Thai hành 3 tháng đầu là cách gọi dân dã của tình trạng ốm nghén xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ khiến bà bầu mệt mỏi. Trong bài viết này, các chuyên gia Tổ hợp y tế MEDIPLUS sẽ giải thích rõ nguyên nhân và các giải pháp an toàn giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
1. Thai hành 3 tháng đầu thực chất là gì?
Cụm từ “thai hành” thực chất không phải là một cụm từ mang tính khoa học. Đây là cách nhiều bà bầu dùng để thể hiện tình trạng ốm nghén trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất của mình. Lúc này, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi bên trong khiến cơ thể có những cảm giác khó chịu. Điển hình như:
- Cảm giác buồn nôn, nôn do nồng độ hormone Progesterone tăng lên khiến cho các cơ hệ tiêu hóa bị giãn, thức ăn bị đẩy lên thực quản khiến cho mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.
- Da mặt nổi mụn, sần sùi, sạm nám do nồng độ hormone Estrogen tăng lên
Ngoài ra, mẹ bầu 3 tháng đầu còn gặp những tình trạng gây khó chịu khác cho cơ thể như mất ngủ, khó ngủ, ho, đau lưng, đau đầu, khó thở, tâm trạng thất thường,… Trong phần tiếp theo sẽ giúp mẹ bầu tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp cho các vấn đề thường hay gặp phải mà các mẹ thường gọi là “thai hàng” 3 tháng đầu thai kỳ.
2. 13 dấu hiệu “thai hành 3 tháng đầu” bà bầu hay gặp nhất
2.1. Ốm nghén
Ốm nghén là tình trạng mà gần như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Lý do các bà bầu 3 tháng đầu bị ốm nghén là do sự thay đổi nội tiết tố, hormone chorionic gonadotropin (HCG) tăng cao làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất của cơ thể. Ốm nghén gây ra nhiều biểu hiện khác nhau như:
- Nôn
- Chán ăn hoặc không ăn được
- Sợ mùi hương
- Cơ thể mệt mỏi
- Chóng mặt
- Có thể sụt cân
- …
Để khắc phục tình trạng ốm nghén này, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Nên chia thành nhiều bữa nhỏ: Vì ăn quá no vào 1 bữa có thể khiến mẹ bầu dễ bị ngán và gây áp lực cho dạ dày. Tốt nhất mẹ bầu nên chia thành 4 – 6 bữa một ngày.
- Bổ sung dưỡng chất bằng nhiều cách: Ngoài việc nên ăn đa dạng các thực phẩm: rau xanh, quả tươi, thịt,… thì mẹ bầu 3 tháng cũng nên cân nhắc uống bổ sung các loại viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là viên sắt sẽ rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
- Sử dụng gừng để làm giảm sự: khó chịu của dạ dày, cải thiện chứng buồn nôn. Mẹ bầu có thể cho vài lát gừng vào trong trà, món ăn hàng ngày.
2.2. Mất ngủ hoặc khó ngủ
“Thai hành 3 tháng đầu” tiếp theo mà các mẹ hay gặp phải là đó là tình trạng mất ngủ, cụ thể là:
- Khó vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc
- Số giờ ngủ ít hơn 6h/ngày
Thông thường, nguyên nhân gây ra tình trạng này là do:
- Thay đổi nồng độ hormone: Tình trạng thay đổi nồng độ hormone estrogen, progesterone trong 3 tháng đầu làm hơi thở chậm và sâu hơn khiến cho mẹ bầu dễ bị mất ngủ hoặc khó bắt đầu vào giấc ngủ.
- Lượng máu trong cơ thể tăng lên: 3 tháng đầu là giai đoạn mệt mỏi nhất của mẹ bầu khi cơ thể phải huy động máu và lượng oxy lớn để hình thành nhau thai, nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ngủ ở mẹ bầu.
