Cách Giảm Nôn Nghén Khi Mang thai Với 16 Mẹo Nhỏ | Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Buồn nôn và nôn trong thai kỳ, nguyên nhân và hậu quả

Buồn nôn, nôn nghén là những triệu chứng thường gặp ở thai phụ trong giai đoạn đầu thai kỳ. Triệu chứng này thường sẽ kéo dài 3 tháng nhưng một số trường hợp có thể sẽ lâu hơn. Buồn nôn, nôn nghén có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào trong ngày, có thể khi đang ăn, đánh răng,… Nhưng triệu chứng này thường gặp và nặng nhất là vào buổi sáng.

Buồn nôn, nôn nghén xuất hiện do sự gia tăng nồng độ nội tiết thai kỳ như estrogen, progesterone, beta hCG và sự tăng tiết dịch vị dạ dày.

Sản phụ bị nôn nghén thường không bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trong thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng nôn nghén kéo dài dai dẳng có thể chuyển từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Một số triệu chứng nguy hiểm có thể kể đến như: Gây mất nước trầm trọng; Ketone niệu; Mất cân bằng điện giải; Giảm hơn 5% cân nặng so với trước lúc mang thai. Chính vì nguy hiểm như vậy, thai phụ cần nắm một số cách giảm nôn nghén để xử trí.

Tần suất buồn nôn và nôn nghén trong thai kỳ

Buồn nôn trong thai kỳ chiếm tỷ lệ 65% số phụ nữ mang thai. Trong đó, 52% số thai phụ biểu hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn nghén vào đầu thai kỳ (thường 3 tháng). 28% thai phụ chỉ có cảm giác buồn nôn.

Trong tổng số các thai phụ, một tỷ lệ 0.3% – 2% sẽ gặp phải chứng nôn nghén nhiều trong thai kỳ. Các yếu tố nguy cơ buồn nôn và nôn trong thai kỳ:

  • Con so, đa thai, thai trứng
  • Mẹ hay chị em gái bị buồn nôn hay nôn trong thai kỳ
  • Có buồn nôn và nôn trong thai kỳ lần trước
  • Thai kỳ không định trước
  • Bào thai có giới tính nữ
  • Tình trạng kinh tế – xã hội thấp
  • Tuổi của mẹ còn trẻ
  • Béo phì
  • Tinh thần căng thẳng

16 cách giảm nôn nghén khi mang thai

  • Nên chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày để giảm tình trạng tăng tiết dịch dạ dày, mỗi lần ăn một ít giúp dễ tiêu hóa.
  • Không nên nằm ngay sau ăn.
  • Ban đầu nên ăn thức ăn đặc hoặc khô, sau đó khoảng 30 – 60 phút hãy dùng thức ăn lỏng hoặc uống nước.
  • Nên chọn những thức ăn ưa thích.
  • Nên dùng thức ăn, thức uống hơi nóng hoặc hơi lạnh, thức ăn nguội dễ làm nôn.
  • Thêm vị gừng vào thức ăn, thức uống hằng ngày.
  • Thường xuyên uống nước (nước trái cây, nước ngọt, nước chín…) trong ngày, nên uống giữa các bữa ăn.
  • Tránh những thức ăn có nhiều gia vị, đặc biệt có mùi nồng, tránh dùng chất béo nhiều, vì gây khó tiêu và dễ nôn.
  • Tránh nhìn, ngửi hoặc ngay cả nghĩ về những món ăn kích thích nôn.
  • Dùng vitamin B6 mỗi ngày.
  • Mỗi ngày nên uống một viên đa sinh tố (như Obimin, Prenatal, Multivitamin…).
  • Tránh đánh răng vào buổi sáng khi đói hoặc sau khi ăn no, nên ăn ít thức ăn (cái bánh) ngay sau khi thức dậy, tránh đánh răng ngay .
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Châm cứu và bấm huyệt : châm cứu đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nôn nghén nhưng phải được thực hiện bởi thầy thuốc y học dân tộc có chuyên môn. Bấm huyệt tại 1 số huyệt đơn giản (nội quan, hợp cốc) dễ thực hiện cũng có tác dụng giảm nôn hiệu quả.
  • Nếu áp dụng chế độ ăn uống sinh hoạt như trên mà vẫn không giảm bớt tình trạng nôn, thai phụ nên đến gặp bác sĩ để được dùng thuốc chống nôn. Trường hợp nặng có thể cần nhập viện để truyền dịch, dùng thuốc nâng cao thể trạng và chống nôn.
  • Tâm lý trị liệu : cần có sự phối hợp của thầy thuốc và gia đình thai phụ. Thai phụ cần được biết rằng với các loại thuốc chống nôn được sử dụng hiện nay, không có loại nào cho thấy làm tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn trên thai kỳ.