Khoai lang vốn được đánh giá là nguồn thực phẩm tự nhiên số 1 dành cho lứa tuổi ăn dặm bởi thực phẩm này giàu vitamin, canxi để giúp bé sáng mắt, tăng cường sự phát triển của hệ thần kinh. Đồng thời, lượng chất xơ dồi dào còn rất tốt đối với hệ tiêu hóa non nớt của bé, hạn chế các vấn đề về táo bón.
Vậy nấu cháo khoai lang với gì cho bé ăn dặm? Khoai lang nấu cháo ăn dặm cho bé có thể kết hợp với các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt bò… kết hợp với cá hồi, tôm, trứng, các loại rau như cà rốt, rau cải, rau dền… để nấu cháo cho bé.
Khoai lang là thực phẩm giàu dinh dưỡng dành cho bé ăn dặm
Cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm 7 tháng tuổi trở lên
Khoai lang là một loại củ có vị ngọt, nhiều chất xơ và có thể cho bé ăn dặm từ 6-7 tháng trở lên. Tuy nhiên, để cân bằng dinh dưỡng cho bé, mẹ có thể cho bé ăn từ 2-3 bữa/tuần và nấu kết hợp với các loại thực phẩm khác. Những món cháo khoai lang cho bé ăn dặm ngon và đơn giản các mẹ có thể tham khảo:
1. Cháo khoai lang thịt bò
Sau đây là hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện món cháo khoai lang với thịt bò dành cho các bé ăn dặm hàng ngày mà các mẹ có thể tham khảo.
1.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g gạo tẻ (hoặc loại gạo đã xay dành cho bé ăn dặm)
– 1/2 củ hoặc 100gr khoai lang vàng, khoai lang tím
– 100g thịt bò ngon (loại không có gân)
1.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm với thịt bò
– Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc.
– Cho gạo và khoai lang vào nấu cháo, ninh nhừ.
– Rửa sạch thịt bò với nước muối loãng.
– Thái băm, miếng thịt bò thật nhỏ. Do trẻ mới ăn dặm nên mẹ cho thịt bò vào xay nhỏ cũng được.
– Khi cháo chín thì lấy cháo và khoai ra lọc qua rây hoặc xay nhỏ.
– Cho cháo và thịt bò đã xay vào nấu cùng, đến khi thấy tất cả đã chín thì đặt trên bếp khoảng 3-5 phút rồi múc ra cho bé ăn.
– Mẹ nên cho bé ăn cháo khi cháo còn ấm nóng.
Lưu ý: Ngoài thịt bò, mẹ cũng có thể nấu cháo khoai lang cho bé với các loại thịt khác như thịt gà, thịt heo (thịt lợn)…với cách chế biến tương tự.
2. Cháo khoai lang trứng gà
Trứng gà là thực phẩm bổ dưỡng mà các mẹ nên cho bé sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên trẻ nhỏ từ 6-7 tháng tuổi đang tập ăn dặm thì chỉ nên sử dụng lòng đỏ trứng mà thôi, bởi lòng trắng trứng chứa nhiều Cholesterol có thể khiến trẻ khó tiêu.
2.1. Nguyên liệu chuẩn bị
1/2 củ khoai lang (khoai lang tím hoặc khoai lang vàng)
1/2 lòng đỏ trứng gà
50g gạo nấu cháo cho bé
2.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với trứng gà
– Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, mang đi hấp chín.
– Khi khoai đã chín thì mẹ hãy nghiền nhuyễn khoai, trộn kèm cùng với chút nước lọc.
– Vo gạo sạch rồi cho vào nấu cháo nhừ và rây nhuyễn.
– Cháo rây xong cho lại vào nồi, mẹ cho khoai lang đã nghiền mịn, lòng đỏ trứng khuấy đều, đun sôi trong khoảng 2 phút thì tắt bếp.
– Đổ cháo ra bát, để đến khi cháo còn ấm nóng thì cho bé thưởng thức.
3. Cháo cá hồi khoai lang cho bé
Cá hồi có nhiều dinh dưỡng tốt cho trẻ. Trẻ 7 tháng trở nên mới được ăn cá hồi và 1 tuần ăn tối đa 3 bữa.
3.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g cá hồi phi lê
– 100g khoai lang
– 50g gạo tẻ + 50g gạo nếp
– 1/2 củ hành tây
– Gia vị cho bé
Khoai lang và cá hồi cho bé ăn dặm từ tháng thứ 7
3.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với cá hồi
– Gạo nếp và gạo tẻ trộn đều rồi vo sạch, cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
– Cá hồi rửa với nước muối loãng. Sau đó rửa lại với nước sạch. Hành tây bóc vỏ, rửa sạch.
