Mặc dù đã được định hình về tính “gaming” để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Inspirion, những gì Dell Gaming G để lại trong vài năm qua gần như chỉ là sự hoài nghi. Thiếu sự cải tiến, dựa nhiều vào thương hiệu,… Bản thân mình cũng không ngạc nhiên khi không còn quá nhiều người nghĩ tới Dell dòng G tại phân khúc tầm trung – cận cao cấp, nơi mà dải sản phẩm đang thuộc về.
Với Dell G3, dù không bị quá mắc kẹt như hai người đàn anh G5 và G7, nhưng phiên bản 2020 cũng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đáng lo. Ngay cả khi muốn tập trung vào những mặt tốt của máy, mọi thứ vẫn sẽ không dễ khi những mặt chưa tốt vẫn cứ hiển hiện ngay trước mặt.
Thiết kế: Không tệ, nhưng chưa thức thời
Khác với hai người hai đàn anh G5 và G7, thiết kế của G3 có phần táo bạo hơn và tránh khỏi xu hướng “Alienware hóa”. Sự “táo bạo” ở đây có thể thấy ở việc G3 2020 có khá nhiều đường xiên, khá giống với những chiếc HP Pavilion, giúp cho máy trở nên sắc hơn và dễ ghi nhớ hơn trong mắt người dùng. Những đường xiên này đã được đưa vào G3 kể từ phiên bản 2019, và cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp máy có lại cảm tình từ một bộ phận người dùng.
Sự táo bạo còn thể hiện ở hai khe thoát nhiệt, với dáng vẻ hầm hố quen thuộc trên các sản phẩm dòng G. Kết hợp với các đường xiên ở trên, chúng giúp G3 có chất riêng và “hút mắt” hơn hẳn hai mẫu G5 và G7, vốn đang khá giống nhau và ít điểm nhấn.
Bên cạnh sự hầm hố, G3 cũng để lại ấn tượng tốt nhờ sự chắc chắn ở các khu vực bề mặt. Ví dụ như mặt A, được làm đơn giản với lớp phủ sần, gần như không suy suyển khi có những lực nhẹ đến vừa tác động vào. Phòng khi có va đập không may xảy ra, đây sẽ có thể là một lớp bảo vệ ổn cho thiết bị của chúng ta.
Tuy vậy, bản lề G3 cũng chỉ ở mức tạm. Màn hình của G3 cũng tỏ ra khá nặng tương tự G5 và G7, và với việc có bản lề dạng giữa hở khá nhiều, máy sẽ theo đà đóng xuống hơi nhanh khi gập máy tới gần cuối. Ngoại trừ điểm cần lưu ý đó, cảm giác đóng mở còn lại cũng là khá đầm.
Vốn là người không quá thích việc “tái sử dụng” vẻ ngoài sản phẩm, nhưng ít nhất bộ vỏ của G3 vẫn là đủ tốt cho máy trong năm nay, trước khi Dell có thể thực sự cải tiến nó trong tương lai. Tuy nhiên, cỗ máy của chúng ta nhìn chung vẫn sẽ khá dày bản (22mm) và nặng nề (2.34kg, chưa tính sạc). Trừ khi bạn đọc có được sức khỏe tốt và phương tiện di chuyển tiện lợi, nếu không thì sẽ thật khó để tìm ra động lực bỏ G3 2020 vào cặp và mang đi mỗi ngày.
Màn hình – tuyệt vời 120Hz từ bản cơ bản
Về màn hình, G3 2020 cũng đã biết chiều lòng game thủ hơn khi “rộng rãi” để tần số quét cao ngay ở phiên bản mặc định. Với việc các máy giá rẻ cũng đã có 120Hz, cuối cùng Dell cũng đã làm những gì phải làm để giúp sản phẩm của mình đủ cạnh tranh. Với những phiên bản tầm cao hẳn (RTX 2060), màn hình của máy sẽ còn có sẵn tần số quét là 144Hz, hoàn toàn đủ đáp ứng với nhu cầu trải nghiệm thị giác hiện nay của game thủ.
