Tổng hợp các LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG BÌNH ĐỊNH – Quy Nhơn Tourist

Đến Bình Định, du khách không chỉ được đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, khám phá nét đẹp văn hóa ngàn năm của các di tích Chămpa với các cụm tháp Chăm nổi tiếng, nghệ thuật Tuồng, bài Chòi, thưởng thức những tiết mục võ cổ truyền độc đáo, mà còn có dịp ghé thăm và trải nghiệm một cuộc sống dân dã, bình dị của những làng nghề lâu đời nổi tiếng với vô số sản phẩm độc đáo, giàu hàm lượng văn hóa của miền đất Võ này.

1. Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá:

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng tây bắc, du khách theo quốc lộ 1A đến xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn là đến làng rượu Bàu Đá, một trong những đặc sản của tỉnh Bình Định được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong TOP 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam.

Ngoài yếu tố gia truyền trong việc chưng cất thì bàu nước trong vùng, nơi hội tụ những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh cũng là yếu tố đã làm nên danh tiếng, mùi vị riêng của rượu Bàu Đá. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rất thủ công, ở cái nậm sành cổ đặc trưng cho văn hóa người Việt, ở chỗ say nhưng không bị nhức đầu. Ngày nay, tiếng tăm của rượu Bàu Đá đã lan rộng cả nước, trở thành một món quà không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến thăm Bình Định.

2. Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu:

Tiện gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống ở thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, cách Quy Nhơn khoảng 30km, về hướng tây bắc. Các sản phẩm của làng nghề nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng, sự tinh xảo mà còn ở chỗ mang tính đặc trưng của văn hóa Bình Định. Các sản phẩm hiện nay của làng nghề không chỉ được tiêu thụ mạnh trong vùng, các tỉnh lân cận mà còn được xuất khẩu sang một số nước khác như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Đến với làng tiện mỹ nghệ Nhơn Hậu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo làm từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề nơi đây, được trực tiếp hòa mình vào các sinh hoạt của làng nghề.

3. Làng rèn Tây Phương Danh:

Nằm trên địa bàn phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 30km, nghề rèn có mặt ở Tây Phương Danh phải có đến 300 năm. Thời này nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp nơi rất cần các loại nông cụ được làm bằng kim khí. Cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để làm kế sinh nhai, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển.

Đến nay, Làng rèn Tây Phương Danh có đến hơn 300 hộ trong tổng số 436 hộ dân đang làm nghề rèn. Không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng sản phẩm của làng rèn cũng ngày được nâng cao và đa dạng về chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là các nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Một số lò rèn trong làng còn nhận cả hợp đồng sản xuất đinh ốc dùng để đóng tàu biển. Hiện nay, sản phẩm của làng rèn Tây Phương Danh đã có mặt khắp nơi trong cả nước, nhất là vùng đất Tây Nguyên. Cũng từ nghề này, người dân làng rèn đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ dân đã trở nên giàu có.

Hàng năm, để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn, người dân Tây Phương Danh đã tổ chức lễ hội làng rèn vào ngày 12 tháng 12 Âm lịch. Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang làm nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người ngoài tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa và cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con.

4. Làng nghề đúc đồng Bằng Châu:

Nghề đúc đồng Bằng Châu ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) là một trong các làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Làng nghề có nhiều điểm tương đồng như các làng đúc đồng truyền thống trong cả nước về cách làm khuôn, nấu đồng, pha chế.

Trước kia ở làng đúc Bằng Châu, những nhà làm nghề đúc đồng thường tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm gồm các loại như: mâm, nồi, chảo, đèn thờ… Cùng với thời gian, nghề đúc đồng ở Bằng Châu không những không bị mai một, mà còn được tạo điều kiện phát triển. Sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao; mẫu mã cũng đa dạng hơn như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng…và các loại vật dụng trang trí. Bà con trong làng vừa giữ được nét độc đáo riêng của một làng nghề truyền thống, vừa biến nghề truyền thống trở thành nguồn sinh lợi chính đáng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của địa phương.

5. Làng gốm Vân Sơn:

Làng gốm Vân Sơn nằm về phía đông dưới chân núi Long Cốt thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn cách Quy Nhơn khoảng 30km về hướng tây bắc. Nghề làm gốm ở đây xuất phát từ làng gốm Nhạn Tháp kề bên và có cách đây ít nhất cũng 300 năm.

Hiện nay ở Vân Sơn, các gia đình làm nghề gốm tập trung ở xóm Trong và xóm Mới. Đất làm gốm là đất sét trắng ngà không lẫn sạn mà chỉ vùng này mới có đủ loại: chum, vò, am, chậu, thạp, bộng giếng, ấm, nồi…to nhỏ khác nhau. Lại có cả đồ chơi trẻ em bé xíu như: heo đất, bếp lò, nồi, ấm cho các bé chơi đồ hàng. Nhưng làm nhiều, bán chạy hơn cả là các loại chậu hoa cảnh và bếp lò than.

6. Làng nón ngựa Phú Gia:

Làng nón ngựa Phú Gia thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát cách Quy Nhơn khoảng 45km về hướng bắc, với hơn 400 hộ tham gia sản xuất. Nghề làm nón ở Phú Gia đã có từ rất lâu và được lưu giữ cho đến tận bây giờ. Nón lá Phú Gia nổi tiếng bởi đặc điểm đẹp, bền, rẻ và có 2 loại: Nón ngựa và nón lá. Nón lá được sản xuất hàng loạt, quy trình, kỹ thuật hầu như không khác với nón Huế, nón Quảng. Nón lá Phú Gia bền nhẹ nên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nón ngựa thị công phu hơn, và hầu như chỉ những thợ lành nghề ở Phú Gia mới làm được. Bây giờ loại nón này chủ yếu bán cho những người muốn tìm lại nét xưa, phục vụ khách du lịch hoặc sản xuất theo hợp đồng của thương lái.