– Cá hồi và hành tây băm thật nhỏ. Sau đó đun nóng 1 xíu dầu ăn, cho hành tây và cá hồi vào xào chín tới với lửa vừa. Nên một xíu gia vị cho bé để cá đậm vị.
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi cho vào hấp chín. Sau đó tán nhuyễn.
– Cháo sau khi đã chín nhừ, cho thịt cá hồi xào chín tới với hành tây, khoai lang vào, khuấy đều và nấu thêm 2 – 3 phút (Nếu lượng cháo nhiều mẹ có thể bớt lại trước khi cho hỗn hợp cá, khoai vào nấu).
– Sau khi nấu xong mẹ rây lại cháo cho thật mịn rồi nêm xíu dầu ô liu vào cháo, để nguội bớt và cho bé ăn khi cháo còn ấm nóng.
4. Cháo yến mạch khoai lang
Yến mạch là loại ngũ cốc bổ dưỡng, giàu khoáng chất thích hợp để nấu thành cháo cho các bé của bạn ăn dặm.
4.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 30g yến mạch
– 30g gạo
– 80g khoai lang tím
4.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với yến mạch
– Gạo vo và ngâm nước 1 tiếng cho nở. Sau đó vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo.
– Khoai lang tím rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái hạt lựu nhỏ. Sau đó cho vào nồi cháo ninh nhừ.
– Yến mạch ngâm với nước lạnh 15 – 20 phút cho nở. Sau khi cháo khoai lang chín nhừ thì cho yến mạch ngâm nở vào nấu cùng. Nấu khoảng 5 phút nữa cho yến mạch chín. Nêm xíu gia vị cho bé vào.
– Cháo yến mạch khoai lang chín mềm, rây lại cháo cho bé. Thêm 1 xíu dầu ăn cho bé và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
Cháo yến mạch khoai lang tím thơm ngon
5. Cháo khoai lang phô mai
Phô mai là nguyên liệu thơm ngon, bổ dưỡng mà các mẹ có thể sử dụng để nấu cháo cùng với khoai lang cho bé ăn dặm hàng ngày.
5.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 100g gạo
– 1 củ khoai lang
– 1 miếng phô mai
– Gia vị cho bé
5.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm với phô mai
– Khoai lang rửa sạch, gọt hết vỏ rồi cắt khúc, hấp chín. Sau đó tán nhuyễn mịn.
– Gạo vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
– Cháo chín nhừ thì cho khoai lang đã tán nhuyễn vào, khuấy đều, nấu thêm 2 phút rồi tắt bếp.
– Cho tiếp phô mai vào, nêm nếm gia vị, khuấy cho tan hết rồi rây lại cháo và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
6. Cháo khoai lang bí đỏ
Bí đỏ là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, giàu vitamin C và các khoáng chất phù hợp cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ.
6.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g khoai lang
– 50g bí đỏ
– 30g gạo
– 1 miếng phô mai nhỏ
– Gia vị cho bé
6.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với bí đỏ
– Khoang lang và bí đỏ rửa sạch gọt vỏ, thái nhỏ rồi cho vào hấp chín nhừ. Tán nhuyễn.
– Gạo vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
– Cháo chín nhừ thì cho khoai lang và bí đỏ vào nấu cùng, khuấy đều tay khoảng 2 phút, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
– Cho phô mai vào khuấy cùng cháo rồi rây lại cháo. Cho bé ăn khi còn ấm nóng.
Với cách nấu khoai lang bí đỏ này, mẹ có thể thay thế bí đỏ bằng cà rốt, bí xanh… để đa dạng bữa ăn cho bé.
7. Cháo tôm khoai lang
Mẹ có thể cho bé 7 tháng ăn cháo tôm khoai lang nhưng nên cho bé ăn từ từ từng chút một. Một tuần có thể cho bé ăn 1 – 2 bữa.
7.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 3 con tôm sú
– 30 – 50g khoai lang
– 30g gạo
7.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với tôm
– Gạo vo sạch rồi bỏ vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi hấp chín, tán nhuyễn.
– Tôm bóc hết vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ lưng rồi rửa sạch. Thái hạt lựu nhỏ, ướp với 1 xíu gia vị cho bé. Phần đầu tôm rửa sạch, cho vào luộc với 1 xíu nước 5 phút rồi vớt ra chắt lấy phần nước.
– Cho xíu dầu ăn vào chảo, đun nóng rồi cho tôm vào xào. Thêm phần nước luộc đầu tôm vào xào cùng cho chín tôm thì tắt bếp.
