Tìm hiểu hệ thống giáo dục phổ thông và sau phổ thông của Hàn Quốc

he-thong-giao-duc-han-quoc

1. Sơ đồ hệ thống giáo dục các cấp (6-3-3-4)

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được cải tiến từ hệ thống giáo dục cũ (6-4-2-4) sang hệ mới (6-3-3-4).

Trẻ em Hàn Quốc từ 3 tuổi đến 5 tuổi thuộc giai đoạn mẫu giáo không bắt buộc; bắt đầu vào lớp 1 là 6 tuổi. Giai đoạn phổ thông gồm ba cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT).

Tiểu học kéo dài 6 năm từ 6 tuổi đến 12 tuổi; THCS 3 năm từ 13 đến 15 tuổi và THPT 3 năm từ 16-18 tuổi. Ở cấp học này, học sinh có thể chọn một trong hai hướng: THPT cơ bản (General High School) và TH nghề (Vocational High School); Lên Đại học cũng theo hai hướng Giáo dục hàn lâm (4 năm) và Giáo dục nghề (3 năm); Giáo dục bắt buộc ở Hàn Quốc là 9 năm (giai đoạn Tiểu học và THCS).

sach-giao-khoa-cua-han-quoc

2. Chương trình và sách giáo khoa

Luật Giáo dục phổ thông đã nêu rõ mục tiêu và mục đích của giáo dục đối với mỗi cấp học là các nội dung do nhà trường và giáo viên tổ chức thực hiện. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Luật Giáo dục 155 đề ra chương trình cho mỗi cấp học và tiêu chuẩn để phát triển giáo trình và tài liệu hướng dẫn. Chương trình quốc gia và các hướng dẫn của địa phương đã tạo sự linh hoạt cho mỗi trường áp dụng chúng tuỳ vào đặc điểm và mục tiêu của trường đó.

A. Chương trình

Chương trình cơ bản chung của quốc gia bao gồm các môn học, các hoạt động tự chọn và các hoạt động ngoài giờ lên lớp (ngoài CT)

a. Chủ đề môn học được chia ra làm 10 lĩnh vực: Tiếng Hàn, GD đạo đức, Nghiên cứu XH, Toán, Khoa học, nghệ thuật ứng dụng ( công nghệ, kinh tế gia đình), Thể dục, Âm nhạc, Nghệ thuật và Ngoại ngữ (tiếng Anh). Tuy nhiên, nội dung môn học cho các lớp 1 và 2 có sự phân biệt bằng việc chỉ học các môn tiếng Hàn, toán, kỉ luật cuộc sống, cuộc sống thông minh, cuộc sống dễ thương và chúng ta là lớp Một.

b. Các hoạt động tự chọn được chia ra các hoạt động tự chọn theo môn học và các hoạt động tự chọn sáng tạo.

c. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp bao gồm hoạt động HS tự quản lý, các hoạt động thích ứng; các hoạt động tự phát triển, các hoạt động dịch vụ xã hội và các hoạt động thi đấu (thể thao).

Chương trình tự chọn THPT bao gồm các môn học và các hoạt động ngoài chương trình

a. Các môn học được chia thành môn chung và môn chuyên sâu

– Môn chung bao gồm: Tiếng Hàn, GD đạo đức, nghiên cứu XH, Toán, Khoa học, Công nghệ và Kinh tế gia đình, Thể dục, âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ, chữ Hán, cổ điển Hy La và tự chọn.

– Các môn học chuyên sâu bao gồm các học trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, nghề cá và vận tải biển, kinh tế gia đình và GD nghề, khoa học, thể dục, nghệ thuật, ngoại ngữ và quan hệ quốc tế.

b. Các hoạt động ngoài CT bao gồm hoạt động tự quản, hoạt động thích ứng, các hoạt động tự phát triển, các hoạt động dịch vụ xã hội và các hoạt động thi đấu(thể thao).

Chương trình cơ bản quốc gia nêu các môn học và các hoạt động, bao gồm: Tiếng Hàn, GD đạo đức, Nghiên cứu xã hôi, Toán, Khoa học, Thực hành nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Nghệ thuật, Tiếng Anh, Hoạt động tự chọn, Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Riêng lớp 1 và 2 chỉ học các môn sau: Tiếng Hàn, Sống có kỉ luật, Sống thông minh, Toán, Sống dễ chịu.

Lớp 11 và 12 học các môn học tự chọn (Elective subject) với hai loại: tự chọn cơ bản (general elective) và tự chọn chuyên sâu (intensive elective). Ví dụ môn Tiếng Hàn: tự chọn cơ bản là đời sống ngôn ngữ Hàn; còn tự chọn chuyên sâu là: nói, đọc hiểu viết luận, ngữ pháp và văn học.

Với môn Toán, tự chọn cơ bản là thực hành toán, còn tự chọn chuyên sâu gồm: Toán I, Toán II, tích phân và vi phân, xác xuất và thống kê, toán rời rạc.

