Ở vùng Tân Châu, An Giang có một đặc sản bình dân nhưng thơm ngon khó cưỡng, hấp dẫn mọi thực khách bởi cách chế biến độc đáo. Đó là món “bò leo núi”.
Nhiều thực khách sau khi nghe tên thường lầm tưởng rằng món ăn được chế biến từ thịt bò nuôi trên núi. Tuy nhiên, thực chất, tên gọi của món này bắt nguồn từ hình dáng kỳ lạ của chiếc vỉ dùng để nướng thịt.
“Bò leo núi” là món ngon nổi danh của vùng đất Tân Châu, tỉnh An Giang (Ảnh: @lethaomyy)
Sở dĩ gọi là “bò leo núi” bởi chiếc vỉ nướng có thiết kế độc đáo, nhô lên ở giữa như quả núi (Ảnh: Mai Xương)
Vỉ làm bằng gang, có thiết kế không bằng phẳng như những vỉ nướng thông thường mà nhô lên ở giữa như một ngọn núi.
Tùy từng chỗ mà người ta làm vỉ nướng “bò leo núi” với kích thước và kiểu dáng khác nhau để thực khách có thể chỉ ăn nướng hoặc kết hợp kèm lẩu theo sở thích.
Nguyên liệu cho món “bò leo núi” cũng khá đơn giản, không cầu kỳ. Người ta đặt một miếng mỡ lợn trên đỉnh vỉ để mỡ chảy đều xung quanh rồi bắt đầu cho thịt bò lên nướng.
Thịt bò được thái hơi dày, tẩm ướp gia vị vừa ăn với “bí quyết” riêng mà chỉ những người đầu bếp ở vùng đất này mới biết. Ngoài ra, món bò nướng cũng được ăn kèm với các loại rau củ quen thuộc như cà rốt, đậu bắp, hành tây, đậu đũa,…
Thịt bò được tẩm ướp đơn giản với trứng gà tươi (Ảnh: Nguyễn Tuyết)
Miếng mỡ lợn dày được đặt lên trên cho mỡ chảy đều xung quanh, thực khách vừa nướng thịt vừa thưởng thức (Ảnh: Nguyễn Dương Tiên)
Theo tiết lộ của một chủ nhà hàng tại thị xã Tân Châu cho biết, “bò leo núi” là món có nguồn gốc từ Campuchia, được người dân An Giang học hỏi và chế biến thành đặc sản của vùng đất.
Món thịt bò này thường được ướp với các nguyên liệu như hành, tỏi, muối, đường, dầu hào hoặc loại sốt riêng. Đặc biệt không thể thiếu trứng gà tươi. Trứng gà được khuấy đều, ướp cùng thịt bò có màu đỏ tươi rói, kết hợp với các loại gia vị nên khi nướng tạo mùi thơm rất hấp dẫn.
Qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân vùng đất Tân Châu, “bò leo núi” mang hương vị thơm ngon riêng biệt, không giống với những kiểu bò nướng khác trong ẩm thực của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực khách có thể ăn lẩu, nhúng kèm rau và mì tôm hoặc trứng khi thưởng thức “bò leo núi” (Ảnh: Mai Xương)
Khi ăn, thực khách đặt một miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ được bắc trên bếp than hồng. Vỉ nóng lên, mỡ chảy xèo xèo nghe rất vui tai. Thực khách cho thịt bò lên vỉ, phết thêm ít bơ vàng óng, mùi thơm lan tỏa khắp nơi. Thịt bò ướp với trứng gà tươi nướng lên khá mềm, ăn có vị ngọt vừa miệng.
Tùy từng nơi, người ta tận dụng vỉ nướng để ăn lẩu. Bởi vậy nhiều người thường hài hước gọi “bò leo núi” là món “ăn một được hai”, thực khách có thể ăn cả lẩu và nướng theo ý thích. Mỡ lợn hòa cùng gia vị nướng chảy xuống nồi nước sôi lăn tăn, thực khách chỉ cần nhúng thêm rau và mì tôm vào và thưởng thức.
Thịt bò sau khi nướng được cuộn kèm với bánh tráng, rau sống và chuối chát,… rồi chấm với chao hoặc mắm pro-hốc (một loại mắm đặc trưng của người dân vùng biên giới An Giang).
Tùy từng quán, nguyên liệu ăn kèm “bò leo núi” có thể thay đổi linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo hương vị đặc trưng của món ăn (Ảnh: @loanlebabies)
Anh Tấn Đạt – chủ một quán ăn chuyên phục vụ món “bò leo núi” ở Tân Châu chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến tham quan vãn cảnh và thưởng thức đặc sản bò leo núi khá đông. Thịt bò ở đây được tẩm ướp đơn giản nhưng có bí quyết riêng nên rất hấp dẫn thực khách. Dù ở vùng biên giới khá xa nhưng không ít du khách ở xa, thậm chí cả Sài Gòn vẫn lặn lội tới đây để thưởng thức. Có dịp cuối tuần cao điểm, quán mình tiêu thụ hơn 100kg thịt bò chỉ để phục vụ khách ăn món bò leo núi”.
Chị Thùy Dương, một thực khách đến từ Đồng Tháp bày tỏ: “Ở địa phương mình cũng có một số quán bò leo núi nhưng không ngon và chuẩn vị bằng vùng Tân Châu. Thịt bò được tẩm ướp đơn giản nhưng hương vị rất khác biệt. Món ăn này cũng có giá thành bình dân, chỉ khoảng 150.000 – 200.000 đồng/suất cho 4 người, tùy lượng thịt bò và đồ ăn kèm. Gia đình mình thường sang An Giang để thưởng thức bò leo núi, cả mẹ già và con nhỏ đều mê mẩn hương vị món ăn này”.
Với hương vị thơm ngon khác lạ và giá bình dân, món “bò leo núi” dễ dàng chiều lòng được cả những thực khách khó tính, trở thành đặc sản không thể bỏ lỡ khi ghé thăm vùng đất An Giang.
Phan Đậu
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!