Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z, cha mẹ đừng bỏ lỡ!

Mời bạn cùng tìm hiểu!

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z: Chăm sóc tóc và da đầu cho bé

1. Gội đầu – Chăm sóc tóc cho bé

Với trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên gội đầu cho trẻ với dầu gội dành riêng cho bé một vài lần mỗi tuần. Việc gội đầu cho trẻ mỗi ngày sẽ rửa trôi các chất dầu tự nhiên trên da đầu trẻ từ đó khiến da đầu con bị khô làm cho tóc dễ gãy rụng.

Sau khi gội, mẹ hãy dùng khăn cotton mềm thấm nhẹ nhàng để làm khô tóc cho bé. Trường hợp tóc bé dài và rối, mẹ nên dùng tay gỡ rối cho bé. Sau đó, mẹ có thể dùng lược thưa hoặc lược lông mềm chải tóc cho con. Bạn đừng ngại chải tóc cho con. Bởi việc chải tóc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp con nhận được các lợi ích như: thúc đẩy lưu thông máu, kích thích hệ thần kinh, giúp con thư giãn, giúp làm sạch các mảng viêm da tiết bã, giúp bé trông gọn gàng và xinh xắn hơn.

Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ dưới 5-6 tháng không cần cắt tóc bởi da đầu của con khá nhạy cảm, cổ chưa vững, hay ngọ nguậy nên việc cắt tóc dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, cắt tóc cho trẻ sơ sinh là cắt tóc máu không tốt cho sức khỏe của trẻ. Thế nên, mẹ chỉ nên cắt cho con khi tóc con quá dài, lòa xòa, chấm vào mắt gây khó chịu hay tóc dày và tốt mà thời tiết lại quá nóng bức.

2. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Đầu trẻ sơ sinh có cứt trâu phải làm sao?

Việc da đầu trẻ đóng vảy, có mùi hôi là không quá hiếm gặp. Tình trạng này được dân gian gọi là cứt trâu. Cứt trâu hay còn gọi là viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi). Ngoài da đầu, các mảng cứt trâu có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như trên mặt, phía sau tai, nách, vùng mặc tã…

Da đầu trẻ bị cứt trâu có thể có mùi hôi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tóc của trẻ có thể bị rụng tóc tại vị trí có cứt trâu. Tin vui là tóc sẽ mọc trở lại sau khi cứt trâu biến mất.

Chuyên gia Nhi khoa bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm giải đáp:

Trong những tháng đầu đời, trẻ tăng trưởng khá nhanh, da cũng tiết nhiều chất nhờn hơn. Sau khi các tế bào da này tích tụ lại sẽ tạo thành những mảng vảy nhìn giống như “cứt trâu” thường tập trung chủ yếu ở vùng đầu, lông mày, mi mắt, 2 bên cánh mũi, vùng da sau tai. Đây là những mảng da dày, dính, nhờn, khó bong, có thể gây ngứa. Mặc dù tình trạng “cứt trâu” có thể khiến bé “hơi mất điểm ngoại hình” nhưng chẳng có gì phải lo lắng vì tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Cứt trâu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng hoặc khi trẻ được 1 – 2 tuổi.

Cha mẹ không nên bóc hay cạo những lớp vảy này vì có thể làm tổn thương lớp da bên dưới làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lớp “cứt trâu” có thể tự bong ra dễ dàng bằng cách thoa một lớp vaseline (hoặc dầu dừa) lên vùng da đầu của trẻ trước khi tắm gội 30 phút, sau đó dùng khăn sữa mềm hay bàn chải mềm để loại bỏ vảy trong lúc gội đầu cho trẻ.

Tùy vào tình trạng da của trẻ mà bác sĩ sẽ tư vấn số lần gội đầu cho trẻ. Nếu mẹ gội đầu cho bé quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng da khô. Trong trường hợp trẻ có triệu chứng viêm da lan tỏa toàn thân: da đỏ, nhiều vảy tiết, ẩm, nhờn ở những vùng da khác hoặc tình trạng cứt trâu không cải thiện, bạn nên cho trẻ đi khám vì có thể con cần được điều trị tình trạng nhiễm trùng hay nhiễm nấm.

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Vệ sinh mắt tai mũi miệng cho trẻ

cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh