Logo là một phần quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào, có rất nhiều điều cần xem xét khi bạn tự mình tạo ra một logo: màu sắc, bố cục, font và biểu tượng… Thiết kế logo đòi hỏi rất nhiều tìm tòi, nghiên cứu, kiến thức, kinh nghiệm thiết kế tích luỹ để có một phương án logo tốt. Nghe có vẻ rất nhiều, phải không?
Dĩ nhiên việc dễ dàng nhất là đi thuê người thiết kế chuyên nghiệp làm cho mình. Tuy nhiên vì một lý do nào đó bạn không muốn đi thuê hoặc “không thể” đi thuê thì câu hỏi là có thể tự thiết kế logo được hay không?
Câu trả lời là: Có! Bạn hoàn toàn có thể tự thiết kế logo cho mình! (giống như mình đã từng làm)
Tuy nhiên như mình nói ở trên, vì quá trình này cần rất nhiều yếu tố để tạo ra một logo nên bạn cần phải đánh đổi bằng thời gian (có thể 1-2 tuần, tháng hoặc thậm chí vài tháng tuỳ vào bạn), sự nỗ lực học hỏi của chính bạn (đôi lúc phải bỏ thêm một ít tiền) và rủi ro sẽ cao hơn để có một sản phẩm vừa ý.
Về chất lượng? Dĩ nhiên là không thể nào tốt bằng các designer chuyên nghiệp (nếu bạn không phải là designer). Nhưng nếu bạn chấp nhận cái giá đó, muốn trải nghiệm phiêu lưu và học hỏi những thứ mới, bạn muốn hoàn toàn tự mình tạo ra chất riêng thì… làm thôi!
Vào ngay 10 bước tự thiết kế logo nào!
Bước 1: Hiểu tại sao bạn lại cần logo
Theo một cách lãng mạn, kinh doanh gần giống như một cuộc hẹn hò, bạn đang cố gắng thu hút đúng đối tượng khách hàng và làm cho họ yêu thích thương hiệu của bạn.
Vì vậy, hãy nghĩ về logo của bạn như avatar trong hồ sơ hẹn hò (như kiểu facebook dating chẳng hạn). Nó có gì để làm người khác quan tâm và cố gắng tìm hiểu thêm về bạn (hoặc bỏ qua vì bạn không dành cho họ).
Dĩ nhiên bạn muốn họ nhìn thấy những thứ tốt nhất của bạn show ra trên avatar.
Bởi logo là một phần thiết yếu trong thương hiệu, chắc chắn bạn muốn nó tốt nhất có thể. Tất cả các tài liệu marketing về thương hiệu của bạn sẽ có logo trên đó. Khách hàng sẽ nhìn chằm chằm vào nó trên web, bao bì và danh thiếp của bạn.
Một thiết kế logo chuyên nghiệp và tuyệt vời không chỉ có khả năng truyền đạt những gì bạn đại diện mà còn tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên khách hàng bắt gặp, giúp bạn nổi bật so với đối thủ.
Bước 2: Nghiên cứu và xác định thương hiệu của bạn
Hầu hết chúng ta đều không thích nghiên cứu – tại sao phải làm cái này chứ? – nhưng đây thực sự là một bước quan trọng trong bất kỳ dự án lớn nào. Bạn cần nghiên cứu rất nhiều trước khi tạo ra logo.
Để logo của bạn có được sự thành công và lâu dài, bạn cần thiết lập một nền tảng vững chắc. Và để thiết lập một nền tảng vững chắc, bạn cần thực hiện nghiên cứu.
Đừng nghĩ nghiên cứu là thứ gì đó ghê gớm, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những câu hỏi sau:
Ai là khách hàng lý tưởng của mình? Họ thích thương hiệu nào?
Tìm ra khách hàng lý tưởng và thị trường mục tiêu sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về thông điệp và logo.
Nếu bạn đã có một vài khách hàng (hoặc bạn bè, người thân phù hợp mà cá nhân bạn đang nhắm họ chính là khách hàng mục tiêu), đừng ngại nhấc điện thoại và nói chuyện với họ về lối sống của họ, quyết định mua hàng, thương hiệu yêu thích và những hiểu biết liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Nếu cần hãy làm một cuộc khảo sát nhỏ để hiểu xem khách hàng hiện tại hoặc tiềm năng của bạn mong muốn có được điều gì từ logo của bạn.
Đối thủ của bạn đang làm gì?
Một cách tuyệt vời để có được ý tưởng thiết kế logo là phân chia logo và trang web của vài đối thủ cạnh tranh thành các phong cách bạn thích và không thích. Hay nói cách khác là hãy phân tích logo và trang web của họ xem điểm gì đã làm tốt và điểm nào chưa tốt theo góc nhìn của bạn (có thể tham khảo thêm ý kiến của những người có kinh nghiệm trong ngành).
Điều này sẽ giúp bạn hiểu bạn muốn đi theo hướng nào khi bạn bắt đầu tự thiết kế logo của riêng mình. Nó cũng sẽ giúp bạn phân biệt logo của bạn với các đối thủ cạnh tranh, điều này rất quan trọng!
3-5 tính từ mô tả thương hiệu của mình là gì?
Bước tiếp theo trong hành trình của bạn là tạo một danh sách các tính từ mà thương hiệu của bạn sẽ đại diện. Danh sách này cũng có thể bao gồm các tính năng, giá trị và lợi ích cụ thể mà bạn muốn thương hiệu/doanh nghiệp của mình được biết đến. Đây là vài ví dụ:
- Sáng tạo, thân thiện, dễ sử dụng…
- Phóng khoáng, dịch vụ khách hàng vượt trội…
- Tiếp thị thông minh, giá cả phải chăng…
Viết chúng xuống và sử dụng chúng để giúp đưa thương hiệu của bạn vào cuộc sống. Nhớ! Phải viết ra nhé!
Tạo một danh sách về cách bạn muốn mọi người cảm thấy khi họ nhìn thấy logo của bạn
Khi mọi người nhìn thấy logo của bạn, bạn muốn họ cảm thấy như thế nào? Bạn có muốn họ được kích thích, cảm thấy tràn đầy năng lượng hay không?
Hay bạn muốn họ có một cảm giác thư giãn, bình tĩnh? Những cảm xúc bạn muốn khơi gợi trong khách hàng và khán giả sẽ cho bạn biết rất nhiều về sứ mệnh và mục tiêu thương hiệu của bạn.
Tên công ty/doanh nghiệp/thương hiệu của mình là gì? Mình có cần slogan không?
Nếu bạn chưa có, đã đến lúc hoàn thiện tên công ty/thương hiệu/doanh nghiệp của bạn và quyết định xem bạn có muốn một câu slogan hay không, đó có thể là mô tả về những gì doanh nghiệp của bạn làm hoặc một cụm từ nào đó hấp dẫn.
Khi bạn đã đưa ra một vài lựa chọn tên thương hiệu tốt, hãy tự hỏi bốn câu hỏi sau để lựa chọn được tên thương hiệu:
- Nó có nguyên bản hay không? Đã có ai đăng ký bản quyền chưa?