- Ốm nghén: Trong giai đoạn đầu mang thai, mẹ bầu sẽ gặp tình trạng ốm nghén, nôn, ăn uống kém, mệt mỏi,… làm cho mẹ bầu dễ bị ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Cách khắc phục tình trạng mất ngủ hoặc khó ngủ
Để có thể nhanh chóng vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc thì mẹ bầu cần phải chú ý tới nhiều yếu tố trong chế độ sinh hoạt. Cụ thể là:
- Vào mỗi buổi tối trước giờ đi ngủ khoảng 2 – 3 giờ, mẹ bầu có thể ăn một bát chè sen hoặc một cốc sữa ấm để bắt đầu giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Tránh ăn no trước đi ngủ vì nếu thức ăn chưa tiêu hóa hết có thể gây ra đầy bụng, chướng bụng, làm ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ.
- Vận động thường xuyên giúp mẹ bầu tăng cường lưu thông máu, cải thiện tâm trạng và làm cho mẹ bầu dễ ngủ hơn. Mỗi ngày mẹ bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, tập yoga,… trong khoảng 30 phút là phù hợp.
- Có tư thế ngủ thoải mái nhất: Ba tháng đầu thai kỳ, thai nhi còn nhỏ nên mẹ có thể nằm bất cứ tư thế nào miễn là mẹ bầu cảm thấy dễ chịu nhất. Còn khi bụng to hơn mẹ nên nằm nghiêng sang trái, đầu gối uốn cong và gác chân lên cao để cải thiện tuần hoàn máu, giảm thiểu phù nề.
- Ngâm chân 20 – 30 phút mỗi ngày để mạch máu lưu thông, giảm đau nhức, khiến cho cơ thể khoan khoái và dễ ngủ hơn. Mẹ bầu có thể cho thêm chút sả, gừng cùng chút muối hột ngâm chân trong nước ấm mỗi tối.
2.3. Đau bụng, tức bụng
Những biểu hiện như đau bụng lâm râm, căng tức vùng bụng với tần suất thấp, không lặp lại hàng ngày khiến nhiều mẹ bầu khó chịu và lo lắng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là:
- Do trứng đang di chuyển vào lớp niêm mạc tử cung gây cảm giác đau bụng dưới ở bà bầu mang thai 3 tháng đầu. Đau tức bụng sẽ mất đi sau khoảng vài ngày mà không cần can thiệp điều trị.
- Do nồng độ hormone progesterone tăng lên làm giãn cơ, giảm nhu động ruột, khiến hệ hóa làm việc chậm hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến bà bầu bị đầy hơi khó chịu, táo bón thai kỳ.
Để làm giảm triệu chứng khó chịu này mẹ bầu 3 tháng có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tắm nước ấm giúp tuần hoàn máu tốt hơn, làm giãn cơ và giúp mẹ bầu thư giãn, giảm stress,… từ đó triệu chứng đau tức bụng có thể giảm dần.
- Tránh ngồi lâu cùng tư thế, sau 30 phút mẹ bầu nên thay đổi tư thế hoặc vận động nhẹ nhàng. Việc giữ nguyên một tư thế lâu sẽ làm cho máu không thể lưu thông hoặc gây áp lực cho vùng bụng dẫn tới đau bụng.
- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập yoga 30 phút mỗi ngày cũng giúp mẹ bầu thoải mái hơn và làm giảm đau tức bụng.
- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều kali và canxi như: quả sấy khô, măng tây, rau xanh đậm, bông cải xanh, sữa, sữa chua… để giúp hệ xương, cơ khoẻ mạnh và làm giảm tình trạng phù nước, chuột rút, đau tức bụng.
Lưu ý: Trường hợp đau bụng kéo dài trên 2 tuần, đau liên tục hàng ngày… thì mẹ bầu nên thăm khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
2.4. Đau lưng
Vấn đề “thai hành 3 tháng đầu” hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là đau lưng thường có các biểu hiện như: đau mỏi thắt lưng, mỏi lưng, khó khăn khi sinh hoạt (di chuyển, cúi xuống…). Cũng giống như đau bụng, việc đau lưng lâm râm là dấu hiệu thường gặp và không quá nguy hiểm.