Về chất lượng, gần như G3 không cho quá nhiều sự khác biệt so với năm ngoái. Từ độ phủ màu, độ sáng, tương phản hay độ sai lệch DeltaE… Tất cả đều ở ngưỡng trung bình, khi làm việc hay giải trí cũng sẽ ở mức đủ nhìn mà thôi. Ngoài ra với độ sáng không cao, sẽ không dễ để chúng ta dùng máy ở điều kiện ánh sáng mạnh nếu cần kíp.
Một điều mà mình vẫn chưa ưng ở G3 là viền dày. Ít nhất với G5, phần viền hai bên máy cũng đã được gọt mỏng hơn từ năm ngoái để phần nào cải thiện trải nghiệm nhìn cho người dùng.
Bàn phím và touchpad – Đã từ rất lâu rồi Dell chưa thay đổi
Với G3, bàn phím và touchpad của máy vẫn giữ nguyên từ năm ngoái (hay nói xa hơn là từ thời Inspirion nhiều năm trước). Vì vậy nên cảm giác thao tác cũng không còn quá nhiều điều để nói. Với bàn phím của G3, nó vẫn vậy: Khung phím ổn, nhưng layout khá bé và cảm giác nhấn không quá sâu. Ưu điểm hiếm hoi của phần phím này sẽ là đèn LED, có thể hữu dụng với bạn đọc hay chơi game hoặc làm việc đêm.
Touchpad máy cho cảm giác di trung bình, tương tự một số mẫu Latitude cùng tầm tiền. Kích thước hơi bé nên việc thao tác cũng bị hạn chế. Ưu điểm hiếm hoi của nó có chăng sẽ chỉ nằm ở phần build chắc chắn. Nhìn chung, với bộ đôi phím chuột này, G3 dường như vẫn chưa thể đạt được những gì người ta kỳ vọng ở tầm giá của máy.
Hiệu năng – hơi quá sức so với hệ thống tản nhiệt
Với Dell G3 2020, phiên bản mình đang trải nghiệm đang sở hữu CPU Intel Core i7-10750H, 16GB RAM, 512GB SSD NVMe và card đồ họa GTX 1660Ti – môt cấu hình thực sự vẫn rất mạnh ở thời điểm hiện tại về lý thuyết. Nhưng khi được đưa vào một hệ thống không có thay đổi như trên G3 2020, đây lại vô hình trở thành điểm yếu chí tử ở sản phẩm này.
Với một hệ thống tản nhiệt vẫn giữ nguyên từ năm ngoái, thậm chí là “được” tái sử dụng cả trên tùy chọn G5, vấn đề nhiệt độ vẫn là câu chuyện khiến mình phiền lòng trên G3 2020. Thậm chí với G3, tản nhiệt của máy sẽ có cụm VRM không thể che hết các tụ, có thể sẽ dẫn đến sự thiếu ổn định khi hoạt động nặng trong thời gian dài. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, không dễ để tìm được một thời điểm để máy có thể thực sự mát mẻ. Dường như với sản phẩm này nói riêng và dòng G nói chung, Dell luôn thiết lập cho chúng một trạng thái sẵn sàng để có thể… chạy nặng bất kỳ lúc nào.
Vì vậy nên ngay cả khi làm việc nhẹ, CPU vẫn thường xuyên ở ngưỡng 70 độ và máy cũng tỏa ra nhiệt lượng cảm nhận được từ khu vực bàn phím. Còn khi chuyển qua các tác vụ nặng, sự tăng vọt về nhiệt lượng ngay lập tức được thể hiện rõ. Ngay với bài test “khởi động” Cinebench R20, render đơn nhân và đa nhân đều chứng kiến mức nhiệt thường trực trên 90 độ.
Tuy vậy, bù lại thì máy sẽ được ăn điện thả ga như trên hình, đúng như truyền thống của Dell Gaming. Điều này sẽ có thể cho phép CPU có thể đẩy lên max xung và đem lại hiệu năng ổn.