- Nó có thân thiện/dễ bị hiểu nhầm không và dễ đánh vần không?
- Có sẵn (tên miền, fanpage, instagram v.v.) không?
- Mình có thích nó không?
Nếu câu trả lời cho mỗi câu hỏi này là CÓ! Thì bạn sẽ tiến một bước gần hơn để bắt đầu hành trình thiết kế logo của mình!
P/s: Nói cho ghê gớm chứ thật sự thì việc chọn tên thương hiệu đa phần phụ thuộc vào tên miền và bản quyền có còn hay không. Bạn nghĩ ra cái tên, check ngay lập tức và đăng ký ngay tên miền đi nhé, .vn hay .com đều ổn cả. Mình thường sử dụng trang web Instant Domain Search để tìm xem tên miền đó có còn để chúng ta chọn hay không, nếu có thì nhớ đăng ký ngay nhé! 🙂
Mình sẽ sử dụng logo nhiều nhất ở đâu?
Nơi bạn dự định logo sẽ xuất hiện có ảnh hưởng trực tiếp đến thiết kế của bạn. Có thể bạn sở hữu một công ty xây dựng và dự định sử dụng logo của bạn trên áo thun nhân viên, đề can dán xe và các bảng hiệu.
Hoặc nếu bạn là một doanh nghiệp tư vấn, agency… sử dụng logo chủ yếu online – trang web, landing page, các kênh truyền thông xã hội… thì hãy suy nghĩ về các ứng dụng quan trọng nhất và loại logo nào sẽ nổi bật.
Trong hầu hết các trường hợp, giữ cho thiết kế logo của bạn đơn giản với bố cục sạch sẽ, nó hoàn toàn có thể đẹp và xài tốt ở mọi nơi. Dưới đây là một vài vị trí phổ biến hay sử dụng logo:
- Online: Tiêu đề trang web và favicon, chữ ký email, hóa đơn và biên lai
- Social: Ảnh đại diện, ảnh bìa, bài đăng hình ảnh, quảng cáo
- In ấn: Danh thiếp, tờ rơi, áp phích, đề can xe, quần áo, bao bì
Bạn có thể cần nhiều phương án logo thích hợp với các trường hợp riêng biệt, nhưng đó là vấn đề mà chúng ta sẽ bàn kỹ hơn sau.
Bước 3: Tìm nguồn tham khảo thiết kế logo
Phần khó nhất cho người tự thiết kế logo có thể chính là đi tìm nguồn cảm hứng thiết kế. Nói đơn giản là tìm nguồn tham khảo cho logo đấy. Khi tham khảo những nguồn bên dưới bạn hãy nhớ làm 3 việc:
- Lưu lại những thiết kế mình thích ở chỗ mà bạn có thể dễ dàng xem lại
- Tự hỏi là cụ thể mình thích nó ở điểm nào, ghi chú bên cạnh những thiết kế đó
- Ghi chú những thứ mà mình không muốn bỏ vào logo
Những hành động trên không chỉ tốt cho những ai tự thiết kế logo mà còn tốt cho bất kỳ ai có ý định thuê designer thiết kế logo cho mình. Bạn càng hiểu rõ “gu” của mình đến đâu thì mọi thứ sẽ càng dễ dàng đến đó.
Ghé qua 9 trang web chọn lọc có nguồn tham khảo thiết kế logo chất lượng
99designs
99designs là một trong những nơi tham khảo thiết kế rất tốt bởi nó là nơi tập hợp rất nhiều sản phẩm của các designer trên thế giới
99Designs là một thị trường trực tuyến mà khách hàng có thể thuê freelancer hoặc tổ chức một cuộc thi cho các designer gửi về ý tưởng của họ.
Nhiều designer xây dựng porfolio trên trang web để cạnh tranh cho công việc và đó là một nơi tuyệt vời để tham khảo những sản phẩm mà các designer trên khắp thế giới đang làm.
Giao diện của website giúp bạn dễ dàng xem qua hàng trăm logo thú vị và thậm chí bạn có thể lọc theo các ngành nghề như kế toán, tài chính, làm đẹp, mỹ phẩm… để tham khảo.
Pinterest cũng là một nguồn tham khảo logo tuyệt vời
Giống như Google, Pinterest thực sự là một công cụ tìm kiếm và bạn có thể sử dụng lợi thế đó khi tìm tham khảo thiết kế logo.
Nhiều freelancer và studio thiết kế đăng thành quả của họ trên Pinterest với các tag tìm kiếm có liên quan giúp bạn dễ dàng tìm được những gì bạn muốn. Một điều tiện dụng khác của Pinterest là nó dễ dàng Pin lại các thiết kế mà bạn thích vào Board của bạn, giúp bạn dễ dàng tạo ra một board về cảm hứng thiết kế logo.
Behance
Behance là nơi để designer show sản phẩm, rất phù hợp để tham khảo
Đứng sau trang web này là Adobe (bạn cũng biết Adobe thì ghê gớm cỡ nào rồi), Behance là một kho lưu trữ tuyệt vời cho mọi thứ về thiết kế. Giao diện trực quan rất dễ cho bạn tham khảo.
Awwwards
Awwwards là nơi tập hợp thiết kế web. Tuy nhiên bạn có thể xem luôn thiết kế logo của trang web đó ở cả phiên bản pc và mobile
Nếu bạn muốn học và lấy cảm hứng từ những điều tốt nhất, hãy thêm Awwwards vào “bookmark” menu bar của bạn. Đây là một nền tảng đánh giá thiết kế web trên khắp thế giới.
Đến đây bạn tự hỏi nó chỉ toàn là web có logo ở đâu? Xin thưa là web nào cũng có cái logo chình ình ở phần đầu web nghen. Bạn không những coi được logo mà còn xem được tổng thể website như thế nào nữa đấy!
Họ còn có một bài viết blog về những thiết kế logo mà chúng ta có thể tham khảo ở đây. I love it!
Dribbble
Dribbble cũng là một nơi để tham khảo logo ngon lành.
Dribbble là một nền tảng thiết kế khác, nó cũng là nơi nhiều designer lưu trữ porfolio của họ, có rất nhiều phong cách và cách tiếp cận khác nhau.
Mọi người có thể vào phê bình đánh giá sản phẩm được đăng trên Dribbble. Và đây là công dụng tuyệt vời giúp bạn có thể tham khảo được sản phẩm nào thực sự đẹp, đẹp ở đâu (quá tuyệt để học hỏi).
Trang web còn có tính năng theo dõi designer mà bạn yêu thích. Quá ngon lành!
Instagram không chỉ là mạng xã hội mà cũng là nơi designer show sản phẩm. Quá tuyệt để tham khảo
Không còn chỉ là nơi để chụp ảnh đồ ăn hay chụp hình thú cưng, Instagram hiện được sử dụng rộng rãi cho mục đích kinh doanh vì nó mang tính giải trí rất cao. Dĩ nhiên nhiều designer tài năng đổ xô đến nền tảng này để chia sẻ và giới thiệu về sản phẩm của họ.
