Mẫu thực đơn tiệc cưới sang trọng, cao cấp 4 miền: Bắc- Trung- Nam- Tây

Trước cuốn thực đơn tiệc cưới dày cộp của các nhà hàng, khách sạn chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy vô cùng bối rối và phân vân không biết nên chọn lựa món ăn nào để chủ khách cùng vui.

Nếu bạn cũng đang có nỗi lo đó, hãy cùng Voan khám phá một số món ăn phổ biến trong mâm cỗ cưới của người Việt Nam truyền thống cũng như thực đơn đám cưới quen thuộc hiện nay của bốn miền Bắc- Trung- Nam- Tây. Từ đó giúp việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn nhé!

Đặc điểm thực đơn tiệc cưới của người Việt nam

Mâm cỗ cưới truyền thống của người Việt Nam thường chia 6 người/ mâm, ăn từ sáng đến tối. Cứ vào đủ 6 người, chủ nhân bữa tiệc sẽ dọn hết toàn bộ thức ăn lên bàn để khách mời muốn ăn gì tự phục vụ, chứ không dọn theo thứ tự các món.

Đến ngày nay, tiệc cưới được tổ chức với các món ăn đa dạng hơn.Một mâm cỗ có thể có từ 10 đến 12 món với các món khai vị (gỏi, soup); món chính (gà, heo, bò, cá,..) và món tráng miệng (trái cây, bánh ngọt hoặc chè).

Một mâm cỗ cũng không nhất thiết phải là mâm 6 người mà có thể là mâm cỗ 8 hoặc 10 người ngồi.

Ý nghĩa của một vài món ăn trong tiệc cưới

Món ăn được phục vụ trong tiệc cưới không đơn thuần chỉ có ý nghĩa chiêu đãi quan khách, mà hơn thế nữa, mỗi món ăn chính là một lời chúc phúc đến tân lang, tân nương.

Xôi gấc: Hạnh phúc viên mãn

Trong tiệc cưới truyền thống, xôi gấc là một trong những món ăn không thể thiếu. Màu đỏ tươi của gấc là màu tự nhiên của đất trời, biểu trưng cho tình yêu, hạnh phúc viên mãn và sự dung hòa, đồng điệu trong đời sống hôn nhân.

Xôi gấc có vị dẻo thơm của lúa nếp, vị ngậy của gấc, vị bù của đỗ xanh, thêm một chút ngọt ngào từ sợi dừa trang trí không chỉ phổ biến trong các bàn tiệc cưới mà còn được sử dụng rất nhiều trong các dịp lễ tết, giao thừa, mừng thọ,..

Mâm cỗ cưới hiện đại ngày nay, đôi khi xôi gấc cũng có thể được thay thế bằng xôi dừa, xôi đậu xanh, xôi lá dứa,…

Thịt gà luộc: Trong êm ngoài ấm

Gà gần như là món ăn luôn luôn xuất hiện trong mâm cỗ đám cưới. Theo quan niệm của ông bà tổ tiên, gà luộc tượng trưng cho sự đầm ấm, no đủ và hạnh phúc.

Đến ngày nay, để thêm phần đổi mới, nhiều gia đình đã sử dụng gà quay, gà hầm hoặc gà nướng để thay thế cho gà luộc.

Giò chả: Gắn bó như keo sơn

Giò chả là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, xuất hiện trên hầu hết mọi mâm cỗ từ cỗ cưới đến cỗ mừng năm mới. Trên bàn tiệc, giò sẽ được thái khoanh tròn cắt thành 6 phần để trên đĩa nhỏ; chả được thái hình thoi xếp thành hình ngôi sao để cầu may mắn.

Đĩa giò, đĩa chả thường được xếp gần nhau để nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ về sự thủy chung, keo sơn. Giò được gói chặt trong lá chuối địa diện cho sự sum vầy, vun vén hạnh phúc.

