Cách đút cho bé ăn qua từng giai đoạn mẹ nên biết

Mẹ có biết một trong những nguyên nhân gây nên biếng ăn, sợ ăn cho bé là do cách cho ăn của người lớn?

Dù mẹ lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hay ăn dặm truyền thống hay kết hợp các phương pháp thì đút cho bé ăn là kỹ năng đầu tiên và quan trọng mẹ cần thực hiện tốt. Mẹ hãy tìm hiểu cách đút thìa cho bé phù hợp với từng giai đoạn của con nhé!

Giai đoạn 5-6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn đầu tiên đầy bỡ ngỡ cho cả mẹ và bé. Ở giai đoạn này lưỡi của bé chỉ có thể cử động ra phía trước và phía sau để đón thức ăn vào vị trí trên lưỡi có phản xạ nuốt.

Mẹ hãy cố gắng cho bé làm quen với nhiều hương vị thức ăn mới mẻ để kích thích vị giác cho bé, tạo hứng thú cho mỗi giờ ăn.

Cách đút cho bé ăn dặm

  • Mẹ dùng thìa mềm, đầu tròn và nông, lấy thức ăn gạt ngang thìa để tránh bị quá đầy, sau đó nhẹ nhàng để thìa chạm vào môi dưới của bé vài lần để kích thích bé mở miệng một cách tự nhiên.
  • Khi bé mở miệng, mẹ đưa thức ăn vào giữa môi trên và môi dưới của bé. Theo phản xạ bé sẽ ngậm miệng lại.
  • Mẹ từ từ rút thìa thẳng ra. Bé đang học cách điều khiển lưỡi nên sẽ đẩy chút thức ăn ra ngoài. Mẹ hãy dùng thìa vét gọn thức ăn cho bé.

CÁCH ĐÚT CHO BÉ ĂN QUA TỪNG GIAI ĐOẠN MẸ NÊN BIẾT

Cách đút thìa cho bé 5-6 tháng tuổi mẹ nên biết

Sai lầm của mẹ

  • Mẹ ấn thìa vào môi trên của bé. Bé sẽ không học được cách há miệng để đón thức ăn vào miệng.
  • Mẹ đút thìa vào quá sâu khiến con không có cơ hội tập cử động lưỡi để đẩy thức ăn vào trong và nuốt, hơn nữa bé dễ bị ọe.
  • Mẹ quá quan tâm đến lượng thức ăn, trong khi những ngày đầu ăn dặm bé ăn rất ít.
  • Mẹ ép bé ăn dẫn đến bé sợ thìa nói chung và sợ ăn nói chung.

Tư thế đút thìa cho bé

  • Mẹ nên để thân trên của bé nghiêng về phía sau để thức ăn có xu hướng trôi theo lưỡi về phía cổ họng giúp bé dễ dàng cảm nhận được vị trí có phản xạ nuốt.
  • Những ngày đầu mới tập ăn dặm, cả mẹ và bé đều bỡ ngỡ và căng thẳng. Thậm chí mẹ còn lóng ngóng khi thao tác với chiếc thìa bé nhỏ. Mẹ có thể bế bé ngồi trên đùi mẹ để bé an tâm hơn. Một tay mẹ giữ vai bé và một tay mẹ đút cho bé ăn.
  • Nếu mẹ muốn tạo thói quen ăn uống ngay từ đầu cho bé, mẹ có thể đặt bé ngồi vào ghế ăn có hỗ trợ tư thế ngồi và mẹ ngồi đối diện với bé.

CÁCH ĐÚT CHO BÉ ĂN QUA TỪNG GIAI ĐOẠN MẸ NÊN BIẾT

Cho bé ăn đút thế nào để con hợp tác trong ăn uống?

Nhiều mẹ cho rằng, ăn đút là truyền thống “lỗi thời”, “hại nhiều hơn lợi”. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn giúp con ăn đút thành công và yêu thích việc ăn uống. Để biết bí quyết là gì, ba mẹ tham khảo ngay khóa học POH Easy Two (19-49 tuần): Ăn dặm kiểu EASY nhé!

Giai đoạn 7-8 tháng tuổi

Giờ đây sau 2 tháng tập luyện, bé đã thành thạo với cử động lưỡi, đẩy thức ăn vào trong cổ họng và nuốt.

Giai đoạn này bé biết làm cử động nhai, biết dồn thức ăn đã nghiền vào một khối để nuốt. Mẹ cũng nên điều chỉnh thức ăn đặc và thô hơn để hỗ trợ bé dễ dàng dồn khối thức ăn.

Cách đút cho bé ăn

  • Ở giai đoạn này cách mẹ cho ăn vẫn tương tự như giai đoạn trên. Bé đã biết làm động tác nhai trệu trạo nên mẹ đặt thìa theo chiều ngang, để thìa lên môi dưới của bé và hơi nhấc lên để môi trên của bé chạm vào thức ăn và đợi bé đưa thức ăn vào miệng bằng môi trên.
  • Bé đã bắt đầu quan tâm để ý đến chiếc thìa của mẹ. Mẹ có thể đưa cho bé cầm một chiếc thìa khi cho bé ăn.

CÁCH ĐÚT CHO BÉ ĂN QUA TỪNG GIAI ĐOẠN MẸ NÊN BIẾT

Cách đút thìa cho bé

Sai lầm của mẹ

  • Mẹ thường đút nhanh và liên tục mà không để ý quan sát cử động và phản ứng của bé. Bé có thể từ chối ăn khi cảm nhận được áp lực từ phía mẹ. Bé cũng có thể lắc đầu, mím chặt môi hoặc nhè thức ăn ra. Bé muốn thể hiện rằng bé không đói và mẹ cần tôn trọng nhu cầu của bé.
  • Mẹ làm gián đoạn bữa ăn của bé bằng TV, Ipad, điện thoại… Thay vào đó mẹ cố gắng giữ không khí giờ ăn thật thoải mái và thong thả.
  • Mẹ ép bé ăn dẫn đến tâm lý sợ thìa, sợ đồ ăn.

Giờ thì mẹ và bé đã phối hợp nhuần nhuyễn kỹ năng đút thìa rồi. Thời gian cứ thế trôi và đã đến lúc con lớn. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì mẹ nên ngừng đút thìa cho bé? Mời ba mẹ đọc tiếp.

Giai đoạn từ 9 tháng tuổi

Đặc trưng lớn nhất của giai đoạn này chính là bé bắt đầu có nhu cầu TỰ ĂN. Nếu để đồ ăn trước mặt, bé sẽ bốc và cho vào miệng. Bé đang khám phá hình dạng, kết cấu, hương vị của món ăn và cảm nhận bằng miệng, bằng các ngón tay.

Bé bắt đầu có cử động lưỡi lên xuống, biết đẩy thức ăn đến hàm và nghiền nát, hoặc gặm đồ ăn bằng răng cửa.

Bé cũng tỏ ra rất hào hứng khi được tham gia vào bữa ăn chung của cả gia đinh. Vậy đến đây mẹ hãy cân nhắc việc tiếp tục đút thìa cho bé hay không nhé!

Nếu vẫn quyết định đút thìa cho bé 9 tháng tuổi, mẹ vẫn áp dụng các kĩ năng như các tháng trước như bình thường.