Có hai cách tìm kiếm:
- Tìm kiếm bằng các hashtag như #logodesign, #logoinspiration và #logoproject. Tuy nhiên cách này có thể bị lọt các sản phẩm của amateur vào
- Theo dõi một số tài khoản Instagram dành riêng cho thiết kế logo: @logoinspirations, @logonew, @logoawesome và @logo.inspire
Creative Bloq
Creative Blog cũng là một nơi để bạn tham khảo xu hướng thiết kế
Mặc dù Creative Bloq sẽ cho bạn có cảm giác ít cái để tham khảo hơn một số trang web khác trong danh sách này, nhưng nó rất tuyệt vời để tham khảo các xu hướng, tin tức và mẹo mới nhất về logo.
Trong một bài viết về xu hướng logo năm 2019, Creative Bloq đã đề cập đến cách công ty trình duyệt web Mozilla điều hành một cuộc thi giữa hai logo gradient vào năm ngoái. Sau đó, họ giải thích lý do tại sao xu hướng gradient này đang bành trướng và làm thế nào bạn có thể kết hợp nó vào các thiết kế của riêng bạn.
Logomoose
Logomoose là nơi tập hợp những sản phẩm chuyên về logo
Giống như 99Designs, Logomoose là một thị trường trực tuyến về các cuộc thi thiết kế. Tuy nhiên điểm khác biệt là nó hoàn toàn dành riêng cho logo!
Trang chủ của nó liên tục cập nhật với các thiết kế mới, do đó bạn có thể luôn đi đầu theo xu hướng. Bạn cũng có thể lướt qua các phòng trưng bày (gallery) các logo đã giành chiến thắng trước đó hoặc hiện đang được đề cử cho giải thưởng.
Abduzeedo
Abduzeedo là blog tập hợp các mẹo thiết kế mà bạn cũng nên ghé qua
Mặc dù Abduzeedo chủ yếu là một blog có các mẹo và hướng dẫn thiết kế, nhưng nó cũng là một điểm đến tuyệt vời cho cảm hứng thiết kế logo. Cụ thể, nếu bạn tìm kiếm các thiết kế hiện đại, trừu tượng.
Trang web có giao diện cực kỳ tối giản, vừa là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu khi bạn muốn tìm kiếm theo bộ lọc chi tiết một logo nào đó. Hãy kiểm tra các bộ sưu tập “branding” hoặc “graphic design” để bắt đầu tham khảo.
Bắt đầu brainstorm ý tưởng cho logo bằng những cách đơn giản
Sau khi tham khảo xong giờ đã đến lúc chúng ta bắt đầu cho ra đời ý tưởng cho logo của mình. Dưới đây là 5 cách mà bạn có thể sử dụng:
Thực hiện các quy tắc brainstorm
Quá trình brainstorm để tạo ra một logo tương tự như quá trình brainstorm phác thảo một bài viết, một kế hoạch kinh doanh hoặc một tên ban nhạc mới của chó cái tên là nó it tất cả về các quy tắc.
Vậy các quy tắc của brainstorm là gì?
- Đừng giữ ý tưởng trong đầu: Nếu bạn có một ý tưởng, hãy ném nó ra khỏi đầu bạn. Brainstorm không phải là thời gian để kiểm duyệt ý tưởng của chính mình. Đây là thời gian để đưa mọi thứ ra khỏi đầu bạn vào thế giới thực.
- Viết xuống tất cả ý tưởng: Viết ra từng ý tưởng mà bạn nghĩ ra, ngay cả khi bạn nghĩ nó thật lố bịch, ngớ ngẩn hay khủng khiếp. Trong một lần brainstorm, bạn muốn có một danh sách về tất cả các ý tưởng mà bạn có thể nghĩ đến. Đôi khi những ý tưởng tồi tệ lại châm ngòi cho những cuộc trò chuyện tuyệt vời, dẫn đến những ý tưởng tuyệt vời.
- Chọn đúng thời điểm: Bạn muốn lên ý tưởng về logo khi bạn đang ở đỉnh cao của sự sáng tạo, cho dù đó là một giờ sau khi ăn sáng hoặc một vài tiếng trước khi bạn đi ngủ. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy sáng tạo nhất, tỉnh táo và tập trung hãy bắt tay vào việc brainstorm. Thời gian ngay sau bữa ăn không phải là thời gian thích hợp, bởi người ta nói “căng cơ bụng chùn cơ mắt”, cơ thể bạn cần nghỉ ngơi lúc này.
- Hãy để ý tưởng của bạn dâng trào: Khi bạn đã liệt kê một danh sách các ý tưởng logo, hãy để nó thấm vào người bạn. Tránh xa khỏi danh sách và đừng nhìn vào nó một lần nữa trong ít nhất 24 giờ. Bạn có thể ngạc nhiên về những gì bạn nhìn thấy với một cái nhìn mới.
Tìm các yếu tố thiết kế có thể kể câu chuyện của bạn
Một khi bạn rõ ràng về thương hiệu của mình, đó là thời gian để sử dụng thiết kế để đưa câu chuyện đó vào cuộc sống. Nhưng làm thế nào để bạn quyết định các yếu tố thiết kế phù hợp với thương hiệu của bạn?
Hãy lật lại ghi chú của bạn ở những trang web mà bạn đã tham khảo cho thiết kế của mình. Chúng có thể giúp bạn xác định các yếu tố thiết kế nào là quan trọng đối với bạn. Những yếu tố thiết kế có thể bao gồm:
- Kiểu logo, hình dạng logo
- Font chữ, typography
- Màu sắc
- Phong cách
Chúng ta sẽ đi sâu vào những yếu tố này trong phần sau khi bạn bắt đầu thiết kế logo.
Để mọi người cùng tham gia với bạn
Ý tưởng thiết kế logo luôn ở khắp mọi nơi. Hãy tranh thủ sự tham gia của càng nhiều người càng tốt, hãy khảo sát ý tưởng của mọi người xem như thế nào. Hãy trò chuyện với họ.
Nếu công ty bạn có nhiều bộ phận khác nhau, marketing sẽ có những ý tưởng khác với những người làm kế toán hoặc làm dịch vụ khách hàng. Tất cả các quan điểm độc đáo có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về cách người khác nhìn thấy thương hiệu của bạn và điều gì mà bạn muốn có trong logo của mình.
Nếu bạn là Solopreneur giống mình (tự làm từ a-z) thì như thế nào? Không vấn đề gì! Vẫn còn rất nhiều người bạn có thể giúp bạn brainstorm logo đấy. Hãy liên hệ với nhóm mastermind hoặc một group Facebook cụ thể trong ngành, những người thân thiết, mentor,… để xem liệu có ai sẵn sàng đưa ra ý tưởng với bạn không. Bạn có thể hỏi thăm những khách hàng thân thiết của bạn.
Hãy thử tiếp cận với gia đình hoặc bạn bè có kinh nghiệm trong kinh doanh và marketing; họ sẽ có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc từ góc độ kinh doanh, đôi lúc là trái ngược với quan điểm cá nhân của bạn.