Tuy vậy khi chuyển qua gaming, thậm chí mức nhiệt của CPU còn có thể thường trực ở 95-100 độ, con số dường như đã quá quen thuộc với các sản phẩm Dell dòng G từ năm ngoái đến nay. Có được hiệu năng được đẩy cao thì cũng tốt, tuy nhiên việc phải chịu một mức nhiệt cao đến vậy chắc chắn sẽ không có lợi về lâu dài cho thiết bị. Chưa kể, nhiệt lượng tỏa ra từ bàn phím cũng sẽ lớn theo, có thể cảm nhận rõ thông qua các đầu ngón tay khi tiếp xúc phím.
Với card đồ họa GTX 1660Ti, sức mạnh của nó trong năm 2020 vẫn là rất đáng nể. Với việc đã có thể “cân” tốt đại đa số các tựa game hiện nay ở High/Ultra Settings, đây vẫn có thể xem là giải pháp lâu dài dành cho bạn đọc với dòng game mới đang đến gần. Về nhiệt độ, GTX 1660Ti cho mức nhiệt tạm chấp nhận được với khoảng 80-83 độ khi chơi game.
Bên cạnh vấn đề về nhiệt độ phần cứng, độ ồn cũng là một nhược điểm chưa được sửa chữa đàng hoàng trên Dell G3 2020. Kể cả khi làm việc nhẹ hay nặng, quạt gió của máy vẫn có thể thổi khá lớn gây ảnh hưởng tới trải nghiệm. Hiện tại, G3 2020 vẫn chưa có quá nhiều tùy chỉnh dành cho quạt, chỉ có duy nhất một nút G để tăng giảm tốc độ. Ngay cả ứng dụng tích hợp Alienware Command Centre cũng chỉ can thiệp vào chế độ Sleep của máy thay vì có các chế độ liên quan cả quạt gió để giúp máy chạy yên tĩnh hơn.
Bộ nhớ trong – Cẩn thận quá nhiệt!
Về bộ nhớ trong, Dell G3 2020 sẽ được trang bị 512GB SSD NVMe tới từ WD. Mặc dù có độ bền đảm bảo, tuy nhiên tốc độ đọc viết của tùy chọn SN530 này lại chưa khiến mình thực sự ưng ý. Chưa kể trong quá trình sử dụng, chúng ta còn có thể nhận thấy tình trạng quá nhiệt do tản nhiệt kém. Nếu không sớm khắc phục, rất có thể tuổi thọ linh kiện sẽ có thể gián tiếp bị giảm.
Hệ thống cổng kết nối – Đầy đủ tiện nghi
Với Dell G3, kích cỡ có phần dày bản của máy cũng có những điểm lợi riêng, thể hiện ở số lượng cổng kết nối mà hãng có thể đặt ở hai bên máy. Chúng ta sẽ có 2 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.1, 1 cổng USB 3.1 Gen 2, 1 cổng Thunderbolt 3, 1 HDMI, 2 DisplayPort, khóa Kensington, jack 3.5 combo và cuối cùng là khe thẻ SD. Với số lượng kết nối này, dù là làm việc hay giải trí, mình cũng cảm thấy đủ để thoải mái sử dụng.
Thời lượng pin: Vừa phải
Với viên pin 68Wh, mình có được cho mình khoảng 4h sử dụng với G3 2020 khi để độ sáng màn hình 50%. Đây có thể xem là mức pin vừa trong giới laptop gaming, đủ để người dùng có thể dùng máy làm các tác vụ nhẹ nhàng khi cần kíp. Xét tới việc cục sạc 240W của máy cũng là khá nặng, 4h sử dụng này vô hình chung cũng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Tạm kết
Nếu không phải vì màn hình tần số quét cao, sẽ không dễ để mình tìm ra điểm nổi bật để nói về Dell G3 2020. Vốn đã có xu hướng giá cao vì thương hiệu, nếu không nhanh chóng cải thiện mình, Dell G3 2020 nói riêng và Dell Gaming nói chung sẽ càng ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc, những bên vốn đang ngày càng tối ưu tốt hiệu năng/giá thành qua thời gian.
Còn nhớ cách đây một năm, G3 đã lọt vào Top 5 ThinkView Bình chọn năm ngoái cũng chính nhờ việc chuyển mình. Nhưng với những gì đã làm trong năm nay, thực sự là rất khó để dòng máy này có thể làm lại điều này thêm một lần nữa.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!