Hình như khá lâu rồi mình không đụng tới lò. Ở bên này trời cũng chưa hẳn là rất nóng đâu, đúng hơn là thời tiết rất đẹp, kiểu mùa Xuân nắng ấm gió nhẹ, làm cho người ta thấy yêu đời và thấy…. lười lao động hơn 😛 Cho nên kể cả chuyện trong bếp cũng cố gắng cắt giảm tối đa các khâu, làm thứ gì đó đơn giản nhanh gọn nhưng vẫn ngon miệng và ngon mắt.
Oreo cheesecake (bánh pho-mát Oreo) là một loại bánh rất ngon miệng và siêu dễ làm, dễ tới mức đọc công thức có khi còn tự hỏi có phải là thiếu phần nào đó không. Thành phần chính của Oreo cheesecake là cream cheese hay kem pho-mát, một loại pho-mát tươi màu trắng, mềm, có vị hơi chua và hơi mằn mặn. Cream cheese cũng là nguyên liệu được dùng trong rất nhiều món tráng miệng khác nhau nên nếu bạn chưa biết nhiều về thứ pho-mát rất ngon này thì chỉ cần Google là sẽ có vô cùng nhiều thông tin và cả hình ảnh nữa.
Loại cream cheese mà mình vẫn dùng từ trước tới giờ là Philadelphia cream cheese của Kraft, mùi vị thơm ngon, không có gì để phàn nàn cả. Ở Việt Nam không rõ có loại này không nhưng một số sản phẩm của hãng khác hiện có thì hình như cũng ổn. Cream cheese có thể tự làm tại nhà bằng cách tách nước sữa chua nhiều béo (sữa chua trong thành phần có kem tươi). Các bạn có thể tham khảo cách làm tại đây. Lưu ý là một số công thức hướng dẫn cách tách nước sữa chua thông thường thì không ra được cream cheese đâu nhé, chỉ thành sữa chua Hy Lạp thôi. Vì yêu cầu cần thiết của cream cheese là phải có độ ngậy nhờ lượng béo cao, mà sữa chua thông thường thì không đáp ứng được điều này.
Quay trở về công thức ngày hôm nay, như mình đã nói ở trên, món bánh này rất dễ. Khả năng hỏng duy nhất có lẽ là kem bị tách nước. Việc này có thể xảy ra nếu:
- Bạn đánh kem bằng máy với công suất thấp, không để kem đủ lạnh -> mất nhiều thời gian để kem đặc lại. Trong quá trình đánh này, kem cũng bị nóng lên do hoạt động của máy nên sẽ dễ bị tách nước (kem có thể chưa kịp đông nhưng đã tách nước rồi).
- Hoặc do đánh kem với tốc độ cao hơi lâu.
Hai nguyên nhân trên là nguyên nhân chính, nên cách “phòng tránh” kem tách nước cũng đơn giản thôi. Đó là nên dùng kem tươi thật lạnh (có thể để kem vào ngăn đá khoảng 5 phút trước khi đánh kem). Khi đánh nên dùng máy có công suất từ 300W trở lên. Nếu máy có công suất thấp hơn, nên để que đánh và âu đánh kem vào tủ lạnh cho thật lạnh rồi mới đánh. Và sau khi kem đã đặc rồi thì nên đánh ở tốc độ chậm để tránh bị lỡ tay đánh quá đà.
Món bánh ngày hôm nay của mình ngoài phần kem pho-mát Oreo ra thì còn có thêm một phần sốt kiểu “nhiệt đới” với xoài và chanh leo nữa. Xoài dẻo, chanh leo thơm, vị chua chua ngòn ngọt ăn cùng cheesecake rất ngon, giúp cheesecake bớt ngậy béo và không ngán.
CÁCH LÀM BÁNH CHEESECAKE OREO KHÔNG CẦN LÒ NƯỚNG
Thành phẩm: 1 bánh tròn đường kính 18 cm cao khoảng 4.5 – 5 cm
Dụng cụ: Khuôn tròn đế rời đường kính 18 cm hoặc mousse ring đường kính tương tự
Nguyên liệu
A. Phần bánh
- 4 g gelatin dạng bột hoặc lá
- 30 ml (2 tbsp) nước mát để ngâm gelatin
- 24 bánh quy Oreo
- 40 g (khoảng 3 tbsp bớt đi 1/2 tsp) bơ (nên dùng bơ động vật, không muối)
- 250 g cream cheese (để mềm và hết lạnh ở nhiệt độ phòng)
- 45 g (3 tbsp) đường
- 1/2 teaspoon (2.5 ml) va-ni chiết xuất
- 200 ml (3/4 cup + 4 tsp) kem tươi lạnh (30 – 40% béo)
B. Phần sốt chanh leo xoài
- 200 gr thịt xoài thái hạt lựu (dùng xoài không quá chín)
- 4 quả chanh leo/ chanh dây
- 60 ml (1/4 cup) nước
- 20 – 40 g đường theo khẩu vị
(*) Không thay gelatin được bằng bột agar, về việc bỏ gelatin ra khỏi công thức, các bạn xem thêm ở cuối bài viết.