Suy nghĩ như khán giả của bạn
Khi bạn thiết kế logo cho mình, bạn sẽ phải đặt mình vào vị trí của người sẽ nhìn vào nó: khách hàng của bạn.
Giả sử bạn là một người trong nhóm khách hàng mục tiêu và suy nghĩ một danh sách tất cả các phẩm chất quan trọng trong một công ty mà bạn làm việc cùng, hay một công ty mà bạn muốn sử dụng sản phẩm. Bạn muốn làm việc với một công ty đáng tin cậy và cung cấp dịch vụ khách hàng chất lượng cao? Hay bạn muốn làm việc với một thương hiệu vui nhộn, tiên phong thách thức?
Tìm kiếm thông điệp ngầm trong logo
Đôi khi, các yếu tố thiết kế logo tốt nhất là những yếu tố bạn không nhìn thấy ngay lập tức, như mũi tên giữa chữ “E” và “x” trong logo của FedEx gợi ý một cách tinh tế họ sẽ đưa gói hàng của bạn đến nơi cần đến hoặc dấu gạch ngang trông giống như một nụ cười trong logo Amazon gợi ý bạn sẽ hài lòng với trải nghiệm khách hàng của mình.
Hãy chắc chắn bạn nắm rõ danh sách các giá trị thương hiệu của bạn. Giá trị quan trọng nhất của bạn là tốc độ và sự hiệu quả? Hay thương hiệu của bạn tập trung vào sự thân thiện và khả năng tiếp cận? Chọn một giá trị quan trọng nhất và bắt đầu triển khai.
Bước 4: Nghiên cứu đối thủ
Bạn thắc mắc nơi tốt nhất để tham khảo ăn cắp ý tưởng? Chính là đối thủ cạnh tranh của bạn!
Hãy kiểm tra những gì đã có ngoài thị trường, những thứ đang có tác động tích cực đến khán giả của bạn và những thứ bạn nên tránh. Khi quan sát những thương hiệu khác, hãy nghĩ về những thứ làm bạn khác biệt với họ và cách bạn có thể nhấn mạnh những khác biệt này trong lúc tự thiết kế logo cho mình.
Nếu tất cả các công ty/thương hiệu khác trong ngành của bạn đang chuyển sang màu đơn sắc, có lẽ bạn nên chọn màu nào đó nổi bật một chút. Nếu logo của họ theo kiểu truyền thống, có thể một logo vui nhộn và hiện đại sẽ thu hút sự chú ý.
Mục tiêu cuối cùng của việc nghiên cứu đối thủ, chính là để tìm ra thứ sẽ làm cho logo của chúng ta khác biệt so với phần còn lại.
Hãy nhìn vào thị trường của bạn, ai đang chiếm thị phần lớn, họ có phải là đối thủ mà bạn ngưỡng mộ cũng như muốn hướng đến một hệ thống hiệu quả và thị phần tương lai giống như vậy không. Chẳng có gì xấu xa khi đi học hỏi người khác.
Hãy nhìn vào logo của họ và trả lời vài câu hỏi:
- Cái gì tốt?
- Cái gì chưa tốt?
- Làm thế nào bạn có thể áp dụng những cái tốt của logo đối thủ trong khi vẫn thể hiện sự khác biệt về thương hiệu của bạn?
Bước 5: Chọn hình dạng và kiểu logo phù hợp
Nắm bắt các hình dạng logo và ý nghĩa của từng loại hình dạng
Hình dạng logo biểu hiện rất nhiều tính chất. Mình đã chia sẻ một bài riêng về các hình dạng logo và ý nghĩa của chúng. Hãy đọc nó để lựa chọn đúng hình dạng mà bạn mong muốn nhé.
Phân tích và chọn kiểu logo thông dụng
Lettermark
Logo của Nasa IBM và HP. Những ví dụ về logo Lettermark
Những ví dụ cho cho kiểu logo Lettermark hay Monogram là logo như HP, HBO, CNN, IBM, YSL… Họ sử dụng các chữ cái đầu để làm logo thay vì phải sử dụng nguyên một cái tên dài lê thê như HP là Hewlett-Packard, HBO là Home Box Office, CNN là Cable News Network… LeapContent của mình là một ví dụ.
Kiểu thiết kế này thích hợp cho những thương hiệu có tên dài, người sáng lập hoặc thương hiệu đặt theo tên tên một thiết bị, dụng cụ chuyên biệt không có từ thay thế. Và phổ biến thì lettermark có kiểu thiết kế rất đơn giản, chỉ cách điệu vài chi tiết của các chữ cái hoặc sử dụng đồng bộ một typeface riêng biệt.
Wordmarks
Các loại logo Wordmarks điển hình: Disney, Cocacola, Google, Visa, Philips, Ray-Ban
Khác với logo Lettermark chỉ có các chữ cái đầu của tên doanh nghiệp được sắp xếp lại thành tên thương hiệu thì kiểu logo Wordmarks lại là tên “gốc” của doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức được trình bày đầy đủ.
Rất nhiều thương hiệu lớn sử dụng logo kiểu Wordmarks như Google, Visa, Coca-Cola… Một logo sử dụng Wordmarks hoạt động thực sự hiệu quả khi tên thương hiệu có những yếu tố là ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc và khác biệt.
Giống như logo Lettermark, kiểu chữ sẽ là một quyết định quan trọng. Vì trọng tâm của logo sẽ dựa trên tên thương hiệu, bạn sẽ cần một font chữ có thể “bày tỏ” cho khách hàng biết doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh về sản phẩm, dịch vụ gì. Ví dụ: các mặt hàng thời trang có xu hướng sử dụng font chữ thanh lịch, sạch sẽ, bộc lộ được vẻ sang trọng, trong khi các logo của các cơ quan chính phủ luôn hướng đến sự truyền thống và rõ ràng.
Pictorial marks
Logo, Apple, Twitter và Playboy là đại diện tiêu biểu cho loại logo Pictorial marks
Pictorial marks (brand marks hoặc logo symbols) – là loại logo sử dụng một biểu tượng nào đó để làm “đại sứ” cho thương hiệu đó. Ví dụ “Apple” bạn sẽ nghĩ ngay đến trái táo, “Twitter” là hình chú chim.
Các biểu tượng này khi đứng 1 mình ở bất cứ đâu bạn cũng sẽ nhận ra đó là thương hiệu nào. Thực sự kiểu logo này chỉ là một “hình ảnh hoặc biểu tượng” tự nhiên được cách điệu để phù hợp với doanh nghiệp.
Vì thế đây sẽ là một điểm rất khó cho những doanh nghiệp mới, vì khách hàng sẽ cần một thời gian dài để nhớ biểu tượng đó là gì ý nghĩa như thế nào và gắn liền với thương hiệu nào và đặc biệt là kinh doanh sản phẩm gì.
Một khi kiểu logo Pictorial marks được định vị trong tâm trí của khách hàng thì nó sẽ rất mạnh mẽ. Đến nỗi chỉ cần nhớ đến thương hiệu đó bạn sẽ nhớ đến logo của họ như thế nào và chính xác màu sắc là gì.