Thông thường nguyên nhân là do:
- Làm việc, ngồi sai tư thế: Khi mang thai trọng tâm của người mẹ dễ bị thay đổi, vì thế khi ngồi mẹ bầu nên tránh ngồi thẳng lưng quá, có thể dẫn tới đau, mỏi lưng.
- Tăng cân: Trong 3 tháng đầu mang thai mẹ bầu có thể đã tăng 2 – 4kg, và cơ thể phải gánh chịu trọng lượng tăng thêm đó nên gây ra đau thắt lưng. Bên cạnh đó, sự phát triển của thai nhi sẽ gây áp lực cho mạch máu và xương chậu gây ra triệu chứng đau mỏi lưng.
- Có bệnh lý về cột sống như vôi hóa cột sống, gai cột sống… sẽ khiến mẹ bầu gây ra đau mỏi lưng hơn khi mang thai 3 tháng đầu.
Để khắc phục tình trạng này mẹ bầu có thể thực hiện một số cách dưới đây:
- Chú ý tư thế đi lại, đứng, ngủ phù hợp: Khi đi hãy giữ cho lưng và đầu thẳng hàng, khi ngồi nên kê gối tựa đằng sau để đảm bảo cho lưng luôn được nâng đỡ.
- Bổ sung thực phẩm chứa canxi, magie như các loại đậu, chuối, rau màu xanh đậm, gạo lứt,… để giúp xương cơ chắc khỏe hơn, mô xương được tái tạo liên tục giúp mẹ bầu làm giảm đau mỏi lưng.
Tập các bài tập giảm đau lưng phù hợp, lưu ý nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ:
- Bài tập 1: Quỳ gối và chống tay xuống sàn nhà, đầu và lưng tạo thành 1 đường thẳng. Bài tập này giúp làm giảm áp lưng do thai nhi gây ra cho lưng, vì thế có tác dụng làm giảm đau lưng.
- Bài tập 2: Đứng tựa lưng vào tường, chân cách tường vài cm và hơi nâng đầu gối lên. Một tay đặt vào thắt lưng và nghiêng mình về hướng đó, đổi tay và làm lại động tác. Thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần một cách nhẹ nhàng.
2.5. Tức ngực, khó thở, đau đầu
Tức ngực khó thở ở bà bầu mang thai 3 tháng đầu thường có một số biểu hiện như: đau tức ngực, khó thở đôi khi kèm theo triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn,…
Nguyên nhân gây tình trạng này có thể do:
- Hormone progesterone thường tăng cao trong 3 tháng đầu khiến cho máu hấp thu nhiều oxy, thể tích lồng ngực cùng lượng khí CO2 tăng lên gây triệu chứng khó thở cho bà bầu.
- Hoặc do bà bầu mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng sẽ gây tức ngực khó ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.
Để làm giảm triệu chứng tức ngực này mẹ bầu có thể thực hiện một số cách sau:
Tập bài tập thở
Để cung cấp được nhiều oxy hơn, làm giảm việc tức ngực, khó thở. Dưới đây là 2 bài tập thở mẹ bầu có thể tham khảo, tuy nhiên đừng quên hỏi ý kiến từ bác sĩ:
- Bài tập 1 – Thở đếm: Mẹ bầu nằm ngửa trên sàn, sau đó đặt 1 tay lên ngực, 1 tay lên bụng. Mẹ bầu bắt đầu bằng cách vừa hít vào vừa đếm đến 5, tiếp theo giữ yên hơi thở về đếm đến 8 rồi dần dần thở ra và thư giãn cơ thể. Lặp lại từ 10 – 15 lần mỗi ngày.
- Bài tập 2 – Thở sâu: Nằm ngửa trên sàn với tư thế thoải mái 1 tay đặt lên bụng, 1 tay đặt lên bụng, cong gối một góc nhẹ và bắt đầu thở sâu từ 8 – 10 lần.
Thay đổi tư thế nằm ngủ: Nếu như gặp tình trạng khó thở, tức ngực vào ban đêm mẹ bầu có thể chèn gối vào lưng hoặc nằm nghiêng sang trái.