Cách làm
Video các bước làm Oreo cheesecake đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được video tại blog, các bạn có thể xem trực tiếp trong link này nhé. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. Ở dưới video là danh sách nguyên liệu và tóm tắt các bước làm bánh nha.
TÓM TẮT CÁC BƯỚC LÀM OREO CHEESECAKE KHÔNG DÙNG LÒ NƯỚNG
1. Ngâm 4 g gelatin trong 30 ml nước khoảng 10 – 15 phút để gelatin nở mềm. Chuẩn bị khuôn, lót giấy nến ở đáy khuôn.
2. Xay vụn 12 bánh quy Oreo (dùng máy xay hoặc cho bánh quy vào túi nilon, đập vụn). Đun chảy 40 gr bơ rồi trộn cùng vụn bánh quy. Đổ phần vụn bánh trộn bơ này vào khuôn, dàn đều. Có thể dùng thìa hoặc đáy cốc ấn nhẹ để vụn bánh bám dính nhau chắc hơn và đế bánh bằng phẳng. Để khuôn vào tủ lạnh 20 – 30 phút cho đế bánh cứng lại.
3. Quay vi sóng hoặc chưng cách thuỷ gelatin cho tan chảy, để nguội về nhiệt độ phòng.
4. Cho cream cheese, đường, vanilla và gelatin đã nguội vào âu. Đánh ở tốc độ thấp nhất của máy trong 1 – 2 phút tới khi các nguyên liệu hoà quyện, cream cheese mịn mượt.
5. Cho kem tươi vào âu, đánh ở tốc độ thấp trong 1 – 2 phút tới khi cream cheese và kem tươi hoà quyện. Tăng tốc độ lên cao nhất, đánh tới khi kem chuyển đặc thì hạ xuống mức vừa hoặc nhỏ, đánh tiếp tới khi kem rất đặc, gần đạt bông cứng.
6. Bẻ hoặc đập 12 cái bánh Oreo còn lại thành các miếng nhỏ (nhưng chưa bị vụn). Trộn phần vụn bánh này với kem pho-mát ở bước 5. Trộn nhẹ nhàng, tránh cho kem bị tách nước.
7. Đổ kem vào khuôn. Dàn cho phẳng mặt. Để vào tủ lạnh tối thiểu 2 giờ hoặc tới khi phần kem pho-mát đông hẳn.
8. Lấy ruột của 4 quả chanh leo, cho vào nồi cùng 60 ml nước và khoảng 20 g đường. Nấu trên lửa vừa, quấy liên tục. Khi nước bắt đầu sôi thì cho xoài vào, hạ lửa nhỏ nấu thêm 2 – 3 phút. Đảo nhẹ tay. Nếm thử và thêm đường nếu cần. Khi xoài hơi mềm và nước sệt một chút thì bắc khỏi bếp. Để nguội rồi để tủ lạnh. Sau khi để lạnh, xoài sẽ dẻo hơn. Không nên chọn xoài quá chín hoặc nấu lâu vì xoài sẽ dễ bị nát.
9. Rọc dao quanh thành bánh để lấy bánh ra khỏi khuôn. Bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, dùng trong 2 ngày, kèm sốt xoài chanh leo.
* Ghi chú:
– Gelatin không bắt buộc phải có trong công thức này. Tuy nhiên có gelatin thì tốt hơn ở 2 điểm là:
- Bánh đông tương đối tốt, phần thành bánh nhẵn mịn đẹp. Nếu không có gelatin, phần thành bánh có thể sẽ hơi xù xì, lộn xộn.
- Với thời tiết nóng như ở Việt Nam, Gelatin sẽ giúp giữ cho bánh chậm chảy ở nhiệt độ phòng hơn một chút.
– Nếu bạn không muốn dùng Gelatin, cần đánh kem ở bước (5) tới bông cứng, và để bánh trong tủ lạnh tối thiểu 8 giờ để phần kem thật đặc. Khi lấy bánh ra cần làm nhẹ tay và luôn đảm bảo bánh được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ mát mẻ (dưới 23 độ C), nếu không phần kem sẽ mềm và chảy nhanh.
– Phần sốt xoài và chanh leo không bắt buộc. Bạn có thể thay bằng các loại sốt hoa quả khác như anh đào, dâu… với cùng một cách làm như trên.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!