Abstract marks
Logo Adidas, NBC News, Nike, Pepsi là những ví dụ điển hình cho loại logo Abtracts
Thay vì là một hình ảnh, biểu tượng dễ nhận biết như quả táo, chú chim của kiểu logo Pictorial mark thì Abstract logo marks (hoặc logo trừu tượng) là một kiểu logo có dạng hình học trừu tượng hiện đại. Một ví dụ nổi tiếng là logo Starbucks, Pepsi, Adidas, BP…
Giống như những kiểu logo biểu tượng khác, thì logo trừu tượng được gói gọn ý nghĩa của thương hiệu qua một hình ảnh duy nhất. Tuy nhiên, thay vì bị giới hạn hình ảnh của một thứ gì đó dễ dàng nhận ra thì Abstract logo marks cho phép tạo ra một biểu tượng logo thật sự độc đáo không bó buộc theo một khuôn mẫu nào cả.
Một điểm mạnh và duy nhất chỉ có ở logo trừu tượng là bạn có thể truyền đạt những ý nghĩa riêng của doanh nghiệp của bạn thông qua biểu tượng logo, mà không dựa theo ý nghĩa của một hình ảnh cụ thể.
Mascots – Logo linh vật
Jollibee, KFC, Lanter là những ví dụ tiêu biểu cho logo Mascots
Mascots chỉ đơn giản là một nhân vật minh họa đại diện cho thương hiệu. Cũng có thể gọi nôm na là đại sứ cho thương hiệu. Logo Mascot nổi tiếng ví dụ chú ong dễ thương của thương hiệu Jollibee, Đại tá Harland Sanders của KFC và Mr.Peanut của Planter.
Mascots là một ý tưởng tuyệt vời cho các sản phẩm, dịch vụ muốn tạo ra một bầu không khí thân thiện, đầy màu sắc, vui vẻ cho khách hàng, một ý nghĩa lớn hơn là mang lại may mắn cho thương hiệu đó. Và một điểm rất đặc biệt của kiểu logo Mascot là tạo ra một mô hình và được điều khiển bằng người thật giúp tạo nên sự tương tác trực tiếp giữa thương hiệu với khách hàng.
Combination marks
Burget King, Doritos, McDonald’s là những logo nổi tiếng của loại logo kết hợp
Combination mark (Logo kết hợp) có thể nói đây là kiểu logo “mashup” giữa Lettermark hoặc Wordmark và Pictorial mark, abstract mark hoặc mascot . Các hình ảnh và typography có thể được đặt cạnh nhau, xếp chồng lên nhau, hoặc lồng vào nhau để tạo ra một logo hoàn chỉnh. Một số logo ví dụ cho kết hợp nổi tiếng bao gồm Doritos, Burger King, Lacoste.
Kiểu logo Combination mark là một lựa chọn linh hoạt, với cả typography và biểu tượng hoặc linh vật làm việc cùng nhau để củng cố thương hiệu. Với một logo thể loại Combination mark, mọi người sẽ bắt đầu liên kết tên thương hiệu với biểu tượng ngay khi nhìn thấy dần dần họ sẽ quen mắt và dễ dàng nhận ra logo của bạn.
The emblem – Logo biểu tượng khung
Harley-Davidson, đại học Harvard, Ups, Warner Bros là những ví dụ điển hình của loại logo Emblem
The emblem bao gồm tên thương hiệu được lồng ghép bên trong biểu tượng, và hình đáng biểu tượng thường là phù hiệu, con dấu hoặc hình một cái khiên. Những logo này thường có “style” truyền thống tạo cảm giác mạnh mẻ, an toàn và tin tưởng, do đó chúng thường là sự lựa chọn cho nhiều trường học, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ. Ngành công nghiệp ô tô cũng thường sử dụng kiểu logo này như Lamboghini, Ferrari, Fiat, Porsche, Masserati…
Cổ điển và truyền thống là những gì chúng ta có thể thấy của kiểu logo Emblem, nhưng một số công ty khi thiết kế họ đã cách điệu kết hợp với những xu hướng thiết kế để tạo ra những logo hiện đại để phù hợp với bối cảnh hiện nay và những ví dụ cho sự cách điệu hiện đại là logo Starbuck, Harley-Davidson.
Lựa chọn phong cách cho logo
Phần cuối cùng trong bước 5 này là lựa chọn phong cách cho logo của bạn. Về cơ bản, chỉ có một vài phong cách sau:
Truyền thống
Logo trendy có thể vui nhộn và thú vị, nhưng chúng có thể nhanh chóng bị lỗi thời. Phong cách truyền thống cho bạn sự bền vững hơn và giúp bạn tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Phong cách này hướng đến sự đơn giản, không phối quá nhiều màu sắc, hình ảnh đồ họa hoặc font với nhau. Phong cách truyền thống thể hiện rằng bạn là người đáng tin cậy và thực tế.
Retro hoặc vintage
Hoàn toàn có lý do tại sao thiết kế vintage và retro luôn xuất hiện trên thị trường lâu nay. Chúng sẽ ngay lập tức nhắc bạn về quá khứ và gợi lên cảm giác lãng mạn của nỗi nhớ. Một logo vintage cho khách hàng biết rằng lịch sử và những giá trị trong quá khứ là một phần quan trọng đối với thương hiệu của bạn. Logo handmade với màu nâu và màu be là cực kỳ phù hợp với phong cách này.
Hiện đại và tối giản
Các thương hiệu thường chọn phong cách sạch sẽ và tối giản để truyền đạt sự tươi mới và hiện đại của họ. Phong cách này sử dụng rất nhiều khoảng trắng, các chi tiết tối giản và các đường kẻ đơn giản thường giúp cho các logo trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Một phong cách tối giản và hiện đại cho khách hàng của bạn thấy rằng thương hiệu của bạn luôn cập nhật, bắt kịp thời đại và biết điều gì là thật sự cần thiết.
Vui vẻ và ngộ nghĩnh
Đây là một lựa chọn phổ biến cho các thương hiệu có khách hàng mục tiêu là trẻ em (hoặc mang tính trẻ trung như quán cà phê). Phong cách vui nhộn và ngộ nghĩnh có xu hướng nhiều màu sắc, dễ thương và thường sử dụng các biểu tượng hoặc hình minh họa để tạo ra cảm giác tích cực và thân thiện. (mấy quán cà phê như MIB, Windmills,… cũng sử dụng kiểu logo này)
Vẽ tay và thủ công
Phong cách thủ công truyền tải một thông điệp rõ ràng: thương hiệu này mang tính cá nhân và tượng trưng cho chất lượng thủ công tuyệt vời. Phong cách này hoạt động tốt khi kết hợp với các phong cách khác, như vintage, để thực sự đưa tới thông điệp về gia đình mộc mạc (mấy spa phong cách nhà quê chân chất hay xài). Hay nó cũng có thể được kết hợp với các phong cách tối giản và vui nhộn cũng cho một cái nhìn đơn giản, tinh tế hoặc một cái nhìn tươi sáng, trẻ trung.