Nem cuốn: Cùng vượt qua muôn vàn khó khăn

Nem cuốn rán là món ăn phổ biến trên khắp vùng miền của tổ quốc. Nguyên liệu chính làm nên món ăn ngon này bao gồm thịt lợn băm, nấm hương, miến, trứng, giá đỗ, hành lá,… gia vị được nêm nếm vừa ăn gói trong bánh tráng gạo đem chiên giòn.

Sự hòa quyện của các nguyên vật liệu của món nem gợi nhớ đến sự đồng điệu, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống vợ chồng. Nem được rán ở nhiệt độ cao để có độ thơm, giòn tượng trưng cho sự đồng lòng cùng vượt qua thử thách, khó khăn trong cuộc sống vợ và chồng.

Thịt kho tàu: Thuận hòa trên dưới

Món thịt kho đúng kiểu phải là món ăn được làm từ phần thịt rọi có tỷ lệ mỡ, nạc bằng nhau. Sự hòa quyện của các phần thịt tượng trưng cho sự gắn bó, hòa thuận của đôi bên gia đình.

Những quả trứng cút vẹn toàn được sử dụng trong món ăn đại diện cho ngụ ý hạnh phúc trọn vẹn.

Ngày nay, ngoài những món ăn truyền thống như đã kể trên, nhiều gia đình lựa chọn sử dụng hải sản, cùng các món ăn nước ngoài để mâm cỗ cưới trở nên phong phú, độc đáo hơn.

Mẫu thực đơn tiệc cưới ngon, cao cấp

Để đôi bên gia đình có thêm gợi ý về những món ăn đãi tiệc cưới ngon, trong phần tiếp theo, Voan xin tổng hợp và giới thiệu với các bạn những mẫu thực đơn tiệc cưới hấp dẫn được nhiều gia đình lựa chọn cho bữa tiệc của gia đình mình.

Mẫu thực đơn đám cưới miền Bắc

Theo thời gian cùng sự giao thoa văn hóa mới, thực đơn cỗ cưới của người miền Bắc đã những thay đổi nhất định, cụ thể như sau:

Thực đơn tiệc cưới truyền thống miền Bắc

Cỗ cưới miền Bắc truyền thống phải được làm với đầy đủ các món bóng cá xù, vi cá, súp yến mới là sang trọng, cao cấp. Cỗ cưới ăn xong phải được tráng miệng bằng bánh phu thê mới đáng mặt đám cưới chốn kinh kỳ.

Trong khi đó, ở các miền quê, khi đôi bên gia đình chuẩn bị lễ cưới cho đôi bạn trẻ, thực phẩm sẽ phải được chuẩn bị trước cả tháng để làm cỗ cưới tại gia. Gà, lợn, cá, chim,… mua về được nuôi và vỗ béo sau đó mới được làm thịt để đãi họ hàng, làng xóm. Một con lợn béo có thể được làm thành rất nhiều món ăn khác nhau như nem tai, lòng luộc, canh chân giò, giò chả,…

Thực đơn tiệc cưới miền Bắc hiện đại

Đến ngày nay, dù đã có nhiều đổi thay, nhưng mâm cỗ cưới của người miền Bắc vẫn lưu giữ nhiều nét truyền thống cổ xưa. Tiệc cưới phải đủ các món như măng, bóng, chim hầm, nấm thả, gà luộc lá chanh, chả giò, nộm, xôi gấc,…

Nếu bạn đang tìm kiếm một thực đơn cỗ miền Bắc đủ cao cấp cho một đám cưới sang trọng, mời các bạn tham khảo mẫu thực đơn dưới đây:

Món khai vị trong mâm cỗ cưới miền Bắc

Người miền Bắc thường phục vụ soup (soup gà ngô ngọt, soup bí ngô kem nấm, soup măng tây,…) hoặc bánh mặn vào trước buổi tiệc.