Uống nhiều nước để giúp tăng cường đề kháng và cũng làm tăng quá trình lưu thông máu đến các cơ quan, đặc biệt là phổi, từ đó giảm khó thở.
Chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung viên sắt hoặc qua các thực phẩm như: củ dền đỏ, thịt bò, các loại hạt, nho khô,… Vì thiếu máu cũng sẽ làm cho mẹ bầu cảm thấy khó thở, tức ngực nhiều hơn.
Tập các môn thể dục phù hợp như đi bộ, bơi lội, yoga… đều đặn sẽ giúp mẹ bầu điều hòa, kiểm soát hơi thể dễ dàng, từ đó, giúp làm giảm triệu chứng khó thở.
2.6. Các vấn đề về da: da mặt nổi mụn, nám
Các vấn đề về da như mặt nổi mụn, nám, sạm da, da dễ đổ dầu hơn bình thường,… luôn là nỗi ám ảnh của nhiều mẹ bầu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chủ yếu do thay đổi nồng độ nội tiết tố và thói quen sinh hoạt:
- Do thay đổi nội tiết tố: Sự gia tăng về hormone androgen trong giai đoạn đầu mang thai làm cho da mẹ bầu dễ bị đổ nhờn, khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, dễ hình thành mụn. Còn về nám da thì nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ nội tiết tố nữ (Estrogen) tăng, kích thích quá trình sản sinh Melanin và hình thành nám.
- Do thói quen sinh hoạt: Ốm nghén khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn cùng với thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng sẽ gây nên các vấn đề về da.
Da bị nổi mụn và nám làm cho mẹ bầu bị tự ti, đôi khi stress gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày. Mẹ bầu có thể áp dụng những cách sau để khắc phục:
- Vệ sinh da đúng cách: Mẹ bầu nên rửa mặt sạch sẽ 2 lần mỗi ngày vào sáng tối. Cần rửa tay sạch sẽ trước khi sử dụng mỹ phẩm vì sẽ mang theo vi khuẩn và chất bẩn lên mặt.
- Chăm sóc da mụn: Mẹ bầu có thể sử dụng một số loại mỹ phẩm thiên nhiên giúp da cân bằng độ ẩm mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Việc làm này sẽ giúp mẹ bầu làm giảm lượng bã nhờn trên mặt gây bít lỗ chân lông và giảm mụn hiệu quả.
- Chế độ ăn uống: Tốt nhất là mẹ bầu nên bổ sung đủ nước mỗi ngày, cần ăn uống thanh đạm, ít dầu mỡ. Tích cực sử dụng các loại hạt, rau xanh và trái cây tươi để đẩy lùi mụn và nám sạm hiệu quả hơn.
- Thói quen đúng: Mẹ bầu không dùng tay nặn mụn, thường xuyên giặt chăn gối, gội đầu,… để tránh các loại vi khuẩn gây mụn tấn công da mặt và gây mụn.
2.7. Ho
Ho cũng là một hiện tượng mà nhiều mẹ bầu gặp phải trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu thường bị ho liên tục, ho nhiều lần trong ngày, ho khan, ho có đờm gây ra nhiều khó chịu và mệt mỏi.
Có 2 nguyên nhân gây ho ở bà bầu mang thai 3 tháng đầu là:
- Sức đề kháng suy giảm: khiến cho cơ thể dễ dàng bị vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh về đường hô hấp trên và dẫn tới triệu chứng ho. Hệ miễn dịch kém cũng khiến cơ thể trở nên nhạy cảm với thời tiết làm cho hệ hô hấp dễ bị kích ứng gây ho.
- Cơ thể thay đổi: Sự phát triển của thai nhi mỗi ngày tác động lên tử cung dẫn tới trào ngược acid dạ dày và gây kích thích cổ họng, dẫn tới ho ở bà bầu.