Bước 6: Chú ý màu sắc logo
Màu sắc là một phần rất quan trọng trong thiết kế. Màu sắc logo có thể có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Tâm lý học đằng sau màu sắc khá phức tạp, nhưng ngắn gọn, màu sắc có những cảm xúc và ý tưởng nhất định gắn liền với chúng.
Để tìm hiểu thêm về lý thuyết màu sắc, hãy đảm bảo bạn đã đọc qua hướng dẫn chuyên sâu này về màu sắc và ý nghĩa của chúng.
Phối màu
Tất nhiên, bạn không nhất thiết chỉ chọn một màu duy nhất cho logo (mặc dù, bạn có thể kết hợp một số màu logo để kể một câu chuyện màu thương hiệu hoàn chỉnh. Để chọn các màu phối hợp tốt với nhau, hãy nhìn vào bánh xe màu.
- Phối màu tương phản là hai màu đối diện nhau trên bánh xe màu. Tích hợp những tính chất tốt nhất của cả hai màu sắc và tạo ra sự năng động, thú vị bởi hai màu trái nhau.
- Phối màu tương đồng là những màu gần nhau trên bánh xe. Nếu bạn muốn màu sắc logo của bạn hài hòa, những màu này sẽ phối hợp tốt với nhau.
- Phối màu tam giác bộ ba phối từ ba màu cách đều nhau trên bánh xe màu (biến thể của nó có thể là tam giác cân chứ không chỉ là tam giác đều). Bạn có thể chọn cách phối này để có hiệu ứng kích thích và táo bạo.
Nên sử dụng bao nhiêu màu trong logo của mình?
Phần lớn các thương hiệu sử dụng từ 2-3 màu, bạn cũng nên như vậy. Tất nhiên, có một số công ty (như Google, eHarmony và Slack) có khá nhiều màu sắc trong logo của họ nhưng mình không khuyến khích option này. (dĩ nhiên bạn phải master phối màu để có được sản phẩm như vậy).
Bước 7: Chọn font chữ cho logo phù hợp với thương hiệu
Với hàng ngàn font để lựa chọn, chọn một font phù hợp với logo của bạn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Mỗi font truyền tải một cảm xúc khác nhau và phải phù hợp với thuộc tính thương hiệu và bản sắc của bạn.
Hãy cùng xem các phong cách khác nhau của font và sự khác biệt về hình ảnh của chúng có ý nghĩa gì đối với việc xây dựng thương hiệu.
Font Serif
Các font có chân ở phần kết thúc được gọi là font serif. Chúng là font vượt thời gian (khó bị lỗi thời), cao cấp, cổ điển gắn liền với truyền thống và sự hiếu khách. Font serif nổi tiếng nhất là Times New Roman (mở MS Word ra là biết ngay). Bởi vì nó vượt thời gian, nó thường được sử dụng để thu hút nhóm đối tượng khách hàng trưởng thành.
Font Sans-serif
Những font này không có chân như font serif, vì vậy chúng có sẽ trông sạch sẽ và hiện đại hơn. Font Sans-serif là font dễ đọc, nó hoạt động tốt trên các phương tiện online/graphic. (bạn vào facebook hay google bạn sẽ thấy ngay font sans-serif mà họ sử dụng, các thiết kế bìa sách poster cũng hay ứng dụng font này)
Mình có một bài viết chi tiết về font Serif và Sans Serif để bạn có thể hình dung cụ thể về hai loại font phổ biến nhất này:
- Điểm khác nhau giữa chúng là gì?
- Có bao nhiêu loại font Serif và bao nhiêu loại font Sans-serif?
- Đặc tính thương hiệu mà chúng thể hiện như thế nào?
- Sai lầm thường mắc phải khi nhắc đến hai loại font này
Font Script và Handwritten
Font Script và Handwritten sẽ thêm rất nhiều cá tính vào logo và có xu hướng giúp logo của bạn trang trọng, thanh lịch và nữ tính hơn, sáng tạo và bay bổng hơn.
Đây là một trong những kiểu chữ khó đọc, vậy nên đừng bao giờ sử dụng nó để viết một đoạn văn dài. Khi được sử dụng đúng thời điểm và vị trí, chúng có thể làm cho logo của bạn đặc biệt và mang tính biểu tượng. (Cocacola là một ví dụ kinh điển)
Font Display
Cuối cùng, font display là những font trang trí, được biến đổi từ một font bình thường hoặc thiết kế riêng để mang đậm dấu ấn cá nhân cho một thương hiệu nào đó (nếu bạn đã từng xem Harry Potter, hãy nhìn bìa truyện và tên phim, font sử dụng cho thương hiệu là một font display).
Chúng có thể sôi nổi, vui vẻ, rùng rợn, viễn tưỡng – nhưng hãy cẩn thận khi sử dụng những font này vì nó “rất trendy” hoặc nếu không phù hợp với tính cách thương hiệu của bạn sẽ gây ra rắc rối lớn đấy.
Vấn đề về Typography là một câu chuyện dài có thể nói cả ngày không hết, nó là một mảng rất lớn về thiết kế. Bởi vậy mình chỉ xin được đề cập đơn giản 4 thể loại font này để bạn có thể có cái nhìn tổng quan trước. Nếu muốn tìm hiểu sâu hãy research thêm nhé.
Bước 8: Chọn biểu tượng cho logo (tuỳ chọn)
Nếu bạn vẫn nghĩ logo cần phải có một biểu tượng đi kèm thì hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi nhé! Không nhất thiết logo là phải có biểu tượng đi kèm. Sony, Samsung, Cocacola, Google… vẫn sống tốt sống khỏe khi không có biểu tượng.
Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua bước này đến thẳng bước tiếp theo. Nếu bạn vẫn muốn có một biểu tượng trên logo thì hãy tiếp tục đọc nhé.
Biểu tượng là một yếu tố thiết kế khác mà bạn có thể thêm vào logo của mình để giúp mọi người nhận ra thương hiệu của bạn.
Biểu tượng có thể là hình ảnh theo nghĩa đen (như một loài động vật hoặc bóng đèn) hoặc hình học và trừu tượng (như hình lục giác hoặc hình tròn chồng chéo lên nhau). Chỉ cần đảm bảo rằng bất kỳ biểu tượng nào bạn chọn đều không gây ra nhầm lẫn với đối tượng mục tiêu của bạn.
Ví dụ: nếu bạn là một Personal Trainer (PT), thì không nên sử dụng biểu tượng giỏ hàng tạp hóa trong logo của bạn – những thứ giống như đường nhịp tim, cơ bắp, tạ hay thậm chí là những sự vật mạnh mẽ khác như tia chớp cũng có thể truyền đạt rõ ràng hơn các dịch vụ của bạn.
Hay một ví dụ khác là logo của Eladiy mà mình đã tự vẽ là sự kết hợp của: chữ e (effectively: sự hiệu quả) + dấu hỏi (sự tò mò) + hình xoắn ốc đi lên (sự phát triển).
Hãy brainstorm và bắt đầu vẽ ra tất cả những thứ ý nghĩa có liên quan mà bạn có thể liên tưởng tới rồi thử kết hợp chúng như mình đã làm xem.
