3 cách trả lời câu hỏi về mức lương mong muốn khi deal lương – careerprep.vn

Khi deal lương, nhà tuyển dụng hỏi bạn câu hỏi ” Mức lương mong muốn của em là bao nhiêu? ” bạn sẽ trả lời như thế nào? Hay bạn sẽ cảm thấy bối rối không biết trả lời một con số như thế nào cho hợp lý, vừa lòng cả hai bên?

Trong trường hợp này, mình khuyên bạn hãy có sự chuẩn bị kĩ càng bằng cách tìm hiểu thật nhiều về mức lương trung bình của ngành mà bạn đang ứng tuyển. Cùng với đó là sự “biết mình”, định giá bản thân thật chính xác để không bị “hét”giá quá cao hoặc bị “lỗ vốn” khi nói về chuyện lương bổng trong các cuộc phỏng vấn nhé.

Đọc thêm: Làm thế nào để định giá bản thân khi deal lương.

1. Tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về mức lương mong muốn khi phỏng vấn bạn?

Thông thường, có 3 lý do khiến nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức lương mong muốn trong buổi phỏng vấn:

  • Họ đã có một ngân sách cố định cho vị trí này: Người phỏng vấn muốn đảm bảo rằng mức lương bạn mong muốn là phù hợp với ngân sách họ đã dự trù. Trong trường hợp có quá nhiều ứng viên yêu cầu cao hơn mức dự trù khi deal lương, họ sẽ cân nhắc đến việc thay đổi ngân sách.
  • Họ muốn đánh giá xem bạn hiểu giá trị bản thân như thế nào: Một ứng viên tốt sẽ tự biết đánh giá giá trị sức lao động của mình với những kĩ năng, kinh nghiệm mà họ có. Và họ có thể tự tin định giá bản thân với mức lương phù hợp.
  • Họ muốn đánh giá xem chuyên môn của bạn có phù hợp với vị trí họ tuyển không: Khi deal lương, một ứng viên yêu cầu mức lương quá cao so với dự trù của họ có thể có những kĩ năng và kinh nghiệm nhiều hơn những gì họ cần. Ngược lại, nếu bạn ra giá quá thấp, rất có thể chuyên môn của bạn không đáp ứng đủ yêu cầu của họ.

Câu trả lời về mức lương mong muốn của bạn có thể sẽ là bắt đầu của quá trình deal lương giữa người phỏng vẫn và bạn. Vì thế hãy đảm bảo bạn đã tìm hiểu kĩ trước khi trả lời.

2. Các cách để trả lời mức lương bạn mong muốn.

deal lương
Nguồn: Unsplash

1. Đừng thể hiện sự tuyệt vọng rằng bạn rất cần công việc này

Deal lương là cả một nghệ thuật đàm phán khi hai bên phải dò xét và thuyết phục nhau. Khi đi phỏng vấn, bạn không nên để nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn thực sự rất cần công việc này, vì khi đó họ sẽ nghĩ rằng cho dù họ có deal lương xuống thấp một xíu thì bạn vẫn sẽ nhận công việc này.

Thậm chí, bạn có thể thể hiện rằng bạn thực ra cũng hài lòng với công việc hiện tại của mình. Tuy nhiên, bạn đang tìm kiếm liệu có một công việc/ công ty tốt hơn thử thách hơn cho bạn phát triển không thôi.

Bằng cách làm này, bạn ngay lập tức được nhìn thấy khác biệt so với phần còn lại vì bạn không quá tuyệt vọng để vào được vị trí đó. Do đó, bạn có khả năng nhận được một đề nghị tương đối tốt hơn so với hầu hết mọi người (tất nhiên là trong khi phỏng vấn bạn phải thể hiện mình là ứng viên có năng lực).

Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn: Tại sao bạn ứng tuyển vị trí này? [+ví dụ chi tiết]

Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn: Điểm mạnh của bạn là gì? [+ví dụ chi tiết ]

Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn: Điểm yếu của bạn là gì? [+ví dụ chi tiết]

2. Đưa ra con số & cùng lúc lý giải nó

Khi được hỏi “bạn muốn bao nhiêu”, đừng chỉ trả lời “ Em muốn X” và thế là xong. Đừng đợi nhà tuyển dụng hỏi vì sao em muốn một mức lương cao như vậy.

Hãy ngăn chặn việc họ nghĩ rằng bạn đang đòi cao ngay từ đầu bằng việc giải thích luôn tại sao lại là X. Đó có thể là vì bạn đã research mức lương tiêu chuẩn trong ngành, cộng thêm kinh nghiệm của bạn cho phép bạn đòi hỏi thêm hay bạn cần thêm một khoản chênh để trau dồi kinh nghiệm, học hỏi vì công việc,…

Ví dụ:

Con số 8 triệu là con số dành cho những người hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, trong khi em đã có kinh nghiệm ở một công ty/ngành nghề tương đương hoặc gần như vậy, vì vậy trong khi người mới sẽ mất 3-6 tháng để quen việc, em sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho công ty. → thêm 1 triệu cho kinh nghiệm của em.

