An toàn thực phẩm – vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người

Người chế biến thực phẩm phải đeo khẩu trang, bảo hộ đúng cách để đảm bảo ATTP.

Theo thông kê của Cục ATTP, thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau khi tham gia đám cưới tại Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắc Lắc; với số lượng người mắc lên đến hàng trăm người Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2015 đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau khi ăn đám cưới. Mặc dù không có ca tử vong nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và kinh tế gia đình.

Như chúng ta đã biết, bảo đảm an toàn thực phẩm hiện đang được cả xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi rau, thịt là thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát VSATTP trên rau, thịt hiện còn nhiều hạn chế; rau, thịt còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cao như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh gây bệnh trên rau, thịt… Các sản phẩm này không bảo đảm VSATTP có thể dẫn đến ngộ độc cấp, đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng, về lâu dài các chất độc hại tích tụ dần trong cơ thể và có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và giống nòi trong tương lai, ảnh hưởng đến an sinh và sự phát triển kinh tế – xã hội…

Theo các chuyên gia về y tế, con người khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc, có thể trải qua những cơn đau tức thời, gây ra những cảm giác khó chịu đối với cơ thể thậm chí làm cho cơ thể kiệt quệ, nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Vấn đề kéo theo sau là những khoản chi phí cho tiền viện, thuốc, chi phí do mất thời gian làm việc của người bệnh cũng như người thân của họ. Đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh giảm cả về thể lực và tinh thần.

Đề phát huy vai trò của thực phẩm đối với sức khỏe con người, rất cần thiết phải bảo đảm các yếu tố, như:

Đối với người tiêu dùng và nội trợ cần lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo. Khi lựa chọn mua thực phẩm tại chợ, siêu thị cần quan tâm tới:Thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn.

Đối với nhà sản xuất thực phẩm: Phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của Nhà nước, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Việc giết mổ gia súc, gia cầm phải qua kiểm soát của cơ quan thú y; không buôn bán, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm bị bệnh. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chế biến thực phẩm. Thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm,… Phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải đảm bảo môi trường luôn sạch và khô ráo. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để, cống rãnh sạch thoáng. Thiết bị, dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc…

Có thể nói, để phát huy vai trò của thực phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển giống nòi thì việc đảm bảo VSATTP không chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý của ngành chức năng, mà đòi hỏi “nhà sản xuất thực phẩm có lương tâm” và mỗi người tiêu dùng “là nhà thông thái” nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo VSATTP, để đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Phương Thào