Khi đi khám hormone, bướu cổ, tiểu đường, u tuyến yên, bệnh to đầu chi, bệnh tuyến thượng thận, bệnh béo phì… thường được nhân viên y tế hướng dẫn khám chuyên khoa Nội tiết. Vậy nội tiết là gì? Hệ nội tiết gồm những cơ quan nào? Hãy xem tư vấn của bác sĩ qua bài viết dưới đây.
Nội tiết là gì?
Nội tiết là một chuyên khoa lâm sàng trong bệnh viện liên quan đến các tuyến và hormone. Các tuyến nội tiết sản xuất hormone bao gồm tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy nội tiết, buồng trứng và tinh hoàn. Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone đều có thể gây ra các bệnh nội tiết bao gồm: hội chứng Cushing, bệnh Addison, đái tháo đường, hạ đường huyết, cường giáp, suy giáp, suy tuyến yên, to đầu chi, chậm tăng trưởng ở trẻ em do thiếu hormone tăng trưởng, tăng hoặc giảm Canxi máu do rối loạn tuyến cận giáp, suy dinh dục, rối loạn kinh nguyệt hoặc khả năng sinh sản như hội chứng buồng trứng đa nang, vô kinh kèm vú tiết sữa do u tuyến yên tăng tiết Prolactin máu… (1)
Nội tiết học nghiên cứu về các tuyến nội tiết và hormone do các tuyến nội tiết ra. Nội tiết cùng với hệ thần kinh là 2 hệ thống có vai trò chính trong điều hòa hoạt động và chức năng của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Nếu như hệ thần kinh điều hòa chức năng bằng các xung động thần kinh thì hệ nội tiết thực hiện sự điều hòa thông qua các hormone do tuyến nội tiết tiết ra.
Hệ nội tiết gồm những cơ quan nào?
Hệ thống nội tiết không có tính liên tục về mặt giải phẫu học như hệ tim mạch hay hô hấp…mà các tuyến nội tiết nằm rải rác khắp cơ thể, mỗi một tuyến có vai trò chuyên biệt trong điều hòa hoạt động cơ thể. Sự kết hợp hài hòa của nội tiết tố giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh (2). Các tuyến nội tiết bao gồm:
- Tuyến yên: có đường kính khoảng 1cm, với khối lượng từ 0,5g đến 1g, nằm ở trong hố xương cuả nền sọ. Tuyến yên tuy nhỏ nhưng là tuyến quan trọng nắm giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết hệ thống nội tiết ngoại biên. Tuyến yên được chia ra 2 phần, tuyến yên trước là yên tuyến và tuyến yên sau là yên thần kinh
- Vùng dưới đồi: nằm gần tuyến yên ở dưới đáy não, có vai trò tổng hợp và bài tiết các hormone kích thích và ức chế, có tác dụng kiểm soát sự bài tiết hormone của tuyến yên trước. Ngoài ra vùng dưới đối còn tổng hợp 2 hormone là hormone chống bài niệu (ADH) hay còn gọi vasopressin và oxytocin, sau đó được vận chuyển xuống và dự trữ trong tuyến yên sau.
- Tuyến giáp: có hình cánh bướm nằm trước cổ có vai trò kiểm soát chức năng trao đổi chất của cơ thể.
- Tuyến thượng thận: gồm 2 tuyến thượng thận nằm cực trên mỗi quả thận. Mỗi tuyến thượng thận gồm 2 phần riêng biệt là vỏ thượng thận và tủy thượng thận. Vỏ thượng thận tiết ra 3 hormone chính là aldosteron, cortisol và androgen. Tủy thượng thận tiết ra hormone gồm: adrenaline, noradrenaline
- Buồng trứng, tinh hoàn: có chức năng sản xuất hormone sinh dục dưới tác dụng điều hòa của trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục.
- Tuyến tụy: về mặt giải phẫu, tuyến tụy nằm sau dạ dày, có 2 chức năng chính gồm chức năng ngoại tiết bài tiết các hormone tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn và chức năng nội tiết giúp điều chỉnh lượng đường trong máu thông qua hormone chính là insulin và glucagon.
- Tuyến cận giáp: gồm bốn tuyến nhỏ như hạt đậu ở mặt sau tuyến giáp, tiết ra hormone điều hòa chuyển hóa canxi và phospho máu, tác động lên chuyển hóa của xương…
Tuyến nội tiết quan trọng nhất là gì?
Các tuyến nội tiết đơn lẻ có mỗi vai trò nhất định cho cơ thể và hoạt động dưới sự kiểm soát của trục hạ đồi-tuyến yên. Một số tuyến nội tiết không chịu sự chi phối bởi tuyến yên như tuyến cận giáp, tuyến tụy nội tiết, tủy thượng thận. Tuy nhiên nếu một trong số tuyến nội tiết gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tác động một phần nào đó đến chức năng của các tuyến còn lại. Do vậy mọi tuyến nội tiết đều quan trọng, không có tuyến nội tiết nào quan trọng nhất.
