Hội chứng móng chân đen khi chạy bộ – BoiDapChay.com

Với các runner, có lẽ gần như ai cũng đã từng một lần bị ‘móng chân đen’. Và đối với phần lớn runner, đây không phải là điều gì quá khó chịu, thậm chí còn là niềm tự hào vì đó là bằng chứng bạn đã ‘xuống hố vôi chạy bộ’. Cũng phải thôi, ‘móng chân đen’ chỉ xuất hiện nếu bạn chạy nhiều, bền bỉ qua thời gian. Tuy nhiên, một lần là đủ. Không phải ai cũng muốn suốt ngày ra đường với những ngón chân đen xì, nhất là các runner nữ. Chưa kể, ‘móng chân đen’ cũng đem lại một số khó chịu nhất định. Trong bài viêt này, Boidapchay sẽ điểm danh các mẹo tránh ‘móng chân đen’.

Nguyên nhân gây ‘móng chân đen’/dập móng

Với mỗi bước chạy (đi) bộ, theo chuyển động tự nhiên, bàn chân sẽ luôn luôn có xu hướng hơi trượt về phía trước, khiến mũi chân và hai bên chân liên tục va đập, ma sát vào giày. Việc mang giày và vớ (tất) cũng khiến chân bị bó lại, dẫn đến xu hướng bàn chân sẽ to ra nếu vận động nhiều. Khi bàn chân to ra cộng với việc liên tục bị ma sát vào giày dần dần làm hỏng lớp da ngay dưới móng hoặc tạo ra vết phồng rộp dưới móng chứa máu bầm, khiến móng bị bung khỏi lớp da. Máu bầm có màu đen khiến móng chân của bạn nhìn như chuyển sang màu đen.

Lời khuyên của Boidapchay đó là hãy chọn một đôi giày vừa với mình. Cách tốt nhất đó là ra cửa hàng và thử giày. Có một mẹo runner có thể học từ VĐV xe đạp để xem đôi giày có vừa không đó là xỏ đôi giày vào chân bạn và kiễng gót lên. Nếu giày tuột gót xuống thì có nghĩa là đôi giày quá rộng với bạn. Ngược lại, nếu gót giày được nhấc lên cùng gót chân thì có nghĩa là size giày vừa với bạn. Đương nhiên, nhiều runner cũng muốn mua giày online vì giá tiền rẻ hơn hoặc là loại giày không có sẵn ngoài cửa hàng. Để đảm bảo mua đúng size khi mua giày online, bạn có thể ra shop và thử giày trước như cách trên và lên mạng để order. Lưu ý: bạn nên thử trên đôi giày cùng loại với giày bạn định order trên mạng. Đối với một số loại giày không có sẵn ở cửa hàng như Nike Next %, bạn có thể thử loại giày gần giống như Nike Zoom Fly. Tôi đã có lần bị trả “phí ngu” vì order Nike Next bằng size với Nike 4%. Thực tế, Nike 4% tôi đi size 8.5 nhưng Nike Zoom Fly và Nike Next lại đi size 7!

Cách điều trị ‘móng chân đen’

‘Móng chân đen’ không có gì đáng lo ngại và nhìn chung cách điều trị cũng rất đơn giản: đó là kệ nó và để nó bong ‘thuận tự nhiên’. Nếu móng chân sưng phồng lên và có cảm giác đau nhức, hãy ‘bơ’ nó trong khoảng 24h xem các triệu chứng có suy giảm hay không. Thường vết thương này sẽ tự lành. Nếu sau 24h nhưng chỗ sưng không có dấu hiệu suy giảm hoặc bạn cảm thấy đau hơn; hãy đến bác sĩ để chữa trị.

Sau khi hình thành móng chân đen là giai đoạn ‘mất móng’. Với những trường hợp nhẹ, móng chân đen sẽ mọc lại bình thường. Tệ hơn chút, nếu móng chân bị bung hẳn ra khỏi lớp da, khả năng cao bạn sẽ bị mất cái móng chân đó. Sau vài tuần hoặc vài tháng, phần móng đen sẽ dài ra và rớt dần, để lộ ra phần móng chân khỏe mạnh ngay phía dưới. Phần móng bị đen nếu không tự rớt cũng sẽ rất lỏng và bạn có thể cắt đi dễ dàng.

Mất móng

Với những cô nàng muốn có móng chân xinh đẹp, bạn cũng có thể sơn móng chân màu đen cho nguyên bàn chân để không bị ‘lộ’. Thường với cách này mọi người cũng khó nhận biết là bạn bị dập móng. Chưa kể, móng chân đen hoặc sẫm màu cũng đang là xu hướng. Việc thay thế móng chân hoàn toàn mới sẽ mất khoảng 3 tháng. Móng chân mới thường sẽ hơi gợn nhẹ, mỏng ở một số chỗ và dày hơn ở khu vực khác. Đừng quá lo, sau 4 đến 5 tháng, móng chân sẽ trở lại bình thường.

Phòng chống ‘móng chân đen’

Điều đầu tiên là phải đảm bảo giày chạy (đi) bộ và vớ (tất) vừa vặn với chân. Cũng nên biết rằng khi chạy (đi) bộ đường dài, chân có thể sẽ phồng lên hơn 1 cỡ (từ size 37 lên size 38 chẳng hạn) Nếu giày quá chật, ngón chân sẽ không có chỗ để nở ra. Phần mũi giày phải đủ rộng để cho chân nở ra, nhưng nếu rộng quá ngón chân sẽ trượt lên xuống liên tục. Bạn nên thử giày cẩn thận để đảm bảo mua được một đôi phù hợp với kích cỡ bàn chân và kiểu bàn chân của mình nhất.

Để tránh các ngón chân không đập vào giày, bạn có thể học cách cột dây giày ‘khóa gót’ ( hay còn gọi là ‘heel lock’ hoặc ‘lace lock’ – xỏ dây giày chống trượt gót), đảm bảo cho bàn chân không trượt theo mỗi bước chạy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những runner thích chạy lên dốc hoặc xuống dốc vì lúc đó bàn chân dễ trượt lên, trượt xuống nhất.

Cách buộc giày khóa gót

Có nên chích màu bầm không?

Nên nhớ, nếu móng chân đen không bung ra hoặc chả đau đớn, không cần thiết phải ‘chích’ máu bầm chảy ra. Nếu máu bầm tích tụ dưới móng chân và sưng hoài không hết gây cảm giác đau nhức, bác sĩ thường hay ‘chích’ 1 lỗ nhỏ lên móng để làm giảm bớt áp lực, một thủ thuật y khoa gọi là trephination. Thao tác này nên được thực hiện bởi chuyên gia y tế phòng trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, nhất là với những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy vậy, cũng có số ít người tự làm thao tác đơn giản này tại nhà.

Bạn có thể đọc thấy cách tự điều trị này được mô tả bởi huấn luyện viên marathon Jeff Galloway cũng như được đề cập đến trong cuốn sách “Sửa chân của bạn: Cách phòng ngừa và điều trị cho vận động viên” của John Vonhof, Wild wild Press, 2011. Nếu ngón chân tiếp tục sưng phồng và tấy đỏ sau khi đã làm thao tác chích máu bầm, bạn nên tìm gặp bác sĩ để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng hay không. Không nên xem nhẹ nếu thực sự bị nhiễm trùng: nếu bạn cảm thấy đau nhức suốt, đó là dấu hiệu xấu. Nhiễm trùng ngón chân có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, hoại thư (biến chứng của hoại tử), hoặc tệ hơn thế nữa nếu bạn bị tiểu đường.