Bàn tay nằm ở cuối một cánh tay, là một trong những bộ phận quan trọng nhất của con người. Bàn tay giúp con người cầm nắm và còn đảm nhận những hoạt động đòi hỏi sự tinh vi, phức tạp như cầm bút để viết, để vẽ. Nó còn là nơi nhận nhiều phản hồi cảm giác xúc giác cho cơ thể. Vì vậy, việc nắm được những xấu tạo cơ bản của bộ phận này có thể giúp bạn đọc bảo vệ và chăm sóc nó tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu cấu tạo bàn tay trong bài viết sau đây nhé!
Cấu tạo bàn tay
Chúng ta có 5 ngón tay, mỗi ngón đều có tên riêng để phân biệt.
- Ngón cái hay còn được gọi là ngón I. Đây là ngón đầu tiên tính từ phải sang trái khi lòng bàn tay ngửa.
- Ngón trỏ hay còn được gọi là ngón II, là ngón tiếp theo của ngón cái.
- Kế đó là ngón giữa, hay ngón III, là ngón nằm chính giữa 5 ngón tay. Đây là ngón tiếp theo của ngón trỏ.
- Ngón áp út, hay là ngón IV, đây là ngón liền kề ngón giữa. Trong cuộc sống, chúng ta thường gọi bằng cái tên thân thuộc khác đó là ngón đeo nhẫn.
- Ngón út là ngón V, là ngón cuối cùng của bàn tay. Đúng như tên gọi của nó, đây là ngón nhỏ nhất trong 5 ngón tay.
Trong 5 ngón tay, ngón cái là ngón có tầm vận động lớn nhất và tinh tế nhất. Không kể ngón cái, 4 ngón còn lại có thể cầm nắm được các vật thể trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, chỉ có ngón cái mới thực hiện được các động tác đối ngón tay. Vì vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong những hoạt động tinh vi của bàn tay.
Hệ thống xương bàn tay
Hệ thống xương khớp của bàn tay rất phức tạp và tinh tế. Bạn biết không, ở người, mỗi tay có 27 cái xương. Trong đó, khối xương cổ tay có 8 xương, xương bàn tay có 5 xương, 5 ngón tay có tổng cộng 14 xương. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết cấu trúc các xương này như thế nào nhé!
Khối xương cổ tay
Xương cổ tay (carpal bones) là khối xương nối liền xương cẳng tay và bàn tay. Có 8 xương tất cả, được sắp xếp thành hai hàng: hàng trên và hàng dưới, chia đều mỗi hàng 4 xương. Tình từ ngoài vào trong:
- Hàng trên có: xương thuyền (scaphoid), xương nguyệt (lunate), xương tháp (triquetrum) và xương đậu (pisiform).
- Hàng dưới có: xương thang (trapezium), xương thê (trapezoid), xương cả (capitate) và xương móc (hamate).
Những xương này được gắn chặt với nhau vào một ổ xương không sâu và bởi các hệ thống dây chằng phức tạp.
Tất cả các xương cổ tay đều thuộc loại xương ngắn. Nhìn chung, mỗi xương có 6 mặt. Có các mặt không tiếp khớp, đó là các mặt phía mu bàn tay và lòng bàn tay. Các mặt còn lại tiếp khớp với các xương ở phía trên, ở phía dưới hoặc bên cạnh nó. Mặt trên của ba xương bên ngoài của hàng trên tiếp khớp với xương quay (xương đậu nằm trước xương tháp), mặt dưới của chúng tiếp khớp với mặt trên của các xương hàng dưới. Mặt dưới của các xương hàng dưới tiếp khớp với các xương đốt bàn tay.
Xương bàn tay
Có 5 xương đốt bàn tay (metacarpals), được gọi tên theo thứ tự từ ngoài vào trong là các xương bàn tay I, II, III, IV và V. Mỗi xương này là một xương dài có thân (body) và hai đầu. Đầu gần gọi là nền (base) có các mặt khớp để tiếp khớp với xương cổ tay và với các xương đốt bàn kế cận. Trong khi đó, đầu xa là chỏm (head) hình bán cầu tiếp khớp với đốt gần của ngón tay tương ứng.
