tô Văn Tốt (Ba Mạnh) và Nguyễn Văn Thọ (Thọ “đại úy”) sử dụng tiền của sòng bạc 4,5 triệu đồng/ngày để hối lộ cho một số cán bộ biến chất và cho một số hộ dân ở khu vực sòng bạc để bao che cho sòng bạc hoạt động…
Không dừng lại ở các hoạt động tổ chức cờ bạc, Năm Cam đã quy tụ một số lượng lớn đám đàn em có nhiều tiền án tiền sự, chỉ đạo chúng hoạt động tội phạm ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các hoạt động thanh toán theo kiểu “xã hội đen” như giết người, cố ý gây thương tích. Một số vụ án rõ ràng có bàn tay của Năm Cam chỉ đạo, nhưng khi điều tra gã đều “vô can”, đặc biệt là vụ giết Dung Hà.
Dung Hà là đối tượng hình sự có nhiều tiền án, tiền sự. Tháng 10/1998, Dung Hà chuyển vào làm ăn tại TP Hồ Chí Minh. Ngay từ khi đặt chân tới đất này, dù đầu quân cho Năm Cam nhưng Dung Hà luôn có ý định tranh giành lãnh địa, đe dọa vị trí “thống lĩnh giang hồ” của Năm Cam. Năm Cam đã ra lệnh cho Nguyễn Tuấn Hải, tức Hải “bánh” phải tiêu diệt Dung Hà. Đêm khuya ngày 1/10/2000, Hải “bánh” cùng Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường thực hiện việc sát hại Dung Hà…
Trước tình hình trên, năm 2001, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án để điều tra, triệt phá băng nhóm của Năm Cam. Trưởng ban chuyên án là Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân (lúc đó mang quân hàm Thiếu tướng).
Thượng tá Nguyễn Minh Giám tiếp tục được trưng tập vào TP Hồ Chí Minh để cùng một số trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Công an Tiền Giang xâm nhập và thu thập các tài liệu về các hoạt động phạm tội của Năm Cam và đồng bọn. Điểm nổ của chuyên án chính là điều tra, làm rõ vụ giết hại Dung Hà.
Sau khi củng cố chứng cứ vụ việc này, đồng thời chuẩn bị sẵn tài liệu đấu tranh về hàng loạt các vụ việc khác do băng nhóm này gây ra, Ban chuyên án đã giao cho Cục CSHS phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang, trưng dụng thêm cán bộ của một số tỉnh, thành khác bắt giữ Hải “bánh”, sau đó củng cố chứng cứ để lần lượt bắt giữ Năm Cam và đồng bọn.
Ðây là vụ án kỷ lục về số lượng bị can, tội danh và cả về tính chất nguy hiểm. Ngày 25/2/2003, tại TP Hồ Chí Minh, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm đã diễn ra với 155 bị can với 24 tội danh khác nhau cùng 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong số 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật…
Ngày 15/9/2003, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục diễn ra trong vòng 26 ngày. Năm Cam và 4 đồng phạm vẫn phải đối mặt với mức án tử hình. Ngày 3/6/2004, Năm Cam bị thi hành án tử hình.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!