B. Sách giáo khoa (SGK)

Có nhiều bộ SGK, nhất là sách của các môn liên quan đến kỳ thi quốc gia (vào đại học – cao đẳng) như Toán, Tiếng Hàn, Tiếng Anh… Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục (GIA ĐÌNH) trao quyền cho các công ty tư nhân tổ chức biên soạn và in ấn, phát hành sách giáo khoa trừ một số bộ môn, trong đó có bộ môn tiếng Hàn. Sách giáo khoa do đội ngũ các giáo sư đại học, cơ quan chuyên môn của Bộ, Viện CT và Đánh giá Hàn Quốc (KICE) tổ chức biên soạn… Các nhà xuất bản tự tổ chức và gửi lên trên để được xem xét, đánh giá và cấp phép.

Có ba loại SGK: Loại I do Bộ GD biên soạn và giữ bản quyền; Loại II được Bộ GD cấp phép (certified) và có thể sử dụng; Loại III là loại sách có xác nhận (recognized) hoặc chịu sự quản lí của Bộ GD.

Loại I là loại gần như dùng trong tất cả các trường tiểu học. Với THCS là các môn như tiếng Hàn, lịch sử Hàn Quốc, giáo dục đạo đức. Loại II là loại sách được sử dụng phần lớn trong các trường THCS và loại III là loại rất ít được sử dụng.

3. Giáo dục dự bị tiểu học (mẫu giáo)

Co 3 loại hình mẫu giáo là quốc gia, công lập và tư thục. Tính đến năm 2003, có 8.292 trường mẫu giáo trên cả nước.

4. Giáo dục tiểu học

Mục tiêu GD tiểu học là, kỳ vọng sau khi học xong tiểu học, các em sẽ có được những tri thức cơ bản và các kĩ năng sống. Kết thúc bậc tiểu học, học sinh cần đạt được các yêu cầu sau:

a. Rèn luyện cân đối cả về vật chất lẫn tinh thần.

b. Có cơ hội phát triển các kĩ năng sống cơ bản và biết bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng nhiều cách khác nhau.

c. Có sự lựa chọn đúng đắn hơn khi tìm kiếm mục tiêu và phương pháp học tập.

d. Có tầm nhìn rộng về truyền thống và văn hóa dân tộc.

e. Có thói quen sống khỏe mạnh, có tình yêu đối với đất nước Hàn Quốc và những dân tộc xung quanh.

Năm 1954 có khoảng 2.807 trường tiểu học với 1.570.000 học sinh. Đến năm 2002 là 5.384 trường với hơn 4 triệu học sinh. Kể từ thập niên 1970, số học sinh tiểu học có xu hướng giảm đi do việc ngăn cấm không cho trẻ em dưới 6 tuổi nhập học tiểu học.

5. Giáo dục trung học

A. Trung học cơ sở

Học sinh THCS bắt đầu giai đoạn tiếp theo với sự phát triển học vấn và các kĩ năng sống, những hiểu biết, như một người công dân,… Kết thúc trường THCS, học sinh sẽ:

a. Có được cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, được tôi luyện kinh nghiệm để tự khám phá bản thân mình.

b. Phát triển các kĩ năng sống, những khả năng giải quyết vấn đề cần thiết cho tương lai và có khả năng tự thể hiện một cách sáng tạo.

c. Biết tìm kiểm và xử lí từ nền tảng kiến thức và kĩ năng rộng lớn để học lên cao và phát triển nghề nghiệp.

d. Có niềm tự hào về truyền thống và văn hóa của đất nước, có quyết tâm cải thiện nó ngày càng tốt hơn.

e. Có hiểu biết về nguyên tắc dân chủ mà Hàn Quốc chịu sự chi phối, trau dồi ý thức về trách nhiệm xã hội.

Kể từ 1969, luật giáo dục cho phép các em học sinh nhập học THCS ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của mình. Năm 2002, tỷ lệ học sinh vào THCS lên tới 99%.

B. Trung học phổ thông

Mục đích của cấp học này là, trang bị cho các em một khả năng suy nghĩ và tư duy một cách lôgic, tích cực và sáng tạo để chuẩn bị bước vào cuộc sống; các mục tiêu chủ yếu là:

a. Rèn luyện cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, biết khám phá các giá trị của bản thân và cuộc sống bên ngoài.

b. Có khả năng suy nghĩ, lập luận và phê phán với phương pháp sáng tạo.

c. Cung cấp các kiến thức và kỹ năng trên nhiều lĩnh vực để các em có thể tự tìm cho mình một nghề nghiệp thích hợp với khả năng cũng như năng khiếu của mình.

d. Nhiệt tình cải thiện truyền thống và văn hóa dân tộc.

e. Nỗ lực làm việc vì đất nước và phát triển ý thức công dân toàn cầu.

