Định giá doanh nghiệp là gì? Có các phương pháp định giá doanh nghiệp ở Việt Nam nào? Bài viết sau sẽ tổng hợp toàn bộ các thông tin làm rõ các vấn đề trên.
Định giá doanh nghiệp
Định giá doanh nghiệp là gì?
Muốn nắm được định giá doanh nghiệp là gì trước tiên cần phải hiểu được giá trị doanh nghiệp là gì đã. Vậy giá trị doanh nghiệp là gì?
Giá trị doanh nghiệp có thể hiểu là các biểu hiện bằng tài chính từ toàn bộ các khoản thu nhập các nhà đầu tư thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá trị doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là giá trị vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp mà là tổng giá trị của tất cả các tài sản sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh cả doanh nghiệp đó nhằm mang lại lợi ích cho các chủ sở hữu và các nhà cung cấp tín dụng.
Như vậy, giá trị vốn chủ sở hữu chỉ là một phần của giá trị doanh nghiệp. Có thể hiểu giá trị doanh nghiệp thông qua công thức sau:
Giá trị vốn chủ sở hữu = Giá trị doanh nghiệp – Giá trị nợ phải trả
Giá trị mà một doanh nghiệp mang lại cho các nhà đầu tư có thể xem xét trên 2 góc độ: Giá trị thanh lý và Giá trị hoạt động liên tục. Trong đó
– Giá trị thanh lý là toàn bộ số tiền được tạo ra khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và bán tất cả các tài sản của nó.
– Giá trị hoạt động liên tục là giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra trong tương lai từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua lượng thông tin trên, ta có thể hiểu được đơn giản rằng: Định giá doanh nghiệp chính là việc xác định giá trị doanh nghiệp thông qua các phương pháp định giá doanh nghiệp.
Các phương pháp định giá doanh nghiệp ở Việt Nam
Có những phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp nào?
Để có thể xác định giá trị doanh nghiệp, có thể sử dụng những cách định giá doanh nghiệp khác nhau. Vậy hiện nay có các phương pháp định giá doanh nghiệp nào ở Việt Nam?
1. Phương pháp dựa vào bảng cân đối kế toán
Dựa vào bảng cân đối kế toán, giá trị doanh nghiệp sẽ là giá trị của phần tài sản báo cáo trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm chúng ta muốn xác định giá trị doanh nghiệp.
Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên cũng tồn tại một nhược điểm lớn đó là hầu hết giá trị của các tài sản báo cáo trên bảng cân đối kế toán đều là giá trị lịch sử, nên tính hữu ích đối với các đối tượng sử dụng thông tin về giá trị doanh nghiệp sẽ rất hạn chế.
Chính vì vậy, phương pháp này chỉ mang tính lý thuyết, trong thực tế hầu như không được sử dụng.
2. Phương pháp dựa vào kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản
Phương pháp này căn cứ vào kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp theo giá trị thị trường tại thời điểm muốn định giá. Phương pháp này đòi hỏi các chuyên gia định giá doanh nghiệp cần trực tiếp kiểm kê và đánh giá lại giá trị của từng tài sản của doanh nghiệp.
Phương pháp này cung cấp thông tin khá tin cậy về giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm định giá. Tuy nhiên thông tin này thể hiện giá trị tại trạng thái tĩnh – giá trị thanh lý doanh nghiệp.
Trong khi đó, mục đích thông thường của việc định giá doanh nghiệp là đề ra các quyết định kinh doanh trong tương lai, nghĩa là xem xét doanh nghiệp trong trạng thái hoạt động liên tục, chứ không phải là khi doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp thông tin trong các trường hợp giải thể hay phá sản doanh nghiệp, định giá doanh nghiệp theo phương pháp này rất ít có giá trị thực tế.
3. Phương pháp chiết khấu dòng tiền
Phương pháp này định giá doanh nghiệp là giá trị hiện tại của dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp. Dòng tiền tự do này là dòng tiền cho cả chủ sở hữu và chủ nợ.
