Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây hoa lan huệ

Lan huệ là họ hàng với loài hoa loa kèn, hoa có kiểu cách nở đặc biệt và có màu sắc sặc sỡ và đa dạng. Hiện nay hoa lan huệ đang được ưa chuộng trồng ở nhiều nơi với nhiều hình thức và vị trí trang trí khác nhau.

  • Lan huệ có tên khoa học: Hippeastrum spp
  • Thuộc họ: Amaryllidaceae (họ thủy tiên)
  • Tên thường gọi Lan huệ
  • Tên gọi khác: lan tứ diện
  • Nguồn gốc xuất xứ: Lan Huệ được trồng ở khắp châu Mỹ nhiệt đới. Ngày nay lan huệ được trồng ở rất nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đặc điểm của cây lan huệ

Cây hoa lan huệ có củ dạng giống củ hành, củ được cấu tạo bởi các bẹ dạng mo cong bao quanh, có nhiều lớp, xếp tầng. Các lớp vỏ bọc đều mọng nước. Rễ của lan huệ là dạng rễ chùm và nhiều rễ phụ khác, kích thước gần như nhau.

Cây lan huệ có dạng thân đứng, là dạng thân giả mọc từ củ, thân có màu xanh. Thân của lan huệ cao khoảng 40 đến 70cm. Thân cây lan huệ cứng cáp, bên ngoài có các vân sọc dài song song mờ.

Lá của lan huệ có màu xanh, lá thuôn dài và nhọn ở đầu, trên lá có các vân sọc dài hết lá.Cây lan huệ có hình thức mọc giống thân hành, mọc đối nhau và ôm sát từ gốc thân giả lên.

Hoa lan huệ được trang trí trong không gian nội thất rất đẹp

Hoa của lan huệ có nhiều màu khác nhau như đỏ, đỏ cam, hồng, vàng, trắng xanh…vv Ngày nay có nhiều loại được phối màu lẫn với nhau rất đẹp. Hoa mọc thành từng cụm, mỗi cụm có khoảng từ 3 đến 4 hoa mọc ra và tạo gần như khối hình cầu. Các hoa nở xòe như hoa loa kèn và lộ nhị hoa dài ra ngoài. Cuống hoa dài mọc từ nách lá.

Hoa được kết hợp bởi các cánh hoa dài và mịn. tùy vào từng loại hoa mà số cánh hoa khác nhau. Loại hoa đơn có 2 lớp cánh hoa sắp xếp sole nhau được đan xem từ 6 cánh hoa. Còn ở hoa kép thì số được sắp xếp so le 3 lớp bởi 9 cánh hoa đan lại.

Thời gian ra hoa của lan huệ nhiều vào mùa xuân (tháng 1 – 3 hàng năm).

Quả của lan huệ là dạng quả nang, hình cầu, ở quả có các khe chia dạng 3 mảnh, bên trong có chứa các hạt, nhỏ, dẹt màu đen tuyền.

Đặc điểm sinh thái của cây lan huệ

  • Lan huệ ưa nắng vừa phải, là cây có sự sinh trưởng và phát triển tốt.
  • Lan huệ ưa môi trường đất thoát nước tốt, tơi xốp, độ ẩm trung bình.
  • Cây thường ra hoa vào mùa xuân- hè.
  • Là cây có khả năng sống được trong môi trường nước và môi trường đất.

Lợi ích mà cây lan huệ mang lại

Hoa lan huệ hiện đang được nhiều người ưa chuộng bởi màu sắc sặc sỡ, đa dạng là cây được các gia chủ chọn trồng làm các chậu hoa trong nhà đặt ở các kệ bàn, hoặc cửa sổ hoặc kệ của hành lang. Màu sắc hoa kết hợp cùng với kiểu dáng hoa đã làm cho không gian và khuân viên ngôi nhà thêm điểm nhấn và nét đẹp riêng. Ngoài ra nhiều gia đình còn chọn các cậu treo để trồng ở ban công. Ngoài ra cây còn được nhiều công trình lớn như công viên, khu đô thị, khách san nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, công trình xây dựng khác..vv chọn làm cây trồng trong các bồn lớn, các lối đi hay là các thảm lớn. Hoa lan huệ được trồng theo thảm lớn, cùng màu hoặc mix phối hợp màu trông rất rực rỡ, đẹp và sang trọng.

Hoa lan huệ tên lan nhưng không thuộc loài lan, cây thuộc loài hoa loa kèn, hoa nở rực rỡ bông lớn và tỏa mùi thơm rất lạ, mùi thơm nhẹ nhàng, hoa lan huệ trông quý phái, sang trọng. Mùi thơm của hoa lan huệ có thể giúp chúng ta thư giãn, mùi thơm không quá nồng, dễ chịu

Đặc điểm của hoa lan huệ có thể sống trong đất hoặc có thể sống trong môi trường thủy canh. Vì thế mà các bình thủy tinh nước trồng hoa lan huệ hay được đặt ở các vị trí trong nhà như phòng khách, kệ bếp, bàn ăn, hay phòng làm việc nơi thoáng gió. Hoa lan huệ cắt cành được vào dịp tết.

Ngoài ra hoa lan huệ còn đóng góp vào nền y khoa, đặc biệt bên đông y. Các sản phẩm từ cây lan huệ có thể sử dụng để chữa các bệnh như cầm máu, sưng, nhiễm trùng…

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lan huệ

Lan huệ có nhiều phương pháp nhân giống, nhưng phương pháp nhân giống được áp dụng nhiều nhát là tách cây con từ củ của cây mẹ.