Xem thêm: Gãy xương bàn tay và những điều cần biết
Các xương ngón tay
Mỗi ngón tay có 3 đốt xương: đốt gần, đốt giữa và đốt xa theo thứ tự đi từ xương đốt bàn tay đi xuống. Trừ ngón cái chỉ có hai đốt: đốt gần và đốt xa. Tương tự như xương bàn tay, mỗi đốt xương ngón tay đều có 3 phần: nền, thân và chỏm.
Các khớp ở bàn tay
Chúng ta vừa tìm hiểu xong những cấu trúc xương cơ bản ở vùng bàn tay. Rõ ràng, vùng bàn tay tuy nhỏ nhưng lại có số lượng xương cấu thành rất lớn. Vì vậy, để có được một bàn tay chuyển động mềm mại, tinh tế, các khối xương này cần được tiếp khớp với nhau một cách hoàn hảo. Nhờ các khớp mà tay ta có thể nắm thả, hoạt động một cách linh hoạt, làm được những cử chỉ tinh vi một cách dễ dàng.
Các khớp tay bao gồm:
- Khớp gian đốt ngón tay (Interphalangeal articulations of hand) là khớp nối giữa các đốt ngón tay lại với nhau.
- Khớp nối xương bàn tay (Metacarpophalangeal joints).
- Khớp gian xương cổ tay (Intercarpal articulations).
- Khớp cổ tay – bàn tay.
- Khớp quay – cổ tay.
Các cơ của bàn tay
Các cơ này có thể chia thành hai nhóm chính: nhóm cơ ngoại lai và nhóm cơ nội tại. Trong đó, nhóm cơ ngoại lai là nhóm cơ có điểm xuất phát ở vùng cẳng tay và bám tận vào xương vùng bàn tay. Những cơ này tạo ra các cử động mạnh nhưng thô sơ của các ngón tay. Ngược lại, nhóm cơ nội tại là nhóm cơ có xuất phát và bám tận đều ở vùng bàn tay. Nhóm cơ này tạo ra các cử động yếu nhưng tinh tế và chính xác của các ngón tay.
Vùng gan bàn tay
Lớp nông
Lớp nông của gan bàn tay bao gồm các thành phần sau:
- Da và tổ chức dưới da.
- Mạch máu và thần kinh nông.
- Mạc nông.
Mạc nông của gan tay mỏng ở chỗ che phủ các cơ mỏ út và mô cái nhưng dày lên ở vùng giữa gan tay, tạo nên cân gan tay. Cân gan tay có hình tam giác, đến gan tay chia làm bốn dải rộng đến nền bốn ngón tay. Ở đầu gần các xương bàn tay, các dải này nối với nhau bởi các bó ngang.
Lớp sâu
-
Mạc giữ gân gấp
Mạc giữ gân gấp cùng với các xương cổ tay tạo thành một ống xương xơ gọi là ống cổ tay. Ống cổ tay chứa thần kinh giữa và các gân gấp. Vì vậy, khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua cổ tay gây nên hội chứng ống cổ tay.
Bên trong, mạc này bám vào xương đậu và móc của xương móc. Bên ngoài, nó bám vào củ xương thuyền và củ xương thang. Vai trò của mạc này là giữ các gân gấp không bật ra ngoài khi cổ tay gấp.
-
Các cơ gan tay
Các cơ của bàn tay có thể được chia thành 3 nhóm:
1. Nhóm cơ mô cái ở ngoài cùng
Nhóm cơ mô cái vận động cho ngón tay cái và tạo nên mô cái (ụ lồi tròn ở phần ngoài gan tay). 4 cơ của nhóm này là: cơ dạng ngón cái ngắn, cơ đối ngón cái, cơ gấp ngón cái ngắn và cơ khép ngón cái.
2. Nhóm cơ mô út ở trong cùng
Nhóm cơ mô út vận động cho ngón út và tạo nên mô út (ụ lồi tròn ở phần trong gan tay). Nhóm này có 3 cơ là: cơ dạng ngón út, cơ gấp ngón út ngắn và cơ đối ngón út, cơ gan tay ngắn.
3. Nhóm cơ giun và nhóm gân gấp ở giữa
Các gân cơ gấp các ngón nông và gấp các ngón sâu sau khi đi qua ống cổ tay thì xếp thành hai hớp. 4 gân gấp các ngón nông ở lớp trước và 4 gân gấp các ngón sâu ở lớp sau.
Có 4 cơ giun đánh số thứ tự từ ngón cái là 1, 2, 3, 4. Vai trò của các cơ giun là gấp các khớp bàn – ngón tay, duỗi các khớp gian đốt gần, xa.