Ho không chỉ khiến mẹ bầu khó chịu mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thai nhi. Để khắc phục tình trạng này mẹ bầu cần:
- Thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó có biện pháp điều trị hữu hiệu và an toàn cho bà bầu mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ như súc miệng nước muối, sử dụng viên ngậm (theo chỉ định của bác sĩ)
- Tránh sử dụng một số loại thực phẩm như: đồ uống có ga, không dùng nước đá lạnh, hạn chế tiếp xúc với khói, bụi hoặc hóa chất có mùi,…
2.8. Tâm trạng thất thường
Vấn đề thai hành 3 tháng đầu cụ thể là trong khoảng từ tuần thứ 6 – 10, mẹ bầu bắt đầu xuất hiện tình trạng tâm trạng vui, buồn thất thường. Mỗi mẹ bầu sẽ phải trải qua một loại cảm xúc khác nhau thông thường là những cảm xúc tiêu cực và khóc là biểu hiện thường thấy (xuất hiện nhiều trong tuần thứ 6 – 10).
Tâm trạng căng thẳng cùng sự mệt mỏi trong thời gian mang thai khiến cho mẹ bầu dễ bị vui buồn quá độ, đôi khi mất phương hướng dẫn tới hoang mang gây xúc động quá độ và gây khóc khi mang thai 3 tháng đầu là hết sức bình thường.
Mang thai là cả giai đoạn khó khăn, mẹ bầu hãy biết tự cân bằng tâm trạng của mình bằng một số cách sau:
- Chia sẻ với bạn đời, người thân về khó khăn bản thân đang gặp phải trong giai đoạn đầu mang thai để nhận được sự đồng cảm, giúp gia tăng gắn kết tình cảm;
- Tích cực nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và vận động thể dục thể thao nhẹ nhàng để có được tâm trạng thoải mái góp phần duy trì sức khỏe tốt nhất cho mẹ bầu.
2.9. Sôi bụng
Sôi bụng khi mang thai 3 tháng đầu gây ra một số biểu hiện như: bụng phát ra âm thanh “ùng ục” từ đường ruột khi bụng đói, trung tiện nhiều, chướng bụng có thể kèm theo triệu chứng đầy hơi, buồn nôn, ợ nóng,…
Giai đoạn đầu mang thai thường mẹ bầu bồi bổ quá nhiều cơ thể dung nạp nhiều đồ ăn chứa nhiều đạm, sữa, chất béo,… khiến cho cơ thể chưa kịp tiêu hóa dẫn tới việc trướng bụng, sôi bụng liên tục.
Cách xử lý khi mẹ bầu bị sôi bụng
- Chế độ dinh dưỡng ít dầu mỡ: Mẹ bầu nên có chế độ ăn uống thanh đạm, ít dầu mỡ và không nên ăn quá no vào một bữa. Cách này giúp cơ thể nhanh chóng tiêu hóa thức ăn, ngăn chặn tình trạng đầy hơi, trướng bụng và giảm thiểu sôi bụng hiệu quả hơn.
- Uống nước gừng tươi: Gừng tươi có khả năng chống co thắt cơn co ruột, làm giảm đầy hơi, chướng bụng hiệu quả. Vì thế có tác dụng tích cực đối với việc làm giảm cơn sôi bụng, khó tiêu ở bà bầu.
- Uống nước gạo rang: Nước gạo rang có vị thơm, tính mát, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm sạch đường ruột. Cách này được nhiều chuyên gia Đông y khuyên dùng để làm giảm chứng đầy bụng, sôi bụng an toàn và hiệu quả.
- Ăn lá mơ lông: Lá mơ lông có tác dụng làm giảm đau, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa và tiêu hóa chất đạm nhanh chóng nên có tác dụng làm giảm sôi bụng, đầy bụng một cách nhanh chóng. Bà bầu chỉ việc dùng lá mơ lông rửa sạch và ăn kèm cơm như rau hoặc giã nhỏ lấy nước uống.