Ở cấp học này, các em phải đóng một khoản học phí. Để vào cấp học này các em phải trải qua một kỳ thi tuyển và theo luật hiện nay thì việc tuyển chọn có thể dựa vào kết quả 3 năm ở trung học cơ sở và kỳ thi tuyển đầu vào. Một số trường tư tự chủ về tài chính có quyền đề ra mức học phí và tuyển chọn học sinh của riêng mình. Năm 2002 có 99,5% học sinh trung học cơ sở gia nhập trung học phổ thông. Có 6 thành phố và 6 tỉnh lớn thực hiện tuyển chọn học sinh chỉ căn cứ vào các thành tích, kết quả học tập ở cấp học dưới. Riêng 3 tỉnh Gyeonggi, Jeonbuk và Gyeonbuk thực hiện tuyển sinh theo cả 2 tiêu chí (kết quả ở cấp học dưới và điểm thi tuyển đầu vào), trong khi Ulsan thực hiện duy nhất hình thức thi tuyển đầu vào.

Trung học phổ thông ở Hàn Quốc bao gồm: THPT thông thường; THPT dạy nghề; THPT Nông nghiệp; THPT Kỹ thuật; THPT Thương mại; THPT Nghề cá và Hải dương học; THPT Kinh tế gia đình và thương mại; THPT dạy nghề và hỗn hợp.

C. Trung học khoa học (tài năng) 2 năm

Cho đến nay, có 16 trường trung học khoa học trên cả nước. Các trường này được thành lập nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu học tập nghiên cứu của các tài năng trẻ và những lĩnh vực ưu tiên của quốc gia nhằm khám phá khoa học và công nghệ tiên tiến. Chương trình học kéo dài 2 năm.

D. Trung học chuyên ngành

Đây là các trường được thành lập với những ngành học đặc thù như: trung học ngoại ngữ, trung học nghệ thuật, trung học thể dục thể thao. Các trường này dành cho các học sinh có năng khiếu đặc biệt về các lĩnh vực như ngoại ngữ, văn nghệ, thể thao. Ai cũng có thể xin vào trường này nhưng chỉ có những người có năng khiếu thực sự mới được tiếp nhận. Vì vậy, các tiêu chuẩn để được tuyển vào các loại trường này là rất đa dạng và đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu riêng của từng trường.

sach-giao-khoa-cua-han-quoc

6. Giáo dục sau phổ thông trung học

A. Thực trạng

Thể chế giáo dục sau PTTH ở Hàn Quốc chia làm 7 loại: 1 – Cao đẳng và đại học; 2 – Đại học công nghiệp; 3 – Đại học giáo dục (sư phạm); 4 – Trung cấp; 5 – Đại học từ xa; 6 – Cao đẳng kỹ thuật; 7 – Các thể chế hỗn hợp khác. Việc quản lý các thể chế này về tiêu chuẩn thành lập trường, thành lập phòng khoa học, chỉ tiêu tuyển sinh, thuê giảng viên, cấp bằng, đều phải tuân thủ Luật và các qui định liên quan đến giáo dục. Các vấn đề khác sẽ theo qui định riêng của từng trường.

B. Đại học

Các định hướng cho giáo dục đại học:

– Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục sau PTTH thông qua đa dạng hoá và chuyên môn hoá giáo dục đại học.

– Nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm của giáo dục đại học.

– Đổi mới về quản lý và cơ cấu giáo dục đại học.

– Tạo môi trường làm việc tốt cho các hoạt động nghiên cứu và học tập.

– Mở rộng phạm vi giáo dục đại học nhằm đáp ứng được nhu cầu xã hội về học tập thường xuyên (bất cứ lúc nào và ở đâu).

– Toàn cầu hoá giáo dục đại học.

C. Trung cấp, cao đẳng

Các trường này đào tạo ra các kỹ thuật viên bậc trung, thời gian học là 2-3 năm, hiện có 158 trường trên cả nước (2003). Các học sinh tốt nghiệp THPT có thể nộp đơn vào các trường trung cấp và cao đẳng này. Chương trình đào tạo của trường được phối hợp với các nhà máy, cơ sở sản xuất để sinh viên có thể vừa học vừa hành.

D. Giáo dục sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ)

Đây là chương trình đào tạo chuyên sâu sau đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp tục nghiên cứu khoa học và đào tạo ra những nhà khoa học hàng đầu về một lĩnh vực khoa học cụ thể nào đó, …Thời gian đào tạo, đối với bậc Thạc sĩ là từ 1-2 năm, và Tiến sĩ là 3 năm.

Hiện có 142 trường đào tạo sau đại học, 106 trường chuyên nghiệp sau đại học …

7. Giáo dục đặc biệt

Đây là loại trường dành cho những học sinh khuyết tật. Chương trình giảng dạy bao gồm đào tạo về y tế, dạy nghề thông qua các phương pháp hướng dẫn và phương tiện nghe nhìn đặc biệt nhằm đáp ứng những yêu cầu đặc biệt của học viên. Hiện có 137 trường loại này, với tổng số 24.192 học viên.

Nguồn: thuanphat.edu.vn sưu tầm

Xem thêm:

->> Tìm hiểu hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc

->> Khái quát về hệ thống giáo dục bậc cao tại Hàn Quốc

-CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ –

TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ NHÂN LỰC QUỐC TẾ THUẬN PHÁT

Địa chỉ : Số 15 Ngõ 7 Nguyễn Khả Trạc, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline: 0961.832.555 | 024.6660.2588

Email: [email protected]

Website: www.thuanphat.edu.vn