Tiếng nước nào đây?
“Bùn wá mài nhỉ, lẹi gần hít nem lép 8 roài… thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”.
Với “đoạn văn” trên, nếu không phải là người am hiểu tuổi teen và xa lạ với ngôn ngữ chat, hẳn sẽ không thể nào hiểu nổi. Xin tạm “dịch”: “Buồn quá mày nhỉ, lại gần hết năm lớp 8 rồi… Thế tụi mình không được vui như hồi năm ngoái, nghĩ vậy thôi mà tao buồn ghê gớm… Nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tao và mái trường yêu dấu này nha”. Và đây nữa: “Gửi mail nhớ thim cái đuôi @ da heo chấm cơm nha, uhm, mí u bít ko năm nay lại ko được học chung dzới nhau gùi”. (Gửi mail nhớ thêm cái tuổi @ da heo chấm cơm nhé, mấy bạn biết không năm lại không được học với nhau rồi…).
Chỉ cần đọc vài câu trích trong cuốn lưu bút của một số học sinh lớp 8 trường chuyên quận 1 cũng đủ thấy “ngôn ngữ chat” đã thấm vào các em như thế nào. Ra đường, chúng ta dễ dàng nghe thấy những câu nói đại loại như “nhỏ như con thỏ”, “lớn như con lợn”, “chán như con gián”… Nói cho vui tai thì còn có thể chấp nhận, chứ viết tắt vô tội vạ, xem như một phương tiện giao tiếp thì về lâu dài sẽ có tác động không tốt đến tâm lý và nếp nghĩ.
Mốt tuổi teen (?!)
Bắt chước “ngôn ngữ @” đang là một “kiểu chơi” mà đằng sau nó là sự lệch lạc về tâm lý. Có những em khi được hỏi tại sao lại dùng những chữ viết và lời lẽ lạ lùng thế kia thì đều lắc đầu, không giải thích được. Phần lớn các em cho rằng đơn giản chỉ là do bắt chước thôi, nếu em nào viết “chơi” mà lời lẽ hay như làm văn thì bị cho là “nhà quê”. Vì thế, ngoài việc phải viết bài kiểm tra ra, tất thảy đều sử dụng ngôn ngữ kiểu này và coi đó là “mốt của tuổi teen” (!?). Chính thứ “ngôn ngữ mới” này tạo cho các em thói quen lười suy nghĩ để tìm từ hay ý đẹp, không nhận biết được giá trị văn hóa của ngôn ngữ, miễn viết sao cho nhanh, cho lạ là được. Cũng vì thói quen này mà khi làm bài tập làm văn, không ít em thản nhiên đưa cả chữ viết kiểu này vào bài. Hầu hết các thầy cô không chấp nhận kiểu chữ này. Riêng cô Lê Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1-TP.HCM, tỏ ra rất bức xúc: “Nếu làm ngơ, “căn bệnh” này sẽ rất khó trị!”.
Đừng để tạo ra vết trượt tư duy, sinh hoạt
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), dưới ảnh hưởng của “phương tiện giao tiếp” đơn giản tới mức hời hợt như thế, các em sẽ mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ. Tình trạng này lan rộng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Bắt chước là chuyện bình thường, nhưng nếu trẻ cứ bắt chước mà không được định hướng, chọn lọc sẽ trở thành thói quen khó điều chỉnh và về lâu dài tạo nên những vết trầm tích ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu cứ để trẻ chạy theo thói quen qua loa, đại khái khi sử dụng ngôn ngữ thì trong việc làm, sinh hoạt cũng dễ dàng trượt theo sự hời hợt, đơn giản ấy.
PGS-TS Ngôn ngữ học Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM: Ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt
Hiện nay có một vài tờ báo khá lạm dụng thuật ngữ tin học, cho như thế là phù hợp với tuổi học trò. Điều đó hoàn toàn sai, bởi nó làm lu mờ tiếng Việt vốn độc đáo và giàu biểu cảm; làm hỏng chữ viết, tạo ra tiền lệ không nên có đối với lứa tuổi học sinh. Do sự tiến bộ của công nghệ thông tin mà những thuật ngữ tin học có thể dùng khi giao tiếp đơn giản, nhưng nếu dùng vào văn viết là hoàn toàn sai. Nếu cứ để học sinh “lậm” vào cách giao tiếp theo kiểu như thế ngay ở chốn học đường, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt!
Ngọc Mai/báo Người Lao Động
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!