– Cháo chín nhừ thì cho khoai lang vào nấu cùng, khuấy đều tay. Tiếp đó cho tôm vào, đảo đều tay nấu khoảng 2 phút thì tắt bếp.
– Cho cháo vào máy xay xay nhuyễn, rây lại. Cho bé ăn khi cháo tôm khoai lang còn ấm nóng.
8. Cháo khoai lang đậu xanh cho bé
Đậu xanh chứa nhiều khoáng chất, vitamin và các hoạt chất chống oxy hóa, chống viêm tốt cho cơ thể. Ngoài ra đậu xanh rất dễ chế biến và thích hợp để nấu cháo cho các bé ăn dặm..
8.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g thịt gà
– 50g khoai lang
– 20g gạo tẻ
– 20g đậu xanh
8.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm với đậu xanh
– Thịt gà rửa với nước muối loãng. Sau đó cho vào luộc chín, vớt ra xé hoặc băm nhỏ.
– Đỗ xanh ngâm 30 phút cho mềm, vo sạch. Gạo vo sạch rồi cho tất cả vào phần nước luộc gà nấu thành cháo chín mềm.
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, thái khúc rồi hấp chín. Tán nhuyễn.
– Cháo chín mềm nhừ thì cho thịt gà, khoai lang vào nồi cháo đậu xanh, khuấy đều tay nấu thêm 3 phút. Nêm nếm gia vị cho bé vừa ăn rồi tắt bếp.
– Cho cháo vào máy xay xay thật nhuyễn mịn. Rây lại cháo và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
9. Cháo khoai lang cà rốt
Cà rốt rất thích hợp để làm nguyên liệu nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm 6 tháng. Các mẹ có thể tham khảo cách thực hiện sau đây.
9.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g khoai lang
– 30g gạo tẻ
– ½ củ cà rốt
9.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với cà rốt
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái nhỏ rồi đem đi hấp thật chín, sau đó nghiền nhỏ mịn.
– Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ rồi cũng mang đi hấp chín, sau đó nghiền cho thật mịn.
– Gạo vo sạch, cho vào nồi để nấu chín cùng với khoai lang và cà rốt.
– Sau khi cháo đã chín nhừ, dùng rây lọc cháo rồi mới cho bé ăn dặm.
10. Cháo rau ngót khoai lang
Rau ngót là một loại rau giàu dinh dưỡng, thường xuyên có mặt trong các món ăn dặm cho bé từ 6-7 tháng tuổi trở lên, các mẹ không nên bỏ qua nhé.
10.1. Nguyên liệu chuẩn bị
– 50g khoai lang
– 30g gạo tẻ
– 30g rau ngót
10.2. Cách nấu cháo khoai lang cho bé với rau ngót
– Rau ngót nhặt sạch, đem rửa rồi nấu chín, sau đó đem đi xay nhuyễn.
– Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch rồi đem đi hấp chín, sau đó nghiền thật mịn.
– Gạo vo sạch sẽ, đem đi nấu cháo cùng với khoai lang và rau ngót.
– Đến khi cháo chín hoàn toàn, đem cháo lọc qua rây rồi mới cho bé thưởng thức.
Lưu ý khi nấu cháo khoai lang cho bé 7 tháng ăn dặm
– Đối với những bé ăn dặm từ 7 tháng tuổi trở đi, các mẹ có thể không cần rây lại cháo trước khi cho bé ăn.
– Khoai lang nấu cháo cho bé ngon nên chọn củ khoai còn cứng, tươi, không bị nứt, thâm hay dập. Không nên ham mua những củ quá to bởi dễ bị xơ, nên chọn loại củ cỡ vừa. Với những củ khoai lang bị rỗ, hỏng, có màu đen hoặc bị hà, đã hỏng, khi ăn rất đắng và không tốt cho trẻ nhỏ.
– Khoai lang mua ăn không hết bảo quản nơi thoáng mát, không nên để trong tủ lạnh. Bảo quản khoang lang từ 7 – 10 ngày, không nên để quá lâu khoai sẽ mất chất. Mẹ cũng có thể gọt sạch vỏ khoai, rửa sạch rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để cho bé ăn dần.
Những cách nấu cháo khoai lang cho bé ăn dặm vô cùng đơn giản, bố mẹ có thể thêm các loại rau như rau dền, rau cải, cà rốt… để đổi bữa cho bé.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cach-nau-chao-khoai-lang-cho-be-an-dam-tu-7-thang-…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cach-nau-chao-khoai-lang-cho-be-an-dam-tu-7-thang-tuoi-tot-cho-he-tieu-hoa-d249870.html
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!