2.10. Táo bón
Táo bón ở bà bầu thường gây ra một số triệu chứng như phân khô cứng, đi đại tiện phải rặn mạnh, thời gian đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, đầy bụng, chán ăn,…
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ táo bón ở bà bầu gồm:
- Sự thay đổi nội tiết tố: Trong 3 tháng đầu mang thai cơ thể tiết ra nhiều hormone progesterone gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nhu động ruột và quá trình đẩy chất thải ra ngoài diễn ra chậm, vì thế bà bầu rất dễ bị táo bón.
- Ít vận động: Giai đoạn đầu mang thai bà bầu cần phải đi lại cẩn trọng, nhẹ hàng, hạn chế vận động. Từ đó, chứng táo bón dễ hình thành hơn ở mẹ bầu.
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Ốm nghén làm cho mẹ bầu ăn uống kém và thường chỉ ăn được vài món nhất định. Cơ thể không được cung cấp chất xơ làm cho nhu động ruột hoạt động kém và không thể đẩy chất thải ra bên ngoài.
Để khắc phục tình trạng này mẹ bầu cần:
- Chế độ dinh dưỡng: Mẹ bầu nên tích cực sử dụng các món ăn có tác dụng nhuận tràng, giúp cải thiện tiêu hóa như: sữa chua, các loại rau xanh, khoai lang, cà rốt, các loại đậu hoặc quả tươi. Đây là những món ăn có chứa nhiều chất xơ, magie cao giúp kích thích nhu động ruột hoạt động và phòng ngừa táo bón.
Mẹ bầu nên hạn chế sử dụng các loại đồ ăn cay nóng, khó tiêu hóa hoặc các loại đồ uống có gas, nước ngọt để không làm cho tình trạng táo bón thêm nặng nề.
- Tư thế ngủ: Mẹ bầu nên chọn tư thế ngủ nghiêng sang bên trái để ruột non và ruột già có thể đào thải cặn bã ra bên ngoài tốt hơn. Từ đó có tác dụng tích cực với việc ngăn chặn táo bón.
- Ngâm chân: Ngâm chân giúp tác động lên các huyệt đạo, làm lưu thông khí huyết và điều tiết hoạt động của dạ dày, ruột. Do đó, có thể giúp cho mẹ bầu cải thiện được tình trạng táo bón hiệu quả.
Mẹ bầu nên ngâm chân mỗi buổi tối trước khi đi ngủ không chỉ giúp cải thiện tình trạng táo bón mà còn giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn.
2.11. Sụt cân
Sụt cân khi mang thai ở bà bầu trong 3 tháng đầu tiên thường gây ra triệu chứng giảm cân nhanh chóng, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, ăn uống không ngon miệng, chán ăn.
Bà bầu 3 tháng đầu bị sụt cân có thể do những nguyên nhân như sau:
- Ốm nghén: Các triệu chứng của ốm nghén như buồn nôn, nôn, chán ăn,… khiến cho mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi ăn uống kém khó hấp thụ được dưỡng chất. Tình trạng nôn khiến cho thức ăn bị đào thải ra ngoài, khiến cơ thể không tiếp nhận được các chất dinh dưỡng và năng lượng từ thức ăn.
- Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Thời điểm này mẹ bầu thường thích ăn các món ăn chua, ngọt hoặc cay. Việc ăn nhiều một nhóm các món ăn và không ăn đồng đều các nhóm thực phẩm khác khiến cho cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi và ổn định cân nặng cho mẹ bầu, mẹ bầu cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt và acid folic: Mẹ bầu nên bổ sung 400mcg axit folic/ngày và 600mg sắt/ngày. Những thực phẩm có chứa sắt và acid folic gồm: thịt bò, các loại ngũ cốc, rau có màu xanh đậm, bắp cải, gan động vật,…
- Cách bổ sung dinh dưỡng giúp tăng cân: Mẹ bầu cần ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn: chất béo, chất đạm, chất bột và vitamin. Đồng thời, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để cơ thể tiêu hóa và tăng cường hấp thu dưỡng chất từ thức ăn tốt hơn.
- Chế độ sinh hoạt: Trong sinh hoạt hàng ngày mẹ bầu cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước và hạn chế sử dụng các loại chất kích thích. Tuyệt đối không nên uống rượu bia để không gây ra nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.