Nhà tuyển dụng sẽ chưa kịp nghĩ nó cao hay thấp mà sẽ bị lời giải thích của bạn cảm thấy thuyết phục.

3. Nếu không biết nữa thì hãy lịch sự hỏi lại để dò đường:

Nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ đưa ra con số chính xác, họ sẽ đưa ra mức lương từ X-Y. Vì vậy, nếu bản thân mình còn không biết mình xứng đáng bao nhiêu, bạn có thể:

“Em tin anh/chị là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn ra được tố chất để một nhân viên có thể phát triển và đem lại nhiều giá trị nhất cho công ty. Vậy theo anh/chị thì em nên thỏa thuận ở mức lương nào là hợp lý nhất và anh chị nhìn thấy tiềm năng phát triển nào của em trong công ty?”

Sau khi nghe phía bên HR, hãy chọn mức tối thiểu là mức ở giữa (nếu thoả thuận mãi không được). Còn không thì ví dụ, range từ 10-15, hãy luôn đề nghị con số 15 ở lần thoả thuận đầu. Nếu bạn thiếu tự tin và chọn 14 thì bạn đang thể hiện mình chưa đủ xứng đáng đó.

4. Lịch sự & chuyên nghiệp

Đừng biến phần deal lương thành một buổi kì kèo 2-3đ ở ngoài chợ. Đây là lúc bạn phải xử lí tình huống khéo léo, chuyên nghiệp, thuyết phục bằng luận điểm, con số để cả 2 bên đều tôn trọng ý kiến của nhau. Dù chưa có kinh nghiệm gì nổi trội nhưng cũng đừng tỏ ra khép nép trước HR. Nên nhớ rằng, HR cũng có KPI, họ cũng phải tìm được người cho vị trí đó. Thế nên, cả đôi bên đều đang thỏa thuận chứ không ai lép vế ai hết.

Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn: Bạn kì vọng gì với công việc mới này? [+ví dụ chi tiết]

Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn: Tại sao bạn lại bỏ công việc hiện tại? [+ví dụ chi tiết]

3. Một số mẫu câu trả lời mà bạn có thể tham khảo

1. Bạn có thể đưa ra một khoảng lương.

Trong khi deal lương, nếu bạn không tự tin khi đưa ra một con số nhất định, bạn có thể đưa ra một khoảng lương. Bạn hãy nhớ rằng rất có thể nhà tuyển dụng sẽ chọn mức thấp nhất trong khoảng lương mà bạn đề nghị, thế nên hãy đưa ra con số thấp nhất gần với mức lương mà bạn mong muốn. Con số trong khoảng lương của bạn cũng không nên cách nhau quá xa, tốt nhất trong khoảng từ một triệu đến một triệu rưỡi.

Ví dụ 1: “Tôi có 3 năm kinh nghiệm làm content marketing và tôi tin rằng với những kĩ năng và kinh nghiệm mà tôi có, tôi xứng đáng với mức lương trong khoảng từ 11 đến 12 triệu một tháng, tất nhiên là sau khi tôi đã có sự tìm hiểu kĩ càng về công ty và công việc”.

2. Đánh lạc hướng câu hỏi

Nếu bạn vẫn còn chưa rõ ràng về những công việc bạn sẽ phải làm cho vị trí này, về đãi ngộ công ty, về lương OT (làm thêm giờ), về những quyền lợi mà bạn nhận được, bạn có thể trả lời bằng cách hỏi thêm các câu hỏi khác về công việc và công ty trước khi đến bước deal lương.

Ví dụ 2: “Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi thêm thông tin về các yêu cầu công việc và chính sách đãi ngộ của công ty. Như vậy tôi có thể đưa ra một mức lương phù hợp hơn”

3. Bạn có thể đưa ra thêm những lựa chọn có thể thương lượng khác.

Ngoài lương mà bạn đề nghị, bạn có thể đưa thêm các lợi ích, đặc quyền hoặc các hình thức đãi ngộ khác mà bạn cảm thấy có giá trị để thỏa thuận. Nếu mức lương kì vọng của bạn cao hơn so với mức mà công ty đã dự trù, họ có thể thay thế bằng các gói đặc quyền nhận cổ phần của công ty.

Ví dụ 3: “Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi nghĩ rằng với những kinh nghiệm và kĩ năng mình có, mức lương trong khoảng từ 11 đến 12 triệu là phù hợp. Tuy nhiên, mức này có thể linh hoạt với những đãi ngộ khác của công ty đề nghị.”

Cuối cùng, để có thể thuyết phục nhà tuyển dụng đồng ý với mức lương mà bạn đưa ra, hãy chứng minh được lý do mà bạn phù hợp với mức lương đó. Những thành tích mà bạn đạt được, những kĩ năng và kinh nghiệm mà bạn có chính là bằng chứng rằng bạn xứng đáng. Hãy đưa ra những điều mà bạn có với một phong thái tự tin (chắc chắn là phải dựa trên nền tảng bạn đã tìm hiểu từ trước). Chúc bạn sớm tìm được công việc mơ ước.