Cover bài hát của người khác: Chơi với dao!

“Hồn nhiên” phạm luật

Mới đây, cộng đồng hâm mộ nữ ca sĩ Lady Gaga tại Việt Nam đã gửi thư khiếu nại lên Universal Music Group (trụ sở tại Mỹ) về việc ca sĩ Văn Mai Hương sử dụng ca khúc “Always remember us this way” của ngôi sao người Mỹ mà chưa xin phép. Điều khiến người hâm mộ của Lady Gaga bất bình hơn cả là việc Văn Mai Hương sử dụng ca khúc này ở nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, bao gồm đêm nhạc bán vé và video cover phát hành trên kênh YouTube cá nhân, mà không để tên tác giả.

Thậm chí, khi tìm kiếm trên kênh YouTube, có thể thấy video cover của giọng ca họ Văn luôn song hành cùng video của Lady Gaga. Điều này khiến nhiều người hoang mang, không biết “Always Remember Us This Way” là ca khúc của Văn Mai Hương hay của Lady Gaga.

Giữa lùm xùm, Văn Mai Hương lên tiếng giải thích việc quên ghi tên Lady Gaga và các tác giả của ca khúc gốc trong một clip cover là do sơ suất của biên tập viên và đã bổ sung ngay lập tức. Cô cũng gửi lời xin lỗi tới Lady Gaga và cộng đồng người hâm mộ của nữ ca sĩ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, động thái này không làm thoả mãn nhiều người, bởi đây không phải lần đầu tiên Á quân Vietnam Idol 2010 dính rắc rối liên quan đến các ca khúc cover.

Cô từng bị “tố” cover “I will go to you like the first snow” (ca khúc trong phim Hàn Quốc Goblin) tại nhiều show có bán vé, đăng lên kênh YouTube cá nhân và “quên” ghi tên ca sĩ sở hữu bản quyền. Vào thời điểm giữa năm 2020, Văn Mai Hương cũng bị chỉ trích khi cover ca khúc “Hoa nở không màu” tại một chương trình ca nhạc có bán vé và đăng lên kênh YouTube cá nhân mà không hề xin phép nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường.

Không thể phủ nhận, từ khi âm nhạc chuyển hướng sang YouTube, trào lưu cover nhạc phát triển cũng đã đưa tên tuổi của nhiều giọng ca trẻ trở nên nổi tiếng như Hương Ly, Hoa Vinh, Jang Mi, Quân A.P… Thậm chí nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nghề cũng tỏ ra thích thú khi hát lại ca khúc của các đồng nghiệp. Không chỉ cover trên mạng mà nhiều người còn mang hẳn lên sân khấu hoặc trong chương trình mang tính thương mại. Và chỉ vì “hồn nhiên” hoặc cố tình “hồn nhiên” mà họ dính vào những lùm xùm không đáng có.

Trên kênh YouTube Đur Siu Official 81 cover “Hoa nở không màu” nhưng phần mô tả không ghi rõ sáng tác của ai, nguồn gốc tác phẩm ra sao. Clip này bật chế độ “kiếm tiền” khi chưa có tác quyền ca khúc. Sau khi bị cha đẻ ca khúc lên tiếng và thông báo quyết định sẽ gắn cờ bản quyền kênh YouTube vi phạm trái phép, bản cover đã tự “bay màu” và chủ kênh phải liên lạc xin lỗi nhạc sĩ.

Công ty quản lý của Chi Pu cũng từng đăng thông báo chỉ trích một số ca sĩ lấy ca khúc “Anh ơi ở lại” của cô đi biểu diễn mà không xin phép. Ca sĩ Thu Phương cũng bị khán giả lên tiếng khi thường xuyên mang ca khúc gắn với tên tuổi đàn em là “Hongkong1” biểu diễn trong nhiều chương trình có yếu tố thương mại.

Trước đó, Thu Phương cũng bị Tuấn Hưng “nhắc nhẹ” việc hát lại bài của mình không xin phép, hay như Hoa Vinh suýt bị Châu Khải Phong kiện vì cover “Ngắm hoa lệ rơi” của anh mà không hề hỏi han tác giả… Cũng chính Hoa Vinh từng khiến Tuấn Hưng tức giận tới mức phải lên tiếng dằn mặt vì không những cover ca khúc “Độc thoại” không xin phép mà còn chế lời tục tĩu gây khó chịu.