Hoặc đơn giản chỉ là một cách điệu nhỏ trong 1 chữ cái nào đó trong tên thương hiệu của bạn giống với biểu tượng mà bạn muốn là đủ. (Xem hình logo SmithSage ở phần trên khi kết hợp hai chữ S lồng vào nhau)
Nhớ, đừng làm mọi thứ phức tạp và đừng dừng lại giai đoạn này quá lâu. Nếu bạn đã dừng lại quá lâu, hãy nghĩ đến phương án chọn font chữ phù hợp và lấy đúng tên thương hiệu làm logo, cũng chẳng vấn đề gì quá lớn cả!
Cao nhất là 48 tiếng cho giai đoạn này. Bạn không cần tạo ra một cái logo để đời (ngay cả designer cũng không làm vậy). Quan trọng nhất là bạn có được logo để bắt đầu công việc của chính mình!
Bước 9: Tạo logo
Cuối cùng thì chúng ta đã tới được bước tạo logo sau hàng loạt bước. Haha!
Nếu bạn thực sự làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thấy những bước trên của bạn đã tạo ra một khối lượng chất xám khủng khiếp đấy. Chúc mừng bạn! 😀
Đến đây chúng ta sẽ có 3 sự lựa chọn DIY (Do It Yourself) cho logo:
Lựa chọn #1: Tự thiết kế mọi thứ từ con số không.
Nếu bạn đã có một số kinh nghiệm thiết kế và có khả năng sử dụng các phần mềm như Adobe Illustrator hoặc Photoshop, thì thiết kế logo của riêng bạn từ đầu là một tùy chọn hợp lý. Thuê một designer để làm logo ngay từ đầu có thể là phương án khá tốn kém nếu bạn không có nhiều kinh phí nhưng có kỹ năng.
Lựa chọn #2: Tự thiết kế dựa trên template, mẫu có sẵn, dĩ nhiên là phải mua template nếu cần.
Một lựa chọn khác là bắt đầu với template có sẵn. Có một vài công ty và trang web cung cấp các mẫu logo miễn phí hoặc trả phí mà sau đó bạn có thể tùy chỉnh bằng cách chỉnh sửa tên công ty, màu sắc, v.v.
Hai vấn đề với phương pháp này:
- Các mẫu này có thể không tùy biến được nhiều .
- Có thể có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các công ty khác có thiết kế logo gần như giống hệt với bạn.
Cũng giống như một người, logo nên có tính độc nhất. Mỗi doanh nghiệp nên được công nhận và đáng nhớ. Ngay khi logo của bạn trông giống như một ai đó khác, nhận thức về thương hiệu của bạn sẽ giảm xuống đôi chút. Tuy nhiên nó cũng chẳng phải vấn đề gì quá ghê gớm đâu. Đến ngay cả các công ty lớn như Airbnb, logo cũng giống với một công ty local đã được đăng ký từ trước.
Đề xuất của mình là nên chọn những mẫu template trả phí chất lượng sau đó tuỳ chỉnh lại theo phương án của bạn sẽ hạn chế đi nhiều sự giống nhau đấy.
À, dĩ nhiên phương án này vẫn đòi hỏi bạn cần có khả năng sử dụng một hoặc nhiều phần mềm như Photoshop hoặc AI, CorelDRAW, Affinity Designer… Chọn một cái, học cách làm chủ nó và chiến thôi.
Lựa chọn #3: Sử dụng các công cụ tạo logo online.
Có khá nhiều công cụ tạo logo online bên ngoài thị trường. Bạn có thể Google từ khoá “online logo maker“, “make logo online“, “create logo online“, sẽ ra rất nhiều option cho các bạn chọn.
Thông thường các option cho ra không được như ý mình lắm. Mình thường đăng ký tài khoản 4-5 công cụ make logo online và sử dụng nó để tham khảo các layout, biểu tượng cho logo của mình.
Mình không khuyến khích lắm option này cho các bạn đã có kỹ năng chỉnh sửa (như mình) vì vẫn sẽ có những tinh chỉnh không như ý lúc các dịch vụ này đề xuất (cho dù là AI đi chăng nữa thì khả năng cá nhân hoá vẫn sẽ không như ý).
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy chọn được một phương án phù hợp với tất cả những bước mà chúng ta đã bàn trước đây (hoặc đạt khoảng 80% nhu cầu của bạn) thì chọn ngay và luôn chứ đợi gì nữa! 😀
Bước 10: Kiểm tra và hoàn thiện
Sau khi bạn tự thiết kế xong một logo (hoặc một vài cái), đây là lúc để thực hiện một số thử nghiệm. Dưới đây là một vài câu hỏi bạn nên giải quyết trước khi hoàn thiện thiết kế logo của mình:
Logo của bạn có thể thu phóng (scalable) được không?
Logo của bạn cũng cần có thể phóng to thu nhỏ kích cỡ tuỳ ý, giải pháp ở đây chính là sử dụng file vector!
À há, nếu bạn chỉ biết các phần mềm chỉnh file raster thì sao? Rất đơn giản bạn chỉ cần thuê ai đó biết sử dụng các phần mềm vẽ vector triển khai giúp bạn phiên bản bạn đã có trên raster sang vector. Chi phí sẽ khá nhẹ, yên tâm.
(Nếu bạn thắc mắc vector và raster là gì thì bấm vào đây để đọc kỹ hơn nhé)
Logo của bạn nhìn có ổn trong phiên bản all-black hay all-white?
Có một phiên bản toàn màu đen và toàn màu trắng của logo của bạn với nền trong suốt là điều cần thiết. Tại sao? Bởi vì nó cho phép logo của bạn linh hoạt hơn và sử dụng được trong nhiều môi trường hình ảnh khác nhau.
Khi nền của logo trong suốt, nó cho bạn sự tự do để đặt logo của bạn trên bất kỳ nền màu nào, bao gồm cả hình ảnh và video! (bạn chỉ cần xuất nó ra file .PNG là xong)
Nếu logo của bạn nhìn không ổn lắm khi thay đổi thành all-black hoặc all-white, hãy xem xét thực hiện một số điều chỉnh. Font có cần phải đậm hơn, hoặc biểu tượng đơn giản hơn hay không? Liệu một bố cục khác có làm cho logo của bạn dễ nhìn hơn không?
Bạn có cần nhiều phiên bản logo khác nhau để phù hợp với các vị trí đặt khác nhau không?
Ngay từ đầu nếu bạn đã dự định logo của mình phải đáp ứng được nhiều vị trí khác nhau. Bạn cần phải thiết kế để nó có thể tương thích ở nhiều vị trí và thiết bị hiển thị. Khi bạn nhìn vào các logo nổi tiếng, bạn sẽ tìm thấy ba hoặc bốn phiên bản khác nhau của cùng một logo, khác nhau về kích thước và mức độ chi tiết của chúng.
Phiên bản đầu tiên của bạn phải là logo chính của bạn, chứa tất cả thông tin bạn muốn (thường là vừa có chữ, vừa có hình ảnh đồ hoạ, vừa biểu tượng). Các phiên bản khác sẽ là phiên bản rút gọn hơn. Hãy nhìn ví dụ bên dưới:
Có 4 cách giúp bạn có được các phiên bản logo tùy biến cho mình.
