Gợi ý kênh đào panama nối liền 2 đại dương nào [Đầy Đủ Nhất 2023]

QĐND Online – Kênh đào Panama, một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, sẽ “ăn mừng” sinh nhật lần thứ 100 vào ngày 15-8-2014. 100 năm sau khi đi vào hoạt động, đây là nơi 5% các dịch vụ giao thương bằng đường biển của toàn cầu phải đi qua, 144 tuyến đường hàng hải nối liền Panama với 1.700 hải cảng của 160 quốc gia trên thế giới. Công trình mở rộng kênh đào để thích nghi với đòi hỏi của ngành vận tải đường biển là sự sống còn đối với Panama.

Công trình xuyên hai thế kỷ

Vắt ngang eo đất Panama, có chiều dài 77 km, kênh đào Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Công trình xây dựng vĩ đại này đã làm thay đổi cục diện của ngành vận tải đường biển, rút ngắn lộ trình của các chuyến tàu chở hàng, qua đó giảm bớt tốn kém không biết bao nhiêu mà nói cho các thương gia. Khi con kênh chưa được hình thành, tàu chở hàng từ New York miền đông nước Mỹ sang một thành phố ở miền tây như là San Francisco phải vượt 22.500km, đánh vòng mãi xuống tận Mũi Sừng ở cực nam Chile. Với kênh đào Panama, khoảng cách bằng đường biển giữa New York và San Francisco chỉ còn là 9.500km, chưa bằng ½ quãng đường so với trước đây.

Những ý tưởng về một tuyến đường biển nối liền hai đại dương đã nảy sinh từ đầu thế kỷ thứ XVI. Nhưng mãi đến năm 1880, nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps, sau khi thành công với kênh đào Suez ở Ai Cập, đã dễ dàng huy động vốn cho kênh đào Panama. Công trình được chính thức khởi công ngày 1-1-1882.

Thế nhưng, một trận động đất lớn xảy ra vào tháng 9-1882 đã chôn vùi luôn cả tập đoàn do ông Lesseps làm chủ. Tiếp theo đó, dịch bệnh, những khó khăn về kỹ thuật chồng chất trong việc xây dựng kênh đào ngăn mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt của vùng Trung Mỹ gây thêm khó khăn cho việc xây dựng kênh đào. Ngay cả sau khi kỹ sư Gustave Eiffel khắc phục được khó khăn kỹ thuật với giải pháp xây 10 âu thuyền để điều chỉnh mực nước, công trình vẫn bị chậm trễ. Cái giá phải trả cả về vật chất lẫn nhân lực ngày càng tăng cao. Do bệnh tật, chủ yếu là bệnh sốt huyết vàng, đã khiến ít nhất 22.000 công nhân thiệt mạng khi đang thi công kênh đào Panama. Năm 1889, Tập đoàn quản lý công trình xây dựng kênh đào Panama tuyên bố phá sản.

Kênh đào Panama nhộn nhịp tàu bè qua lại. Ảnh internet

Đến năm 1903, Pháp chuyển nhượng lại quyền khai thác cho Mỹ. Dưới sự điều hành của kỹ sư quân đội Mỹ George Washington Goethals, dự án kênh đào dựa vào ba hệ thống âu tàu và các hồ nước nhân tạo đã được khởi công. Phải mất thêm 10 năm nữa, kênh đào Panama mới hoàn thành. Ngày 15-8-1914 tàu chở hàng Ancon khai trương con kênh. Kể từ khi đi vào hoạt động, kênh đào Panama được đặt dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ cho tới khi Washington trao trả lại cho Panama vào năm 1999.

“Con gà đẻ trứng vàng”

Trong một trăm năm hoạt động vừa qua, kênh đào Panama đã trở thành cửa ngõ chiến lược của ngành vận tải đường biển. Hằng năm có tới 14.000 tàu thuyền, gần 300 triệu tấn hàng đi qua đây. Trung bình mỗi ngày có tới 40 tàu thuyền sử dụng con kênh này. Theo thống kê, 5 % giao thương đường biển của thế giới, và nếu không kể tàu chở dầu thì có tới 20 % hàng hóa của toàn cầu phải đi qua con kênh này. Ngoài ra, công trình này còn là một địa điểm du lịch có tiềm năng. Cũng nhờ kênh đào, từ một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ, Panama trở thành hải cảng quốc tế. Đặc biệt là kể từ khi giành lại được quyền khai thác con kênh, Panama đã trở thành một địa điểm phân phối hàng hóa quan trọng của thế giới, một chặng then chốt và chiến lược của ngành vận tải đường biển. Vì thế, thật không ngoa khi công trình xây dựng nói trên được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho Panama khi nó bảo đảm đến gần 10% thu nhập GDP của đất nước này.

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, kênh đào Panama đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ tiềm năng. Ông Jorge Quijano, người chịu trách nhiệm quản lý kênh đào Panama cho biết, kênh đào Suez hiện có sức chuyên chở lớn hơn và đang tấn công mạnh mẽ vào thị phần giao thông đường thủy toàn cầu của kênh đào Panama. Ngày 5-8 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thông báo kế hoạch xây dựng một “kênh đào Suez mới” trị giá 4 tỷ USD song song với kênh đào Suez cũ nhằm mở rộng giao thương và tăng tính cạnh tranh của kênh đào này. Bên cạnh đó, Nicaragua, quốc gia hơn một thế kỷ trước từng tranh giành với Panama để quản lý kênh đào chạy qua Trung Mỹ đầu tiên, nay một lần nữa nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Tháng trước, Nicaragua đã thông qua dự án trị giá 40 tỷ USD do Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua (HKND) trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) để xây dựng và vận hành một kênh đào có sức chuyên chở lớn hơn kênh đào Panama.

Một thách thức khác mà kênh đào Panama phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Nếu trong tương lai, nhiệt độ của trái đất tăng lên làm tan băng, nước biển từ Bắc Băng Dương dâng lên, mở ra những tuyến đường hàng hải mới. Khi đó khoảng cách giữa châu Âu và châu Á bằng đường biển sẽ lại càng được thu hẹp lại. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường do sự hiện diện của nhiều tàu thuyền, đe dọa đến sự đa dạng sinh thái của cả một vùng Trung Mỹ.

Ý thức được tất cả những thách thức nói trên, chính quyền Panama từ năm 2007 đã tiến hành dự án mở rộng và nâng cấp kênh đào. Việc nâng cấp này sẽ cho phép kênh đào tiếp nhận những con tàu có trọng tải lớn gấp 2,5 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, dự án có tham vọng to lớn này hiện đang gặp trở ngại do những trì hoãn, các cuộc đình công và tranh chấp với liên minh các công ty đảm nhận nâng cấp.

Để đạt được mục tiêu này, Panama phải mở thêm một lối dẫn nước, đào một đoạn kênh mới, xây dựng thêm âu tàu, nạo vét các lối vào kênh, thay đổi hệ thống dây kéo, đường ray, thiết bị kiểm soát âu tàu mới…Theo dự kiến, dự án mở rộng kênh đào Panama sẽ hoàn thành vào tháng 1-2016. Các quan chức Panama cho biết sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp tăng nguồn thu hàng năm của chính phủ lên gấp 3 lần.

PHƯƠNG LINH