Món chính trong mâm cỗ cưới miền Bắc

Sau khi dùng xong món khai vị, các món ăn chính sẽ được phục vụ lần lượt, những món ăn này có thể là:

  • Món rán: Tôm bóc vỏ chiên trứng muối, tôm hấp trái dừa
  • Món cá: Cá quả phi lê sốt, cá hấp xì dầu, cá tầm nướng
  • Món sốt, hầm: Thịt bò sốt tiêu đen; chân giò hầm; bò lúc lắc
  • Món gà, chim truyền thống: Gà xối mỡ chiên da giòn; chim quay; chim câu sốt nước dừa; gà luộc lá chanh
  • Nộm: Nộm xoài; nộm rau quả thập cẩm; nộm sứa
  • Món xào: Các loại rau xào theo mùa
  • Món canh: Canh măng khô nấu mọc; canh mọc tôm; canh bóng
  • Xôi: Xôi vò hạt sen, xôi gấc; cơm tám

Món tráng miệng trong mâm cỗ cưới miền Bắc

Caramen (bánh flan), hoa quả (trái cây) là món tráng miệng phổ biến trong mâm cỗ cưới của người miền Bắc.

(*) Những điều cần lưu ý khi chọn thực đơn tiệc cưới miền Bắc

Người miền Bắc thường thích các món ăn thanh đạm, chú trọng vào hương vị gốc thay vì nêm nếm quá nhiều gia vị khác biệt, do đó các bạn cần lưu ý điều này. Thời tiết miền Bắc cũng thay đổi rõ rệt theo mùa nên đôi bên gia đình nên cân nhắc chọn món ăn phù hợp. Mùa đông nên chọn các món ăn nóng như cháo, súp,… mùa hè nên chọn các món ăn thanh đạm như trái cây, gỏi,…

Mẫu thực đơn đám cưới miền Trung

So với thực đơn miền Bắc, cỗ cưới miền Trung gồm rất nhiều nguyên liệu và cách chế biến. Đặc biệt hơn, tại Huế, các món ăn còn phảng phất hương vị cung đình truyền thống.

Món khai vị trong mâm cỗ cưới miền Trung

Món khai vị trong tiệc cưới miền Trung thường là soup (soup hải sản, soup măng cua) hoặc gỏi (gỏi ngó sen, gỏi tôm,..).

Nếu món khai vị đầu tiên là soup thì món khai vị tiếp theo sẽ là món chiên, nướng hoặc món khô nào đó như ghẹ tẩm bột hoặc chả giò tôm cua,…

Món chính trong mâm cỗ cưới miền Trung

Món chính trong cỗ cưới của người miền Trung có thể là heo sữa quay, gà quay, cá chèm tứ Xuyên, cá tai tượng, cá lóc hấp, cơm kim quy,…

Những món ăn này thường được sắp xếp phục vụ theo tứ tự hương vị đậm đà dần lên. Đầu tiệc là các món ăn nhẹ, không nhanh no. Đến giữa tiệc là các món có hương vị đậm đà như hải sản, thịt, cá,…

Món tráng miệng trong mâm cỗ cưới miền Trung

Món tráng miệng trong thực đơn có thể là trái cây, thạch, hoa quả tươi, sữa chua, bánh ngọt, caramen,…

Mẫu thực đơn đám cưới miền Nam

Khác với người miền Bắc tổ chức tiệc cưới từ sáng tới tối, người miền Nam thường tổ chức tiệc vào một khung giờ nhất định để có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí. Cùng với đó, do yếu tố giao lưu văn hóa, nên thực đơn tiệc cưới của người miên Nam xuất hiện khá nhiều món của nước ngoài.

Có một điều mà bạn cần lưu ý, trong tiệc cưới Nam bộ, dù gia đình giàu sang hay nghèo khó đều phải tránh các món như canh đắng, canh chua, mắm mặn và cá nướng trui vì chúng được coi là có ý nghĩa không tốt, ảnh hưởng xấu đến đời sống vợ chồng.