Đến với làng nón Phú Gia, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự khéo léo của các cô thôn nữ, các chị, các mẹ cắm cúi bên khung lợp, cảm nhận sự thanh bình, duyên dáng mà có lẽ không làng nón nào trên đất nước này có được. Ngày nay, mỗi năm hàng trăm ngàn chiếc nón Phú Gia được đưa đi tiêu thụ trên khắp cả nước, tô đậm thêm đặc trưng của nên văn minh lúa nước, và cùng với tà áo dài làm nên vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

7. Làng nghề dệt chiếu cói:

Nghề dệt chiếu cói vốn là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn và một số địa phương khách ở Bình Định. Chiếu dệt có rất nhiều loại: chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa.

Chiếu trơn làm tương đối đơn giản bởi chiếu được dệt từ cói trắng không nhuộm màu. Dệt chiếu hoa công phu hơn nhiều. Chiếu hoa ở Bình Định không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo từng chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng. Phẩm nấu lên và nhúng sợi cói vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Những sợi cói màu sau khi phơi khô, được đem dệt thành chiếu hoa. Thường trên một chiếu hoa, ở giữa có chữ thọ, chữ song hỷ, hoặc chữ trăm năm hạnh phúc,… Còn ở bốn góc thì là tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, bốn góc xung quanh có hoa văn trang trí nhiều kiểu, nẹp ngoài hai đường kẻ hoặc đỏ hoặc xanh, trông rất trang nhã hài hòa.

Trong những năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị của cây cói cũng như giải quyết được nhiều việc làm hơn, bên cạnh nghệ dệt cói, người dân Bình Định còn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói như: Mũ, túi xách, đệm chà chân…

8. Chế biến thảm xơ dừa Tam Quan:

Nói về cây dừa Bình Định, là người ta nghĩ ngay về xứ dừa Tam Quan, nơi mà câu ca dao không biết từ bao giờ vẫn còn vang vọng:

“Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”

Theo đó, ngành nghề chế biến các sản phẩm từ dừa Tam Quan ở Hoài Nhơn cũng được hình thành, nổi bật chất là sản phẩm thảm xơ dừa. Các sản phẩm xơ dừa của Tam Quan với nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mẫu mã đẹp, phong phú, có độ bền cao đã có mặt khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu sang một số nước khác trên thế giới. Hiện nay, nhằm tăng giá trị cho các sản phẩm từ dừa, ngoài thảm xơ dừa, các cơ sở sản xuất một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa như: con cá heo, con ba ba, hộp đựng trà từ miễn dừa; giá để bình rượu từ thân dừa; giỏ xách tay, lẵng hoa từ cọng lá dừa…

9. Làng bánh tráng Trường Cửu:

Làng nghề bánh tráng ở Bình Định có khá phổ biến, nhưng nổi tiếng nhất thuộc về làng Trường Cửu, Nhơn Lộc. Bánh tráng Trường Cửu nổi tiếng thơm ngon nhất vùng. Bánh tuy không trắng, không mỏng nhưng rất thơm ngon vàng tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh. Ấy thế mà lại tạo nên hương vị rất thơm ngon, khác biệt.

Làng nghề bánh tráng Trường Cửu đã xuất hiện từ hàng trăm năm về trước, trước đây chỉ có vài chục hộ làm công việc này. Nhưng ngày nay khi “tiếng lành đồn xa”, bánh tráng đã thành món ăn phổ biến ở vùng này thi người làm cũng làm bánh tráng nhiều hơn. Cho đến nay đã có khoảng 200 hộ làm bánh chuyên nghiệp.

10. Cơ sở sản xuất tôm tre:

Từ ngàn xưa tre đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam đã được làm từ cây tre. Không chỉ vậy, ngày nay, qua bàn tay khéo léo của các thợ thủ công tại phường Bình Định (An Nhơn), tre đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm con tôm làm bằng tre rất được du khách ưa thích.

11. Làng dệt thổ cẩm Hà Ri:

Cách Quy Nhơn khoảng 80km, Hà Ri là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc BaNa nhất Bình Định nên vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Khi rỗi việc hoặc những lúc nông nhàn, chị em phụ nữ lại miệt mài bên khung cửi để dệt ra những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất cho mình và cho gia đình.

Bất cứ một cô gái nào từ 12 – 13 tuổi ở Hà Ri đều được ba mẹ chỉ cho cách dệt vải và đến trước khi lấy chồng, cô gái phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp để ra mắt mọi người. Và vào ngày lễ hội truyền thống của dân làng, cô gái nào có bộ váy áo đẹp sặc sỡ thì được đánh giá là người chăm chỉ, giỏi giang; nếu là con gái chưa chồng thì được trai làng để ý đến.

Ngày nay, ngoài các sản phẩm phục vụ cho gia đình, các cô gái BaNa ở Hà Ri còn dệt ra các sản phẩm thủ công như: túi xách, ví, khăn quàng cổ, khăn trải bàn,…

Hãy đến với làng nghề truyền thống Bình Định để trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Lịch trình Tour Làng nghề truyền thống Bình Định bạn có thể tham khảo tại đây: Tour Làng nghề Bình Định

Xem thêm: Các Tour du lịch Quy Nhơn 1 ngày tại Quy Nhơn Tourist

(Thảo Nguyên – Quy Nhơn Tourist tổng hợp)

Nguồn: TTXT Bình Định

Hãy Gọi Ngay 0979 53 59 59 (Hotline) để được Tư Vấn Trực Tiếp và nhận được NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI chỉ có ở Quy Nhơn Tourist.