Phương pháp này có ưu điểm hơn phương pháp dựa vào bảng cân đối kế toán và phương pháp dựa vào kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản là xác định giá trị doanh nghiệp trong trạng thái hoạt động liên tục chứ không phải trong trạng thái thanh lý.
Nhược điểm của phương pháp này chính là cách tiến hành khá phức tạp.
Giá trị doanh nghiệp = PV (dòng tiền trong tương lai cho chủ sở hữu và chủ nợ)
Điểm mấu chốt của phương pháp này là xác định dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp và xác định chi phối vốn bình quân để chiết khấu dòng tiền đó về giá trị hiện tại.
Xác định giá trị doanh nghiệp thông qua phương pháp chiết khấu dòng tiền bao gồm các bước:
Bước 1: Xác định dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp (free cash flows to the firm – FCFF)
Bước 2: Xác định giá trị cuối cùng (Terminal value)
4. Phương pháp chiết khấu dòng lợi nhuận khác thường
Các chủ sở hữu của mỗi doanh nghiệp đều yêu cầu một tỷ lệ sinh lời nhất định trên số vốn mà họ đầu tư vào doanh nghiệp, đó chính là chi phí vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ sinh lời này gọi là tỷ lệ sinh lời thông thường.
Với tỷ lệ sinh lời thông thường, mỗi doanh nghiệp có một khoản lợi nhuận thông thường là Tỷ lệ sinh lời thông thường * Giá trị vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp có thể đúng bằng hoặc khác với mức lợi nhuận thông thường này.
Lợi nhuận khác thường (abnormal earnings) chính là chênh lệch giữa tổng lợi nhuận thực tế (earnings) và lợi nhuận thông thường (normal earnings) của doanh nghiệp
Lợi nhuận khác thường = Lợi nhuận – (Chi phí vốn chủ sở hữu x Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu đầu kỳ)
5. Phương pháp định gia trên cơ sở so sánh giá trị thị trường
Với 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền và chiết khấu lợi nhuận ở trên, chúng đều yêu cầu việc dự đoán chi tiết nhiều năm. Hai phương pháp này phụ thuộc quá nhiều vào việc dự đoán hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều năm tới, chính vì vậy nhà phân tích sẽ ít tin tưởng vào các con số dự đoán.
Một phương pháp định giá doanh nghiệp khác nhà phân tích có thể sử dụng dựa vào cơ sở so sánh giá trị thị trường của các doanh nghiệp tương đồng.
Phương pháp này cần dựa vào thị trường, cũng chính là việc đánh giá các triển vọng ngắn hạn và dài hạn về sự phát triển và khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp có sự tương đồng.
Từ đó, nhà phân tích có thể giả định rằng việc định giá các doanh nghiệp đó cũng có thể áp dụng được cho doanh nghiệp đang cần định giá.
Phương pháp này khá khó khăn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tương đồng. Hơn nữa, việc giải thích sự khác biệt hệ số giá giữa các doanh nghiệp cũng như việc áp dụng các hệ số giá của các doanh nghiệp khác nhau vào doanh nghiệp đang cần định giá như thé nà đòi hỏi có một sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng tới các hệ số giá đó.
Tuy nhiên, phương pháp này đặc biệt có ích trong việc định giá các doanh nghiệp không niêm yết trên thị trường chứng khoán với cơ sở số liệu chủ yếu là các báo cáo tài chính doanh nghiệp và thông tin trên thị trường chứng khoán.
Định giá doanh nghiệp hay xác định giá trị doanh nghiệp là một vấn đề khó khăn và không chắc chắn. Tất cả các phương pháp được sử dụng để định giá doanh nghiệp đều không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề này mà chỉ có thể ước lượng tương đối giá trị của doanh nghiệp.
Các sai số trong định giá doanh nghiệp xảy ra do sự không chắc chắn về kinh tế chứ không phải từ các phương pháp định giá doanh nghiệp.
Hi vọng bài viết thông tin về định giá doanh nghiệp cũng như các phương pháp định giá doanh nghiệp ở Việt Nam trên sẽ cung cấp một lượng thông tin hữu ích cho các bạn.
Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại chuyên mục: Tin tức
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!