Món khai vị trong mâm cỗ cưới miền Nam

Món khai vị thường xuất hiện trong thực đơn tiệc cưới miền Nam cũng gồm soup (soup hải sản, soup măng cua), gỏi (gỏi ngó sen, gỏi tôm), mực chiên xù, gà hấp chanh muối, giò chả hải sản,… Ngoài ra, một số gia đình còn sử dụng mâm cỗ cưới theo hướng Tây hóa với các món ăn ngư salad tôm cocktail, nghêu bỏ lò, bacon cuộn cá,…

Món chính trong mâm cỗ cưới miền Nam

Món chính trong cỗ cưới miền Nam có thể là heo sữa quay, gà quay, cà ri bò, bánh mì, lẩu,… Theo kinh nghiệm của một số gia đình, khi tổ chức tiệc cưới, bạn nên chọn lẩu thay vì cơm. Lẩu được coi là món ăn chính đặc trưng của người miền Nam. Lẩu mà bạn chọn có thể là lẩu hải sản kiểu Nhật, lẩu miso, lẩu Thái Lan, lẩu hải sản mì sợi,…

Món tráng miệng trong mâm cỗ cưới miền Nam

Không khác với món ăn tiệc cưới miền Bắc và miền Trung, người miền Nam cũng thường chọn các món như trái cây, thạch, sữa chua, bánh ngọt, bánh flan,… để làm món tráng miệng.

Mẫu thực đơn đám cưới miền Tây

Người miền Tây Nam Bộ rất phóng khoáng vì thế lễ cưới ở đây có không khí gần gũi, ấm áp mà không kém phần vui nhộn. Thực đơn cỗ cưới cũng làm nổi bật lên khí chất của người miền Tây, đầy hào phóng, mộc mạc và vui vẻ.

Không giống thực đơn của những nơi khác, món ăn trong lễ cưới ở miền Tây thường chỉ gồm 5 món, được dọn lên theo thứ tự nhất định. Những món ăn này chủ yếu là đặc sản của địa phương, vùng nào có món gì thì đãi món ấy.

Tuy nhiên, trong tiệc cưới miền Tây cũng có những điều kiêng kị nhất định, bao gồm tránh các món canh chua, canh đắng và món mắm.

Món khai vị trong mâm cỗ cưới miền Tây

Món khai vị miền Tây thường là soup hoặc cháo. Nếu gia đình có điều kiện thì sử dụng soup tổ yến, còn gia đình bình thường thường phục vụ cháo nấm hoặc soup hải sản. Các món khai vị khác phải là món khô thường là giò chả, mực chiên xù, ốc bươu nhồi thịt, nem hải sản, gỏi (gỏi tai ngó sen, gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi xoài tôm khô, gỏi càng cua trộn trứng,…).

Món chính trong mâm cỗ cưới miền Tây

Món chính vùng này thường là heo sữa quay, gà quay, cá chẽm, cá lóc được chế biến theo nhiều cách (hấp, chiên xù, nấu lẩu). Điều đặc biệt là lẩu miền Tây rất đặc sắc và thơm ngon. Đó là sự kết hợp của nhiều loại cá, tôm và rau. Tiêu biểu như hải sản, lẩu chua cá linh bông điên điển, lẩu vịt nấu chao, lẩu cá kèo,..

Tiếp đến là cơm hoặc xôi, có thể là xôi gấc, xôi gà hoặc cơm chiên.

Món tráng miệng trong mâm cỗ cưới miền Tây

Sau bữa ăn chính, gia chủ thường mời khách sử dụng trái cây hoặc các món bánh do nhà tự làm. Ngày nay, nhiều gia đình miền Tây cũng đã sử dụng các món tráng miệng thay thế như kem hoặc thạch để thay đổi mùi vị.

Trên đây là các mẫu thực đơn tiệc cưới sang trọng, cao cấp cho đám cưới 4 miền: Bắc- Trung- Nam- Tây. Chúc các bạn chọn được những món ăn đúng chuẩn vừa mang đậm màu sắc quê hương vừa sang trọng, lịch sự làm hài lòng quan khách.

Voan Wedding & Event Consultants

  • Hotline 1: 0983 468 308
  • Hotline 2: 0919 591 988
  • Sale contact: 0974 699633 (Ms Hà Thu)
  • Email: [email protected]
  • Website: https://voan.vn/
  • Địa chỉ: Số 8A Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội