Nghiện ma túy là một bệnh có thể điều trị được

Đã có một thời người nghiện bị coi là loại người bỏ đi. Đã có thời người ta cho rằng người nghiện cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội (2 – 4 năm) mà không cần một bản án, không cần có một phiên tòa, thậm chí người nghiện cũng không có quyền tự biện hộ hay thuê luật sư biện hộ cho mình khi bị tước đi sự tự do là cái vốn quý nhất, là quyền cơ bản nhất của con người.

Người nghiện bị đưa vào các trung tâm 06 với quan niệm của chính quyền, xã hội và của chính người thân trong gia đình mình rằng: “Phải vào đó cho thật khổ mới từ bỏ được ma túy, phải vào đó để rèn luyện, lao động trị liệu, phục hồi nhân cách, nhân phẩm…”

Vậy thì người nghiện có phải ai cũng có lối sống hưởng thụ, không chịu lao động, tối ngày chỉ biết dùng ma túy và không còn nhân cách, nhân phẩm không?

Chắc chắn là không phải như vậy.

Người nghiện có ở đủ mọi tầng lớp, thành phần xã hội. Nhưng do sai lầm bấy lâu nay, người nghiện bị kỳ thị, coi như đồ bỏ đi, sớm muộn cũng chết, chết được sớm càng hay. Thật là tàn nhẫn và chua xót.

Mặc dù khoa học đã chứng minh nghiện ma túy là một loại bệnh có thể điều trị được.

Y học hiện đại cho thấy con người bình thường cũng có chất ma túy nội sinh. Ma túy do người nghiện chủ động đưa vào cơ thể là ma túy ngoại sinh. Loại ma túy này rất độc hại, rất mạnh, tác động trực tiếp lên tế bào thần kinh trung ương, gây rối loạn quá trình nhận thức, tri giác, cảm giác, cảm xúc, tư duy, hành vi, tác phong, gây rối loạn điều hòa thân nhiệt, tần số hô hấp, hệ tim mạch, bài tiết chuyển hóa. Ma túy gây rối loạn chức năng tâm thần. Người sử dụng ma túy có nhiều lý do riêng. Nếu mong giảm đau, chống mệt mỏi, an thần, thì dùng thuốc phiện, heroin. Muốn hưng phấn thần kinh thì dùng amphetamin, ecstasy. Muốn có ảo giác thì dùng cần sa, v.v… Khi vào máu, ma túy lên não, hoạt hóa các chất dẫn truyền thần kinh như scrotonin, dopamin, adrenalin… Từ đó, làm tăng quá trình nhận thức, tăng trương cơ lực, tăng hoạt động sinh lý thần kinh thực vật, tăng thân nhiệt, tăng tần số hô hấp, tăng nhịp tim, tăng huyết áp… Đỉnh cao của tác động dược lực này là trạng thái cảm xúc hưng phấn và khoái cảm.

Khi người nghiện ngừng sử dụng ma túy, nồng độ ma túy ngoại sinh ở trong máu giảm, là lúc người nghiện bị đói ma túy. Do thần kinh đáp ứng chậm với kích thích, người nghiện có cảm xúc trầm cảm, xuất hiện buồn chán, thèm nhớ ma túy, gọi là hội chứng cai. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ xuất hiện ám ảnh cưỡng bức, hối thúc ý chí, chi phối hành vi, tìm mọi nguyên cớ để được sử dụng lại ma túy. Trạng thái cảm xúc dao động, khi thì hưng phấn, lúc lại trầm cảm, thể hiện rõ tâm lý rối nhiễu, khiến cho hành vi trở nên nguy hại. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhân cách sa sút, gây hậu quả khôn lường.

Cắt cơn chỉ là khâu điều trị định hướng, còn các khâu phục hồi hành vi,nhân cách, phục hồi kỹ năng thích ứng xã hội và tái hòa nhập cộng đồng vẫn cần có phác đồ điều trị. Nghiện ma túy nay đã được coi là một loại bệnh mạn tính của não, phải điều trị lâu dài giống như bệnh huyết áp, tiểu đường, suy thận. Dùng lao động để thay thế cho phác đồ điều trị như hiện nay, chính là điểm rỗng của các trung tâm cai nghiện.

Người nghiện từng mơ ước họ có thể vẫn sống, hòa nhập với cộng đồng như những người nghiện ma túy ở Châu Âu, hàng ngày trước khi đi làm được uống thuốc, thuốc có đại trà và thuận lợi.

Người nghiện cũng khổ sở và muốn cai nghiện lắm chứ. Đi cai với cảm giác như đi chữa bệnh, thật sự sẽ nhiều người muốn cai hơn.

Khẳng định người nghiện ma túy là bệnh nhân, lấy y học làm liệu pháp chính. Chỉ có thế mới lấy lại thăng bằng về tinh thần và nhân cách cho người cai nghiện!

TS Trần thị Hồng Thu

Với quy trình “điều trị để bỏ hẳn” – Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho những người nghiện CÓ QUYẾT TÂM cai.

Gọi ngay 043. 6275762 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!