Làm gì khi bị hóa chất, dị vật bắn vào mắt – Tin tức sự kiện – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội

Sơ cứu khi bị hóa chất bắn vào mắt

Các loại hóa chất khi bắn vào mắt có thể gây ra tình trạng bỏng hóa chất kết giác mạc hoặc thậm chí là mù lòa nếu không được xử trí kịp thời. Những loại hóa chất khi tiếp xúc dễ bị bắn vào mắt như dầu gội đầu, sơn móng tay, các loại nước lau sàn, thuốc nhuộm tóc, nước tẩy rửa…Tùy theo mức độ đậm đặc của dung dịch mà tình trạng tổn thương mắt sẽ ở các cấp độ khác nhau. Khi chẳng may bị hóa chất bắn vào mắt ta cần thực hiện ngay các bước sơ cứu sau:

Rửa mắt bằng nước sạch: Dùng vòi nước sạch và ấm để rửa trong ít nhất trong 20 phút, và dùng bất cứ biện pháp nào nhanh nhất có được. Chạy vào phòng tắm, mở vòi nước chảy nhẹ lên vùng trán ngay trên mắt bị tổn thương hoặc chảy lên sống mũi nếu cả 2 mắt đều bị dính hóa chất, nhớ mở to mắt khi rửa. Hoặc cúi đầu xuống, nghiêng một bên và mở vòi nước chảy nhẹ qua mắt. Đối với trẻ nhỏ có thể cho trẻ nhỏ nằm ngửa trên chậu tắm, bồn tắm hoặc bồn rửa, cho nước chảy nhẹ lên vùng trán ngay trên mắt bị tổn thương hoặc chảy lên sống mũi nếu cả 2 mắt đều bị ảnh hưởng.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch: Sau khi đã rửa, lấy loại bỏ hóa chất ra khỏi mắt, việc tiếp theo là phải rửa sạch hóa chất dính ở tay. Rửa thật kỹ đến khi tay bạn không còn dính hóa chất hoặc xà phòng. Để tránh trường hợp vẫn còn hóa chất ở tay mà đưa lên hoặc dụi vào mắt.

Gỡ bỏ kính áp tròng: Nếu kính áp tròng (hay kính sát tròng) không rơi ra khi bạn rửa mắt, hãy lấy nó ra.

Chú ý:

Tuyệt đối không được dụi mắt vì việc này có thể làm mắt bị tổn thương nặng hơn.

Chỉ được rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý rửa kính áp tròng. Không được dùng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ.

Sau khi đã tự sơ cứu theo những bước trên nên gọi cấp cứu nếu cảm thấy tình trạng tổn thương mắt nghiêm trọng. Và cũng nên mang theo hóa chất bắn vào mắt đến cơ sở y tế để khám lại và được bác sĩ tư vấn chi tiết cách chăm sóc cho bên mắt bị tổn thương. Ngoài ra, sau khi bị tổn thương mắt cũng rất nhạy cảm với ánh sáng bên ngoài, do đó nên đeo kính mát nếu cảm thấy cần thiết.

Sơ cứu khi bị dị vật bắn vào mắt

Tuyệt đối không nên day dụi mắt trong mọi trường hợp do việc này dễ dẫn đến trầy xước kết-giác mạc, gây tổn thương sâu, dễ để lại sẹo giác mạc ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực.

Khi bị dị vật bắn vào trong mắt có thể thực hiện các cách sơ cứu sau:

Chớp mắt liên tục: Chớp mắt nhanh, liên tục để kích thích nước mắt chảy nhiều sẽ rửa trôi dị vật ra ngoài hoặc ra vị trí dễ tiếp cận, từ đó có thể dùng bông tăm sạch thấm nhẹ loại bỏ dị vật.

Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới: Nếu dị vật vướng vào trong mí mắt, có thể dùng tay kéo nhẹ phần da ngoài mí mắt trên xuống sao cho trùm lên mí mắt dưới. Sau đó, lựa đảo tròng mắt để dị vật vướng vào bờ mi ra ngoài.

Rửa mắt: Rửa mắt bằng nước muối nhỏ mắt, thuốc dưỡng mắt hoặc nước mắt nhân tạo: Đây là các loại dung dịch lành tính, bên cạnh tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý còn được dùng để vệ sinh mắt. Khi việc chớp mắt liên tục không tạo đủ nước mắt để rửa trôi dị vật, có thể nhỏ thêm một trong số các dung dịch này đến khi dị vật tràn ra ngoài.

Hoặc rửa mắt bằng nước sạch: Ngâm và chớp mắt trong một bát nước sạch, mát hoặc dùng vòi xả nhẹ nước lên mắt để loại bỏ dị vật. Có thể áp dụng cách này khi xung quanh không có dung dịch nhỏ mắt nào hoặc khi dị vật là hóa chất dạng lỏng, khiến chúng bị hòa loãng với nước, bớt gây kích ứng cho mắt.

Cần đi khám cấp cứu ngay khi gặp tình trạng sau:

Cố gắng lâu nhưng không lấy được di vật ra.

Vật thể rơi vào mắt với tốc độ lớn.

Dị vật lớn hoặc sắc nhọn.

Mắt đau nhiều, chảy máu.

Căng tức mắt kèm đau quanh vùng mắt và đầu.

Thị lực giảm đột ngột.

Sơ cứu khi gặp phải tình huống bị hóa chất, dị vật bắn vào mắt nếu không được thực hiện một cách cẩn thận, đúng cách, vệ sinh và nhanh chóng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như nhiễm trùng bề mặt nhãn cầu, viêm nội nhãn, suy giảm thị lực… yêu cầu việc điều trị kéo dài và phức tạp. Do đó nếu gặp các tình trạng trên, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa mắt khám ngay để được điều trị kịp thời, làm giảm sự khó chịu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày.

Đỗ Hương

ad syt ad