- Tâm lý: Mẹ bầu cần giữ cho mình tâm trạng thoải mái, vui vẻ tránh buồn bực, stress để giúp mẹ bầu ăn uống tốt hơn để phòng ngừa sụt cân hiệu quả.
2.12. Viêm phụ khoa
Viêm phụ khoa gây ra các biểu hiện khác nhau như: Dịch âm đạo ra nhiều có thể có màu và mùi bất thường, ngứa vùng kín, đau rát khi quan hệ tình dục,…
Nguyên nhân dẫn tới viêm phụ khoa mà mẹ bầu nên chú ý đó là:
- Sức đề kháng suy giảm: Mang thai khiến cho sức đề kháng của phụ nữ giảm dần và dễ bị các loại vi khuẩn, nấm tấn công gây viêm nhiễm, trong đó có viêm phụ khoa.
- Thay đổi nội tiết tố: Trong 3 tháng đầu hormone estrogen của phụ nữ tăng cao hơn so với bình thường có thể gây ra mất cân bằng pH trong môi trường âm đạo. Điều này làm cho các loại nấm, vi khuẩn, trùng roi,… dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm.
- Vệ sinh không đúng cách: Vệ sinh vùng kín không đúng cách như thường xuyên ngâm rửa vùng kín, thụt rửa âm đạo,… tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở phụ khoa.
- Căng thẳng, mệt mỏi: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng, stress kéo dài là nguyên nhân khiến nội tiết tố thay đổi. Vì thế vi khuẩn sẽ “tranh thủ” xâm nhập và gây ngứa vùng kín.
Cách xử lý khi mẹ bầu bị viêm phụ khoa
Viêm nhiễm vùng kín có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và thai nhi. Để khắc phục tình trạng này mẹ bầu cần:
- Đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh không làm cho bệnh nặng hơn.
2.13. Thay đổi ham muốn tình dục
Thay đổi ham muốn tình dục ở bà bầu mang thai 3 tháng đầu có thể do một số nguyên nhân như sau:
- Giảm ham muốn tình dục: Ốm nghén kéo dài gây mệt mỏi, mất ngủ, khó chịu khiến cho mẹ bầu không hào hứng với chuyện chăn gối, xa lánh chuyện phòng the.
Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi tình trạng nghén giảm dần, sức khỏe mẹ bầu dần ổn định, tâm trạng tốt hơn mẹ bầu dần có nhu tình dục cầu trở lại.
- Tăng ham muốn tình dục: Trong giai đoạn đầu mang thai hormon estrogen và progesterone có xu hướng tăng cao nên mẹ bầu sẽ có nhu cầu ham muốn tình dục nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải tình trạng này.
Giải pháp khi mẹ bầu có thay đổi ham muốn tình dục
Mang thai 3 tháng đầu vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng cần chú ý về tư thế quan hệ sao cho an toàn. Mẹ bầu nên lựa chọn tư thế tình dục an toàn để không làm ảnh hưởng đến thai nhi: tư thế truyền thống, tư thế úp thìa, tư thế mép giường hoặc tư thế doggies,…
Để đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu mang thai các cặp đôi cần: Tránh quan hệ tình dục thô bạo, giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ,…
Trường hợp mẹ bầu gặp phải một số bất thường như: sa tử cung, có tiền sử sảy thai hoặc mắc các bệnh lây nhiễm thì các cặp đôi cần phải hạn chế quan hệ tình dục để không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của các chuyên gia Tổ hợp y tế MEDIPLUS về tình trạng thai hành 3 tháng đầu và cách khắc phục an toàn cho bà bầu. Mong rằng qua bài viết này mẹ bầu sẽ có thể áp dụng để làm giảm đi những cảm giác khó chịu do tình trạng ốm nghén thai kỳ.
Nếu mẹ bầu cần tư vấn thêm về chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, vui lòng gọi đến số Hotline 1900 3366 để được hỗ trợ chi tiết.
***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!