Cách trồng hoa lan huệ bằng củ

  • Bước đầu tiên chúng ta chọn củ lan huệ mẹ để lấy giống tách cây con ra. Đây là bước quan trọng nhất, chọn củ lan huệ không bệnh, cây khỏe mạnh, củ không bị thối và có sự sinh trưởng tốt. Chọn củ quan trong ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển, ra hoa và nở hoa sau này. Tiêu chuẩn chọn củ, củ không non, chọn củ to nhất có thể.
  • Chọn đất trồng: Đất trồng có độ tơi xốp, thoát nước tốt và có chất dinh dưỡng, độ ẩm trung bình.
  • Chọn chậu để trồng. Chậu trồng có độ rộng phù hợp với củ, để khi củ phát triển có thể phát triển tối đa bộ rễ từ đó phát triển thân lá một cách thuận tiện nhất.
  • Đặt củ huệ vào chậu, trong chậu có hỗn hợp của đất, tro trấu và phân hữu cơ sau đấy lấp đất nhẹ lên trên, lưu ý khi lấp phải để củ lộ lên một khoảng 1/3 hoặc ½ củ.
  • Đặt cây ở nơi thoáng mát và không cần tưới quá nhiều nước. Chúng ta có thể 1 tuần tưới 1 lần.
  • Quan sát quá trình mọc của củ. khoảng 16 đến 20 ngày củ bắt đầu xuất hiện mọc nhú đầu lá nhỏ, chúng ta mới bổ sung thêm phân. Sau đấy chuyển cây đến vị trí có nắng để cây bắt đầu cho quá trình phát triển thân lá và ra hoa.

Cách chăm sóc cây lan huệ

Nước

Nếu trồng lan huệ bằng hình thức thủy canh thì bạn nên thay nước cho cây và bón thêm dinh dưỡng trong nước cho rễ hút đi nuôi dưỡng cho cây. Nếu trồng cây bằng đất: Lan huệ không chịu được úng, nên khi tưới chúng ta chỉ tưới vừa đủ không nên tưới quá đẫm, sẽ làm úng củ và thối rễ. Chúng ta có thể 4 đến 5 ngày tưới một lần. Nhưng phải quan sát độ ẩm của đất để cân bằng tưới nước.

Độ ẩm

Độ ẩm thích hợp 60 đến 80%

Ánh sáng

Cây lan huệ ưa sáng, và có thể sống được nửa bóng, ánh sáng ảnh hưởng đến hình thái của hoa, nếu ánh sáng nhiều sẽ có vòi hoa và lá ngắn, ngược lại nếu cây lan huệ sống trong môi trường bóng râm hoa và lá sẽ dài hơn. Nếu cây trồng trong nhà chúng ta nên thực hiện phơi nắng cho cây một tuần 2 đến 3 lần mỗi lần khoảng 3 đến 4 g. Khoảng thời gian tốt nhất để phơi nắng là vào ban sáng, nắng ánh sáng buổi sáng rất tốt và phù hợp cho lan huệ.

Phân bón

Chúng ta có thể dùng phân bón hữu cơ, hoặc phân kali, phân bón qua lá cho cây, tuy nhiên chúng ta nên bón đúng thời điểm và đúng liều lượng. Thường xuyên quan sát và cắt tỉa các cành lá già , hoặc khô, bị sâu để tránh làm môi trường cho sâu hại phát triển.

Sâu bệnh hại thường xuất hiện trên cây lan huệ

Đối với sâu bệnh hại trên cây lan huệ không có nhiều sâu bệnh hại. Sâu hại thường gặp là các loại chích hút lá ví dụ như rệp, nhện đỏ, cào cào…hoặc các loại như sâu ăn lá, ăn chồi. Dấu hiệu nhận biết là các vết chích vết cắn của các loại hút chích trên các lá hoặc trên thân

Cách phòng trừ

Cung cấp nước đảm bảo cho cây đầy đủ, dùng phun thuốc đặc trị như Danitol, ortus và một số loại thuốc khác có thể mua ở các nhà thuốc bả vệ thực vật trên toàn quốc. Dấu hiệu nhận biết của loại sâu ăn lá hay ăn chồi rất rõ, các lá, chồi bị sâu ăn và khuyết đi nhiều, đối với loại sâu này chỉ cần chú ý quan sát giai đoạn đầu, nếu thấy xuất hiện chúng ta phải mua thuốc trừ sâu luôn để diệt trừ mầm bệnh.

– Một số bệnh thường gặp ở hoa lan huệ như: Thối củ, thối nhũn lá

– Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ thoát nước kém, thu hoạch không đúng tiêu chuẩn, cắt không chéo đường cắt, và không gần với củ nên để nước ứ đọng lại làm thối nhũn củ.

– Biện pháp: Nên chú ý hệ thống thoát nước cho hợp lý, và thu hoạch đúng quy chuẩn.

Nhiều người ưa chuộng và trồng cây hoa lan huệ vì cây mang vẻ đẹp rực rỡ, nhiều màu sắc, ngoài ra hoa còn mang lại hương thơm dễ chịu. Lan huệ là cây dễ chăm sóc, dễ trồng. Chính vì thế mà lan huệ đang được mọi người trồng rất nhiều và trồng ở nhiều nơi.

Khánh Chi