Được mệnh danh là “Thánh cover”, Hương Ly cũng từng bị Khắc Việt cấm hát, kinh doanh và gỡ bỏ video cover ca khúc “Bước qua đời nhau” vì cô hát không xin phép, không giới thiệu tác giả. Giọng ca này cũng từng dính lùm xùm với Đức Phúc khi hai bên không thể thoả thuận được quyền lợi trong việc cover.

Bao giờ hết thời “xài chùa”?

Với các nhạc sĩ Việt, việc nhìn thấy những “đứa con tinh thần” của mình bị vi phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường YouTube dường như đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết, rất nhiều lần anh phải cảnh báo các ca sĩ trẻ khi cover ca khúc của anh mà không xin phép.

“Thông thường tôi sẽ gửi email hoặc tin nhắn cảnh báo rằng cá nhân/đơn vị đang vi phạm bản quyền âm nhạc thuộc quyền sở hữu của mình và yêu cầu trong 7 ngày phải liên hệ để giải trình. Nếu đối phương không hợp tác, tôi sẽ nêu việc vi phạm và nhờ pháp luật can thiệp”, tác giả của “Hoa nở không màu” cho hay.

Cover bài hát của người khác: Chơi với dao! ảnh 1

Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) cho biết: Khi cover và tải những bản cover lên YouTube thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả

Là người cũng có nhiều ca khúc được cover trên YouTube, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng các ca sĩ khi sử dụng các bản nhạc của nhạc sĩ hay cover cũng cần phải thực hiện 2 thao tác quan trọng. Thứ nhất là xin phép trực tiếp tác giả hoặc xin phép thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả tại Việt Nam để được sử dụng, cover… Thứ hai là thực thi nghĩa vụ quyền tác giả, tức phải gửi lại một phần chi phí tác quyền cho tác giả.

“Ví dụ một YouTuber, hoặc một ca sĩ cover trên YouTube thì sẽ sản sinh ra lợi nhuận từ việc bật chế độ kiếm tiền trên YouTube thông qua lượng view kiếm được. Họ phải có nghĩa vụ thông báo với nhạc sĩ để chi trả 30% từ doanh thu đó”, nam nhạc sĩ cho biết.

Một đại diện công ty chuyên nhận ủy quyền giám sát và truy thu bản quyền trên mạng Internet tiết lộ: “Chúng tôi được các nhạc sĩ ủy quyền, thu mức giá nào là do nhạc sĩ quy định. Có nhạc sĩ muốn thu phí cao vì họ cho rằng như thế mới xứng đáng với công sức của họ. Có nhạc sĩ muốn phổ biến rộng rãi tác phẩm lại đề nghị mức thu thấp hơn”. Vị đại diện này kể lại trường hợp khi thông báo mức phí 1 triệu đồng/bài/năm, nhiều ca sĩ đã hợp tác đóng phí, nhưng cũng nhiều người tỏ ra khó chịu, giận dỗi xoá clip chứ nhất định không chịu mất tiền.

Cover bài hát của người khác: Chơi với dao! ảnh 2

Văn Mai Hương vướng nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các ca khúc cover

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn (Phan Law Vietnam), việc cover và tải lên YouTube chính là hành vi biểu diễn tác phẩm âm nhạc đã công bố trước công chúng. Đây là một độc quyền thuộc quyền tài sản của tác phẩm được pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. “Khi các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận giữa các bên (khoản 3 điều 20 Luật SHTT) – luật sư Tuấn cho biết.

Cũng theo các luật sư, cover không xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, nếu không thuộc trường hợp không phải xin phép và không phải trả thù lao thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người đi cover có thể bị phạt tiền đến 15 triệu đồng theo Nghị định số 131/2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt vi phạm tác quyền vẫn còn nhẹ tay. Một phần do tâm lý ngại khởi kiện của những người bị xâm phạm quyền tác giả. Hai là việc họ không muốn làm lớn chuyện để tránh nhiều mối quan hệ giữa nghệ sĩ trong showbiz. Bởi vậy, sau bao năm, xảy ra bao vụ lùm xùm trong showbiz Việt nhưng vấn đề bản quyền khi cover ca khúc vẫn không hề được cải thiện.

“Hầu như khi xảy ra vi phạm bản quyền, các bên đều âm thầm giải quyết với nhau, tìm ra giải pháp tốt nhất cho đôi bên, dẫn đến việc có quá ít người biết được những vấn đề xoay quanh vi phạm bản quyền”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ thêm.