Chức năng của tuyến nội tiết
Mỗi tuyến nội tiết trong hệ thống nội tiết đóng vai trò riêng, do vậy để nói về chức năng của hệ thống nội tiết ta sẽ đi vào từng chức năng của mỗi tuyến.
- Tuyến yên: nắm vai trò quan trọng như bộ điều khiển các tuyến còn lại. Tuyến yên được chia ra 2 phần là tuyến yên trước hay còn gọi là yên tuyến và tuyến yên sau hay còn gọi là yên thần kinh. Tuyến yên trước sản xuất và giải phóng các hormone như:
- Hormone tăng trưởng (GH) có vai trò điều chỉnh tăng trưởng và phát triển thể chất bao gồm cơ và xương.
- Hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH) kích thích vỏ tuyến thượng thận sản xuất hormone tuyến thượng thận.
- Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) giúp kích thích tuyến giáp giải phóng hormone tuyến giáp.
- Hormone kích thích nang trứng (FSH): trên buồng trứng FSH giúp kích thích nang trứng trưởng thành, trên tinh hoàn FSH kích thích quá trình tạo tinh trùng
- Hormone tạo hoàng thể (LH) tham gia và quá trình sản xuất estrogen và testosterone.
- Hormone Prolactin giúp kích thích tuyến vú bài tiết sữa ở phụ nữ.
- Tuyến yên sau không bài tiết hormone mà có vai trò dự trữ các hormone do vùng dưới đồi tổng hợp rồi vận chuyển xuống đầu tận thần kinh trong tuyến yên sau bao gồm:
- Hormone chống bài niệu ADH hay còn goi là vasopressin có tác dụng làm giảm sự bài xuất nước tiểu và co tiểu động mạch toàn cơ thể làm tăng huyết áp.
- Hormone Oxytocin vừa kích thích sản xuất sữa mẹ vừa kích thích co bóp tử cung khi sinh.
- Tuyến giáp: tiết ra các hormone tuyến giáp T4 và T3 có chức năng làm tăng hoạt động chuyển hóa của tế bào, tác động lên sự phát triển của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh và hầu hết mọi hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể như hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa…
- Tuyến thượng thận: Vỏ thượng thận sản xuất hormone glucocorticoids, mineralocorticoids, androgens. Các hormone này có vai trò trong điều hòa chuyển hóa đạm, đường, lipid, các điện giải Natri và Kali và thể tích dịch trong cơ thể, chống viêm, đáp ứng với stress…
- Vùng dưới đồi: tiết các hormone giúp kiểm soát hoạt động của tuyến yên
- Tuyến tụy: kích thích sản xuất insulin, insulin hoạt động như chìa khóa đưa đường vào tế bào chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
- Tuyến cận giáp: có vai trò kiểm soát nồng độ canxi trong máu, xương.
Vai trò của hệ nội tiết trong cơ thể người
Nội tiết có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Các tuyến nội tiết cùng hệ thần kinh kiểm soát hầu như mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do vậy, nội tiết là những tuyến nhỏ có sức mạnh và quyền lực lớn trong toàn bộ hoạt động của cơ thể con người.
Các vấn đề về hệ nội tiết
Hệ thống nội tiết gặp vấn đề khi một hoặc nhiều tuyến nội tiết bị suy giảm chức năng hay tăng chức năng…
Bệnh nội tiết gồm những bệnh gì?
Khi một trong số hoặc tất cả tuyến nội tiết gặp vấn đề sẽ gây ra những bệnh như:
- Đái tháo đường do tuyến tụy giảm tiết insulin
- Hạ đường huyết do u tụy tăng tiết insulin
- Cường giáp, suy giáp, ung thư tuyến giáp.
- Hội chứng Cushing do tăng tiết cortisol máu gây kiểu hình Cushing với mặt tròn như mặt trăng, tăng cân, rạn da bụng-đùi, bướu mỡ sau gáy… Cường aldosteron nguyên phát gây tăng huyết áp hạ kali máu, U tủy thượng thận tăng tiết catecholamin gây tăng huyết áp…
- Tăng canxi máu do tuyến cận giáp tăng tiết hormone PTH, Hạ canxi máu do suy tuyến cận giáp…
- U tuyến yên tăng tiết prolactin gây vô kinh, vú tiết sữa
- U tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng GH gây bệnh to đầu chi hoặc bệnh khổng lồ
- Suy tuyến yên do bất thường bẩm sinh hoặc u tuyến yên…
Trên đây là bài viết chia sẽ chi tiết về “Nội tiết là gì“. Qua đây bạn có thể biết hệ thống nội tiết đóng một vai trò rất quan trọng với cơ thể. Và nếu có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lí nội tiết nên đi khám sớm tại chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và thăm khám tốt nhất.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!