Cách 1: Thêm hoặc xoá các chi tiết khi bạn tăng/giảm tỷ lệ kích thước logo
Nếu bạn từng tiếp xúc với các thiết kế web tương thích (responsive web design), bạn sẽ biết rằng khi kích thước màn hình tăng lên các designer sẽ thêm vào các chi tiết và sẽ loại bỏ các chi tiết khi kích thước giảm xuống.
Nó giúp bạn sắp xếp ưu tiên các yếu tố trong logo.
Ví dụ: các yếu tố có mức độ ưu tiên thấp như slogan hoặc ngày thành lập nên là một bổ sung khi bạn có nhiều không gian, nhưng khi bạn cần thu nhỏ, nó sẽ là những yếu tố phải bỏ đi.
Các yếu tố ưu tiên cao hơn như tên công ty nên duy trì càng lâu càng tốt, nhưng nếu ở tỷ lệ nhỏ nhất, cũng khó để giữ lại nếu tên quá dài. (Hãy nhìn lại ví dụ của các logo Heineken, Guinness, Kodak, thứ còn lại sau cùng là thứ quan trọng nhất)
Không chỉ đơn giản là việc loại bỏ các yếu tố, mà còn về việc giảm mức độ chi tiết của các phiên bản logo. Trong ví dụ logo Argento bên dưới, chất lượng thực tế của hình ảnh bị giảm ở các phiên bản nhỏ hơn, thay thế các đường viền rõ ràng của chữ và tia mặt trời bằng các đường màu đen ngày càng đơn giản và chắc chắn hơn.
Tương tự, bạn cũng có thể giảm lượng màu để đơn giản hóa logo của mình. Màu sắc có thể khó nhìn thấy ở kích thước nhỏ nếu bạn có quá nhiều, thiết kế sẽ lộn xộn và mất tập trung. Sự đơn giản là quan trọng nhất lúc này.
Hãy sáng tạo! Ví dụ, thay vì loại bỏ hoàn toàn tên công ty của bạn, bạn có thể thay thế nó bằng tên viết tắt chẳng hạn.
Cách 2: Sử dụng các hình ảnh trừu tượng ở những phiên bản nhỏ hơn
Đôi lúc, khi thiết kế các phiên bản nhỏ hơn của logo, bạn sẽ đụng phải một vấn đề là nó đã bị lược bỏ quá nhiều thứ của logo gốc. Trong vài trường hợp, một số thiết kế không thể đơn giản hóa hơn được nữa (đừng cố quá quá cố nhé). Một sự thay thế thông minh hơn là sử dụng một biểu tượng mới để thể hiện bản gốc.
Heinz đã làm tốt điều này, tận dụng hình dạng nhãn hiệu chính là hỉnh ảnh trừu tượng của riêng họ và kết hợp nó vào logo. Mặc dù họ sử dụng phương pháp truyền thống để loại bỏ chi tiết cho ba phiên bản đầu tiên, phiên bản cuối cùng chỉ đơn giản là hình dạng khác biệt của phần tem nhãn dán trên chai tương ớt của họ với các màu sắc quen thuộc để củng cố sự thống nhất giữa các logo, và dĩ nhiên, khách hàng của họ không gặp khó khăn gì khi nhận ra logo của Heinz mà không cần dùng lời nói mô tả.
Nhưng nếu thương hiệu có logo chỉ là tên của công ty mà không có hình ảnh thì sao? Thông thường, khi các thương hiệu này tạo ra các phiên bản logo nhỏ, họ thay thế tên đầy đủ của họ bằng tên viết tắt hoặc chữ lồng vào nhau ở kích thước nhỏ hơn.
Nguyên tắc là giống nhau cho dù bạn sử dụng hình dạng trừu tượng hoặc tên viết tắt. Những người đủ quen thuộc với thương hiệu của bạn vẫn sẽ nhận ra các yếu tố đó.
Chỉ cần nhớ những gì mình đã nói ở trên về tính nhất quán; bạn có càng nhiều các tín hiệu thị giác, mọi người sẽ càng dễ dàng nhận ra bạn.
Cách 3: Xếp chồng hoặc sắp xếp lại logo theo ý đồ
Các phiên bản logo không phải luôn luôn lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Đối với một số logo, bạn có thể đạt được sự linh hoạt hơn bằng cách bạn xếp các yếu tố của mình, chẳng hạn như logo của bạn là Lettermarks hoặc Wordmarks. Thay vì loại bỏ hoàn toàn các yếu tố, bạn có thể đạt được hiệu quả tiết kiệm không gian tương tự chỉ bằng cách sắp xếp lại mọi thứ.
Hãy xem logo của AMBR. Nếu công ty chọn quảng cáo banner, mà bạn biết rồi đấy, nó có hai dạng banner dọc và ngang, logo của họ được tối ưu hóa cho cả hai trường hợp. Ngoài ra, họ cũng có một logo hình vuông gọn gàng cho những trường hợp khác khi cần.
Hãy thử nghiệm trình bày logo của mình trên các mock-up của Photoshop. Xem thử logo của bạn có thực sự ổn không nhé.
Bạn có cần một bộ brand guidelines không?
Cuối cùng, sau khi bạn hoàn thành một thiết kế, bạn có thể sẽ muốn tạo ra bộ brand guidelines. Brand guidelines là một bộ quy tắc về cách thể hiện thương hiệu của bạn trên các kênh, vị trí giúp doanh nghiệp của bạn xây dựng sự công nhận khi bạn phát triển thương hiệu hơn. Brand guidelines nên bao gồm:
- Trang bìa (cover page)
- Hướng dẫn logo (logo guidelines)
- Bảng màu (color palletes)
- Kiểu chữ (typography)
- Ví dụ sử dụng (usage examples)
Nó cũng có thể bao gồm các quy tắc trực quan xung quanh hình ảnh và biểu tượng, thông số kỹ thuật cho các assets khác như bao bì, email, v.v.
Đây là optional. Bạn có thể có hoặc không đều được!
đến lượt của bạn!
Tóm lại – để thiết kế một logo hợp ý, bạn cần phải nghiên cứu về thương hiệu rất nhiều, tìm hiểu những điều cơ bản về thiết kế logo, khám phá màu sắc, font và biểu tượng, layout, sau đó bắt tay vào thực hiện!
Khi bạn có một hoặc hai tùy chọn ưng ý, hãy kiểm tra logo của bạn ở các kích cỡ khác nhau và trên các mock-up khác nhau để đảm bảo rằng nó sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
Tinh chỉnh và thoải mái thể hiện điều đó với một vài người mà bạn tin tưởng nếu bạn cần họ góp ý để bạn đưa ra quyết định.
Nếu bạn đã hoàn thành tất cả các bước này, chúc mừng bạn! Cho mình biết quá trình bạn làm ở comment nhé 🙂
Nếu chưa? Vậy bạn dự định khi nào sẽ bắt đầu tự làm logo? Cũng comment xuống phía dưới cho mình biết luôn nha!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!