Mùa Pơ lang nở hoa

Hoa Pơ lang còn được gọi với các tên: Hoa gạo, mộc miên,… Đây là loài hoa gần gũi, thân thương với mỗi làng quê Việt; đặc biệt, loài hoa này rất phổ biến và thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Tây Nguyên. Pơ lang thuộc họ gạo, có gai; lá mọc so le; hoa có màu đỏ, kết thành chùm, thường nở trước khi ra lá. Hoa Pơ lang không chỉ được xem là loài hoa đẹp nhất núi rừng đại ngàn, là biểu tượng cho vẻ đẹp tươi thắm, khỏe khoắn của người con gái Tây Nguyên mà còn gắn liền với tâm hồn, đời sống tâm linh của vùng đất cao xanh, nắng gió này.

Bất kì người dân Tây Nguyên nào cũng đều nằm lòng sử thi huyền thoại về chuyện tình buồn của chàng trai nghèo và cô sơn nữ xinh đẹp gắn với sự tích hoa Pơ lang. Câu chuyện vẫn được kể lại bởi những già làng từ thế hệ này sang thế hệ khác; từ buôn làng này sang buôn làng khác như bóng cây Pơ lang có mặt trên khắp núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn. Câu chuyện “Cô gái đã gieo mình hóa thân thành loài hoa Pơ lang mang sắc đỏ như màu của dải vải mà người yêu tặng cho mình, với mong muốn người yêu sẽ luôn nhận ra mình” trở thành minh chứng cho tình yêu buồn man mác mà đẹp đẽ. Sau này, trai gái ở bản làng thường rủ nhau nhặt cánh Pơ lang đem về, gửi vào đó bao yêu thương, thề ước. Với họ, hoa Pơ lang đã trở thành biểu tượng cho nỗi nhớ thương, cho lời thề thủy chung bền chặt.

Các nghệ sĩ Tây Nguyên biểu diễn nghệ thuật dưới sắc hoa Pơ Lang. Ảnh TL

Xuân về, núi rừng Tây Nguyên càng tràn trề sức sống. Những cơn gió mùa khô bắt đầu thổi; khắp núi rừng, từng gốc Pơ lang rủ nhau cùng dệt nên tấm áo hoa đỏ rợp trời. Bỗng nhớ những ca từ mềm mại trong bài hát về loài hoa màu đỏ rưng rức ngóng mong của nhạc sĩ Đức Minh: “Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”… Lòng người lại xuyến xang, bổi hổi trước vẻ đẹp của một loài hoa hoang dã, của những cô “sơn nữ” tài sắc, dịu dàng.

Pơ lang trong tâm thức của người con Tây Nguyên còn là tình yêu với quê mẹ, với cội nguồn. Hoa Pơ lang không đài các, kiêu sa mà chân chất, mộc mạc như chính tâm hồn người Việt, tâm hồn người dân Tây Nguyên hiền lành, khiêm tốn; phóng khoáng, dung dị và dễ gần. Pơ lang là mong ước của ấm no, đủ đầy; của bình yên, hạnh phúc, tốt lành mà mỗi người dân Tây Nguyên đã chắt chiu, gửi gắm bằng tất cả sự trân trọng.

Hoa Pơ lang cũng là một phần không thể thiếu trong các lễ hội và đời sống của con người Tây Nguyên. Bạn kể, mỗi lần tổ chức lễ hội, người đồng bào thường dựng cây nêu giữa sân buôn làng, không quên trồng bên cạnh một cây Pơ lang nhỏ. Đến khi kết thúc lễ hội, cây Pơ lang nhỏ sẽ được dời đi trồng ở một chỗ khác. Nếu cây phát triển tươi tốt nghĩa là lời cầu nguyện, ước mong của buôn làng năm ấy sẽ trở thành hiện thực.

Với người dân Tây Nguyên, Pơ lang là loài hoa của mùa Xuân, cũng là tín hiệu của mùa Tết đến, mùa lễ hội; là mùa chuẩn bị cho một vụ nương rẫy mới bắt đầu. Bạn kể: “Theo quan niệm của người đồng bào, ở buôn làng nào càng có nhiều cây Pơ lang được trồng thì nơi đó càng giàu mạnh”. Và tôi hiểu vì sao Pơ lang lại trở thành một loài cây quý, một loài hoa quý; lại được xem như một vị thần canh giữ sự yên ổn cho cuộc sống của các buôn làng đến vậy.

Nếu đã một lần đặt chân lên vùng đất cao nguyên khoáng đãng này, tôi tin chắc rằng, bạn cũng sẽ như tôi, cũng sẽ mến người và yêu cảnh… chẳng dễ muốn rời!