Mu tay
Lớp nông
Lớp nông của mu tay gồm:
- Da và tổ chức dưới da.
- Mạch máu và thần kinh nông.
- Mạc nông.
- Lớp gân: Gân của các cơ từ vùng cẳng tay sau đi xuống.
Lớp sâu
Các cơ mu tay:
- Có 8 cơ gian cốt nằm giữa các xương đốt bàn tay. Chúng gồm 4 cơ gian cốt mu tay phát sinh từ các bờ của xương bàn tay lân cận. Bốn cơ gian cốt gan tay phát sinh từ mặt trước các xương bàn tay I, II, IV, V.
- Các cơ gian cốt và cơ giun có tác dụng chung là gấp khớp bàn đốt, duỗi khớp gian đốt gần và gian đốt xa. Ngoài ra, cơ gian cốt mu tay còn dạng các ngón, cơ gian cốt gan tay khép các ngón.
Chức năng của bàn tay
Cầm nắm vật thể cũng như những hoạt động tinh vi
Đây là chức năng chính của bàn tay. Ví dụ như cầm bút viết, vẽ, chụm các ngón tay để nhặt một đồng xu…
Đường chỉ tay và dấu vân tay
Sự hiện diện của các đường chỉ tay giúp ích cho sinh hoạt của con người khi nắm giữ các đồ vật được tốt hơn. Da ở mặt dưới của các đầu ngón tay có dấu vân tay, là một vùng rất đặc biệt. Những dấu vân tay là một dấu ấn không ai giống ai. Vì vậy, nó được dùng để nhận dạng mỗi người.
Dự báo tình trạng sức khỏe
Màu sắc lòng bàn tay cũng rất quan trọng. Bình thường, nó hồng hào. Lòng bàn tay nhạt màu có thể liên quan đến tình trạng thiếu máu hoặc màu vàng có thể báo hiệu bệnh lý gan mật. Lòng bàn tay son có thể báo hiệu bệnh xơ gan.
Trên đầu ngón tay có móng tay. Hình dạng, màu sắc của ngón tay không chỉ có vai trò thẩm mỹ mà nó còn có vai trò dự báo cho sức khỏe của bạn. Ví dụ, bình thường móng tay hồng hào, nhưng trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt, ta thấy móng tay nhạt màu.
Phản ánh đặc điểm sinh học
Mỗi bàn tay được điều khiển bởi một bán cầu não đối lập. Bàn tay trái được bán cầu não phải chỉ huy và ngược lại. Do đó, việc thuận tay nào có thể phản ánh rõ đặc điểm của cá nhân của mỗi người.
Những điều cần lưu ý để bảo vệ bàn tay
Vệ sinh sạch sẽ
Vì đây là nơi tiếp xúc nhiều bề mặt khác nhau nên nó chứa rất nhiều vi khuẩn, đặt biệt ở đầu ngón tay và kẽ móng tay. Để phòng tránh những tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể con người, việc vệ sinh sạch sẽ bàn tay là một việc rất quan trọng.
Đặc biệt, bạn cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần rửa tay theo các bước rửa tay thường quy để làm sạch mọi ngóc ngách trong bàn tay, đặt biệt là móng tay.
Cắt móng tay
Móng tay đóng vai trò thẩm mỹ đặc biệt đối với hội chị em phụ nữ. Tuy nhiên, móng tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Đây cũng là nơi khó vệ sinh sạch và vi khuẩn thường ẩn nấp ở các kẽ móng tay. Vì vậy, cắt móng tay thường xuyên là việc làm rất quan trọng trong việc vệ sinh sạch sẽ bàn tay, ngăn ngừa vi khuẩn.
Xem thêm: Bí quyết chăm sóc móng.
Mang găng tay
Bạn biết đó, bàn tay cũng là bộ phận rất nhạy cảm. Vì vậy, trong mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với hóa chất và các chất bẩn, bạn nên mang găng tay phù hợp để bảo vệ bàn tay. Không những vậy, chúng còn bảo vệ cơ thể không tiếp xúc với những hóa chất độc hại.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin thú vị về cấu tạo cũng như đặc điểm của cơ xương khớp vùng bàn tay. Bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của con người. Do đó, bạn hãy cố gắng duy trì những thói quen tốt để bảo vệ bàn tay cũng như sức khỏe bản thân nhé!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!