Các biện pháp phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa – Khám chữa bệnh, phổ biến kiến thức y học – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội

Các bệnh lây qua đường tiêu hóa thường hay gặp là: tiêu chảy cấp, một số bệnh giun sán, bệnh tay chân miệng, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A…

Nguyên nhân gây bệnh lây qua đường tiêu hóa

Nguyên nhân gây các bệnh lây qua đường tiêu hóa là do ăn, uống những thực phẩm nhiễm các vi sinh vật có hại hay còn gọi là mầm bệnh. Các tác nhân này rất đa dạng, chúng có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc là nấm. Khi xâm nhập vào đường tiêu hóa các vi sinh vật này phát triển, sinh trưởng làm tổn thương bên trong đường tiêu hóa hoặc tiết ra các độc tố gây bệnh cho người với những biểu hiện rõ nhất ở đường tiêu hóa.

Điều kiện ăn ở, sinh hoạt kém vệ sinh, thực phẩm ô nhiễm mầm bệnh là nguyên nhân chính gây các bệnh lây qua đường tiêu hóa

Cách lây truyền

Mầm bệnh gây bệnh lây qua đường tiêu hóa được thải ra từ người bệnh, người mang mầm bệnh hoặc động vật mang mầm bệnh (thủy sản…). Các mầm bệnh nhiễm vào đất, nước, thực phẩm, vật dụng chứa đựng, vật dụng chế biến thức ăn, đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt, bàn tay…

Người nhiễm mầm bệnh và bị bệnh là do:

– Ăn phải những thức ăn sống có chứa mầm bệnh như: rau sống, tiết canh, tôm, cua, các món gỏi…

– Ăn những thức ăn ôi thiu, thức ăn bị nhiễm mầm bệnh qua ruồi, gián, chuột…

– Sử dụng đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh để chứa đựng thức ăn hoặc dùng chung vật dụng ăn uống với người bệnh chưa được khử trùng.

– Trẻ em chơi mút, ngậm đồ chơi nhiễm mầm bệnh

– Bàn tay nhiễm bẩn đưa lên miệng làm mầm bệnh nhiễm vào cơ thể.

– Sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, nhiễm mầm bệnh để ăn, uống, chế biến thức ăn, tưới rau…

– Những hành vi nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tiêu hóa gồm:

+ Không rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vệ sinh cho trẻ.

+ Ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín hẳn.

+ Uống nước chưa đun sôi.

+ Dùng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.

+ Sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

+ Không che đậy thức ăn tạo điều kiện cho ruồi, gián, chuột tiếp xúc gây nhiễm bẩn thức ăn.

Các biện pháp phòng bệnh

Để chủ động phòng ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa phải kết hợp: vệ sinh cá nhân, ăn uống vệ sinh và vệ sinh môi trường:

– Thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ hoặc sau khi chăm sóc người bệnh.

– Lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Thực hiện 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức Y tế thế giới trong chế biến thực phẩm an toàn.

– Sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh để ăn uống, sinh hoạt.

– Ăn chín, uống sôi. Không ăn những thức ăn sống hoặc tái như rau sống, các món gỏi, tiết canh…

– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh,thường xuyên cọ rửa, giữ sạch nhà vệ sinh. Không xả nước thải, phân người, phân súc vật ra ngoài môi trường, cống, ao hồ, sông, ngòi.

– Giữ vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải trước khi đổ bỏ, đổ rác đúng nơi qui định. Nơi chôn lấp, tập kết và xử lý rác phải xa nơi ở và xa nguồn nước.

– Tiêm và uống vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh: tả, thương hàn, viêm gan A, viêm dạ dày ruột do Rota Vi rút… theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Thanh Thủy

Nguyễn Thanh Thủy